Giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy Triết học Mác – Lênin
GD&TĐ – TS Nguyễn Thị Hương Giang – Giảng viên khoa Triết học, Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG HCM) – cho rằng: Chất lượng giảng dạy Triết học Mác – Lênin ở các trường ĐH, CĐ phụ thuộc chủ yếu vào 4 yếu tố.
Đó là: Đặc trưng của Triết học Mác – Lênin; trình độ và năng lực của giảng viên; khả năng tiếp nhận và xử lý thông tin (tri thức triết học) của sinh viên; chất lượng giáo trình và tài liệu tham khảo.
Từ nhận định này, TS Nguyễn Thị Hương Giang đưa ra 3 giải pháp nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập Triết học Mác – Lênin trong các trường ĐH, CĐ hiện nay.
Giảng viên triết học: Nhà khoa học, nhà giáo, chuyên gia công tác tư tưởng
Giải pháp đầu tiên, theo tiến sĩ Hương Giang, là phát triển và hoàn thiện đội ngũ giảng viên triết học cả về tri thức, cả về bản lĩnh chính trị, đạo đức và cả về năng lực giảng dạy và nghiên cứu.
Video đang HOT
Trong điều kiện hiện nay, khi cách mạng khoa học – công nghệ phát triển như vũ bão, toàn cầu hóa mang tính hai mặt đang tác động đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội trên phạm vi toàn cầu, tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới luôn thay đổi và có diễn biến phức tạp, khó lường.
Do đó, giảng viên triết học cần hiểu biết thấu đáo về tri thức Triết học Mác – Lênin, Lịch sử triết học, Kinh tế chính trị Mác – Lênin, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối cách mạng của Đảng.
Đồng thời, hiểu biết rộng về tri thức khoa học liên ngành, nhất là tri thức hiện đại (về đặc điểm mới của thời đại, toàn cầu hóa, cách mạng khoa học – công nghệ, kinh tế tri thức, phát triển bền vững, những vấn đề toàn cầu, biến đổi khí hậu…), cũng như hiểu sâu sắc thực tiễn cách mạng Việt Nam, nhất là thực tiễn đổi mới và hội nhập quốc tế.
Những tri thức khoa học nói trên phải được thâm nhập và hòa quyện vào bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng của người giảng viên tạo nên một nhà khoa học, một nhà giáo và chuyên gia công tác tư tưởng.
Chắt lọc giá trị cơ bản nhất để giảng dạy
Giải pháp thứ hai, TS Hương Giang cho rằng, cần đổi mới nội dung giảng dạy Triết học Mác – Lênin cho đối tượng là sinh viên các ngành khoa học (không chuyên triết học).
Với đối tượng này, không cần thiết phải dạy tất cả các nội dung phong phú của Triết học Mác – Lênin và Lịch sử triết học; điều quan trọng là phải chắt lọc những giá trị cơ bản nhất để giảng dạy, giúp cho sinh viên hình thành được thế giới quan khoa học duy vật biện chứng, phương pháp luận khoa học biện chứng duy vật, nhân sinh quan cách mạng…
Trên cơ sở đó, sinh viên có thể tự học tập, rèn luyện, phát triển và hoàn thiện nhân cách để trở thành những công dân có ích cho xã hội.
Phương pháp giảng dạy: Phát huy hiệu quả thuyết trình khoa học
Phương pháp giảng dạy không tự nhiên mà có, cũng không phải do con người tư biện nghĩ ra để áp dụng vào giảng dạy.
Một phương pháp giảng dạy khoa học, theo tiến sĩ Hương Giang, trước hết bắt nguồn từ nội dung Triết học Mác – Lênin với thế giới quan và phương pháp luận của nó, từ mục tiêu của giáo dục – đào tạo, từ khả năng tiếp thu, xử lý thông tin và từ thực tiễn xã hội của đất nước. Trên cơ sở đó, giảng viên hình thành các phương pháp giảng dạy.
Hiện nay, đổi mới phương pháp giảng dạy là phải tổng kết tất cả những giá trị, ưu điểm của những phương pháp đã có; trên cơ sở đó, sử dụng và phát huy mặt tích cực của nó, đồng thời có thể sáng tạo ra phương pháp mới.
Dù là đổi mới phương pháp giảng dạy thế nào đi nữa, thì phương pháp giảng dạy thuyết trình khoa học vẫn là phương pháp thích hợp với giảng dạy Triết học Mác – Lênin.
Bởi lẽ, thuyết trình khoa học là nêu vấn đề, phân tích vấn đề (tìm ra mối liên hệ, mặt đối lập, mâu thuẫn của sự vật), chắt lọc những giá trị, tinh hoa, đối chiếu so sánh với khoa học và thực tiễn để khẳng định chân lý; đồng thời từ chân lý triết học này mà phê phán những quan điểm đối lập, sai trái hoặc những “khập khiễng” trong thực tiễn.
Đó là thuyết trình khoa học, trong đó đưa tư duy của giảng viên và sinh viên đi từ cái cụ thể (trong thực tiễn) đến cái trừu tượng và từ cái trừu tượng đến cái cụ thể (trong tư duy, tức khám phá ra chân lý).
Đó cũng là quá trình đưa tư duy của giảng viên và sinh viên đi từ hiện tượng khám phá ra bản chất, rồi từ bàn chất cấp một (vượt bỏ mâu thuẫn) đến bản chất cấp hai… và mãi xâm nhập vào thế giới vật chất vô cùng vô tận.
“Thuyết trình khoa học như vậy không thể là khô khan và lỗi thời được. Bởi lẽ, nó đưa chúng ta đến cánh rừng có những cây cổ thụ quý hiếm, tràn ngập những hoa thơm, cỏ lạ…Và, tất cả những cái đó kích thích trí tò mò và thúc đẩy tư duy sáng tạo của sinh viên” – tiến sĩ Hương Giang cho biết.
Đổi mới nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập môn Triết học cho sinh viên không chuyên ngành triết học là cần thiết và cấp bách.
Công việc này phải dựa vào chính đặc trưng của Triết học Mác – Lênin, trình độ và năng lực của giảng viên, khả năng tiếp nhận và xử lý thông tin của sinh viên và chất lượng của giáo trình và tài liệu tham khảo.
Việc đổi mới như vậy là rất quan trọng, nên cần được xem xét cẩn trọng và triển khai theo lộ trình nhất định với những bước đi thích hợp.