Giảm hồ sơ, sổ sách cho giáo viên: Bước đổi mới trong tư duy quản lý
Ngoài giờ lên lớp, giáo viên phải hoàn thành quá nhiều hồ sơ, sổ sách (HSSS) không phục vụ cho nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, không có thời gian để tái tạo sức lao động và sáng tạo.
Đưa ra nhận định này, nhiều giáo viên đánh giá cao Chỉ thị 138/CT-BGDĐT về việc chấn chỉnh tình trạng lạm dụng HSSS trong nhà trường; đồng thời kỳ vọng, những HSSS mà Chỉ thị đưa ra cần được thiết kế hoặc có những yêu cầu thực sự khoa học, hiệu quả, dễ thực hiện.
Quá nhiều HSSS, giáo viên đối phó
Cô Trần Thị Thảo – Tổ trưởng Tổ Văn Trường THCS – THPT Ban Mai (Hà Nội) – tính sơ bộ, một giáo viên dạy phổ thông mỗi năm học phải hoàn thành khoảng trên dưới 10 loại HSSS. Tùy vào vị trí chuyên môn được phân công và công tác kiêm nhiệm mà số lượng HSSS cũng tăng theo.
Các loại HSSS quen thuộc với giáo viên như giáo án (chính khóa, phụ đạo, bồi dưỡng…); kế hoạch (kế hoạch cá nhân, kế hoạch tổ – nhóm chuyên môn, kế hoạch bồi dưỡng HSG, kế hoạch phụ đạo HS yếu kém, kế hoạch dạy học…); lịch báo giảng; sổ sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn, sổ chủ nhiệm, sổ điểm cá nhân, sổ gọi tên ghi điểm, sổ học bạ, hồ sơ theo dõi và xếp loại hạnh kiểm HS, sổ theo dõi sử dụng đồ dùng dạy học, sổ họp, sổ tự bồi dưỡng chuyên môn, sổ lưu và chấm chữa bài kiểm tra…
“Trong rất nhiều loại hồ sơ ấy, có những hồ sơ hoàn toàn vô bổ, mất thời gian, công sức của giáo viên. Lẽ ra, thời gian đó, thầy cô dùng để nghiên cứu bài học, đổi mới phương pháp để mang đến những tiết học thực sự có giá trị cho HS. HSSS nhiều nên nhiều khi giáo viên hoàn thành mang tính đối phó để kiểm tra, không có chất lượng. Các cuộc kiểm tra của Phòng, Sở chủ yếu kiểm tra hồ sơ mang tính hành chính mà chưa đi sâu kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục thực tế của nhà trường, chưa hỗ trợ trường sở tại trong việc đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục” – cô Trần Thị Thảo cho hay.
Từ thực tế công việc, cô Tô Thị Bình – giáo viên Trường THCS Giao Thủy (Nam Định) – cho rằng, hiện nay sổ dự giờ và sổ chủ nhiệm đều rất hình thức. Đặt câu hỏi: Cần sổ chủ nhiệm để làm gì khi chúng ta cập nhật thường xuyên và sử dụng CNTT trong quản lý điểm và hồ sơ, cô Tô Thị Bình cho rằng, nên giảm 2 loại hồ sơ này, thay vào đó giáo viên chủ nhiệm tập trung đầu tư cho tiết sinh hoạt lớp sẽ hiệu quả hơn. Cô Bình cũng kiến nghị, để giáo viên cả nước có cơ hội học hỏi, giao lưu lẫn nhau, thay vì mỗi tổ, nhóm chuyên môn có 2 chuyên đề trên “Trường học kết nối”/1 học kỳ thì bất kỳ giáo viên nào cũng phải có và đưa trên “Trường học kết nối”, như thế hiệu quả hơn nhiều so với dự giờ hay viết sáng kiến kinh nghiệm.
Ảnh minh họa
Video đang HOT
Giảm gánh nặng cho GV trong sự vụ hành chính
Trước những bất cập liên quan đến quy định về HSSS với giáo viên, cô Trần Thị Thảo nhận định: Chỉ thị của Bộ GD&ĐT nhằm chấn chỉnh tình trạng lạm dụng HSSS trong nhà trường là một bước đổi mới trong tư duy quản lí của bộ ngành về giáo dục. Là giáo viên trực tiếp giảng dạy và thực hiện công tác HSSS, tôi đánh giá cao chỉ thị này.
“Theo chỉ thị, giáo viên chỉ cần hoàn thành 4 loại HSSS, đây cũng là 4 loại HSSS quan trọng nhất, thiết thực nhất đối với giáo viên. Tuy nhiên, tôi kì vọng, với những loại HSSS mà Chỉ thị đưa ra cần thiết kế hoặc có những yêu cầu thực sự khoa học, hiệu quả, dễ thực hiện. Vì bản chất công tác giảng dạy và công tác quản lí ở nhà trường nhiều và phức tạp hơn 4 loại HSSS đưa ra, nên các HSSS trên phải có công năng tốt, tránh tình trạng gọi chung một tên gọi cho nhiều loại sổ sách khác nhau (tích hợp cơ học nhiều HSSS trong 1 loại hồ sơ)” – cô Trần Thị Thảo nêu ý kiến.
Chia sẻ kinh nghiệm của nơi mình công tác, cô giáo Trần Thị Thảo cho biết, nhà trường đã có những giải pháp để giảm gánh nặng HSSS và tăng cường bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên. Theo đó, giảm thiểu những HSSS vô bổ, trùng lặp và chồng chéo. Tập trung đầu tư và cẩn thận với các HSSS quan trọng cho công tác giảng dạy và quản lí của giáo viên như giáo án, kế hoạch dạy học nhà trường, sổ sinh hoạt chuyên môn, sổ điểm, sổ chủ nhiệm… Nhà trường cũng thường xuyên tổ chức tập huấn, sinh hoạt chuyên môn để giáo viên được chia sẻ và học tập kinh nghiệm, nâng cao chuyên môn. Cùng với đó, thực hiện đánh giá giáo viên trên chất lượng giáo dục và hiệu quả công việc, không quá đề cao quản lí hồ sơ hành chính.
Cũng công tác tại Trường THCS – THPT Ban Mai (Hà Nội), cô Lê Thị Thuỳ Dương mong muốn các hồ sơ có thể số hóa, sử dụng online, linh hoạt trong việc lưu trữ. Hồ sơ có thể lưu trữ online, lưu dưới dạng bản mềm, hạn chế việc in ấn quá nhiều. Nhà trường thực hiện đúng quy định chung của ngành, linh động tạo điều kiện giáo viên sử dụng chung giáo án có chất lượng.
Nhất trí và đồng tình cao với các nội dung Chỉ thị của Bộ GD&ĐT, thầy Nguyễn Ngọc Toán – Trường THPT Công nghiệp Việt Trì (Phú Thọ) – lý giải: Chỉ thị quy định rõ số lượng các loại HSSS của giáo viên từng cấp học trong nhà trường và trách nhiệm thực hiện của các đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan. Chỉ thị được ban hành làm giảm gánh nặng cho giáo viên trong việc thực hiện những sự vụ hành chính không cần thiết, tập trung thời gian cho việc nghiên cứu, đầu tư chuyên môn nâng cao chất lượng giảng dạy.
Tuy nhiên, thầy Nguyễn Ngọc Toán cũng cho rằng, phải quy định trách nhiệm đối với giáo viên trong việc sử dụng HSSS điện tử. Giáo viên lợi dụng HSSS điện tử làm trái với lương tâm, đạo đức nghề nghiệp, cố tình làm sai kết quả kiểm tra đánh giá thì cũng phải kỷ luật nghiêm.
“Trong những năm học vừa qua, Sở GD&ĐT Phú Thọ đã chỉ đạo Hiệu trưởng các trường chấn chính việc đề ra các loại HSSS không đúng quy định, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho giáo viên dành nhiều thời gian cho công tác chuyên môn, nâng cao chất lượng dạy và học. Đồng thời, Sở đã chỉ đạo tăng cường ứng dụng CNTT vào quản lý và dạy học đã tạo được sự đồng thuận rất lớn trong ngành và giúp cho giáo viên giảm bớt rất nhiều áp lực trong công việc” – thầy Nguyễn Ngọc Toán chia sẻ thêm.
Hiếu Nguyễn
Theo giaoducthoidai
Giảm áp lực sổ sách giáo viên, trên bảo dưới có nghe?
Bên cạnh nhiều ý kiến vui mừng vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về tính khả thi, bởi điều quan trọng dưới cơ sở có thực hiện hay không là do vai trò của hiệu trưởng.
Lâu nay, sổ sách của giáo viên vẫn thường được gọi là những "việc không tên" chiếm mất nhiều thời gian.
Trên diễn đàn Chúng tôi là giáo viên, tài khoản Văn Giang đã kiệt kê ra các loại sổ mà giáo viên đang phải gánh hiện nay như: giáo án, sổ điểm, sổ kế hoạch giảng dạy, sổ đầu bài, sổ dự giờ (1 năm đủ 18 tiết), sổ hội họp, sổ chủ nhiệm, sổ mượn đồ dùng dạy học, sổ đăng ký mượn đồ dùng dạy học, và sổ học bồi dưỡng thường xuyên...
Cách đây 4 năm Bộ GD-ĐT đã có quy định rõ về sổ sách của giáo viên, tuy nhiên trên thực tế giáo viên vẫn bị "ngập" trong sổ sách
Còn cách đây 4 năm Bộ GD-ĐT cũng có công văn số 68 về việc chấn chỉnh việc lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong nhà trường.
Công văn quy định rõ giáo viên chỉ phải làm 4 loại sổ sách như: Giáo án (có thể kết hợp soạn nhiều môn trong một cuốn); Sổ ghi kế hoạch giảng dạy và ghi chép sinh hoạt chuyên môn, dự giờ, thăm lớp; Sổ điểm cá nhân (không yêu cầu đối với giáo viên Tiểu học); Sổ chủ nhiệm (đối với giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp).
Cô giáo Trần Thị Hồng, giáo viên ở quận 9, TP.HCM cho rằng, hiện nay giáo viên đang "gánh" qúa nhiều sổ sách, vì vậy Chỉ thị không đặt thêm sổ sách cho giáo viên là một tín hiệu vui. Tuy nhiên, vẫn chưa giải quyết tận gốc vấn đề. Theo cô Hồng, chưa giải quyết được tận gốc vấn đề là do Chỉ thị yêu cầu không đặt thêm sổ sách chứ không phải là cắt giảm những sổ sách mà giáo viên đang phải "gánh".
Trong khi đó, cô Phạm Thúy Hà, nguyên hiệu trưởng Trưởng tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, quận 4, TP.HCM, bộc bạch cô rất tán thành việc làm này của Bộ GD-ĐT. Theo cô Hà, để có một tiết dạy tốt giáo viên đã phải đầu tư rất nhiều thứ, chiếm nhiều thời gian. Do vậy, nếu bớt được công việc giấy tờ giáo viên sẽ có thêm thời gian để tập trung giảng dạy.
Cô Hà cho rằng, giáo viên chỉ cần giữ những sổ sách theo đúng lịch như lên lớp thì có giáo án còn những sổ sách không cần thiết thì cũng nên cắt giảm. Ngoài ra hiện nay sổ kế hoạch của giáo viên đã tích hợp, nên không cần tăng thêm sổ chi tiết nữa. Việc có nhiều sổ sách chỉ làm giáo viên mất thời gian mà thôi.
Trong khi đó cô Trần Phương Thảo, giáo viên THPT ở Nghệ An, cho rằng việc giáo viên "ngập" trong sổ sách đã diễn ra từ lâu. Gần đây, nhà trường đã tạo điều kiện cho "tích hợp" nhiều sổ nên phần nào giảm tải những sổ sách không cần thiết. Tuy nhiên khi thực hiện sổ sách điện tử và tích hợp lại xảy ra tình trạng sao chép của nhau dẫn tới mất ý. Vì vậy việc không đặt ra sổ sách và cắt giảm là điều nên làm để giáo viên tập trung giảng dạy, tránh hình thức, sổ sách cho đủ.
Trên diễn đàn Chúng tôi là giáo viên, vấn đề cắt giảm sổ sách cho giáo viên nhận được nhiều ý kiến ủng hộ. Một nhà giáo có tài khoản Cuộc sống xanh đưa ra quan điểm: "Thiết nghĩ giáo viên chỉ cần 2 sổ, 1 là giáo án 2 là sổ điểm. Quan trọng là học sinh học được kiến thức, chứ sổ sách bày đặt lại chép chép, ghi lại của nhau được gì. Nên để thời gian chép sổ cho để nghiên cứu bài vở".
Còn cô giáo mầm non có tên Phạm Bảo Ngọc, cho rằng ở bậc mầm non chỉ cần giảm sổ chấm ăn, sổ đón trả trẻ, sổ điểm danh gộp vào thành 1 loại sổ, nên cắt sổ tích luỹ và bồi dưỡng hiện nay. Theo cô giáo này cũng phải xem việc thực hiện ở các trường như thế nào, tránh tình trạng trên dưới không đồng nhất.
Tuy nhiên, bên cạnh nhiều ý kiến vui mừng vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về tính khả thi, bởi điều quan trọng dưới cơ sở có thực hiện hay không là do vai trò của hiệu trưởng
Nhà giáo có tài khoản Tuyết Trần thì cho rằng: "Bộ đã có Chỉ thị bằng văn bản yêu cầu các địa phương tuyệt đối không được đặt thêm các loại sổ sách cho giáo viên. Có nghĩa Bộ cấm không được đặt thêm thôi, chứ không có bỏ bớt, do vậy giáo viên vẫn cứ như cũ mà thực hiện".
Hiệu trưởng một trường tiểu học ở TP.HCM cho hay cách đây 4 năm Bộ GD-ĐT đã có công văn chấn chỉnh việc lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong nhà trường. Trên thực tế các trường hiện nay đã áp dụng điều này. Tuy nhiên hiệu trưởng này cho rằng Chỉ thị lần này sẽ tiếp tục là động lực cho giáo viên cắt giảm những việc "không tên" để tập trung giảng dạy.
Còn thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM, cho rằng chỉ đạo của Bộ GD-ĐT sẽ làm giáo viên vui hơn, tuy nhiên bản thân ông hơi băn khoăn, ở địa phương có áp dụng triệt để chỉ đạo này hay không vì hiện tại mỗi giáo viên có quá nhiều loại hồ sơ. Theo thầy Phú cái mà ngành giáo dục hiện nay đang tụt hậu là vì còn hồ sơ bắt viết tay. Trong thời đại mà mọi ngành đều gắn liền cuộc cách mạng 4.0 thì điều này thật thương cho giáo viên. Thầy Phú đề xuất, Bộ nên lập 1 kênh phản hồi của giáo viên các trường để kịp thời chấn chỉnh. Đơn vị, trường học nào không thực hiện nên có chế tài xử lý cụ thể.
Lê Huyền
Theo vietnamnet
Cấm tuyệt đối đặt thêm hồ sơ sổ sách cho giáo viên Bộ GD-ĐT vừa ra chỉ thị cấm các sở, phòng và các trường không được quy định thêm những loại hồ sơ, sổ sách ngoài giáo án, sổ chuyên môn... Ảnh minh họa Bộ GD-ĐT cho biết, thời gian qua Bộ đã triển khai các biện pháp chấn chỉnh việc lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong các trường mầm non, trường phổ...