Giám đốc công ty đóng tàu 67 hư hỏng bất ngờ khóc giữa cuộc họp: Tan nát hết rồi!
Gần 2 năm trôi qua với hàng chục cuộc họp, thế nhưng khoản tiền đền bù, hỗ trợ 811 triệu đồng cho 5 ngư dân Bình Định có tàu 67 hư hỏng, đến nay phía Công ty TNHH Đại Nguyên Dương vẫn chưa chi trả.
Thiệt hại hơn 9 tỷ, ngư dân chỉ mong hỗ trợ 811 triệu
Chiều 28.9, Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định tổ chức cuộc họp cuối cùng để giải quyết dứt điểm thiệt hại của 5 chủ tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 bị hư hỏng do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương thi công.
Ngư dân Võ Tuân ( xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ) cho biết, những vết hư hỏng trên con tàu đã khiến ông suýt mất mạng trong lúc lao động. Thực tế, tổng thiệt hại mà 5 ngư dân gánh chịu do tàu bị hỏng lên đến hơn 9 tỷ đồng.
“Thấy điều kiện doanh nghiệp gặp khó khăn, ngư dân chúng tôi cũng đã cảm thông chia sẻ, chấp nhận chịu thiệt hại, chỉ yêu cầu phía công ty bồi thường hơn 800 triệu đồng. Ngư dân đã nhân nhượng nhưng hết lần này đến lần khác, phía công ty vẫn cố tình trì hoãn là điều không thể chấp nhận”, ông Tuân nói.
Ông Võ Tuân: “Ngư dân đã nhân nhượng nhưng hết lần này đến lần khác, phía công ty vẫn cố tình trì hoãn”. Ảnh: Dũ Tuân.
Trong khi 5 chủ tàu mỏi mòn chờ nhận tiền hỗ trợ, đền bù thì phía Công ty TNHH Đại Nguyên Dương bất ngờ đòi ngư dân trả lại khoản tiền 650 triệu đồng mà công ty đã đưa trước đó. Tuy nhiên, điều này đã khiến ngư dân bác bỏ vì cho rằng công ty lật lọng.
“Số tiền này là khoản chi phí trước đây phía công ty hứa hỗ trợ cho ngư dân đi chuyến biển đầu tiên, rồi việc đi lại, ăn ở trong thời gian đóng tàu. Bây giờ, phía công ty đòi lại và nói chúng tôi nợ họ là không có cơ sở”, ngư dân Mai Văn Chương, chủ tàu cá vỏ thép BĐ 99179 TS (trú xã Cát Khánh, huyện Phù Cát) phản ứng.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, tàu vỏ thép của ông Võ Tuân trong quá trình sửa chữa, công ty để xảy ra chập điện làm cháy phần đầu máy dò cá. Tuy nhiên, đến nay công ty vẫn chưa thay máy dò cho tàu cá ông Tuân.
Lấy lý do 5 chủ tàu không hợp tác, phía Công ty TNHH Đại Nguyên Dương có văn bản gửi các cơ quan chức năng và ngân hàng xin lùi lại thời gian quyết toán tiền hỗ trợ đền bù cho 5 chủ tàu do chưa đạt được thỏa thuận, điều này khiến nhiều người bức xúc.
“Sau quá trình thương thảo, ngư dân đã nhân nhượng chịu thiệt nhưng công ty vẫn chưa chịu bồi thường thì quá vô lý. Quá nhiều cuộc họp bàn để giải quyết, chi phí xăng dầu của xe công vụ đi họp cũng tốn tiền triệu rồi, quá mất thời gian. Tôi đề nghị phía công ty phải đền bù cho người dân, nếu không thì phải ra tòa, không họp nữa”, ông Hà Ngọc Tân – Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ (Bình Định) bức xúc.
Video đang HOT
Tàu vỏ thép hư hỏng được Công ty Đại Nguyên Dương đưa lên bờ sửa chữa (ảnh tư liệu). Ảnh Dũ Tuấn
Kết thúc họp, mọi chuyện giải quyết ở “pháp đình”?
Ông Nguyễn Xuân Nguyên – Giám đốc Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đổ lỗi rằng: “5 con tàu đến với Công ty Đại Nguyên Dương không đúng người, đúng chủ mà qua môi giới. Đó là 2 chú cháu kế toán trưởng công ty họ đã đến quan hệ với tất cả các chủ tàu, rồi cho hứa như thế nào công ty không biết. Sau đó, họ về lừa cả công ty nên tất cả bây giờ tôi là người gánh hậu quả, thiệt hại lớn nhất đến lúc này thực sự công ty phá sản. Hiện nay, các đối tượng đó tôi đã trình bày hết cho Bộ Công an rồi”.
Trước lời phân trần của vị giám đốc doanh nghiệp, ông Phan Trọng Hổ – Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định, ngắt lời: “Chúng tôi rất chia sẻ nhưng đó chỉ là chuyện nội bộ của công ty. Ông nên trả lời thẳng vào các vấn đề về việc Ngân hàng BIDV đề nghị trả lại tiền chênh lệch. Đối với bà con ngư dân, đề nghị công ty trả khoản kinh phí hỗ trợ, bồi thường theo thống nhất và trả lời về số tiền 650 triệu đồng mà công ty cho rằng ngư dân nợ công ty”.
Ông Nguyễn Xuân Nguyên – Giám đốc Công ty TNHH Đại Nguyên Dương: Tôi đang gánh hậu quả. Ảnh: Dũ Tuấn.
“Thật sự tôi là giám đốc công ty nhưng không biết gì về việc công ty hứa cho tiền 500 triệu đồng này cả. Hiện nay, công ty có đối tượng thu số tiền 500 triệu đồng và tôi có xuất ra phiếu chi 150 triệu đồng nữa, tổng cộng là 650 triệu đồng. Tôi không còn gì nữa rồi, nó lừa công ty tôi giờ trắng tay, gia đình tan nát hết. Tôi bây giờ đang bị tim mạch, huyết áp…”, đang nói ông Nguyên bất ngờ bật khóc tại cuộc họp khiến không khí trở nên căng thẳng. Một lần nữa, ông Hổ lại yêu cầu tạm dừng cuộc họp và trấn an ông Nguyên bình tĩnh, đừng quá xúc động gây ảnh hưởng sức khỏe.
Tại cuộc họp, đại diện Công ty TNHH Đại Nguyên Dương ký vào biên bản cam kết sẽ hỗ trợ thiệt hại cho 5 chủ tàu vỏ thép với số tiền 811 triệu đồng. Trong đó, ông Võ Tuân (225 triệu đồng), ông Nguyễn Văn Lý (136 triệu), ông Nguyễn Văn Mạnh (136 triệu), ông Nguyễn Văn Chương (176 triệu) và ông Trần Minh Vương (208 triệu), chi trả số tiền trên trước ngày 29.10.2018.
Công ty thống nhất sẽ hỗ trợ số tiền lãi suất 1% vay vốn ngân hàng thời gian tàu nằm bờ với số tiền: 1% x số tháng tàu nằm bờ sửa chữa x số tiền vay, sau khi ngân hàng tính toán cơ cấu lại nợ (ngày 29.10.2018). Đối với tiền quá hạn còn lại (6%) chờ ý kiến của Ngân hàng Nhà nước, hai bên sẽ thống nhất lại. Số tiền 650 triệu đồng giữa Công ty Đại Nguyên Dương và 5 chủ tàu chưa thống nhất.
Ngoài ra, Công ty đồng ý hỗ trợ đối với trường hợp tàu của ông Võ Tuân đầu do tàu bị hỏng với số tiền 150 triệu đồng (ngày 29.10.2018).
Ông Phan Trọng Hổ – Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định. Ảnh: Dũ Tuấn
Ông Phan Trọng Hổ – Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định yêu cầu Công ty TNHH Đại Nguyên Dương sớm thanh toán các khoản tiền bồi thường, hỗ trợ cho các chủ tàu vỏ thép bị hư hỏng dứt điểm như đã cam kết.
Riêng khoản tiền 650 triệu đồng do 2 bên không đạt được thỏa thuận, Sở Nông nghiệp sẽ báo cáo UBND tỉnh Bình Định xem xét, quyết định. Trường hợp không giải quyết được thì đưa ra tòa án xử lý.
Theo Danviet
Để ngư dân vi phạm lãnh hải, chủ tịch huyện sẽ bị kỷ luật
Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng tại Hội nghị triển khai Luật thủy sản 2017 và triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách chống khai thác bất hợp pháp, không theo quy định (IUU) nhằm gỡ "thẻ vàng" cho thủy sản Việt Nam.
Ngày 13/8, tại UBND tỉnh Bình Định, Bộ NN&PTNT phối hợp tổ chức Hội nghị triển khai Luật thủy sản 2017 và triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác bất hợp pháp, không theo quy định (IUU) nhằm gỡ "thẻ vàng" cho thủy sản Việt Nam với sự tham gia của đại diện của 6 tỉnh ven biển miền Trung và Nam Trung Bộ.
Quyết gỡ "thẻ vàng" EC
Theo ông Phan Trọng Hổ- Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định, việc triển khai Luật thủy sản 2017 và giải pháp thực hiện quy định IUU, tỉnh Bình Định đã tập trung xây dựng lực lượng kiểm ngư, quản lý khai thác thủy sản (KTTS) và tàu cá, phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS) và đồng quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Ngành nông nghiệp tỉnh cũng triển khai nhiều biện pháp theo tinh thần chỉ thị 45/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Nhờ vậy, số tàu thuyền vi phạm lãnh hải nước ngoài (13 tàu cá/107 ngư dân) giảm 4 tàu/13 ngư dân so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, quá trình thực hiện theo quy định IUU gặp rất nhiều khó khăn.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Theo ông Hổ, nguyên nhân là nguồn lực con người và thiết bị phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra còn thiếu. Trong khi đó, số lượng tàu cá cập, xuất bến nhiều nên khó có thể kiểm tra được. Ngư dân chưa có thói quen với việc khai báo tàu cá xuất, nhập bến, báo trước cho văn phòng 1 giờ trước và ghi chép nhật ký hành trình khai thác thủy sản...
Tại hội nghị, đại diện các tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận, Quảng Nam cũng đã báo cáo tình hình triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện quy định IUU nhằm gỡ "thẻ vàng" cho thủy sản Việt Nam. Đồng thời, đề xuất kiến nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí để nâng cấp các thiết bị giám sát hành trình tàu cá; có cơ chế xây dựng lực lượng chuyên trách thực hiện quy định IUU...
Kỷ luật chủ tịch huyện nếu để ngư dân vi phạm lãnh hải
Tại buổi làm việc, sau khi nghe báo cáo về tình hình khai thác thủy sản của tỉnh nhà, ông Hồ Quốc Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nhận khuyết điểm trước Bộ trưởng Bộ NN&PTNT vì tỉnh vẫn còn ngư dân vi phạm lãnh hải nước ngoài. Tuy nhiên, ông Dũng cam kết sẽ chỉ đạo quyết liệt thực hiện quy định của IUU.
Hồ Quốc Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định sẽ kiến quyết xử lý nghiêm nếu cán bộ huyện nào để ngư dân vi phạm lãnh hải nước ngoài.
"Từ nay đến cuối năm, nếu huyện, xã còn để ngư dân vi phạm lãnh hải nước ngoài thì UBND tỉnh sẽ kỷ luật Chủ tịch UBND huyện và Chủ tịch UBND xã đó", ông Dũng khẳng định.
Ông Dũng cũng đề nghị Bộ NN&PTNT đầu tư nâng cấp khu neo đậu tàu tránh trú bão cấp vùng ở Tam Quan (huyện Hoài Nhơn) với tổng kinh phí 1.000 tỷ đồng; báo cáo Chính phủ và sớm đưa khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Mỹ Thành và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào vào quy hoạch tổng thể của Chính phủ.
Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng NTTS ứng dụng công nghệ cao Cát Thành, Cát Hải (huyện Phù Cát) và vùng nuôi tôm Mỹ An, Mỹ Thắng, Mỹ Đức (huyện Phù Mỹ); không thu hồi 500 thiết bị Movimar đã lắp đặt trên tàu cá của ngư dân; hỗ trợ 32 tỉ đồng để nâng cấp Trạm bờ và thiết bị giám sát hành trình tàu cá...
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường yêu cầu, tất cả 28 tỉnh, thành ven biển trong cả nước phải đẩy nhanh chương trình hành động triển khai Luật Thủy sản và khắc phục "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU). Đây là đòi hỏi của cả nền kinh tế và cũng là của người dân, các điều khoản, quy định trong luật phải được thực hiện kịp thời, hiệu quả.
"Việc thực hiện Luật thủy sản năm 2017, Chỉ thị 45/2017 của Thủ tướng Chính phủ là nhiệm vụ mang tính chiến lược để phát triển kinh tế biển bền vững, có trách nhiệm. Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang bàn với 3 địa phương tiên phong trong khâu tổ chức thực hiện là: Kiên Giang, Bình Định và Quảng Ninh. Tại 3 tỉnh này đều có sự quyết tâm rất cao của lãnh đạo tỉnh, ngư dân sở hữu số lượng tàu lớn. Riêng tỉnh Quảng Ninh có đặc điểm gắn giữa vùng biển với di tích thiên nhiên vịnh Hạ Long nên cực kỳ quan trọng. Việc thực hiện sẽ được triển khai theo phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, ai cũng phải có trách nhiệm vì đây là lợi ích chung của quốc gia", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Về bất cập ở cảng cá Tam Quan, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị tỉnh Bình Định phải chuẩn bị các kiến nghị, giải pháp xử lý và ghi lại bất cập thực tế tại cảng bằng video, hình ảnh.
"Khi nào chuẩn bị xong, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đăng ký buổi làm việc riêng với các Bộ, ngành Trung ương, Văn phòng Chính phủ để có hướng xử lý, tháo gỡ. Việc này làm càng nhanh càng tốt vì có nguy cơ ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng của ngư dân", ông Cường cho hay.
Doãn Công
Theo Dantri
Người nuôi chình đầu tiên trên đất Bình Định, lãi 400 triệu/năm Sau nhiều lần vỡ nợ vì thất bại liên tiếp, ông Võ Tuấn Tú (SN 1964, ở thôn Châu Trúc, xã Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) đã tìm được hướng đi mới trong việc nuôi cá chình và bống tượng. Nhờ vào sự mày mò và bí quyết riêng, mỗi năm nông dân này thu về hàng trăm triệu đồng....