Giám đốc trẻ khởi nghiệp lập HTX, đưa được rau sạch vào VinEco
Là một trong những HTX điển hình của tỉnh trong sản xuất rau an toàn tự nhiên, HTX rau an toàn Tứ Xã, huyện Lâm Thao, Phú Thọ đã dần có chỗ đứng trên thị trường, được nhiều người biết đến với dịch vụ sản xuất, sơ chế và tiêu thụ sản phẩm rau đóng gói.
HTX rau an toàn tự nhiên xã Tứ Xã được thành lập từ cuối năm 2016, tập hợp nhiều hộ nông dân sản xuất có kinh nghiệm trồng rau màu từ lâu đời, với tổng diện tích lên đến hơn 10ha.
Chia sẻ về những ngày đầu bắt tay vào việc vận động bà con trong xã tham gia vào sản xuất rau an toàn tự nhiên của HTX, ông Nguyễn Văn Nghĩa (Giám đốc HTX rau an toàn Tứ Xã) cho biết: Bà con quen với việc sản xuất theo cách truyền thống, tự sản xuất và tự tìm đầu ra cho mình bằng cách bán ngoài chợ, bán rong… Người dân còn ngại thay đổi, sợ mình không làm được nên thời điểm đầu tiên chúng tôi gặp khá nhiều khó khăn trong việc thành lập HTX rau an toàn tự nhiên.
HTX rau an toàn tự nhiên xã Tứ Xã tập hợp nhiều hộ nông dân sản xuất với tổng diện tích lên đến hơn 10ha.
Tuy nhiên, sau một thời gian bà con đã dần thay đổi đổi tư duy sản xuất truyền thống, số hộ tham gia vào HTX ngày càng đông, góp phần tạo niềm tin cho bà con trong xã. Thành công bước đầu đã hiện thực hóa, khi từ năm 2017 đến nay, sản phẩm rau an toàn Tứ Xã đã nằm trong hệ thống siêu thị Vinmart thuộc Công ty VinEco – một thị trường khó tính của cả nước với sản lượng 800kg – 1,2 tấn/ ngày.
Ông Nghĩa cho biết thêm: Đến nay, đã có 70 hộ tham gia với diện tích canh tác hơn 10ha, giá trị sản xuất trên mỗi đơn vị diện tích được nâng cao đáng kể. Mỗi ngày HTX xuất khoảng 800 – 1,2 tấn rau an toàn ra các thị trường trong và ngoài tỉnh.
Xã viên trồng đa dạng các loại rau như: bầu, mướp hương, cải, mướp đắng. thì là, cần tây…
Video đang HOT
Cũng theo ông Nghĩa, tới đây HTX sẽ tiếp tục duy trì là một trong những cơ sở sản xuất chất lượng để cung cấp hàng cho Công ty VinEco. Bên cạnh đó, đến năm 2020, sẽ mở rộng quy mô lên 20ha, kết nối thêm với các thị trường khác để sản phẩm có đầu ra bền vững, đảm bảo đời sống, thu nhập cho các hộ tham gia HTX.
Chúng tôi sẽ mở một siêu thị cửa hàng rau sạch, rau an toàn tự nhiên tại trung tâm TP.Việt Trì để cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho bà con, ông Nghĩa cho hay.
Trò chuyện với PV, bà Lê Thị Thắm (khu 21, Tứ xã, huyện Lâm Thao) cho biết: Lúc đầu nghe chú Nghĩa giới thiệu và kêu gọi mọi người vào HTX rau an toàn, người dân chúng tôi đều sợ không làm được nên còn ngại. Khi chưa làm thì thấy khó, nhưng khi làm rồi thấy quen cũng dễ mà giá ổn định và cao hơn bên ngoài thị trường
Người dân phải đảm bảo đúng quy trình chăm sóc cho đến đóng gói, đạt tiêu chuẩn của đối tác.
Cùng chung ý kiến với bà Thắm, bà Khổng Thị Dung, là một trong những hộ tham gia mô hình rau an toàn tự nhiên từ đầu, cho hay: Làm dần rồi thành quen, khi mới làm thì khó bởi những kỹ thuật chăm sóc, làm đất, ủ phân…đều khác với cách làm truyền thống. Tất cả những thứ tưởng chừng đơn giản nhưng chúng tôi đều phải học. Học từ cách chăm sóc cho đến cách đóng gói, không đúng, không đủ tiêu chí là bị trả về, còn bị công ty đối tác họ phạt nữa ấy. Nên ai cũng cố gắng làm tốt, làm đúng để có nguồn thu nhập ổn định từ những mảnh vườn của gia đình,
Xã Tứ Xã làm theo mô hình này được 3 năm, đến nay gần như các hộ gia đình đều thấy được những lợi ích mà mô hình này mang lại. Nhờ kết hợp giữa kinh nghiệm truyền thống và kiến thức khoa học kỹ thuật, nhiều hộ nông dân ở đây đã sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có trong danh mục cho phép, kiểm soát được thời gian phun thuốc trước khi thu hoạch, vừa hạn chế được sâu bệnh phát sinh gây hại, vừa nâng cao năng suất, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm khi đến tay người tiêu dùng.
Theo Danviet
Tham gia mô hình trồng rau sạch, được mời sang Nhật tham quan
Sau 3 năm triển khai và xây dựng, đến nay xã Yên Dương (huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) đã dần khẳng định thương hiệu rau sạch, sản phẩm cung cấp đều đặn cho thị trường Hà Nội, Ninh Bình và một số tỉnh lân cận.
Ông Trường hướng dẫn bà con cách chăm sóc rau an toàn (Ảnh: Mai Chiến)
Nhờ sự giúp đỡ của Sở NN-PTNT tỉnh, Trạm Khuyến nông huyện cùng với sự chịu thương, chịu khó của người nông dân nơi đây, họ đã bỏ lối canh tác lạc hậu và áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới vào việc SX rau, tăng cường quảng bá sản phẩm rộng rãi ra thị trường.
Chỉ tay vào những luống xu hào xanh mướt đang chuẩn bị cho thu hoạch, ông Phạm Đình Trường, Phó Giám đốc HTXNN Yên Dương giới thiệu, xã Yên Dương có truyền thống SX rau lâu đời. Năm 2014, được sự giúp đỡ của các cấp lãnh đạo, HTX đã triển khai và xây dựng hơn 1ha SX rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP với hơn 20 hộ tham gia.
Để giúp người dân có kiến thức cơ bản về quy trình SX rau sạch, HTX đã cử 20 hộ đăng ký mô hình tham gia học lớp tập huấn với thời gian 3 tháng. Bước đầu vào mô hình, các thành viên vẫn còn bỡ ngỡ, vì phải làm theo đúng quy trình đã được học.
Sau hơn 3 tháng rắc vôi bột khử trùng, cải tạo đất, các thành viên bắt đầu xuống giống. "Trồng rau sạch không như trồng rau đại trà, các hộ phải làm đúng mọi quy trình, từ khâu xử lý đất, nước tưới đến khâu chọn giống. Phải kiên trì thì mới làm được", ông Trường nhớ lại.
Khoảng 15 ngày nữa, vườn rau su hào sẽ cho thu hoạch (Ảnh: Mai Chiến)
Theo ông Trường, sau 3 năm xây dựng và phát triển, đến nay rau sạch Yên Dương đã có chỗ đứng trên thị trường. Mỗi tháng, HTX xuất ra thị trường hơn 2 tấn rau hữu cơ.
Để có được thương hiệu rau sạch Yên Dương như ngày hôm nay, ban lãnh đạo HTX cùng người dân luôn nâng cao tinh thần tự giác theo phương châm "Ngon tại giống, sạch tại tâm", thực hiện nghiêm các quy định đã đề ra như:
Sử dụng các loại giống chuẩn, phân bón trong danh mục phân bón được phép SX và bón đúng công thức, sử dụng các loại phân hữu cơ đã ủ hoai mục để bón cho rau.
Không phun thuốc hóa học, thuốc kích thích rau, thuốc hết hạn sử dụng; phun thuốc theo định kỳ, đúng công thức, đúng liều lượng. Sử dụng nước ngầm phải đảm bảo, không sử dụng nguồn nước ô nhiễm để tưới cho rau
Thu hoạch phải có sự thống nhất chung, đủ thời gian cách ly mới được thu hoạch sản phẩm. Sau khi thu hoạch, đồng ruộng phải được bảo vệ sạch sẽ...
"Nhờ thực hiện tốt các quy định trên, rau sạch Yên Dương đã được nhiều Cty ở Hà Nội, Ninh Bình và các tỉnh lân cận về đặt hàng", ông Trường phấn khởi.
Vừa bắt sâu cho rau, bà Nguyễn Thị Hòa, Trưởng nhóm quản lý các hộ SX rau sạch vừa nói, các thành viên luôn thực hiện nghiêm các quy trình SX rau sạch đã đề ra để xây dựng thương hiệu, không nóng vội, làm chậm nhưng chắc.
Cũng theo bà Hòa, để SX được những luống rau sạch, khi xuống giống phải cày đất, vãi vôi bột, vãi phân hữu cơ đã ủ hoai mục. Nguồn nước tưới phải đảm bảo sạch sẽ...
Thời điểm này, các hộ chỉ tập trung trồng rau cải bắp, su hào. Đây là 2 loại cây trồng chủ lực trong vụ đông, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Với giá bán 4 nghìn đồng/1 củ su hào, 6 nghìn đồng/1 cây cải bắp, sau khi trừ chi phí, một hộ có thể thu về hơn 3 triệu đồng/tháng.
"Nhờ SX rau theo tiêu chuẩn VietGAP, chúng tôi có thu nhập khá hơn, đời sống của các hộ cũng được cải thiện đáng kể", bà Hòa phấn khởi.
Bà Hòa cho biết thêm, thời gian qua, một số đoàn của Nhật Bản đã về tham quan mô hình SX rau sạch ở Yên Dương. Và, bà vinh dự được đoàn mời sang Nhật Bản tham quan, học hỏi kinh nghiệm trồng rau sạch tại đất nước mặt trời mọc, để sau khi về nước có thể truyền đạt lại những kiến thức đã học cho các hộ nông dân tại đây.
Theo Mai Chiến - Trần Hồ (NNVN)
Kinh hãi nhìn ngôi nhà 2 tầng cheo leo bên bờ vực Cơn bão số 3 gây mưa lũ kéo dài đã khiến ngôi nhà duy nhất của gia đình ông Đinh Văn Bì, bà Nguyễn Thị Hoa ở xóm Vôi, xã Bích Hạ, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình, bị dịch chuyển hẳn về phía hồ Hòa Bình, chơi vơi bên miệng vực. Bà Hoa khóc cạn nước mắt trước mất mát quá lớn...