Giải pháp đột phá xây dựng môi trường học đường nhân ái
Một điểm “đặc sắc” trong chương trình giáo dục phổ thông mới là sẽ đưa nội dung quyền con người vào giảng dạy, nhằm thực hiện Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 1309/QĐ-TTg ngày 5-9-2017.
Đây được xem là một giải pháp quan trọng nhằm xây dựng môi trường giáo dục dân chủ, nhân ái, không còn nạn bạo lực học đường, học sinh được yêu thương, tôn trọng. PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Tường Duy Kiên – Viện trưởng Viện Quyền con người (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), Thường trực Đề án về vấn đề này.
PGS.TS Tường Duy Kiên.
PV: Hiện Đề án đã đạt được một số kết quả tốt, trong đó đã điều tra, khảo sát đợt I tại các bộ/ngành và 11 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, khảo sát tại một số trường học. Vậy theo ông, khi triển khai đưa nội dung quyền con người vào giảng dạy, chúng ta có thuận lợi và gặp khó khăn gì?
PGS.TS Tường Duy Kiên: Khi tiến hành điều tra khảo sát đợt I, chúng tôi thấy việc triển khai thực hiện Đề án có một số thuận lợi như: Một số nội dung về quyền con người đã được đưa vào chương trình giáo dục ở các bậc học, ngành học với mức độ khác nhau, chủ yếu là tích hợp trong các nội dung giáo dục về pháp luật trong các chương trình môn học. Nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, sinh viên về giáo dục quyền con người cũng tích cực, khẳng định việc đưa nội dung này vào chương trình môn học và hoạt động giáo dục trong các bậc học, ngành học là hết sức cần thiết.
Tuy nhiên, đề án hiện còn gặp nhiều khó khăn: Nội dung quyền con người đã được lồng ghép, tích hợp trong môn học nhưng mới ở mức độ thấp và chủ yếu mới chỉ dừng lại ở nội dung giáo dục về pháp luật nên khô cứng, khó tiếp thu. Đội ngũ giáo viên còn hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là các kiến thức, kĩ năng giáo dục quyền con người. Khó khăn về tài liệu giảng dạy, học tập, chưa có hướng dẫn cụ thể về nội dung giáo dục quyền con người trong toàn bộ hệ thống giáo dục quốc dân để các cơ sở giáo dục triển khai biên soạn tài liệu, giáo trình thực hiện…
PV: Khi đưa quyền con người vào chương trình giáo dục thì quyền đó được dạy và học như thế nào trong chương trình – SGK mới, thưa ông?
PGS.TS Tường Duy Kiên: Đối với trẻ em mẫu giáo, sẽ dạy những yếu tố cơ bản về quyền, bổn phận của bản thân và của người khác. Với học sinh Tiểu học, sẽ dạy một số kiến thức cơ bản về các nguyên tắc, giá trị về quyền con người (bình đẳng, không phân biệt đối xử, khoan dung và tôn trọng sự khác biệt,…); các quyền con người của trẻ em đã được pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam quy định.
Cấp học sinh Trung học cơ sở, chương trình sẽ yêu cầu dạy các kiến thức cơ bản về các nguyên tắc, giá trị về quyền con người nhưng ở mức cao hơn so với học sinh tiểu học. Với học sinh Trung học phổ thông sẽ dạyở mức cao hơn so với học sinh trung học cơ sở và các cơ chế chủ yếu bảo vệ quyền con người.
Chúng tôi sẽ cùng với các chuyên gia nghiên cứu xây dựng các nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục nhằm cụ thể hóa các năng lực, phẩm chất được quy định trong chương trình môn học của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó, đặc biệt chú ý tới vấn đề giáo dục công dân toàn cầu.
Dự kiến, tháng 10-2019, Ban Điều hành Đề án sẽ phối hợp với các chuyên gia quốc tế tập huấn cho các cán bộ quản lý, chuyên gia, giảng viên các trường sư phạm trọng điểm, nhất là các tác giả tham gia xây dựng, biên soạn, thẩm định chương trình, sách giáo khoa các nội dung về quyền con người, nhằm quán triệt tinh thần của Đề án 1309 của Thủ tướng Chính phủ tới các cán bộ quản lý, chuyên gia, nhà giáo và bước đầu định hướng việc triển khai thực hiện nội dung này trong chương trình, sách giáo khoa mới.
Video đang HOT
Khi đưa quyền con người vào giảng dạy, giáo viên và học sinh sẽ hiểu sâu sắc quyền và bổn phận của mình, để mỗi ngày đến trường là một ngày vui.
PV: Vừa qua, tại một số trường học đã xảy ra nhiều vụ bạo lực học đường gây chấn động, trong đó có cả những vụ xâm hại tình dục học sinh nghiêm trọng, cơ quan Công an đã khởi tố vụ án… Theo ông, có nguyên nhân từ việc chúng ta chưa đảm bảo tốt quyền con người trong môi trường học đường hay chưa?
PGS.TS Tường Duy Kiên: Theo một con số thống kê, mỗi năm Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em bị xâm hại được phát hiện, trong đó trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm hơn 60% và nhất là tình trạng bạo lực học đường đang gia tăng gây bức xúc trong dư luận. Công bằng mà nói thì ngành giáo dục đã có rất nhiều cố gắng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục và trên thực tế đã đạt được nhiều thành tựu. Những vụ việc báo chí phản ánh là thiểu số,tuy nhiên lại để lại hậu quả nghiêm trọng.
Theo cá nhân tôi, nguyên nhân của vấn đề trên là do nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, phụ huynh, học sinh, sinh viên trong việc giáo dục và tự giáo dục chưa tốt, chưa ý thức đầy đủ về quyền con người và trách nhiệm công dân, ý thức tự bảo vệ. Sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội còn yếu kém, lỏng lẻo.
Việc triển khai thực hiện chương trình còn nặng về dạy chữ, nhẹ về dạy người, chưa chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên. Còn nguyên nhân nữa do tác động tiêu cực từ mặt trái của nền kinh tế thị trường, nhất là sự bùng nổ về công nghệ dẫn đến việc học sinh, sinh viên nhiễm các thông tin thiếu tính tích cực…
PV: Như ông vừa chia sẻ, chương trình của chúng ta còn nặng về dạy chữ, nhẹ về dạy người. Vậy khi đưa quyền con người vào chương trình giáo dục, câu chuyện “nhẹ dạy người” có được khắc phục quyết liệt không?
PGS.TS Tường Duy Kiên: Trên cơ sở nắm được hạn chế đó, chúng tôi sẽ cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ, ngành, các đơn vị triển khai thực hiện theo các hướng như sau: Tăng cường nội dung giáo dục về đạo đức, lối sống; nội dung giáo dục quyền con người sẽ được lồng ghép, tích hợp một cách phù hợp trong các chương trình, môn học và hoạt động giáo dục để tăng cường giáo dục ý thức trách nhiệm, nhất là các kĩ năng cơ bản, thiết yếu của công dân.
Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo để giáo dục quyền con người theo định hướngphát triển phẩm chất, năng lực người học. Tăng cường các biện pháp tuyên truyền, giáo dục trong cộng đồng để nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc chung tay thực hiện mục tiêu gắn kết giáo dục gia đình – nhà trường và xã hội. Chúng tôi cũng sẽ xây dựng tài liệu, thiết bị giáo dục quyền con người phong phú, đa dạng cho mọi đối tượng, hướng tới mục tiêu đề cao văn hóa quyền con người trong môi trường nhà trường.
PV: Hiện đội ngũ giáo viên và các trường sư phạm đã sẵn sàng đổi mới để thực hiện chủ trương này hay chưa?
PGS.TS Tường Duy Kiên: Qua khảo sát, tôi nhận thấy đội ngũ giáo viên có nhận thức tương đối đúng đắn về tầm quan trọng của giáo dục quyền con người trong nhà trường. Tâm lý họ cũng sẵn sàng đón nhận sự đổi mới đột phá này. Tuy nhiên, họ lại đang thiếu kỹ năng, kiến thức và các điều kiện về chương trình, giáo trình, tài liệu để có thể tiếp cận và giảng dạy về quyền con người. Điều này sẽ được khắc phục sau khi Đề án 1309 hoàn thành việc xây dựng bộ tài liệu và tập huấn kiến thức cho cán bộ nòng cốt giảng dạy về quyền con người và các lớp tập huấn theo chuyên đề…
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Thu Phương
Theo CAND
"Hệ sinh thái" quanh học sinh phải an toàn
Theo PGS.TS Trần Thành Nam (Chuyên gia tâm lý, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục, Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội), nếu làm tốt hoạt động hòa giải giữa HS với HS, giữa HS với GV, rất có thể nhiều sự việc xích mích, nhiều vụ việc BLHĐ không phải đưa lên mạng xã hội và truyền thông như vừa qua.
Học sinh có vấn đề về tâm lý, không kiểm soát được cảm xúc có thể gây ra bạo lực học đường.
"Những HS rơi vào các vụ việc BLHĐ nghiêm trọng thường là các em có vấn đề về tâm lý, do bị ức chế quá mức, không kiểm soát được cảm xúc, nếu các HS này được phát hiện sớm, được hỗ trợ, sẽ không dẫn đến những vụ việc BLHĐ"- TS Trần Thành Nam nhận định- "Trong nhà trường, mỗi người GV, cán bộ, nhân viên, lãnh đạo nhà trường đều phải có vị trí, vai trò trong phòng, chống BLHĐ".
Bạo lực học đường diễn ra trên đường đi học.
"Trước đây, khi chưa có sự bùng nổ của mạng xã hội, của thông tin số, có thể nhiều vụ việc BLHĐ dư luận không biết đến, không được phản ánh rộng khắp.
Tuy nhiên, hiện nay, người dân đã ý thức hơn về quyền trẻ em, quan tâm hơn đến kỷ luật tích cực, do đó mọi người cũng đã phản ứng rõ ràng hơn về những sự việc bị phát hiện, đưa lên truyền thông, mạng xã hội, như HS đánh nhau, GV đánh HS...
Do đó, trên báo chí, mạng xã hội, nhiều sự việc đã trở thành tâm điểm gây chú ý dư luận, khiến nhiều người hoang mang nghĩ rằng có thể còn nhiều vụ việc hơn nữa, trong khi thực tế có thể ít hơn"- TS Trần Thành Nam phân tích.
Khi trên mạng xuất hiện hình ảnh GV phạt HS quỳ, có nhiều người đã kể rằng ở những thế hệ trước đây học trò còn bị GV phạt quỳ "nặng nề" hơn, như quỳ trên gai mít, bị đánh bằng roi...
Nhưng thời bấy giờ những HS bị phạt như vậy lại nghĩ rằng đó là "yêu cho roi cho vọt", HS bị phạt không nói ra và những người chứng kiến cũng không có phương tiện để phát tán sự việc rộng rãi như thời đại ngày nay.
TS Trần Thành Nam cho rằng: "Một mô hình phòng, chống BLHĐ hiệu quả phải là mô hình tổng thể. Không thể nào chỉ ngành GD phải giải quyết và có thể giải quyết được, trong khi ngành khác vẫn đứng ngoài cuộc. Một mô hình thích hợp để phòng, chống BLHĐ phải có sự nhất quán, chung sức của toàn xã hội. Thêm nữa, mô hình nên áp dụng không thể chỉ tập trung vào giải quyết cả vụ việc BLHĐ đã xảy ra, việc xây dựng lòng tự trọng, sự tự tin cho HS rất quan trọng trong phòng, chống BLHĐ".
Chuyên gia tâm lý GD cũng chỉ ra, để phòng chống BLHĐ, một vấn đề cần giải quyết chính là gia đình, nhà trường và xã hội phải nhận thức được và cùng khích lệ HS cùng đứng lên trong việc phát hiện, cung cấp thông tin về các HS có biểu hiện BLHĐ.
Bên cạnh đó, cần xây dựng những chương trình hòa giải trong HS. Lứa tuổi học trò khó có thể tránh khỏi những xích mích lẫn nhau, nhưng nếu hòa giải được ngay từ những xích mích nhỏ ban đầu thì có thể phòng tránh được việc giải quyết xích mích bằng bạo lực.
Có cả một "hệ sinh thái" quanh HS cần được quan tâm.
"Nếu làm tốt hoạt động hòa giải giữa HS với HS, giữa HS với GV, rất có thể nhiều sự việc xích mích, nhiều vụ việc BLHĐ không phải đưa lên mạng xã hội và truyền thông như vừa qua. Phải bắt đầu từ những chương trình phòng ngừa như vậy bên cạnh lo giải quyết hậu quả BLHĐ. Giải pháp, mô hình phòng, chống BLHĐ phải là một tổng thể thống nhất"- TS Trần Thành Nam nêu.
Để giảm bạo lực học đường (BLHĐ), nhà trường phải an toàn hơn; gia đình phải không có bạo lực; con đường từ nhà đến trường cũng phải an ninh hơn, với sự tham gia góp sức của các lực lượng xã hội. Ngay thế giới trên mạng của trẻ em cũng phải đảm bảo an toàn, nhất là khi mà HS đang dành quá nhiều thời gian để kết nối mạng... Có cả một "hệ sinh thái" quanh HS cần được quan tâm.
"Phòng, chống và giảm BLHĐ cần phải có tất cả các chính sách cần thiết ở "hệ sinh thái" quanh HS. Trong "hệ sinh thái" quanh HS các cơ quan, ban, ngành chức năng đều phải vào cuộc, cùng thực hiện các giải pháp an toàn cho HS nói chung; phòng, chống BLHĐ nói riêng"- TS Trần Thành Nam nói.
Từ thực tiễn tình trạng BLHĐ ở Việt Nam, chuyên gia tâm lý GD cho rằng không nên lấy nguyên bất cứ một mô hình phòng, chống BLHĐ của quốc gia nào để sử dụng. Cần phải có chương trình hành động và mô hình của riêng mình, phù hợp với văn hóa và tâm lý của người Việt.
Thanh Tuấn
Theo GDTĐ
Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới: Nhiều nỗi lo dạy học 2 buổi/ngày Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, một trong những thay đổi cơ bản ở bậc tiểu học là thực hiện bắt buộc dạy và học 2 buổi/ngày. Thực tế về trường lớp, đội ngũ giáo viên... liệu có đáp ứng được yêu cầu này? Học sinh Trường tiểu học Thăng Long (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) - ẢNH: NGỌC THẮNG Toàn quốc...