Giẫm đạp xin học: Tại ai?
Ông Lê Tiến Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học-Bộ GD&ĐT cho rằng, không nên trầm trọng hóa vụ đạp cổng trường Thực nghiệm vì đây là lỗi của phụ huynh. “Chính phụ huynh đã gây khó cho ngành giáo dục, rồi quay lại chê ngành giáo dục. Chê thế nhưng bố trí chỗ học lại không học”.
Thưa ông, ở cương vị nhà quản lý giáo dục, chứng kiến cảnh phụ huynh chen lấn, xô đẩy đăng ký cho con vào lớp 1 của trường Thực nghiệm Hà Nội, ông nghĩ thế nào?
Đấy là việc không nên. Còn quản lý như thế nào là do cơ quan chủ quản chịu trách nhiệm, phòng giáo dục, hiệu trưởng trường đấy chịu trách nhiệm.
Nhưng dư luận lại cho đó là hồi chuông báo động cho mô hình giáo dục bậc tiểu học?
Đừng vì một trường mà mình quy kết như thế. Cần phải hiểu câu chuyện: Một trường ở vị trí đẹp, cơ sở vật chất đầy đủ thì đó là một quy luật rất tự nhiên. Nhất là khi khả năng có hạn, nhu cầu lại lớn, phụ huynh nào cũng muốn cho con có điều kiện học hành tốt. Đừng làm trầm trọng hóa! Có thể hình dung câu chuyện bán một mặt hàng đẹp, rẻ thì người ta sẽ đến.
Việc phụ huynh phải thức trắng đêm đăng ký cho con vào lớp 1 không xảy ra ở một trường và đây cũng không phải là năm đầu tiên?
Theo Luật Giáo dục, trẻ em 6 tuổi được đến trường, mặc nhiên được đến đấy học tập. Và tại sao người ta lại chen lấn? Là vì chỗ đấy cấp chỗ học. Trường Thực nghiệm không gắn với địa bàn mà thực nghiệm đào tạo là chính. Cho nên họ không chịu trách nhiệm về địa bàn nào. Người dân ở đâu cứ đến đó nộp hồ sơ thì tình hình sẽ xáo trộn thôi. Đừng nhìn mọi việc trầm trọng.
Nhu cầu muốn cho con vào trường tốt là có thực. Phụ huynh cứ phải chạy trường này, trường nọ phải chăng còn do việc phân luồng học sinh và chất lượng giáo dục không đồng đều?
Phân luồng hợp lý là mỗi cháu có một chỗ học ở nơi mình sinh sống. Còn mỗi người có một quan điểm riêng, tôi không nói là sai hay đúng. Còn chuyện giáo viên chưa đồng đều, ai dám chắc tất cả giáo viên là chưa tốt, chưa đồng đều? Nếu vậy, trách nhiệm thuộc về ai? Chuẩn giáo viên là việc của địa phương. Chất lượng các trường không đồng đều không thể nói là do Bộ. Bộ chỉ lo quản lý, Hà Nội lo việc của Hà Nội, Cao Bằng lo chuyện Cao Bằng. Ngay cả nước Mỹ cũng không thể nói là đồng đều.
Hôm nay, Giáo sư Hồ Ngọc Đại có phát biểu với báo chí rằng: Sự việc phụ huynh phải chen lấn nộp đơn cho con vào lớp 1 có trách nhiệm của Bộ? Trong đó có cả vấn đề chương trình giảng dạy hay sách giáo khoa ở cấp tiểu học chậm thay đổi?
Về việc giáo sư Đại nói, tôi chỉ nói thế này: Hôm nay tuyển sinh ở trường Thực nghiệm, ngày mai ở trường công lập và nhiều trường khác nữa cũng sẽ có tình trạng cung không đáp ứng được cầu. Về vấn đề sách giáo khoa, theo quy trình chu kỳ 10 hoặc 15 năm thì có thay đổi để phù hợp với sự phát triển của xã hội.
Nhưng đến khi nào trường Thực nghiệm mới hết thực nghiệm, như vậy là quá lâu (Trường thành lập từ năm 1978)?
Anh nên đặt câu hỏi đó cho Viện Khoa học Giáo dục (trường Thực nghiệm trực thuộc Viện này từ năm 2008- PV). Lúc nào chín mùi thì các anh ấy đặt vấn đề.
Ông vừa nói cung không đủ cầu, vậy thì làm sao đảm bảo trẻ đến 6 tuổi có đủ chỗ học. Nói thế có mâu thuẫn?
Video đang HOT
Chả có mâu thuẫn gì. Chỗ này có rồi nhưng anh lại chê không học, anh chạy vào chỗ không dành cho anh. Tôi chỉ đảm bảo nhu cầu cần thiết, tối thiểu cho các cháu học. Nhưng phụ huynh không cho các cháu học chỗ đó. Chính phụ huynh gây khó cho ngành giáo dục, rồi quay lại chê ngành giáo dục. Chê thế nhưng bố trí chỗ học lại không học.
Qua câu chuyện trường Thực nghiệm, quan điểm xử lý vấn đề này như thế nào. Không lẽ năm nào cũng kêu gọi để thay đổi tâm lý phụ huynh, để rồi năm sau sẽ tiếp cảnh chạy trường, chạy lớp?
Vẫn phải tuyên truyền. Chẳng ai muốn xảy ra việc đó. Còn cách làm thế nào, cơ quan chủ quản (trường Thực nghiệm) phải nghĩ ra cách làm chứ. Hôm trước lộn xộn, hôm sau Bộ có can thiệp gì đâu mà nó lại bình thường. Tốt nhất đến chỗ đó (trường Thực nghiệm- PV) hỏi họ, vì sao hôm trước cồng kềnh, hôm sau lại bình thường?
Cảnh phụ huynh “hành xác” để xin cho con vào học trường PTCS Thực nghiệm
Theo dự báo của ông, liệu năm nay có tình trạng quá tải học sinh vào lớp 1?
Đúng ra nó không bị thế (quá tải-pv), có thống kê độ tuổi vào lớp 1 rồi. Đô thị hóa, lập ra các khu công nghiệp nên như vậy. Trường, lớp học ở làng, xã vắng trong khi ở các thành phố lại đông. Chính quyền thành phố phải lo việc đó chứ Bộ không lo chuyện đó. Bộ không thể nhảy vào để điều học sinh Hà Nội sang Vĩnh Phúc.
Nhưng nếu phải hội ý với TP Hà Nội, ngành giáo dục sẽ đưa ra giải pháp gì?
Đó phải là tự họ, chứ sao mình xui cho họ được. Phải căn cứ trên điều kiện kinh tế xã hội, đất để xây trường, nguồn vốn, đội ngũ giáo viên và giải quyết. Bộ chỉ hướng dẫn chung, chuẩn chung, nhảy vào việc đó thì sao lo được việc khác.
Như vậy, quy hoạch tiểu học thuộc nhiệm vụ của ai?
Phân cấp rất cụ thể. Bộ lo chương trình, sách giáo khoa, chuẩn kỹ năng, hướng dẫn tổ chức lớp học, đánh giá… Bộ chỉ lo cái lớn. Còn quy hoạch là bài toán của địa phương. Bạn đừng hỏi việc của sở và thành phố mà Bộ phải trả lời. Chúng tôi không thể trả lời.
Sách giáo khoa là trách nhiệm của Bộ, vậy Bộ trả lời thế nào về đề xuất xóa độc quyền sách giáo khoa ?
Xóa bỏ thế nào thì bạn phải hỏi cấp cao hơn nhé! Còn chúng tôi là Vụ. Vụ chúng tôi không trả lời những câu hỏi lớn như vậy. Tất cả chúng ta đều có mong muốn tốt đẹp hơn. Nhưng lộ trình ấy căn cứ vào lộ trình của Chính phủ, cấp bộ, còn cấp vụ không thể trả lời câu đó. Không được phép trả lời câu đó, phải là ông Bộ trưởng chứ.
Nếu bây giờ ông có con ở tuổi đi học lớp 1, ông có đăng ký cho con vào trường điểm không?
Tôi chả dại gì cho con vào đó, nó vất vả và tạo sức ép. Tôi khuyên mọi người đừng nghe nhau nói trường này, trường kia tốt rồi quá kỳ vọng. Trẻ em ở lớp 1 hãy để phát triển tự nhiên, đừng tạo sức ép cho nó, để rồi hết chạy trường, có người chạy cả cô. Chúng tôi rất chia sẻ với phụ huynh, song đừng thái quá, lo quá.
Trường nào ở Hà Nội có được cơ ngơi như trường Thực nghiệm? Bao nhiêu đất ở Hà Nội có được như trường Thực nghiệm? Phải chăng phụ huynh thích vào trường Thực nghiệm còn vì trường có cả cái sân chơi rộng rãi ấy và ở trung tâm? Bảo Bộ xây trường sao được. TP phải xây chứ.
Cảm ơn ông!
Theo VNN
Trường Thực nghiệm: Từ sự khác biệt đến "độ nóng" tuyển sinh
Khi được hỏi về Trường Thực nghiệm, nhiều phụ huynh có chung câu trả lời: "Tôi nghe nói tốt lắm, học mà cứ như chơi vậy. Bên cạnh đó chi phí học tập lại khá mềm". Sự thật đúng như vậy nhưng ẩn chứa sau đó còn nhiều điều mà không phải ai cũng hiểu.
Phụ huynh chờ đợi để mua đơn dự tuyển vào lớp 1 Trường Thực Nghiệm. (Ảnh: Nhân Hà)
Sự khác biệt đến từ...cơ chế
Nhìn tổng thể chung thì Trường Thực nghiệm cũng chẳng khác gì các đơn vị công lập khác. Bắt đầu từ năm 2002 trường cũng tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục đại trà. Hiện tại chỉ có duy nhất ở bậc tiểu học trường đang thực hiện hai chương trình song song đó là giáo dục đại trà và giáo dục công nghệ.
Thẳng thắn nhìn nhận vấn đề, thầy Lê Kim Xuân - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Điểm khác biệt nhất so với các trường khác đó là cách thức tổ chức hoạt động giáo dục. Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên (GV) không tạo áp lực cho HS nên dẫn đến xóa sổ tình trạng dạy thêm học thêm".
Nhiều người sẽ đặt ra câu hỏi: Tại sao mô hình đơn giản như vậy mà không nhân rộng, các trường công lập gặp khó khăn gì khi triển khai? Những người trong cuộc khi đi tìm hiểu sẽ không khó để phát hiện ra: Nhân rộng không đơn giản bởi không chỉ có sự tâm huyết của thầy cô mà cần cả một cơ chế rộng mở. Sở dĩ Trường Thực nghiệm có được thành công cũng nhờ yếu tố "may mắn".
Trước tiên vào thời điểm hiện tại, trường trực thuộc Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (Bộ GD-ĐT) nên cơ cấu về nhân lực, tỷ lệ GV/lớp hoàn toàn khác biệt so với trường công. Nếu như ở trường công bình thường, thực hiện theo Thông tư 35 thì chỉ rơi vào 1,5 GV/lớp thì ở Trường Thực Nghiệm, con số này là 1,9. Ngoài ra, ngay ở bậc tiểu học nhà trường đã áp dụng việc phân bộ môn giống như cấp THCS, nghĩa là mỗi GV chỉ phụ trách một lĩnh vực để đi chuyên sâu chứ không như ở trường tiểu học khác là phân thành GV văn hóa, xã hội, tự nhiên...
Sở dĩ trường được cơ chế như vậy bởi vừa thực hiện nhiệm vụ giáo dục vừa thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học theo sự chỉ đạo của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và sự phối hợp chỉ đạo của Phòng GD-ĐT quận Ba Đình. Trong năm học 2010-2011, trường thực hiện dạy theo chương trình công nghệ giáo dục ở một nửa số lớp các khối 1, 2, 3 các môn Tiếng Việt, Toán, toàn bộ các khối với môn Giáo dục lối sống, từ lớp 2 đến lớp 5 với môn Tiếng Anh. Trường cũng thực hiện những đề tài nghiên cứu, áp dụng các phương pháp dạy học hiện đại trong các giờ học theo chương trình của Bộ GD-ĐT.
Hiệu trưởng nhà trường cũng cho biết thêm, GV dạy chương trình Giáo dục công nghệ cũng tham gia vào giáo dục đại trà nên đã có sự lồng ghép tạo cách học phong phú và hiệu quả hơn. Mặc dù hai chương trình này có sự khác biệt nhưng ở ở trường GV toàn là những người học chuyên sâu, có trình độ cao... nên không khó để kết hợp.
Ngoài ra cũng có một thực tế mà ai cũng có thể hiểu là Trường Thực nghiệm không chịu "sức ép" từ những con số thành tích. Chẳng phải chạy đua với ai để xếp hạng, chẳng có sức ép nào từ đơn vị quản lý về tỷ lệ khá, giỏi...Bởi điều quan trọng nhất ở đây đó là kết quả của sự...thử nghiệm. Trong khi đó trường công, thậm chí là ngoài công lập, luôn chạy đua để nâng cao các chỉ số để khẳng định thương hiệu của mình. Quan trọng hơn cả là có con số "đẹp" để báo đơn vị quản lý.
Tuyển sinh nóng: Đâu phải mỗi vì chất lượng
Chứng kiến hình ảnh phụ huynh chen lấn nhau mua đơn dự tuyển khiến nhiều người sẽ nghĩ: Trường thực nghiệm là số 1! Tuy nhiên, thực tế chưa hẳn là vậy. Ở Hà Nội có nhiều trường công nếu được tuyển sinh theo cái cách của trường Thực nghiệm thì "độ nóng" có khi còn cao hơn rất nhiều.
Phụ huynh chen nhau vào cổng trường Thực Nghiệm sáng 13/5/2012 khi cổng vừa được mở ra. (Ảnh: Nguyễn Hùng)
Được tuyển sinh từ rất sớm, vùng tuyển lại cả địa bàn Hà Nội nên chuyện phụ huynh đổ xô đến cũng là điều dễ hiểu. Không ít người khi được hỏi đều bộc bạch: "Muốn cho con thử sức, không được thì về trường công đúng tuyến. Có thêm cơ hội tại sao lại không tham gia".
Trong khi đó những năm qua chỉ mỗi vấn đề tuyển sinh trái tuyến ở các trường công ở Hà Nội cũng khiến nhiều người "choáng váng". Qua đó cho thấy, nếu mở rộng vùng tuyển thì nhiều trường công có kém gì Trường Thực nghiệm trong những ngày qua. Hiệu trưởng một trường tiểu học ở Hà Nội chia sẻ: "Mô hình dạy học nào cũng có mặt tốt và mặt chưa tốt. Trường Thực nghiệm cũng không phải là ngoại lệ. Bản thân các trường ở Hà Nội cũng đến học hỏi mô hình và chắt lọc những ưu điểm để áp dụng".
"Đã có không ít hội thảo bàn về vấn đề này mà vẫn chưa có lời giải đáp về mô hình này. Chúng ta nên hiểu không phải tự nhiên mà trường giữ tên Thực nghiệm hàng chục năm nay" - vị hiệu trưởng này nói.
Trả lời báo chí, ông Lê Tiến Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục cho biết: Trường Thực nghiệm là nơi thử nghiệm những chương trình giáo dục, những cái hay, mới của các nhà nghiên cứu giáo dục, phần nào đáp ứng yêu cầu về chất lượng nên được người dân ưa chuộng.
Vâng, nếu quả đúng là như vậy thì con em những người mà những ngày qua phải vật lộn "thâu đêm" để kiếm lá đơn dự tuyển vào lớp 1 có khác gì là công cụ "thí nghiệm" của những nhà nghiên cứu. Bởi vậy, phụ huynh cần nhìn nhận thấu đáo trước khi đưa ra quyết định về nơi cho con theo học. Đừng nhìn vào những thành tích của các cá nhân từng học ở Trường Thực nghiệm như GS Ngô Bảo Châu... để đặt quá nhiều kỳ vọng vào con em mình.
Sau khi nhận đơn dự tuyển, Trường Thực nghiệm sẽ tiến hành đo nghiệm các chỉ số trong đó có cả tiêu chí về sức khỏe, kiểm tra khả năng nhận biết của trẻ. Nhà trường sẽ chọn 140 trẻ đủ yêu cầu cho vào học lớp 1. Số trẻ này sẽ được chia thành hai nhóm: một nhóm học chương trình đại trà và một nhóm học chương trình Giáo dục công nghệ. Sở dĩ tách nhóm như vậy là nhằm mục đích phục vụ cho công tác nghiên cứu của Viện.
N.H
Theo dân trí
Clip cảnh phụ huynh khổ sở chờ mua đơn vào lớp 1 Khi trời còn tờ mờ, khoảng 200 phụ huynh đã đứng rất đông trước cổng trường. 5h45, cổng chỉ hé ra rất nhỏ cho một người lọt vào trước sự nôn nóng của những người còn lại. Không chen lấn đến mức xô đổ cổng trường, giẫm lên nhau như ngày hôm qua, nhưng sáng nay (13/5), các bậc phụ huynh cũng rất...