Giám đốc viện nghỉ họp Quốc hội chuyển tim hiến tặng về Huế ghép
Tim được người chết não ở Hà Nội hiến, chuyển bằng máy bay ra Đà Nẵng và ôtô đưa đến Bệnh viện Trung ương Huế ghép cho bệnh nhân.
Đêm 14/6, giáo sư Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, bệnh viện đã thực hiện thành công ca ghép tim này. Người nhận tim là một bệnh nhân 15 tuổi. Giáo sư Hiệp đang trong kỳ họp Quốc hội đã xin nghỉ họp để tham gia vận chuyển tạng từ Hà Nội về Huế.
GS.TS Phạm Như Hiệp (áo xanh) vận chuyển quả tim từ Hà Nội vào Huế. Ảnh: Bệnh viện Trung ương Huế.
Theo giáo sư Hiệp, trái tim của người hiến tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) phù hợp với bệnh nhân 15 tuổi bị suy tim giai đoạn cuối đang trong danh sách chờ ghép tim ở Bệnh viện Trung ương Huế. Các bác sĩ hai bệnh viện quyết định phối hợp nhận tạng chuyển vào Huế. Sau khi tham khảo thời gian các chuyến bay đến Huế và Đà Nẵng, giáo sư Hiệp tham gia lấy tạng, đồng thời cùng với các chuyên gia bảo quản tim của Bệnh viện Việt Đức trực tiếp vận chuyển về Huế. Về đến Huế, giáo sư Hiệp lại bắt tay chỉ đạo thực hiện ca ghép tim. Kíp mổ do bác sĩ Trần Hoài Ân, Giám đốc Trung tâm Tim mạch thực hiện.
Khác với ca ghép tim một tháng trước, hành trình vận chuyển quả tim lần này khó khăn hơn bởi phải bay vào Đà Nẵng rồi mới đưa bằng ôtô về Huế. Tuy vậy nhờ các bác sĩ chuẩn bị kỹ, phối hợp nhuần nhuyễn và sự tham gia gấp rút của giáo sư Hiệp, thời gian từ khi lấy tim tại Bệnh viện Việt Đức về đến Bệnh viện Huế chỉ mất 3 giờ rưỡi.
Ê kíp bác sĩ bệnh viện Trung ương Huế thực hiện ca ghép tim. Ảnh: Bệnh viện Trung ương Huế
Quả tim của người hiến với nhịp đập đều đặn đã đảm bảo huyết động trong lồng ngực của cậu bé 15 tuổi lúc 2h30 sáng 14/6 và cuộc mổ kết thúc lúc 6h sáng. Đến 9h sáng, bệnh nhân đã hồi tỉnh, huyết động ổn định và tiếp tục được chăm sóc, theo dõi rất chặt chẽ tại Khoa Gây mê hồi sức Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Huế. Chức năng của trái tim được ghép đã hoạt động rất tốt với phân suất tống máu (EF) là 61%.
Video đang HOT
Trước đó một tháng, ê kíp bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế đã thực hiện thành công ca ghép tim xuyên Việt cứu sống bệnh nhân nam suy tim nặng.
Võ Thạnh
Theo vnexpress.net
Hé lộ bất ngờ về những lần vận chuyển tạng cấp cứu xuyên quốc gia
Hàng không quốc gia có 3 ca vận chuyển tạng cấp cứu bằng máy bay để thực hiện ghép tim và gan cho các bệnh nhân Hà Nội, TPHCM và Huế. Đáng nói, có trường hợp quá bất ngờ nên phi hành đoàn phải xếp thùng chứa tạng vào ngăn tủ bếp máy bay để vận chuyển đi cấp cứu.
Pha "chữa cháy" có 1 không 2 tại sân bay
Ngành y tế Việt Nam bắt đầu thực hiện thành công ca ghép tim đầu tiên từ năm 2010 tại Bệnh viện Quân y 103 (Hà Nội). Từ năm 2015, khi hoạt động hiến tạng diễn ra nhiều hơn, tuy nhiên do nhiều người hiến tạng với người tiếp nhận sự sống ở cách xa nhau nên phát sinh nhu cầu ghép tim xuyên Việt, cũng vì thế hành trình vận chuyển tạng bắt buộc phải được thực hiện bằng đường hàng không.
Trước ca ghép tim Hà Nội - Huế vừa diễn ra thành công hồi giữa tháng 5, Vietnam Airlines đã từng có 2 lần vận chuyển tạng cấp cứu bằng máy bay giữa TPHCM - Hà Nội (tháng 9/2015, tháng 4/2016).
Chia sẻ với PV Dân trí về lần vận chuyển tạng đầu tiên vào tháng 9/2015, các cán bộ Ban Dịch vụ Thị trường của Vietnam Airlines cho biết đó là ca vận chuyển đột xuất với nhiều cảm xúc đặc biệt.
Ca phẫu thuật ghép tạng thành công giữa bệnh nhân chết não ở Hà Nội và bệnh nhân tại Huế mới đây
Khi đó là cuối buổi chiều, nhân viên mặt đất của Vietnam Airlines bất ngờ gặp GS. TS Trịnh Hồng Sơn - Phó Giám đốc BV Việt Đức (Hà Nội) cùng ekip tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Do bác sỹ Sơn từng điều trị cho người nhà nên nhân viên mặt đất đã nhận ra và tới chào. Khi hỏi bác sỹ bay đi đâu, bác sĩ Sơn nói đang cùng ekip tìm chuyến bay sớm nhất để chuyển tim về BV Việt Đức ghép cho bệnh nhân ngay trong ngày, trái tim chỉ có thể bảo quản tốt nhất trong 4-6 giờ.
Quá bất ngờ, nhân viên này lập tức báo cáo lãnh đạo trực tại sân bay giải quyết chỗ trên chuyến bay gần nhất cho đoàn bác sỹ Trịnh Hồng Sơn đang làm nhiệm vụ cấp cứu. Tuy nhiên, vào giờ cao điểm, đoàn đi gần 10 người nên rất khó để lấy được đủ chỗ trên máy bay sắp cất cánh, đặc biệt là vị trí tốt nhất cho thùng chứa tạng và đảm bảo thuận tiện nhất để bác sỹ bơm dung dịch bảo quản giúp tạng không bị hoại tử tế bào.
Sau khi bàn bạc kỹ càng, cuối cùng tổ bay quyết định xếp hộp chứa tạng vào tủ bếp phía trước của máy bay. Ở vị trí này, các thùng được cố định vào sàn bếp khá rộng rãi để các bác sĩ có thể đến kiểm tra khi cần thiết.
Trái tim được lấy ra khỏi lồng ngực người hiến lúc 17h và 21h máy bay cất cánh vận chuyển về Hà Nội. Cả phi hành đoàn và đội ngũ bác sĩ đều hồi hộp, lo lắng. Phi công được yêu cầu điều khiển máy bay di chuyển tránh các vùng mây để giảm độ xóc thấp nhất có thể, còn tiếp viên được yêu cầu phối hợp tốt nhất với các bác sĩ khi có tình huống phát sinh. 23h cùng ngày, sau khi máy bay hạ cánh xuống Nội Bài, kíp bác sỹ đã đưa trái tim lên xe cấp cứu và chạy thẳng về Bệnh viện Việt Đức, vừa kịp thời gian vàng để cho ca ghép thành công.
Các bác sỹ và ê kíp vận chuyển tạng cấp cứu di chuyển bằng đường hàng không
Ca ghép thứ 2 diễn ra tháng 4/2016, Vietnam Airlines một lần nữa phải triển khai phương án đột xuất để vận chuyển cấp cứu tạng từ TPHCM ra Hà Nội.
Ưu tiên đặc biệt, giảm thiểu rủi ro
Từ thực thế nhu cầu ghép tạng rất lớn, Vietnam Airlines đã phối hợp với Trung tâm này xây dựng Quy trình phục vụ vận chuyển tạng cấp cứu với chủ trương ưu tiên bố trí chuyến bay, miễn phí tạng cần vận chuyển trên khoang Thương gia và các thiết bị đi kèm. Quy trình này vừa được hoàn thiện vào tháng 2/2018.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Lê Hồng Hà - Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines - cho biết, đây là một quy trình đòi hỏi sự ưu tiên đặc biệt, chuyến bay vận chuyển tạng khác nhiều so với các chuyến bay thông thường. Với quy trình này, sẽ không còn cảnh phải "chữa cháy" đột xuất trong các tình huống cần vận chuyển tạng cấp cứu phục vụ y tế như từng diễn ra trước đây, sẽ chủ động trong xử lý những bất thường trong quá trình vận chuyển tạng.
Theo ông Lê Hồng Hà, khó nhất của Quy trình là chuẩn bị máy bay làm sao đảm bảo kỹ thuật và đúng giờ nhất so với dự kiến của bác sĩ để đảm bảo thời gian vận chuyển ở 2 đầu phòng mổ lấy tim - ghép tim nằm đúng trong khung giờ vàng bảo quản.
"Việc vận chuyển miễn cước thùng chứa tạng dưới hình thức hành lý đặc biệt đặt trên ghế hành khách, mỗi thùng đặt trên 2 ghế hành khách, vì vậy Vietnam Airlines áp dụng tiêu chuẩn hành lý xách tay của các bác sĩ và ê kíp vận chuyển tạng như hạng thương gia, phục vụ ưu tiên hành lý ký gửi (gắn thẻ ưu tiên). Ưu tiên làm thủ tục, xếp chỗ trên chuyến bay, lên/xuống máy bay cho bác sỹ, ê kíp vận chuyển tạng." - ông Hà cho biết.
Thùng chứa tạng được đặt ở vị trí của 1 hành khách hạng Thương gia trên máy bay, được cố định chắc chắn và đảm bảo tốt nhất trong quá trình vận chuyển
Trong quy trình cũng tính toán các tình huống khẩn cấp, nếu nhu cầu vận chuyển phát sinh khi chuyến bay đã đầy chỗ, phải có phương án kêu gọi, thuyết phục khách nhường chỗ cho ekip ghép tim. Nếu chuyến bay gặp thời tiết xấu, máy bay sẽ đáp xuống sân bay nào gần nhất và phi công phải thông báo với sân bay dự bị để chuẩn bị xe cấp cứu và thiết bị vận chuyển nối tiếp đến bệnh viện thực hiện ghép...
Chuyến bay có vận chuyển tạng được ưu tiên khai thác hơn các chuyến bay thương mại khác. Ê kíp vận chuyển tạng đã đặt chỗ trên chuyến bay sẽ được vận chuyển trong mọi trường hợp. Cùng đó, khâu vận chuyển cũng cần hỗ trợ rất nhiều từ các dịch vụ tại sân bay, an ninh hàng không... Khi đã có quy trình, tất cả các thông tin giữa 2 đầu bệnh viện, sân bay, hãng vận chuyển đều được khớp nối từng phút, giảm thiểu những rủi ro như trước đây.
Theo các chuyên gia y tế và hàng không, với đặc thù vận chuyển tạng ghép xuyên Việt thì tối ưu nhất là đi cùng máy bay thương mại, việc thuê trực thăng bay cấp cứu y tế rất đắt đỏ. Tại Việt Nam, chi phí vận chuyển trực thăng tính theo giờ, khoảng 4.000 - 7.600 USD/giờ (tuỳ loại máy bay). Vận chuyển tạng có tính chất bất ngờ, trong khi bay trực thăng phải xin giấy phép theo chuyến và phải khảo sát điểm cất/hạ cánh.
Châu Như Quỳnh
Theo Dân trí
Nam sinh 16 tuổi đã không thể chờ phép màu nhận tim hiến Cậu bé 16 tuổi Nguyễn Anh Đ. đã không thể chờ phép màu nhận tim hiến, cậu đã ra đi mãi mãi sau 20 ngày mỏi mòn chờ đợi được thay tim. Tin từ Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể cho biết, cậu bé đã từ giã cõi đời ngày 21/5, sau những chuỗi ngày mòn mỏi...