Giải tán phòng giáo dục: Tán thành, làm ngay và luôn
Đây là ý kiến của nhiều bạn đọc bày tỏ suy nghĩ về bài viết “Xôn xao đề xuất “táo bạo” giải tán phòng giáo dục quận/huyện” đăng trên báo.
(Ảnh minh hoạ).
Đây là ý kiến của nhiều bạn đọc bày tỏ suy nghĩ về bài viết “Xôn xao đề xuất “táo bạo” giải tán phòng giáo dục quận/huyện” đăng trên Lao Động.
Mới đây, ý kiến của thầy giáo Bùi Nam về việc nên giải tán phòng giáo dục đạo tào cấp quận/huyện được đăng tải đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Báo đã nhận được nhiều phản hồi của bạn đọc và đa phần đều ủng hộ và không ít ý kiến bày tỏ nên giải tán ngay và luôn .
“Những phòng ban hoạt động không hiệu quả nên mạnh tay giải tán cho nhẹ, để những giáo viên có tâm huyết với nghề còn phát huy”, “giảm lao động gián tiếp, tăng lao động trực tiếp mới có thể nâng cao thu nhập cho người lao động để phát triển đất nước”, “các cấp lãnh đạo nên xem xét đề xuất này để tinh giản biên chế”… là những ý kiến của bạn đọc trước đề xuất của thầy Bùi Nam.
Nhiều người cho rằng không cần thiết phải giữ lại cấp phòng giáo dục, gồm trưởng phòng, ít nhất 3 phó phòng và đội ngũ công chức. “Các phòng ban chuyên môn cấp quận, huyện chỉ cần 2 hoặc 3 chuyên viên tham mưu trực tiếp công việc của ngành cho UBND quận/huyện là được, không cần nhiều ban bệ làm gì” – bạn đọc Trần Đắc (Hà Nội) .
Video đang HOT
Bạn đọc Phong Nguyễn (TPHCM) đưa ra các lý do nên giải tán phòng giáo dục cấp quận/huyện: “Hiện tại giáo viên nhập điểm cho học sinh, phụ huynh có thể xem trực tuyến. Giáo viên có thể xem các văn bản pháp quy, công văn, chỉ thị, thư điện tử từ cấp trên trực tuyến. Và nhiều tiện tích giao tiếp khác v.v…. Những chuyện này đã hoàn thiện trên cả nước từ hơn 5 năm nay rồi. Do đó, tôi thấy không còn lý do gì để phòng giáo dục tồn tại nữa, trừ lý do làm nặng thêm biên chế nhà nước”.
Tuy nhiên, bạn đọc Trí Minh (Trường Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng đây là một ý kiến không tồi nhưng rất khó khả thi: “Hiện nay trên địa bàn huyện bình quân có trên 40 cơ sở giáo dục, nếu tính trong phạm vi cả tỉnh tùy theo số đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc tỉnh thì ít nhất có đến 400, thậm chí đến hàng ngàn cơ sở giáo dục. Nếu không có Phòng theo dõi quản lý thì Sở GDĐT làm sao có đủ nhân lực để tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra hoạt động của các trường học trong phạm vi toàn tỉnh được?”.
Cũng theo bạn đọc này, chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục của cấp phòng giáo dục đã được quy định trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Giáo dục và các Nghị định của Chính phủ, vì thế không thể nói “giải tán” là làm được ngay.
Bên cạnh đề xuất giải tán phòng giáo dục, nhiều bạn đọc còn cho rằng các ngành khác cũng không cần đến cấp phòng nữa, khi đất nước đang tiến tới cuộc Cách mạng 4.0, ứng dụng công nghệ trong quản lý, điều hành.
“Chả riêng gì phòng giáo dục mà cả phòng y tế, phòng khuyến nông, trạm thú y, trạm bảo vệ thực vật, trạm vật tư nông nghiệp… cấp huyện cũng nên giải tán hoặc sáp nhập để đỡ tiền thuế!” – bạn đọc Nguyễn Tài (TPHCM) ý kiến.
Theo Laodong.vn
Xôn xao đề xuất 'táo bạo' giải tán phòng giáo dục quận/huyện
Thầy Bùi Nam - một nhà giáo tâm huyết - đề xuất nên giải tán phòng giáo dục quận, huyện để lấy tiền tăng lương cho giáo viên. Ngay sau khi kiến nghị này được đăng tải, nhiều người bày tỏ đồng tình.
Cần tinh gọn bộ máy quản lý giáo dục để lấy tiền tăng lương cho giáo viên. Ảnh: Hải Nguyễn.
Giải tán ngay cấp phòng giáo dục
Các chuyên gia giáo dục đều đánh giá cao đề xuất của Bộ GDĐT, khi xếp lương giáo viên cao nhất trong bậc lương hành chính sự nghiệp. Tuy nhiên tiền ở đâu, tăng thế nào vẫn là bài toán chưa có lời giải.
Trước khó khăn này, thầy giáo Bùi Nam hiến kế, để có tiền tăng lương giáo viên, trước tiên phải tinh gọn bộ máy quản lý giáo dục.
Thầy phân tích, tính chung trên cả nước, cán bộ quản lý từ mầm non đến THPT là 103.821/ 822.454 viên chức (chiếm 12,6%). Con số này chưa kể đến lực lượng viên chức tăng cường về thực hiện nhiệm vụ tại sở/phòng GD nhưng vẫn nhận lương tại các trường.
Việc tăng lương cho giáo viên như dự thảo Luật Giáo dục là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay để giáo viên toàn tâm, toàn ý chăm lo cho giáo dục và đổi mới giáo dục. Nhưng không thể tăng lương khi mà lực lượng biên chế ngành quá nhiều, nhiều cán bộ quản lý nhưng làm việc không hiệu quả, dư thừa.
Hiệu trưởng sẽ được tự chủ về chuyên môn, tài chính và các quyết định khác. Việc tổ chức thi cử, trường sẽ trực tiếp "nhận lệnh" từ Sở GDĐT. Có thể quản lý bằng công nghệ, chứ không cần qua cấp trung gian là phòng giáo dục nữa.
Chưa kể mới đây, nhiều cán bộ công tác ở cấp phòng, sở giáo dục còn đồng loạt kiến nghị cần tăng lương và phụ cấp cho đội ngũ cán bộ quản lý.
Từ đó, thầy Nam góp ý: Cần giải tán các phòng giáo dục ở các huyện, quận trong cả nước, thay vào đó tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho hiệu trưởng các trường.
Giáo viên "mở cờ"
Ngay sau khi kiến nghị này được đăng tải, cộng đồng sư phạm, trong đó có các hiệu trưởng và đặc biệt là các giáo viên như "mở cờ trong bụng".
Thầy Q.Tr (Hiệu trưởng một trường tiểu học) : "Quản lý giáo dục của ta hiện nay quá nhiều tầng nấc trung gian. Họ đều tự cho mình cái quyền chỉ đạo các nhà trường, chỉ đạo giáo viên phải làm như thế này, thế kia. Càng nhiều tầng nấc càng trói chân tay giáo viên, khiến họ chịu áp lực và không thể sáng tạo được".
Cô N.T.N (giáo viên đang dạy ở một trường THPT tại Hưng Yên) cũng đồng tình: "Tôi thấy phòng giáo dục địa phương rất ít khi đề xuất được các giải pháp thiết thực trong cải cách quản trị và nâng cao chất lượng giáo dục. Chủ yếu họ làm nhiệm vụ về kiểm tra, dự giờ giáo viên. Điều này chỉ thêm áp lực cho nhà giáo chúng tôi".
Tuy nhiên, một số giáo viên cũng kiến nghị, nếu bỏ cấp trung gian là phòng giáo dục thì cần trao cho nhà giáo quyền được bầu trực tiếp hiệu trưởng. Bằng không khi quyền lực tập trung vào tay hiệu trưởng, giáo viên sẽ rơi vào cảnh "tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa".
Theo Laodong.vn
Thần đồng 14 tuổi người Trung Quốc đỗ đại học Mỹ là chuyện bịa Các viên chức phòng giáo dục tại một thị xã thuộc tỉnh Sơn Đông thừa nhận đã ngụy tạo câu chuyện về "người trẻ nhất" đỗ đại học danh giá của Mỹ. ảnh minh họa Ngày 11/12, phòng giáo dục thị xã Lai Dương thuộc thành phố Yên Đài, tỉnh Sơn Đông, đã lên tiếng xin lỗi về việc đăng trên website câu...