Giải pháp tích hợp giúp thay đổi hẳn hiệu quả dạy học Vật lý
GD&TĐ – Nhằm triển khai việc dạy học tích hợp hiệu quả, các thầy cô Tổ Vật lý Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (TPHCM) đề xuất 3 giải pháp nhằm đổi mới cả về nội dung, phương pháp và phương tiện dạy học Vật lý so với cách dạy truyền thống.
Kế hoạch giảng dạy hợp lý, cân đối
Giải pháp đầu tiên là xây dựng nội dung, kế hoạch giảng dạy hợp lý cân đối giữa nội dung môn học và nội dung tích hợp, tích hợp có chọn lọc.
Đầu tiên, giáo viên cần xác định nội dung cơ bản của bài học Vật lý nhằm đảm bảo mục tiêu của môn học. Sau đó, xác định và phân loại nội dung cần tích hợp vào trong bài dạy, điều này giúp giáo viên xác định đâu là nội dung cốt yếu và đâu là nội dung ít quan trọng, tránh lan man, lạc đề trong quá trình giảng dạy. Cuối cùng, xây dựng tiến trình dạy học chi tiết và phù hợp với nội dung bài học.
Những nội dung trên có thể minh họa bằng nội dung và tiến trình dạy học một bài dạy dưới đây (bài Sự phân hạch – chương trình Vật lý lớp 12 nâng cao):
Video đang HOT
Trong bài này, bên cạnh các kiến thức Vật lý cơ bản như phản ứng hạt nhân dây chuyền và nguyên tắc lò phản ứng hạt nhân, giáo viên có thể tích hợp giáo dục tư tưởng, giáo dục kĩ thuật tổng hợp và giáo dục môi trường cho học sinh.
Trên cơ sở xây dựng nội dung bài học, giáo viên sẽ chủ động truyền đạt kiến thức Vật lý cơ bản và những nội dung tích hợp quan trọng nhất, như phần kiến thức về kĩ thuật trong phần lò phản ứng hạt nhân và nhà máy điện nguyên tử.
Trong khi các nội dung tích hợp ít quan trọng hơn như vấn đề môi trường, giáo dục thế giới quan… sẽ được lồng ghép khéo léo qua các câu hỏi nêu vấn đề, hoặc để học sinh tự tìm hiểu trong phần làm việc nhóm. Cuối cùng, học sinh sẽ ôn tập, hệ thống kiến thức bằng biểu bảng do giáo viên xây dựng.
Sức mạnh từ các phương pháp dạy học tích cực
Giải pháp thứ hai là sử dụng phương pháp dạy học lấy người học làm trung tâm nhằm tích cực hóa hoạt động của học sinh.
Có thể nói đến phương pháp đàm thoại – dạy hoc nêu vấn đề. Ở phương pháp này, giáo viên đưa ra hệ thống những câu hỏi và tình huống thực tiễn để học sinh giải quyết. Từ đó, liên kết kiến thức với thực tiễn và tích hợp các nội dung khác.
Chẳng hạn trong bài dạy sự phân hạch nêu trên, việc giải quyết câu hỏi “Trong thực tế, điều gì xảy ra khi hệ số nhân nơtron (s) của phản ứng dây chuyền vượt quá 1?” sẽ giúp học sinh hiểu được nguyên lý cơ bản của việc chế tạo bom nguyên tử cũng như sự cố ở các nhà máy điện hạt nhân.
Bằng phương pháp này, giáo viên có thể tích hợp việc rèn luyện tư duy khoa học cho học sinh, đồng thời tạo hứng thú học tập cho học sinh.
Phương pháp thứ hai là dạy và học hợp tác theo nhóm nhỏ. Phương pháp này, giáo viên xây dựng các chủ đề liên quan bài dạy và giao cho từng nhóm học sinh thảo luận và chuẩn bị, sau đó trình bày kết quả thu được. Mỗi chủ đề sẽ tích hợp những kiến thức khác nhau.
Ví dụ, trong bài sự phân hạch, việc tìm hiểu chủ đề “hai quả bom nguyên tử ném xuống Nhật” giúp học sinh nhận thức được tác hại của vũ khí hạt nhân, hình thành thái độ phản đối chiến tranh.
Việc sử dụng phương pháp này đòi hỏi có sự cố gắng, nỗ lực của tất cả học sinh trong lớp. Nhờ đó giáo viên tích hợp việc phát triển năng lực diễn đạt cho học sinh, khả năng làm việc độc lập, vận dụng kiến thức vào giải quyết vấn đề, tạo môi trường giao tiếp giữa thầy và trò cũng như giữa trò và trò trong quá trình tự lực chiếm lĩnh kiến thức mới.
Cuối cùng, giáo viên cần tạo điều kiện để học sinh tự đánh giá kết quả hoc tâp và tự rèn luyên. Học sinh có thể sử dụng hệ thống câu hỏi trắc nghiệm ôn tập được thiết kế bằng chương trình E-learning để tự đánh giá khả năng tiếp thu bài của bản thân.
Ngoài ra, học sinh có thể tự ôn lại hoặc bổ sung kiến thức dựa trên biểu bảng đã được giáo viên hệ thống hóa. Điều này giúp giáo viên có thể tích hợp thêm những kiến thức chưa kịp chuyển tải trên lớp và giúp học sinh hệ thống hóa kiến thức.
Lợi thế từ ứng dụng CNTT
Tích cực ứng dụng CNTT trước hết thể hiện trong việc sử dụng giáo án điện tử để giảng day. Phương án này nhằm tăng tính trực quan sinh động của bài giảng, tạo hứng thú học tập cho học sinh, từ đó giúp học sinh tiếp thu nội dung kiến thức môn học và kiến thức tích hợp một cách nhẹ nhàng hơn, góp phần giải quyết được vấn đề thiếu thời gian.
Ngoài ra, việc sử dụng các mô hình, thí nghiệm ảo có thể giúp giáo viên giải quyết vấn đề thiếu trang thiết bị thí nghiệm.
Giáo viên sử dụng các video, hình ảnh minh họa giúp học sinh dễ tiếp thu, dễ hiểu những kiến thức khó của môn học. Ví dụ, cho học sinh xem một mô hình cấu tạo và hoạt động của lò phản ứng hạt nhân thì sẽ giúp học sinh dễ tiếp thu hơn là mô tả chỉ mô tả bằng lời nói hay sách vở.
Ngoài ra, sử dụng những video, hình ảnh có tính giáo dục cao còn giúp giáo dục đạo đức và hình thành thế giới quan tốt cho học sinh. Chẳng hạn, việc cho học sinh xem một đoạn video về tác hại của bom nguyên tử sẽ mang lại hiệu quả trong việc hình thành thái độ phản đối chiến tranh hơn là sử dụng những lời kể bằng văn nói.
Giáo viên cũng có thể tạo hệ thống câu hỏi kiểm tra đánh giá bằng e-learning. Phương pháp này giúp học sinh có thể tự kiểm tra đánh giá kết quả học tập của mình đồng thời phát huy tính tự lực của học sinh và giải quyết được vấn đề thiếu thời gian.
Theo GD&TĐ