Giám khảo Giải báo chí Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam: Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Hồng Thái: Tôi xúc động với từng trang viết dự thi
Sau thời gian làm việc công tâm, nghiêm túc, Ban Giám khảo Giải báo chí Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam năm 2019 đã lựa chọn được những tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải.
Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Hồng Thái – thành viên Ban Giám khảo chia sẻ, ông thực sự xúc động với tình yêu và sự trân trọng mà các phóng viên dành cho ngành giáo dục.
Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Hồng Thái – Thành viên Ban giám khảo Giải báo chí Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam 2019.
Báo Giáo dục và Thời đại trân trọng giới thiệu những sẻ chia tâm huyết của Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Hồng Thái (Tổng Biên tập Tạp chí Công an nhân dân) về Giải báo chí Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam năm nay với tư cách thành viên Ban giám khảo”:
“Liên tiếp trong 2 năm, tôi được Bộ GD&ĐT mời tham gia Ban giám khảo cuộc thi này và phân công ở Ban sơ khảo chấm các tác phẩm báo in. Tôi thấy rất vui vì thêm một lần nữa được đọc, được chiêm nghiệm một cách thích thú những tác phẩm báo chí xuất sắc nhất, những bài báo chưng cất từ cuộc sống của hàng triệu thầy trò cả nước, những con chữ thấm đẫm mồ hôi nước mắt, tình yêu, sự vất vả của hàng trăm đồng nghiệp của mình khắp cả nước.
Nhưng xúc cảm tưởng bị mai một giữa bộn bề thị thành bỗng nhiên được tươi mới bởi hiện thực cuộc sống thầy trò ùa vào tâm não khiến những thành viên Ban giám khảo chúng tôi cũng thêm yêu cuộc sống này vì được sống, được yêu với nghìn lẻ một cái tốt, nghìn lẻ một điều tử tế đang diễn ra khắp nơi kia.
Video đang HOT
Tôi muốn tôn vinh những nhà báo mà từng con chữ của họ đều lấp lánh tình yêu, sự trân trọng, cảm phục đối với đội ngũ những thầy cô giáo đang lặng lẽ dâng hiến cuộc đời mình cho giáo dục. Cao hơn phản ảnh hiện thực một cách trung thực, giữa những dòng chữ kia ẩn chứa một tình yêu, nó truyền lửa ấm, truyền niềm tin đến bạn đọc.
Nhiều bài báo đọc xong thấy lòng mình rung động, thật khó cho điểm, vì khoảng cách giữa các bài báo dự thi không chênh nhau là bao. Đó là một áp lực. Bởi nếu bỏ sót hoặc cho điểm theo cảm tính, tôi hiểu mình đang làm tổn thương ngòi bút và tình yêu của những đồng nghiệp không quen biết mà đáng trọng kia.
Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Hồng Thái
So với cuộc thi lần thứ nhất năm 2018, số lượng các tác phẩm báo chí năm nay tăng vượt trội, số các cơ quan báo chí cả nước gửi tác phẩm dự thi cũng tăng cao, chứng tỏ giải báo chí của Bộ GD&ĐT được lan tỏa rộng, hấp dẫn lớn đối với những người làm báo nước nhà.
Ngoài các báo ở Trung ương như Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Đại đoàn kết, Người Đại biều nhân dân, Tiền Phong, Thanh niên, Lao Động, Thiếu niên tiền phong…, có nhiều báo địa phương đã tích cực tham gia như báo Sơn La, Hà Giang, Phú Thọ, Bắc Giang, Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế, Hậu Giang, Cà Mau, Vĩnh Long…
Dấu ấn tác nghiệp năm nay của các tác giả ấy là sự dũng cảm và dấn thân. Để có những tác phẩm báo chí như là “thư ký của cuộc sống”, người viết cũng lăn lộn, cũng “ba cùng” với thầy trò vùng núi hiểm trở, vùng xa, vùng sâu, sông nước,…
Một thế mạnh của giải năm nay, đó là xu hướng tìm tòi khá đa dạng các đề tài báo chí của các tác giả: Đối diện với sự thật, không né tránh hiện thực.
Ngoài lựa chọn mảng đề tài giáo dục miền núi vốn thiếu thốn đủ thứ triền miên bao năm, một con chữ gánh một đường trường thì nhiều nhà báo đã chọn những vấn đề khó, những vấn đề cốt tử của ngành giáo dục – đào tạo hiện nay, như tự chủ giáo dục đại học, như bạo lực học đường, như dạy và học thời kỳ 4.0, giáo dục mầm non, đời sống khó khăn của giáo viên, những thách thức mà tương lai giáo dục nước nhà phải “vắt óc” tìm giải pháp.
Và điều đáng mừng nhất là mỗi bài báo dự thi đều mang một tấm lòng và trách nhiệm của các tác giả cùng đi tìm những giải pháp cho các vấn đề giáo dục của một nhà báo có tâm.”
Kim Thoa ghi
Theo GDTĐ
Công đoàn ngành giáo dục với cuộc vận động "Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo"
Những năm qua, cuộc vận động (CVĐ) "Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo" do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và Công đoàn Giáo dục Việt Nam phát động đã thu hút đông đảo đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý và người lao động trong ngành, tích cực hưởng ứng và tổ chức thực hiện.
CVĐ đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong đội ngũ nhà giáo về ý thức tu dưỡng rèn luyện đạo đức cách mạng, đạo đức nghề nghiệp, thường xuyên tự học nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và sáng tạo trong các hoạt động giáo dục và quản lý giáo dục, góp phần đổi mới mạnh mẽ sự nghiệp GD&ĐT trên địa bàn tỉnh.
Cô và trò Trường THCS Đông Hòa (Đông Sơn) trong giờ học.
Để CVĐ đi vào chiều sâu, Sở GD&ĐT, công đoàn ngành giáo dục đã ban hành hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở giáo dục trong tỉnh đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, xây dựng chuẩn mực đạo đức nhà giáo gắn với chuẩn nghề nghiệp giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục; đồng thời cụ thể hóa các tiêu chí phù hợp với đối tượng nhà giáo, bảo đảm các yếu tố văn hóa, vùng miền và điều kiện thực tiễn... Kết quả, 100% cơ sở giáo dục trong tỉnh đã thành lập ban chỉ đạo và xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai CVĐ gắn với nhiệm vụ chính trị của nhà trường. Đặc biệt, CVĐ "Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo" trong những năm qua được gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh góp phần làm cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động, tự giác rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, tinh thần tự học và sáng tạo, đặc biệt là việc nêu gương về phẩm chất nhà giáo nhằm tạo một môi trường sư phạm thực sự mô phạm, chuẩn mực để học sinh noi theo.
Thông qua CVĐ, phẩm chất đạo đức, chính trị của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tiếp tục được nâng cao. Điều đó thể hiện ở việc có nhiều tấm gương nhà giáo về sự tận tụy với công việc, tâm huyết với nghề, có lòng nhân ái, yêu thương giúp đỡ học sinh, giúp đỡ đồng nghiệp được các thế hệ học trò tin yêu, quý trọng. Bên cạnh việc tu dưỡng đạo đức, ở các cấp học, bậc học đã dấy lên phong trào học tập và tự học trong đội ngũ nhà giáo ở các nhà trường nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, do đó tỷ lệ giáo viên có trình độ đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn ngày càng cao. Hiện tại số giáo viên mầm non có trình độ đạt chuẩn trở lên là 99,8%; giáo viên tiểu học có trình độ đạt chuẩn trở lên là 99,9%; giáo viên THCS có trình độ đạt chuẩn trở lên 98,8%; giáo viên THPT có trình độ đạt chuẩn trở lên là 99,65%.
Việc học và tự học ngoại ngữ, tin học ngày càng được các nhà giáo coi trọng. Hiện nay kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, quản lý tại các nhà trường, đơn vị đã được nâng lên rõ rệt, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhìn chung đều ứng dụng tốt công nghệ thông tin, các phương tiện hiện đại trong tổ chức dạy học. Qua 3 năm triển khai phong trào thi đua "Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học", 100% các cơ sở giáo dục đã triển khai đến cán bộ, giáo viên; đồng thời cụ thể hóa nội dung thi đua thành những tiêu chí cụ thể phù hợp với đơn vị. Kết quả, có 8.970 giải pháp, trong đó cá nhân có 7.994 giải pháp, nhóm "Nhà giáo cùng nhau phát triển" 976 giải pháp.
Những tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo của đội ngũ nhà giáo đã góp phần duy trì nền nếp kỷ cương trong các đơn vị giáo dục, chất lượng GD&ĐT của toàn ngành được duy trì. Nhiều năm qua, số giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh ở các bậc học ngày càng tăng; số học sinh giỏi quốc gia, quốc tế và học sinh đỗ vào các trường đại học đạt điểm cao của Thanh Hóa luôn đứng vào tốp đầu cả nước. Đặc biệt, năm học 2017-2018, ngành giáo dục Thanh Hóa có 6 học sinh đạt huy chương khu vực và quốc tế; năm học 2018-2019, có 4 học sinh đạt huy chương khu vực và quốc tế, kết quả thi THPT quốc gia năm học 2018-2019 Thanh Hóa có số lượng thủ khoa cao nhất cả nước.
Từ các phong trào thi đua và CVĐ "Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo" trong ngành GD&ĐT, đã xuất hiện nhiều tập thể và cá nhân điển hình ở tất cả các cấp học, ngành học. Tiêu biểu như thầy giáo Lê Văn Hoành, thầy giáo Lê Hồng Điệp, cô giáo Châu Mai Phương (Trường THPT chuyên Lam Sơn) liên tục có học sinh đạt giải quốc gia, quốc tế; cô giáo Bùi Thị Dung, Trường Mầm non Đồng Lương (Lang Chánh); cô giáo Nguyễn Thị Thủy, giáo viên Trường THCS Nhữ Bá Sỹ (Hoằng Hóa)... Kết quả, trong 10 năm học (từ năm học 2008-2009 đến năm học 2017-2018), toàn ngành đã có 18.470 sáng kiến kinh nghiệm của cán bộ, giáo viên được xếp loại cấp ngành; 34 đề tài khoa học cấp tỉnh; 4 đề tài được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo; 131 nhà giáo được tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú, 5 nhà giáo được tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân; 300 cá nhân được tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp tỉnh; nhiều tập thể và cá nhân được nhận Cờ thi đua, Huân chương...
Có thể khẳng định, CVĐ "Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo" có tác động to lớn đến đông đảo nhà giáo và nhân viên toàn ngành. Qua đó xây dựng đội ngũ giáo viên vững mạnh, nâng cao chất lượng GD&ĐT, đồng thời góp phần to lớn vào việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Bài và ảnh: Thanh Huê
Theo baothanhoa
Giáo dục Thủ đô: Dấu ấn 65 năm phát triển và hội nhập Ngay sau thời khắc Thủ đô được giải phóng là sự ra đời của ngành GD-ĐT Hà Nội. Sự kiện đã mở ra một trang sử mới, đưa sự nghiệp giáo dục và đào tạo của Thủ đô ngày một lớn mạnh và phát triển. Dấu ấn 65 năm Giáo dục Thủ đô Ngày 9/10/1954, Thành phố Hà Nội quyết định thành lập...