Giải mã việc McDonald’s chọn kênh truyền thông qua Zalo?
Người dùng Zalo có thể vào Zalo Page của McDonald’s để trả lời các câu hỏi về nhà cung cấp thức ăn nhanh số 1 thế giới này. Ai trả lời đúng và sớm nhất sẽ nhận được vé mời tới dự sự kiện Preview Day thưởng thức miễn phí món ăn McDonald’s tại cửa hàng McDonald’s Đa Kao vào ngày 4/2/2014. Theo dự kiến, cửa hàng này sẽ được khai trương vào ngày 8/2/2014, tức mồng 9 Tết Giáp Ngọ.
Zalo tập trung người dùng trẻ cũng chính là đối tượng khách hàng mục tiêu và tiềm năng của McDonald’s
Vì sao lại là Zalo?
Trong suốt hơn một năm qua, cuộc “đại chiến OTT” diễn ra chủ yếu giữa 3 OTT là Zalo, Kakao Talk và LINE. Thế cuộc đã ngã ngũ ở “pha 1″ (như cách nói của ông Lê Hồng Minh-CEO của VNG, chủ sở hữu Zalo) với “phần thắng” đang tạm nghiêng về Zalo với 7 triệu người dùng và 75 triệu tin nhắn đi qua hệ thống OTT này mỗi ngày. Kakao Talk được cho rằng đã rút khỏi thị trường Việt Nam, trong khi LINE lại đang yếu ớt.
Cần nhớ rằng, khi 3 OTT này cạnh tranh quyết liệt với nhau lôi kéo người dùng trong năm 2013, thì họ không chỉ dừng lại là một phương tiện thoại hay nhắn tin miễn phí, mà còn hướng tới trở thành mạng xã hội di động đang rất hợp trào lưu, với đối tượng người dùng chủ yếu là giới trẻ, trọng tâm là từ 15-25 tuổi. Xét về tương quan thị trường, Zalo thắng LINE và Kakao Talk nhưng nếu so sánh rộng hơn thì vẫn còn đó một Viber đáng gờm và một Facebook Messenger với sự hậu thuẫn của mạng xã hội số 1 hành tinh Facebook có hơn 1 tỉ người dùng.
Chắc chắn McDonald’s sẽ sử dụng đến kênh Facebook nhưng có sử dụng đến Facebook Messenger hay Viber không vẫn chưa rõ ràng. Facebook là một mạng xã hội khổng lồ nhưng Facebook Messenger chỉ là một tiện ích trong đó mà thôi. Viber cũng chỉ là nơi để người ta nhắn tin, gọi điện chứ chẳng có những trò gì hơn thế để người ta “vui chơi” trên đó. Có thể thấy Zalo có những ưu thế và đặc điểm phù hợp cho McDonald’s chọn làm kênh quảng bá: 1-Là mạng xã hội trên di động hợp thời tạo môi trường quảng bá tốt hơn so với những OTT chỉ thuần túy để thoại và nhắn tin. 2-Là môi trường có đông đảo giới trẻ. 3. Có cộng đồng người dùng lớn và tương tác mạnh.
Lí do thứ 4 cũng không kém quan trọng là mối quan hệ “thân thiết” giữa VNG-Zalo với McDonald’s Việt Nam-Good Day Hospitality. Cụ thể là ông Nguyễn Bảo Hoàng-người sáng lập Good Day Hospitality, là doanh nghiệp nhận nhượng quyền để xây dựng thương hiệu McDonald’s tại Việt Nam; song ông cũng là CEO của IDG Ventures-một quỹ đầu tư mạo hiểm đã đầu tư vào VNG và gặt hái thành công lớn nhất cho quỹ từ thương vụ này.
Qua Zalo tiếp cận khách hàng mục tiêu và tiềm năng…
Ai cũng biết Facebook đang là mạng xã hội lớn nhất tại Việt Nam hiện nay với sức mạnh truyền thông lan tỏa khủng khiếp của trên 20 triệu người dùng. Tuy nhiên, quảng bá trên Facebook mang tính đại chúng rộng rãi cho mọi đối tượng, từ teen, thanh niên, trung niên, người già…
Qua kênh này, có thể McDonald’s tiếp cận được đến phân khúc khách hàng gia đình từ các bậc phụ huynh, hoặc đánh động khiến những người chưa biết đến McDonald’s tò mò về thương hiệu này và thử tìm đến ít nhất một lần. Trong khi đó, quảng bá qua Zalo có đối tượng tập trung hơn, phù hợp với khách hàng mục tiêu của ngành thức ăn nhanh là từ 15-30 tuổi, và phân khúc khách hàng tiềm năng từ 5-14 tuổi.
Video đang HOT
Ở Mỹ, cứ 4 người thì có 1 người ghé vào McDonald’s mỗi ngày nhưng tại Việt Nam, thị trường thức ăn nhanh còn sơ khai. Theo một nghiên cứu của Nielsen, chỉ có 8% người Việt Nam dùng thức ăn nhanh và chỉ dùng từ 1-3 lần/tháng. Trong khi đó theo nghiên cứu của VinaResearch năm 2012, nhóm người dùng thức ăn nhanh nhiều nhất tại Việt Nam có độ tuổi từ 16-23. Và trong 113 người ở độ tuổi từ 18-25 được hỏi qua khảo sát thì có đến 102 người biết đến McDonald’s.
Người dùng chủ yếu của Zalo là giới trẻ
Theo phân tích tháp dân số Việt Nam năm 2011, độ tuổi đông nhất từ 20-24, đông thứ hai từ 25-29 tuổi, thứ ba từ 15-19 tuổi, thứ năm và thứ sáu thuộc về các độ tuổi từ 5-9 và từ 10-14. Cộng đồng năm phân khúc tuổi này năm 2011 ước khoảng 22 triệu người (nay có thể lên tới 25 triệu người).
Như vậy khi truyền thông qua Zalo, McDonald’s có thể tiếp cận sâu vào cộng đồng khách hàng mục tiêu từ 15-29 tuổi ước khoảng 15 triệu người, đồng thời cũng đánh động được tới phần trên của phân khúc khách hàng tiềm năng từ 10-14 tuổi, là những đối tượng bắt đầu sử dụng Zalo.
Zalo có được lợi gì không?
Theo phân tích như trên thì McDonald’s hoàn toàn được lợi khi chọn kênh truyền thông Zalo để quảng bá. Ở giai đoạn đầu, McDonald’s sử dụng Zalo Page của mình để thực hiện chiến dịch truyền thông cũng giống như các doanh nghiệp khác từng sử dụng các Fan Page trên các mạng xã hội thực hiện các chiến dịch truyền thông vậy. Tuy nhiên theo chúng tôi được biết, từ mối quan hệ thân thiết xưa nay vì thế Zalo có những sự hỗ trợ sâu hơn cho McDonald’s tại Việt Nam, như hỗ trợ về đầu số và cú pháp tin nhắn, xếp cho McDonald’s vào các vị trí đắc địa trên Zalo…
Cho dù sự hỗ trợ bước đầu từ Zalo miễn phí nhưng không có nghĩa là Zalo không có lợi gì từ việc làm miễn phí đó. Thứ nhất, chỉ riêng việc McDonald’s chọn kênh quảng bá qua Zalo đã giúp cho OTT này tạo được tiếng vang khác biệt với LINE hay cả Viber.
Chúng ta cần nhớ lại rằng, Coca Cola và Samsung từng rút quảng cáo khỏi Zing vì Zing MP3 từng bị vết vi phạm bản quyền nhạc số. Bây giờ (thứ hai), khi thương hiệu toàn cầu McDonald’s đến với Zalo cùng trong “gia đình” Zing góp phần xua tan đi cái tiếng không hay trước đây và tạo bước chạy đà mới cho Zalo trong năm 2014 khởi đầu đi vào thương mại hóa trong đó có việc hợp tác với McDonald’s trong những giai đoạn sau nay (thứ ba).
Trong chiến lược truyền thông, marketing của McDonald’s tại Việt Nam không chỉ có riêng chương trình quảng bá qua Zalo tuy nhiên cái lược của Zalo nói chung và người dùng Zalo nói riêng là được trải nghiệm thức ăn McDonald’s miễn phí trước các đồng khác và trước ngày khai trương McDonald’s Đa Kao.
Việc McDonald’s chọn kênh Zalo còn cho thấy rằng, khi một thương hiệu toàn cầu bước vào một quốc gia thì không chỉ đựa vào các thương hiệu truyền thông toàn cầu là đủ mà cũng cần tận dụng ưu thế của các công cụ truyền thông bản địa để tiếp cận nhanh và sâu đến khách hàng mục tiêu của mình, và Zalo chính là OTT được McDonald’s lựa chọn.
Người dùng Zalo được hưởng lợi cũng có nghĩa Zalo được lợi
Theo LĐ
OTT kiếm tiền ra sao?
Viber đang nhắm đến việc thu phí qua gọi điện tới số máy bàn, Line thành công tại một số quốc gia với game, bán sticker, vật phẩm. Trong khi đó, tại Việt Nam, Zalo được nhiều thương hiệu chọn để quảng bá dịch vụ.
Phần mềm nhắn tin, gọi điện miễn phí trên smartphone không còn xa lạ với người dùng Việt Nam. Cuộc chiến giành thị phần của các tên tuổi lớn là tâm điểm của làng công nghệ trong năm 2013. Từ Viber, Line, KakaoTalk đến Zalo đều quảng cáo dịch vụ của họ miễn phí nhưng tốn hàng triệu USD cho quảng cáo. Vậy OTT kiếm tiền bằng cách nào để bù đắp chi phí?
Kết thúc quý I/2013, Line cho biết lãi 80% trong số 5,82 tỷ yên (tương đương 58,9 triệu USD) chỉ riêng ở thị trường Nhật Bản. Đây là phần mềm OTT phổ biến nhất tại đất nước mặt trời mọc. Doanh thu của hãng tăng trưởng tới 92%, thông qua việc người dùng chơi game trên Line mua vật phẩm, nâng level. Ngoài ra, nguồn tiền của Line cũng đến từ việc bán các sticker, kết hợp với một số thương hiệu lớn quảng bá thông qua các tài khoản của mình.
Line là ứng dụng OTT tiêu biểu cho việc biết kiếm tiền nhanh. Hãng này nhanh chóng phát triển nền tảng game để tận dụng lượng người trên phần mềm này tải các trò chơi và mua vật phẩm, bỏ qua các chướng ngại vật để lên level. Biến OTT thành một nền tảng game cũng là mục tiêu mà nhiều ứng dụng khác đang hướng tới.
Nếu như phần lớn các ứng dụng OTT là miễn phí, thì vẫn có những khoản người dùng phải trả phí. Whatsapp là ứng dụng như vậy. Người dùng phần mềm này sau thời gian sử dụng miễn phí sẽ phải đăng ký thuê bao 0,99 USD/năm để sử dụng. Tuy nhiên, trong bối cảnh các OTT miễn phí xuất hiện nhiều, cách thức kiếm tiền này được các chuyên gia cho là không khôn ngoan. Người dùng sẵn sàng rời bỏ, bằng chứng việc Whatsapp chỉ "hot" trong thời gian đầu và hoàn toàn mất hút tại Việt Nam.
Quảng cáo trên OTT cũng là cách thức mà một số thương hiệu đang sử dụng. Bên cạnh đó, KakaoTalk, Viber, Tango, Line cũng sử dụng cách kiếm tiền phổ biến khác là bán các sticker ngộ nghĩnh cho phần mềm chat. Người dùng sẽ phải trả một khoản phí để download các sticker này. Ngoài ra, một số thương hiệu muốn quảng bá hình ảnh của mình thông qua sticker cũng có thể được các tên tuổi này phân phối giúp. Phổ biến hiện nay là hình ảnh các nhân vật hoạt hình Despicable Me 2 trên Facebook.
Ngoài ra, việc quảng bá các thương hiệu lớn, bán hình nền, nhạc... cũng là nguồn thu lớn cho các OTT. Ước tính, với hàng triệu người dùng, chỉ 10% trong số đó sẵn sàng một USD để mua vật phẩm, các OTT này đã thu được hàng triệu USD.
Kiếm tiền trên OTT tại Việt Nam
Line là OTT nhanh chóng thương mại hóa tại thị trường Việt Nam. Với khoảng 4 triệu thành viên, trong khoảng một năm xuất hiện, hãng này ra sức bán sticker, lên đời game cũng như quảng bá các nhãn hàng như Mobifone, Vietnam Airlines, BigC, LotteMart...
Tuy nhiên, khác với thị trường Nhật Bản, người dùng Việt thích miễn phí. Theo nhiều chuyên gia, lượng khách hàng sẵn sàng bỏ tiền mua sticker của Line tại Việt Nam không nhiều. Phần mềm chơi game phổ biến nhất trên Line là Pop cho phép mua các quyền hỗ trợ để đạt điểm cao. Tuy vậy, phần lớn người dùng đều sử dụng miễn phí và hầu như rất ít "mặn mà" với việc dùng các quyền ưu tiên để đạt điểm cao.
Trong khoảng nửa sau năm 2013, Line kết hợp với nhiều nhãn hàng thương mại quảng bá dịch vụ. Tuy nhiên, nhiều khách hàng phàn nàn họ liên tục nhận được quảng cáo của Line bắn thông báo lên điện thoại.
Dẫn đầu thị trường OTT tại Việt Nam với 8 triệu khách hàng, đến nay Viber vẫn chưa có động tĩnh gì trong việc kiếm tiền. Ở thị trường quốc tế, hãng này đã giới thiệu gói Viber Out cho phép gọi điện từ OTT đến số máy bàn với phí rẻ. Nhiều khả năng, dịch vụ này sẽ được chào bán tại Việt Nam.
Trong khi đó, tên tuổi nội duy nhất trong cuộc đua OTT là Zalo lại bắt đầu với hướng đi riêng. Đầu 2014, Zalo được McDonald's chọn là đối tác đầu tiên tại Việt Nam. Theo đó, với 7 triệu khách hàng trẻ, McDonald's chọn Zalo là kênh quảng bá cho việc xuất hiện tại thị trường Việt Nam cũng như tặng các suất ăn miễn phí trước ngày khai trương.
Không chỉ McDonald's, Zalo cũng đã kết hợp với CocaCola để quảng bá hình ảnh tới khách hàng trẻ. Nhiều tên tuổi trong lĩnh vực thức ăn nhanh, di động, thời trang như Noir, Maschino, KFC, LG Mobile, Domino's Pizza cũng đã chọn Zalo để tiếp cận khách hàng.
Zalo không "bắn" thông báo quảng cáo nếu khách hàng chưa bấm quan tâm đến nhãn hiệu mà mình chọn. Do đó, người dùng không bị làm phiền và lượng khách hàng quan tâm đến nhãn hiệu cũng chính xác hơn. Việc kết hợp cùng các nhãn hiệu nước ngoài lớn cũng giúp Zalo giữ đúng tiêu chí miễn phí của mình.
Theo nhiều chuyên gia, hướng đi của Zalo nhắm vào các nhãn hàng thương mại trong thời điểm hiện nay là bước đi thông minh. Theo đó, các tên tuổi có thể nhanh chóng tiếp cận với khách hàng của mình, trong khi người dùng cũng sớm nắm bắt các thông tin mua sắm, khuyến mãi và sử dụng ngay chính Zalo để giao dịch.
Các ứng dụng OTT sẽ tiếp tục cạnh tranh nhau và giới thiệu các hướng đi riêng trong năm 2014. Viber đã vào Việt Nam và sẽ bắt đầu công cuộc kiếm tiền. Line sẽ tiếp tục chứng minh việc bán sticker, lên đời game của mình. Trong khi đó, với những bước đi thận trọng, Zalo được chờ đợi sẽ có sự bùng nổ khi có tin đồn họ đang phát triển nền tảng game cũng như tích cực nhắm tới giới trẻ với sự hỗ trợ của những thương hiệu hàng đầu thế giới ở nhiều loại hàng hóa, dịch vụ khác nhau.
Theo VNE
Cận Tết, tin nhắn rác hoành hành trên OTT Trong lúc vấn nạn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo qua mạng di động truyền thống được tiết chế thì các nhà quảng cáo lại bắt đầu dội bom người dùng qua những ứng dụng OTT như Viber. Tin nhắn rác xuất hiện tràn lan trên Viber dịp cận Tết. Ảnh: T.C Phạt DN phát tán tin nhắn rác 3,8 tỷ đồng...