Giải pháp nào hỗ trợ doanh nghiệp hồi phục sản xuất kinh doanh?
Đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp cộng thêm giãn cách xã hội kéo dài đã khiến hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Trong khi đó, nguồn lực ngân hàng, tài chính quốc gia lại có hạn. Hiện tại, giải pháp xây dựng Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp đang được một số chuyên gia, doanh nghiệp đề xuất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng có nguồn lực phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Công nhân lao động Công ty cổ phần Cơ khí xây dựng thương mại Đại Dũng tại khu Công nghiệp An Hạ, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN
Chính sách hỗ trợ vẫn chưa trúng đích
Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết 406/NQ-UBTVQH ngày 20/10/2021 về một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân chịu tác động của dịch COVID-19.
Theo đó, sẽ thực hiện giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2021 đối với trường hợp người nộp thuế có doanh thu năm 2021 không quá 200 tỷ đồng và doanh thu năm 2021 giảm so với doanh thu năm 2019. Đồng thời, miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh quý III, IV đối với hộ kinh doanh, cá nhân…
Chính sách này ngay lập tức đã được người dân, đặc biệt cộng đồng doanh nghiệp đón nhận khá tích cực. Tuy vậy, tại TP Hồ Chí Minh, theo phản ánh của doanh nghiệp, chính sách này không có nhiều ý nghĩa với các doanh nghiệp bị phong tỏa, cách ly kéo dài và bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19.
Bởi lẽ, thuế thu nhập doanh nghiệp được hình thành dựa trên thu nhập chịu thuế, tức là doanh nghiệp phải kinh doanh có lãi thì mới tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Trong khi đó, làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát ở TP Hồ Chí Minh từ cuối tháng 5/2021, hầu hết các doanh nghiệp phải đóng cửa hoặc sản xuất cầm chừng nên chi phí đội lên rất lớn. Do đó, rất ít doanh nghiệp kinh doanh có lãi trong năm nay mà có đủ 2 điều kiện doanh thu dưới 200 tỷ đồng và doanh thu năm 2021 giảm so với năm 2019.
Theo ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Du lịch Lửa Việt, hoạt động của doanh nghiệp du lịch trong trạng thái “đóng băng” cả một thời gian dài, doanh thu không có, trong khi vẫn phải chi trả chi phí thuê mặt bằng, lương nhân viên… Kết quả kinh doanh năm 2021 theo đó chắc chắn sẽ bị thua lỗ. Vì vậy, việc giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cũng không có tác dụng cho doanh nghiệp trong ngành, trong khi đây là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong các đợt dịch bùng phát.
Video đang HOT
Ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Cao su – Nhựa TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, phần lớn các doanh nghiệp cao su – nhựa có doanh thu dưới 200 tỷ đồng trên địa bàn thành phố trong năm 2021 nhiều khả năng không có lãi do giãn cách kéo dài, việc sản xuất “3 tại chỗ” khiến chi phí tăng cao, chưa kể chi phí nguyên vật liệu cũng tăng mạnh. Do đó, rất ít doanh nghiệp trong ngành cao su – nhựa được hưởng chính sách giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp.
Thực tế cho thấy không chỉ riêng chính sách hỗ trợ thuế, một số chính sách khác được ban hành nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân cũng gặp rào cản liên quan đến việc khó tiếp cận hoặc chưa nhắm trúng đối tượng cần hỗ trợ… Ngay cả các chính sách hỗ trợ vốn, tín dụng đang được triển khai cũng chưa nhiều doanh nghiệp tiếp cận.
Ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội Dệt May – Thêu Đan TP Hồ Chí Minh cho biết, đa phần doanh nghiệp khó tiếp cận được các gói hỗ trợ lãi suất bởi quy định ngặt nghèo của Luật Tổ chức tín dụng như doanh nghiệp phải không có nợ xấu, có tài sản đảm bảo hoặc có doanh thu, lợi nhuận… Trong khi đó, đại dịch COVID-19 kéo dài làm đứt gãy chuỗi cung ứng khiến doanh thu của nhiều doanh nghiệp sụt giảm, lợi nhuận âm…
Dự kiến các doanh nghiệp phải mất trên 2 năm mới có thể khôi phục lại hoạt động như thời điểm trước dịch, trong khi điều kiện cho vay của ngân hàng vẫn không đổi. Do đó, nếu không sớm ban hành một cơ chế đặc biệt trong việc hỗ trợ vốn thì các doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn để phục hồi.
Tại một hội nghị diễn ra vào tuần trước, bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng, hiện có nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, song đó là cơ chế chung của cả nước. Trong khi đó, đại dịch COVID-19 lần thứ 4 kéo dài đã khiến nhiều doanh nghiệp Tp.Hồ Chí Minh gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, cần có thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ riêng cho doanh nghiệp thành phố phục hồi, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Qua đó, đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển kinh tế chung của cả nước.
Cần biện pháp hỗ trợ mạnh tay
Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh, các chính sách hỗ trợ hiện nay như Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 về ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19 vẫn còn chưa bao quát và đầy đủ, chưa tính đến đối tượng doanh nghiệp thua lỗ. Với tình hình khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, chính sách hỗ trợ cần xem xét hỗ trợ nhiều hơn đến những doanh nghiệp nằm trong vùng giãn cách, bị phong toả kéo dài. Đồng thời, phân chia từng nhóm đối tượng khác nhau một cách phù hợp thì chính sách hỗ trợ mới phát huy hiệu quả.
Chẳng hạn đối với chính sách tín dụng, PGS.TS Trần Hoàng Ngân cho rằng, vấn đề cần tháo gỡ nhất hiện nay là làm sao để doanh nghiệp tiếp cận được vốn ưu đãi từ ngân hàng. Với những điều kiện cho vay như hiện nay, doanh nghiệp sẽ rất khó tiếp cận, song nếu nới điều kiện vay vốn thì bản thân các ngân hàng cũng gặp rất nhiều khó khăn và có nhiều rủi ro.
Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân, trên thực tế chi phí trả lãi hiện nay vẫn còn cao, nhưng các ngân hàng khó có thể hạ sâu lãi vay trong bối cảnh lạm phát có khả năng tăng cao và huy động vốn còn khó khăn. Do đó, nhà nước phải có một Quỹ hỗ trợ, một nguồn lực ngân sách đủ lớn để thực hiện hỗ trợ việc vay vốn cho doanh nghiệp. Quỹ này có thể hình thành từ nguồn đầu tư công, nhưng chưa phân bổ vì chưa có dự án hay dự án không triển khai. Theo tính toán Quỹ này lên đến 20.000 – 30.000 tỷ đồng và có thể hỗ trợ đến 1 triệu tỷ đồng dư nợ.
Mặt khác, nhiều doanh nghiệp hiện muốn tiếp cận vốn vay từ ngân hàng để phục hồi sản xuất kinh doanh, nhưng không thể vay do không còn tài sản thế chấp. Vì vậy, Chính phủ cũng cần có một Quỹ bảo lãnh tín dụng để giải quyết bài toán thiếu vốn phát triển sản xuất kinh doanh, đặc biệt đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Việc thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng cũng đã được Liên minh Doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) kiến nghị Thủ tướng Chính phủ vào đầu tháng 10 vừa qua. Theo đó, Liên minh SME kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính lập quỹ Bảo lãnh cho vay doanh nghiệp SME với mức 100.000 tỷ đồng để hỗ trợ bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp và không cần tài sản đảm bảo.
Để tiếp cận Quỹ này, doanh nghiệp chỉ cần chứng minh hoạt động tốt trước dịch (có báo cáo tài chính lành mạnh); có hợp đồng/đơn hàng xuất nhập khẩu hoặc bán hàng trong vòng 6 tháng tới để được nhận bảo lãnh.
Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, việc thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng cũng là giải pháp duy nhất để hỗ trợ doanh nghiệp vào lúc này.
Trong điều kiện ngân sách eo hẹp như hiện nay, Chính phủ khó có gói hỗ trợ lớn. Vì vậy, để giúp doanh nghiệp có vốn, có thanh khoản duy trì hoạt động ít nhất là trải qua giai đoạn khó khăn này phải có tổ hợp tín dụng quốc gia. Tuy nhiên, hạn mức 100.000 tỷ đồng là chưa đủ lớn mà phải cần khoảng 300.000 tỷ đồng, tương đương với khoảng 3% dư nợ của các ngân hàng hiện nay.
Ngân hàng Nhà nước có thể là cơ quan chủ trì xây dựng tổ hợp tín dụng này trên cơ sở làm việc với các ngân hàng thương mại.
Tổ hợp tín dụng này làm việc với Quỹ bảo lãnh tín dụng để bảo lãnh cho các ngân hàng cho vay tín chấp với mức lãi suất thấp. Điều này vừa đảm bảo cho hoạt động ngân hàng an toàn, vừa giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận với các khoản vay tín chấp với lãi suất ưu đãi.
“Với tình hình các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang chịu tác động nặng nề của dịch bệnh, nếu không có tổ hợp tín dụng và Quỹ bảo lãnh đó thì không ngân hàng nào dám cho vay. Hiện tại chỉ có cách đó mới hỗ trợ được doanh nghiệp, còn các giải pháp giãn thuế hay gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng… cũng chỉ như “muối bỏ biển”, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nói.
Hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19
Ngày 27/8, Liên đoàn Lao động tỉnh Vĩnh Long phối hợp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tổ chức trao quà hỗ trợ đoàn viên công đoàn, công nhân lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 hiện còn ở lại các khu nhà trọ trên địa bàn.
Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long trao quà tượng trưng cho các Công đoàn cơ sở có công nhân lao động bị ảnh hưởng dịch COVID-19. Ảnh: Phạm Minh Tuấn/TTXVN
Do trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, các phần quà được Liên đoàn Lao động tỉnh Vĩnh Long trao cho các công đoàn cơ sở có công nhân lao động còn ở trọ không về quê từ ngày 27/4 đến nay, mỗi phần quà là 300.000 đồng. Theo đó, có 1.457 đoàn viên công đoàn, công nhân lao động được hỗ trợ trong đợt này với tổng số tiền hơn 437 triệu đồng.
Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Vĩnh Long Huỳnh Bá Long cho biết, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó công nhân là đối tượng dễ bị tổn thương, đang gặp nhiều khó khăn về việc làm, sức khỏe, đời sống. Đồng hành cùng đoàn viên, người lao động và các lực lượng tuyến đầu chống dịch, thời gian qua, các cấp Công đoàn của tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, kịp thời hỗ trợ người lao động và lực lượng tuyến đầu với số tiền trên 2,3 tỷ đồng.
Thời gian tới, các cấp Công đoàn sẽ hỗ trợ đoàn viên công đoàn, công nhân lao động đang làm việc "3 tại chỗ" ở tại doanh nghiệp do thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg; tiếp tục nắm thông tin đoàn viên, công nhân lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19 để hỗ trợ kịp thời, nhằm phát huy tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ là đại diện, bảo vệ, chăm lo cho đoàn viên, công nhân viên chức lao động.
Là đơn vị có 1.027 công nhân lao động được nhận hỗ trợ đợt này, Phó Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tỷ Xuân gửi lời cảm ơn sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh đối với công nhân lao động đang gặp nhiều khó khăn. Những phần quà ý nghĩa, thiết thực vào thời điểm này sẽ góp phần san sẻ khó khăn với người lao động, cũng như động viên tinh thần cho đoàn viên, công nhân lao động có thêm động lực, niềm tin để cùng với các cấp, ngành chung tay phòng, chống dịch COVID-19.
* Để người lao động và doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 được hưởng chính sách hỗ trợ của Chính phủ sớm nhất, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Phú Thọ đã phối hợp với đơn vị chức năng đẩy nhanh việc rà soát, thẩm định, tổng hợp các đối tượng được hưởng theo quy định để trình UBND tỉnh ban hành Quyết định hỗ trợ theo quy định.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, đến nay Bảo hiểm xã hội đã phối hợp với các đơn vị sử dụng lao động rà soát để giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với 3.037 đơn vị; 119.318 lao động được giảm; tổng số tiền được giảm mức đóng 12 tháng là gần 35 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội tỉnh cũng đã xác nhận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, ngừng việc đối với 6 đơn vị, 61 người lao động.
Ngân hàng chính sách tỉnh đã phê duyệt cho 3 doanh nghiệp vay để trả lương ngừng việc, vay trả lương phục hồi sản xuất cho 120 lượt người lao động, số tiền là trên 380 triệu đồng; hướng dẫn thủ tục vay vốn cho 2 doanh nghiệp vay vốn để trả lương ngừng việc với 81 lượt người lao động được hỗ trợ, số tiền dự kiến phê duyệt cho vay là 248 triệu đồng...
Phú Thọ cũng vừa có quyết định hỗ trợ tiền ăn 564 đối tượng gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 đợt 1, 2 năm 2021 với tổng số tiền 686 triệu đồng. Nhiều lao động tự do, hướng dẫn viên du lịch khác mất làm cũng được hỗ trợ kịp thời.
Hiện, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh đang tiếp tục đôn đốc, kịp thời tổng hợp các đối tượng đủ điều kiện hưởng trình UBND tỉnh phê duyệt và thực hiện chi trả kịp thời; phối hợp với các sở, ngành và UBND các huyện, thành, thị chỉ đạo các đơn vị liên quan, UBND cấp xã hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng tiếp cận chính sách, thực hiện thẩm định chặt chẽ, đúng đối tượng, không để lợi dụng trục lợi chính sách, mang lại hiệu quả thiết thực trong việc hỗ trợ cho người lao động, người sử dụng lao động.
Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho vay, tuyên truyền rộng rãi chính sách đến các đối tượng thụ hưởng, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, vận tải, xuất nhập khẩu..., nắm bắt thông tin, hoàn thiện hồ sơ vay vốn, xử lý kịp thời các vướng mắc phát sinh.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh chỉ đạo các tổ chức thành viên tăng cường công tác giám sát để đảm bảo việc thực hiện chính sách được đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch.
Xây dựng Nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19 Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết đang chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị quyết hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025 và một số giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch...