Giải pháp căn cơ khắc phục tình trạng thiếu giáo viên
Để giải quyết căn cơ tình trạng thiếu giáo viên, cần thực hiện một số giải pháp trước mắt và lâu dài.
Cô trò Trường Tiểu học Thành Công A (Ba Đình, Hà Nội).
Bộ GD&ĐT chủ động phối hợp
Theo ông Vũ Minh Đức – Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý Giáo dục (Bộ GD&ĐT), nhiều năm qua, tình trạng thiếu giáo viên đã được Bộ GD&ĐT quan tâm. Bộ đã phối hợp với các bộ, ngành và các địa phương để giải quyết.
Theo đó, Bộ đã phối hợp với Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết số 102/2020/NQ-CP về giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế. Trong đó, cho phép các cơ sở giáo dục được ký hợp đồng lao động (dưới 12 tháng). Qua đó, kịp thời thay số giáo viên nghỉ thai sản, nghỉ hưu theo chế độ và bố trí giáo viên dạy buổi thứ 2 trong ngày (đối với cơ sở giáo dục dạy 2 buổi/ngày).
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 24/2021/NĐ-CP tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông thực hiện xã hội hóa một cách linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Bộ cũng ban hành Thông tư số 24/2020/TT-BGDĐT quy định việc sử dụng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo. Qua đó, nhằm cụ thể hóa việc bố trí, sử dụng đối tượng này, bảo đảm chất lượng giáo dục nhưng không làm xáo trộn việc giảng dạy, giáo dục trong các trường học.
Bên cạnh đó, Bộ đã ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện tinh giản biên chế cho viên chức ngành Giáo dục. Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông. Đồng thời, rà soát biên chế và chuẩn bị đội ngũ giáo viên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.
Năm 2021, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ Nội vụ đề xuất Chính phủ bổ sung biên chế giáo viên. Bộ Chính trị đã đồng ý bổ sung thêm gần 66.000 biên chế giáo viên trong giai đoạn 2022- 2026; trong đó năm học 2022-2023 bổ sung trên 28.700 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông.
Cùng với đó, chỉ đạo các cơ sở đào tạo giáo viên mở mã ngành đào tạo các môn học mới và các ngành đào tạo giáo viên dạy liên môn. Tăng cường kết nối với cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục ở các địa phương, nhằm xác định nhu cầu sử dụng giáo viên cụ thể theo từng trình độ, môn học, cấp học. Trên cơ sở đó, có kế hoạch tuyển sinh, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên một cách phù hợp, bảo đảm về số lượng, chất lượng và cơ cấu từng môn học, cấp học.
Video đang HOT
Ngày 2/8, Bộ GD&ĐT đã có Công văn số 3585/BGDĐT-NGCBQLGD đề nghị các địa phương khẩn trương tuyển dụng hết số biên chế giáo viên đã được giao trước đây và số biên chế được bổ sung theo quyết định của Bộ Chính trị.
Nhiều địa phương đã tích cực thực hiện việc bổ sung đội ngũ giáo viên để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Một số địa phương tăng cường phân cấp cho các cơ sở giáo dục trong việc tuyển dụng giáo viên, đảm bảo số lượng và cơ cấu hợp lý. Đồng thời có nhiều giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên.
Ông Vũ Minh Đức – Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý Giáo dục (Bộ GD&ĐT).
Cần giải pháp trước mắt và lâu dài
Để giải quyết căn cơ tình trạng thiếu giáo viên, theo ông Vũ Minh Đức, cần thực hiện một số giải pháp trước mắt và lâu dài:
Thứ nhất, giải quyết tình trạng thiếu giáo viên phải đồng bộ từ Trung ương tới địa phương; đồng bộ giữa các Bộ, ngành liên quan. Cùng với đó, làm rõ trách nhiệm của các đơn vị, địa phương trong việc giải quyết tình trạng thiếu giáo viên.
Việc giải quyết tình trạng thiếu giáo viên vừa bảo đảm việc thực hiện tinh giản biên chế theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, vừa bảo đảm phương châm: Ở đâu có học sinh, ở đó phải có giáo viên; Ở đâu có học sinh, bảo đảm cơ hội tiếp cận bình đẳng giáo dục của tất cả trẻ em và học sinh.
Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để nâng cao vị thế, thu nhập của nhà giáo như: xây dựng, trình Quốc hội ban hành Luật Nhà giáo để tạo hành lang pháp lý cho việc xây dựng, ban hành các chính sách, pháp luật về tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông nói riêng, đội ngũ nhà giáo nói chung.
Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Mặt khác, nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về chế độ làm việc, vị trí việc làm, định mức số lượng người làm việc, tuổi nghỉ hưu của nữ giáo viên mầm non… phù hợp với đặc thù lao động của nhà giáo.
Thực hiện chính sách tiền lương mới theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Cụ thể, lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng. Qua đó, tạo sự thu hút và động lực cho đội ngũ nhà giáo yên tâm công tác.
Thứ ba, thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập có điều kiện thực hiện cơ chế tự chủ. Có cơ chế, chính sách để khuyến khích các cá nhân và doanh nghiệp (đặc biệt là các nơi có khu công nghiệp) thành lập các cơ sở giáo dục ngoài công lập.
Tham gia xã hội hóa giáo dục để giảm áp lực cho hệ thống giáo dục công lập, giảm số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước; giảm chi cho ngân sách nhà nước. Đồng thời không làm giảm cơ hội tiếp cận giáo dục của học sinh nghèo, học sinh là đối tượng chính sách.
Thứ tư, tiếp rà soát về số lượng và cơ cấu giáo viên ở tất cả các cấp học, môn học. Xác định cụ thể số lượng giáo viên còn thiếu, đặc biệt là các địa phương thiếu nhiều do chính sách trước năm 2015. Trên cơ sở đó, có giải pháp bổ sung biên chế phù hợp. Tập trung ưu tiên bổ sung biên chế cho giáo dục vùng khó khăn, nơi dân số tăng, các khu công nghiệp…. Mặt khác, rà soát, sắp xếp, chuyển những trường phổ thông có quy mô nhỏ thành trường có nhiều cấp học.
Thực hiện tuyển dụng số biên chế đã được giao trước đây chưa tuyển dụng; khẩn trương tuyển số biên chế được giao bổ sung theo Quyết định số 72-QĐ/TW ngày 18/7/2022 của Ban Chấp hành Trung ương.
Thứ năm, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên; nâng cao năng lực và chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo giáo viên. Cùng với đó, mở các ngành đào tạo phù hợp với các môn học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Đồng thời, tăng cường đào tạo văn bằng hai, đào tạo liên thông hoặc bồi dưỡng chuyển đổi môn học để bổ sung giáo viên cho những môn học còn thiếu, môn học đặc thù.
Triển khai thực hiện tốt Nghị định 116/2020/NĐ-CP nhằm bảo đảm nguồn tuyển dụng giáo viên theo cơ cấu môn học và theo nhu cầu của địa phương.
Một lớp học của Trường Tiểu học Hải Hà (Nghi Sơn, Thanh Hóa). Ảnh: NTCC
Chủ động nguồn tuyển dụng
Theo ông Vũ Minh Đức, để bảo đảm việc có giáo viên Tin học, Ngoại ngữ cấp tiểu học dạy Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, Bộ GD&ĐT đã gửi UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương Công văn số 371/BGDĐT-NGCBQLGD về chuẩn bị giáo viên Ngoại ngữ, Tin học cấp tiểu học.
Theo đó, các địa phương cần chủ động nguồn tuyển dụng giáo viên Tiếng Anh, Tin học dạy tiểu học. Đặt hàng với cơ sở đào tạo để đào tạo mới giáo viên ở 2 bộ môn này. Ngoài ra, địa phương chủ động đặt hàng đào tạo liên thông lên trình độ đại học sư phạm đối với những người đã tốt nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp chuyên ngành Tiếng Anh, Tin học. Đồng thời bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho những người đã tốt nghiệp trình độ đại học chuyên ngành Tiếng Anh, Tin học có nguyện vọng trở thành giáo viên dạy tiểu học…
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT tiếp tục thực hiện việc giao chỉ tiêu đào tạo theo nhu cầu đề xuất của các địa phương. Địa phương đặt hàng, giao nhiệm vụ đối với các cơ sở đào tạo giáo viên, nhằm bảo đảm nguồn tuyển dụng giáo viên theo cơ cấu môn học và theo nhu cầu của địa phương. Đặc biệt là các môn học mới như: Tin học và Công nghệ cấp tiểu học; môn Nghệ thuật cấp THPT.
Theo thống kê từ cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục, hiện cả nước có hơn 8.000 giáo viên Tin học, gần 23.500 giáo viên Ngoại ngữ cấp tiểu học trong biên chế. Số giáo viên này hoàn toàn đáp ứng được việc dạy học ở cấp tiểu học trong năm học 2022-2023. Từ nay đến năm học 2024 – 2025, cả nước cần tuyển thêm hơn 6.600 giáo viên Tin học và trên 5.700 giáo viên Ngoại ngữ để dạy chương trình GDPT 2018 ở cấp tiểu học.
187 thí sinh thi xét tuyển viên chức giáo dục
Sáng 20/9, UBND TP. Vũng Tàu đã khai mạc xét tuyển viên chức đơn vị sự nghiệp giáo dục và đào tạo thuộc UBND TP.Vũng Tàu năm học 2022 - 2023.
Thí sinh tham gia lễ khai mạc xét tuyển viên chức đơn vị sự nghiệp giáo dục và đào tạo thuộc UBND TP.Vũng Tàu năm học 2022 - 2023.
Theo đó, 187 thí sinh tham gia thi xét vào 154 chỉ tiêu viên chức đơn vị sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Trong đó, khối MN tuyển 16 chỉ tiêu (13 giáo viên, 3 nhân viên); khối Tiểu học: 105 chỉ tiêu (100 giáo viên, 5 nhân viên); khối THCS: 33 chỉ tiêu (31 giáo viên, 2 nhân viên).
Thí sinh khối TH bốc thăm xác định bài dạy thực hành.
Các thí sinh thi xét tuyển theo 2 vòng: Vòng 1 là kiểm tra điều kiện dự tuyển tại phiếu đăng ký dự tuyển theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển, nếu đáp ứng đủ thì người dự tuyển được tham dự vòng 2. Vòng 2 sẽ kiểm tra, sát hạch thông qua hình thức giảng dạy 1 tiết trên lớp đối với vị trí tuyển dụng là giáo viên và phỏng vấn đối với vị trí tuyển dụng là nhân viên. Người trúng tuyển trong kỳ xét tuyển viên chức phải có kết quả điểm phỏng vấn hoặc thực hành đạt từ 50 điểm trở lên.
Thí sinh tham gia thi xét tuyển viên chức đơn vị sự nghiệp giáo dục và đào tạo thuộc UBND TP.Vũng Tàu năm học 2022 - 2023.
Ngay sau lễ khai mạc, các thí sinh dự tuyển vào khối Tiểu học tiến hành bốc thăm xác định bài dạy và thực hành vào ngày 26/9 tại Trường TH Lý Tự Trọng.
Tiếp đó, ngày 21/9, toàn bộ thí sinh dự tuyển khối MN sẽ bốc thăm xác định bài dạy và thực hành trong 2 ngày (27 và 28/9) tại Trường MN Ánh Dương. Ngày 22/9, toàn bộ thí sinh dự tuyển khối THCS bốc thăm bài dạy vào chiều 21 và 22/9 và thực hành trong 3 ngày (từ 27 đến 29/9) tại Trường THCS Châu Thành.
Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội kỷ niệm 30 năm giảng dạy tiếng Nhật Tiếng Nhật được giảng dạy tại Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội từ năm 1992. Trải qua 30 năm phát triển ngành tiếng Nhật, Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật Bản đã dần vững bước khẳng định vị thế và uy tín trong lĩnh vực đào tạo nói chung và giảng dạy tiếng Nhật nói riêng trong...