Giải pháp giúp nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học cho sinh viên thời 4.0
Trong bài tham luận tại Hội thảo “Phát triển năng lực cán bộ quản lý giáo dục Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0″, Ths Chu Thị Hương Nga – Học viện Quản lý Giáo dục – đã đề xuất giải pháp nâng cao năng lực nghiên cúu khoa học cho sinh viên thời 4.0.
Nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học cho sinh viên thời 4.0. Ảnh minh họa/internet
Khuyến khích sinh viên nghiên cứu khoa học
Một trong những đề xuất của Ths Chu Thị Hương Nga là giải pháp về định hướng nghiên cứu khoa học cho sinh viên thông qua hoạt động dạy học và hướng dẫn sinh viên NCKH trước yêu cầu của cuộc cách mạng 4.0.
Ths Chu Thị Hương Nga cho rằng, việc định hướng cho sinh viên nghiên cứu khoa học đòi hỏi người cán bộ, giảng viên phải nắm rất chắc phương pháp nghiên cứu khoa học, có kỹ năng phát hiện vấn đề trong lý luận cũng như thực tiễn, có kỹ năng sử dụng các phương pháp nghiên cứu khoa học để giải quyết vấn đề, có kỹ năng trình bày và báo cáo một cách khoa học…
“Nói một cách khác, trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, giảng viên cần phải đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng nhiều phương pháp dạy học tích cực, thường xuyên kết nối và cập nhập thông tin mới, áp dụng công nghệ thông tin vào dạy học; tăng cường mô phỏng, số hoá bài giảng, triển khai đào tạo trên mạng; tập trung dạy sinh viên cách tư duy phản biện và tư duy sáng tạo, cách phát hiện vấn đề mới.
Bởi khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ở giai đoạn phát triển mạnh, những thông tin, kiến thức sách vở hôm nay sẽ nhanh chóng lạc hậu so với ngày hôm sau; khi đó, sinh viên cần biết thích nghi, biết cách tìm tòi và tự hình thành những kỹ năng cần thiết mới có thể tồn tại và theo kịp thời đại” – Ths Chu Thị Hương Nga trao đổi.
Cũng theo Ths Chu Thị Hương Nga, giảng viên cần định hướng cho sinh viên ngay trong quá trình giảng dạy. Bằng nội dung môn học, bằng việc sử dụng các phương pháp dạy học tích cực, bằng các hoạt động khoa học trong và ngoài trường, giảng viên có thể giúp sinh viên tiếp cận với nghiên cứu khoa học và sử dụng công nghệ thông tin vào nghiên cứu; định hướng sinh viên nghiên cứu những đề tài mang tính chất liên ngành.
Video đang HOT
Cần chuẩn bị tốt cơ sở vật chất cho hoạt động nghiên cứu khoa học trước yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
Tạo động lực nghiên cứu khoa học cho sinh viên
Ngoài ra, theo Ths Chu Thị Hương Nga, cần chuẩn bị tốt cơ sở vật chất cho hoạt động nghiên cứu khoa học trước yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đây được coi là giải pháp quan trọng nhằm góp phần nâng cao năng lực nghiên cúu khoa học cho sinh viên thời 4.0.
Ths Chu Thị Hương Nga phân tích: Để tạo điều kiện cho sinh viên thuận tiện truy cập thông tin, tạo động lực khuyến khích sinh viên hứng thú hơn, say mê với hoạt động NCKH hơn, đưa đề tài có giá trị ứng dụng trong thời đại công nghệ phát triển hiện nay, cần phải quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho hoạt động NCKH của sinh viên.
Cơ sở vật chất cho hoạt động NCKH là thư viện internet, môi trường nghiên cứu và kinh phí. Đây là những điều kiện không thể thiếu cho hoat đông NCKH ngày nay, rất cần sự quan tâm của các cấp lãnh đạo trong và ngoài trường.
Thư viện cần có nhiều sách và tài liệu tham khảo, có nhiều nguồn tài liệu mở kết nối với thế giới, đặc biệt cần có nhiều sản phẩm NCKH mới, phong phú, đa dạng ở trong nước và quốc tế.
Sinh viên có thể chọn lọc những khoá luận tốt nghiệp, những tiểu luận môn học có giá trị, những công trình, bài báo trên thế giới mang tính khoa học cao để tham khảo. Hệ thống máy tính hoà mạng internet cần hoàn thiện và bổ sung trong các khu thư viện, ký túc xá, lớp học.
“Thêm vào đó, nhà trường có hỗ trợ kinh phí cho sinh viên NCKH theo mức độ hoàn thành đề tài, đề tài có tính ứng dụng cao và có chế độ khen thưởng như sự ghi nhận cho những nỗ lực, sáng tạo và nghiên cứu khoa học nghiêm túc của sinh viên, về mặt thực tiễn, giải pháp này góp phần rất lớn trong việc tạo động lực nghiên cứu khoa học cho sinh viên” – Ths Chu Thị Hương Nga nhấn mạnh.
Giảng viên cần khuyến khích và tạo điều kiện để sinh viên tiếp cận các nguồn thông tin nghiên cứu mới ở thư viện, Internet kết nối với thế giới;
Giao các bài tập có tính chất nghiên cứu cho cá nhân cũng như cho nhóm sinh viên; tổ chức cho sinh viên tự tìm đọc tài liệu, đọc các công trình nghiên cứu trên các tạp chí khoa học, trao đổi ở các diễn đàn chính thức và không chính thức; tổ chức thi học phần kết thúc môn học bằng hình thức làm tiểu luận;
Sinh viên sẽ học được rất nhiều từ việc thực hiện các tiểu luận, học cách tìm, đọc và tổng kết tài liệu, xác định vấn đề, phương pháp thực hiện, làm việc nhóm, trình bày và bảo vệ, định hướng sinh viên viết bài đăng tạp chí quốc tế và chuyển giao những giá trị nghiên cứu vào thực tiễn…
Theo Giaoducthoidai.vn
8 yêu cầu cần có của người cán bộ quản lý giáo dục thời 4.0
Theo ThS Đàm Thị Phương - Học viện Quản lý giáo dục, để đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi của nền giáo dục hiện đại trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, người cán bộ quản lý giáo dục cần đáp ứng một số yêu cầu cơ bản.
Cán bộ quản lý giáo dục cần phải thay đổi trong tư duy. Ảnh: Minh Phong
Thứ nhất, người cán bộ quản lý giáo dục phải có bản lĩnh chính trị luôn kiên định với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Biết giữ gìn kế thừa và phát triển những truyền thống thông minh, hiếu học của dân tộc; luôn cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư.
Thứ hai, phải có tầm nhìn xây dựng chiến lược, chính sách giáo dục: Người cán bộ quản lý giáo dục cần phải được trang bị về kiến thức, kỹ năng và thái độ để xác định vị trí, vai trò, tầm nhìn, sứ mệnh của giáo dục và của cơ sở giáo dục, từ đó có thể xây dựng được các chiến lược, chính sách phát triển giáo dục và cơ sở giáo dục.
Thứ ba, phải có năng lực quản lý nguồn nhân lực giáo dục: Cán bộ quản lý giáo dục cần phải thay đổi trong tư duy về vai trò và nội dung của các chính sách phát triển và quản lý nguồn nhân lực giáo dục và cơ sở giáo dục.
Vấn đề đặt ra cho cán bộ quản lý giáo dục là biết vận dụng lý luận, cơ sở pháp lý để triển khai các nội dung quản lý nguồn nhân lực ở cơ sở mình từ tuyển dụng, bố trí công việc, phân công nhiệm vụ, đánh giá, khen thưởng kỷ luật, chính sách đãi ngộ...
Thứ tư, phải có năng lực chuyên môn thể hiện ở: Khả năng phân tích và giải quyết các vấn đề tình huống, phát hiện thách thức, cơ hội, nguy cơ, đề xuất các giải pháp tận dụng cơ hội và tập trung nguồn lực để giải quyết các vấn đề xung yếu, đột phá của hệ thống hoặc tổ chức; Khả năng xác định đúng phương hướng phát triển hệ thống hoặc tổ chức.
Phải có năng lực đổi mới tư duy; năng lực thích ứng hoà nhập và hội nhập; năng lực hợp tác; năng lực kiểm tra đánh giá; nắm vững luật giáo dục và hiểu biết pháp luật có liên quan; có kỹ năng phân tích tổng hợp; có lòng nhân ái, tính trung thực và khiêm tốn; có tác phong công nghiệp; có tính quyết đoán; biết ứng dụng ngoại ngữ, tin học giúp cho việc quản lý.
Thứ năm, phải có năng lực lãnh đạo ưu việt, vận dụng các phương pháp chuyển đổi để đáp ứng vai trò và trách nhiệm của người lãnh đạo nhà trường ngày càng lớn hơn, theo kịp các mục tiêu đổi mới của nhà trường.
Thứ sáu, phải có khả năng phát triển nhà trường lấy người học làm trung tâm, trong đó tạo điều kiện đề người học luôn nỗ lực đạt được kết quả cao nhất và không ngừng đổi mới đến cùng. Cần có tầm nhìn toàn cảnh và hệ thống để đảm bảo các chương trình chuyến đổi của nhà trường phải bám sát mục tiêu phát triển quốc gia ở cấp độ cao hơn.
Người cán bộ quản lý giáo dục phải bền bỉ, kiên trì và quyết tâm trên con đường giáo dục toàn diện học sinh, tạo điều kiện để các em phát huy được năng lực giải quyết các vấn đề trong đời sống, có kỹ năng sống tích cực, có kỹ năng định hướng nghề nghiệp tương lai, nhằm tham gia vào nguồn nhân lực chất lượng cao của đất nước trong giai đoạn hội nhập quốc tế.
Thứ bảy, phải có năng lực liên hệ giữa tầm nhìn quốc gia với trường học và quá trình thay đổi. Bối cảnh xã hội hiện nay là vạn vật kết nối internet, mọi sự vật, hiện tượng hay con người đều dễ dàng kết nối, liên hệ với nhau.
Vì vậy, người cán bộ quản lý giáo dục phải có một cái nhìn tổng quan, khách quan và so sánh giữa hệ thống giáo dục Việt Nam với giáo dục của thế giới, từ đó có những định hướng phát triển hợp lý cho giáo dục nước ta.
Thứ tám, phải có các kỹ năng khác nhau trong điều hành, giải quyết công việc như: Tổ chức công việc của bản thân, các phương pháp, quá trình, quy trình làm việc hàng ngày, kết hợp công việc trước mắt và lâu dài;
Biết cách làm việc với mọi người, hợp tác và tạo ra môi trường phát huy khuyến khích mọi người làm việc phát huy sáng tạo cá nhân; Biết kiểm tra, đánh giá và sử dụng đúng năng lực của từng người; Phát hiện được vấn đề tổng quát và chi tiết, nhận biết nhân tố động lực.
"Để đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới, đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục cần phải hội tụ được những phẩm chất, năng lực hiện đại như kỹ năng hợp tác, năng lực tu duy phản biện, kỹ năng giải quyết vấn đề, tạo động lực, phải có tầm nhìn sâu rộng, biết cách phân tích, liên hệ, so sánh giữa giáo dục Việt Nam với các nền giáo dục khác trên thế giới.
Năng lực lãnh đạo, quản lý của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục sẽ giúp nâng cao hiệu quả lãnh đạo hệ thống giáo dục nói chung, các nhà trường nói riêng, từ đó giúp giáo dục đạt được mục tiêu và sứ mệnh cao cả của mình" - ThS Đàm Thị Phương.
Theo Giaoducthoidai.vn
Kiên Giang: Học sinh trung học đam mê nghiên cứu khoa học Các dự án nghiên cứu khoa học cho thấy các em học sinh quan tâm nhiều vấn đề trong cuộc sống, đến việc bảo vệ môi trường và phục vụ lợi ích trong quá trình học tập. Các sản phẩm nghiên cứu có giá trị thực tiễn, áp dụng được trong thực tế với quy mô nhỏ. Học sinh nhận giải thưởng nghiên...