Giải mã việc các nước lớn trong EU đi đầu tăng cường nhập khẩu LNG từ Nga
Việc các nước lớn trong EU như Pháp, Tây Ban Nha và Bỉ dẫn đầu về nhập khẩu LNG từ Nga cho thấy một nghịch lý trong chính sách năng lượng của khối này.
Nhập khẩu LNG từ Nga vào EU trong nửa đầu năm 2024 tăng mạnh, bất chấp cam kết tách rời khỏi nguồn cung cấp này. Ảnh: TASS
Theo Yann Caspar, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu châu Âu thuộc Đại học Mathias Corvinus, Budapest (Hungary) mới đây, mặc dù cam kết cắt giảm sự phụ thuộc vào năng lượng từ Nga, các quốc gia thành viên lớn của Liên minh châu Âu (EU) như Pháp, Tây Ban Nha và Bỉ lại đang đứng đầu về việc tăng cường nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Moskva.
Trong bối cảnh Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nhấn mạnh mục tiêu tách rời hoàn toàn khỏi nguồn năng lượng Nga, số liệu cho thấy xu hướng ngược lại, đặt ra nhiều câu hỏi về tính nhất quán trong chính sách năng lượng của EU.
Tình hình nhập khẩu LNG từ Nga
Trong nửa đầu năm 2024, lượng LNG mà châu Âu nhập khẩu từ Nga đã tăng thêm 11% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, Pháp, Tây Ban Nha và Bỉ chiếm tới 87% lượng nhập khẩu này, với Pháp dẫn đầu, tăng tới 120% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, tập đoàn Total của Pháp đóng vai trò quan trọng khi nhập khẩu một lượng lớn LNG Nga và nắm giữ 20% cổ phần tại mỏ Yamal ở Siberia – một trong những nguồn cung cấp chính cho thị trường châu Âu. Cả Tây Ban Nha và Bỉ cũng đã nhập khẩu LNG của Nga nhiều hơn so với LNG từ Mỹ trong cùng giai đoạn.
Những con số này đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả của các biện pháp giảm phụ thuộc năng lượng mà EU đang theo đuổi. Dù nhu cầu khí đốt tại châu Âu giảm và các quốc gia như Qatar và Mỹ được giới thiệu như những lựa chọn thay thế, việc nhập khẩu từ hai quốc gia này thực tế đã giảm. Hiện nay, 80% LNG sản xuất tại mỏ Yamal của Nga vẫn đang được xuất khẩu sang thị trường châu Âu.
Video đang HOT
Trước tình hình này, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã nhiều lần chỉ trích những quốc gia mà bà cho là đang “tìm kiếm những cách thay thế để mua nhiên liệu hóa thạch từ Nga”. Tuy nhiên, khi xem xét kỹ lưỡng các quốc gia thực sự đang dẫn đầu việc nhập khẩu, điều đáng chú ý là những nước lớn như Pháp, Bỉ và Tây Ban Nha lại không bị chỉ trích trực tiếp. Theo chuyên gia Caspar, vấn đề này khiến cho các nhà quan sát nghi ngờ về tính nhất quán trong thông điệp và hành động của EU.
Một số quốc gia thường xuyên bị chỉ trích về việc nhập khẩu năng lượng từ Nga, như Slovakia và Hungary, không thể chiếm khối lượng nhập khẩu lớn này do không giáp biển.
Thực tế, khí đốt từ Nga chủ yếu được mua bởi các quốc gia lớn có hạ tầng năng lượng mạnh, sau đó giao dịch lại trên thị trường. Điều này khiến cho các tuyên bố chỉ trích từ phía EU trở nên mơ hồ, trong khi không có giải pháp cụ thể nào được đưa ra để đối phó với tình hình thực tế.
Tính hợp pháp của việc nhập khẩu
Chuyên gia Caspar lưu ý mặc dù có nhiều chỉ trích từ phía châu Âu về việc tiếp tục nhập khẩu năng lượng từ Nga, thực tế là các giao dịch này hoàn toàn hợp pháp theo luật pháp hiện hành. Hiện chỉ có hai giới hạn đối với việc nhập khẩu năng lượng từ Nga: thứ nhất là việc chuyển LNG từ Nga sang các nước thứ ba và thứ hai là nhập khẩu dầu từ Nga bằng đường biển. Trong khi đó, việc nhập khẩu khí đốt qua đường ống hoặc dạng hóa lỏng từ Nga vào thị trường châu Âu vẫn không chịu bất kỳ lệnh trừng phạt nào.
Tình hình này khiến cho các tuyên bố mạnh mẽ từ phía các lãnh đạo EU trở nên mâu thuẫn với thực tế, và tạo ra những rào cản trong việc xây dựng một chiến lược năng lượng nhất quán. Dù bà von der Leyen lo ngại về mối đe dọa do sự phụ thuộc vào năng lượng từ Nga, nhưng nếu không áp dụng các biện pháp đồng bộ cho tất cả các quốc gia thành viên, EU có thể sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong việc đạt được các mục tiêu giảm hoàn toàn phụ thuộc vào năng lượng Nga.
EU nhập khẩu khối lượng kỷ lục LNG từ Nga
Các quan chức EU cảnh báo rằng lệnh cấm hoàn toàn nhập khẩu LNG có nguy cơ gây ra một cuộc khủng hoảng năng lượng giống như năm ngoái.
EU vẫn nhập khẩu lượng kỷ lục khí đốt hóa lỏng từ Nga. Ảnh: CNN
Tờ Financial Times (Anh) mới đây đưa tin, EU dự kiến sẽ nhập khẩu khối lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) kỷ lục từ Nga trong năm nay, mặc dù mục tiêu của khối là loại bỏ nhiên liệu hóa thạch của Nga vào năm 2027.
Theo phân tích dữ liệu ngành của Global Witness, một tổ chức phi chính phủ, trong 7 tháng đầu năm nay, Bỉ và Tây Ban Nha là những nước mua LNG lớn thứ hai và thứ ba của Nga, sau Trung Quốc.
Nhìn chung, nhập khẩu LNG của EU đã tăng 40% từ tháng 1 đến tháng 7 năm nay so với cùng kỳ năm 2021. Bước tăng vọt này xuất phát từ mức ban đầu thấp vì EU không nhập khẩu một lượng LNG đáng kể trước khi xung đột ở Ukraine nổ ra do họ phụ thuộc vào khí đốt từ Nga.
Phân tích của Global Witness dựa trên dữ liệu từ công ty phân tích ngành Kpler, cho thấy EU đang nhập khẩu LNG của Nga nhiều hơn khoảng 1,7% so với thời điểm nhập khẩu đạt mức cao kỷ lục vào năm ngoái.
Theo Global Witness, chi phí LNG nhập khẩu từ tháng 1 đến tháng 7 năm nay theo giá thị trường giao ngay lên tới gần 5,3 tỷ euro. Jonathan Noronha-Gant, nhà vận động nhiên liệu hóa thạch cấp cao tại Global Witness, nói: "Thật sốc khi các quốc gia ở EU đã nỗ lực hết sức để loại bỏ khí đốt hóa thạch của Nga qua đường ống và thay thế nó bằng LNG của Moskva".
Hầu hết lượng LNG của Nga đến từ liên doanh Yamal LNG, do công ty Novatek của Nga sở hữu phần lớn. Cùng với việc mang lại hàng tỷ euro doanh thu cho Nga vào thời điểm EU tiếp tục thắt chặt chế độ trừng phạt đối với Moskva, mức nhập khẩu trên khiến EU có thể đối mặt với bất kỳ quyết định đột ngột nào của Điện Kremlin về việc cắt giảm nguồn cung như đã làm đối với dòng khí đốt vận chuyển qua đường ống năm ngoái.
Alex Froley, nhà phân tích LNG cấp cao tại công ty tư vấn ICIS, nhận định: "Những người mua dài hạn ở châu Âu cho biết họ sẽ tiếp tục nhận khối lượng theo hợp đồng trừ khi bị các chính trị gia cấm", lưu ý thêm rằng lệnh cấm nhập khẩu của EU sẽ gây ra một số gián đoạn trong hoạt động vận chuyển vì mô hình thương mại toàn cầu sẽ cần được sắp xếp lại.
Trong các nước EU, Bỉ nhập khẩu khối lượng lớn LNG của Nga, vì cảng Zeebrugge của nước này là một trong số ít điểm trung chuyển LNG của châu Âu từ các tàu chở dầu hạng nặng (có khả năng phá băng) được sử dụng ở Bắc Cực đến các tàu chở hàng thông thường. Các nhà phân tích cho biết, công ty Natology của Tây Ban Nha và Total của Pháp cũng đang tiếp tục có các hợp đồng mua số lượng lớn LNG của Nga.
Trong khi đó, một số nhà hoạch định chính sách EU đã kêu gọi các công ty châu Âu không mua LNG của Nga. Bộ trưởng năng lượng Tây Ban Nha Teresa Ribera từng cho rằng LNG (của Nga) nên bị trừng phạt, đồng thời nói thêm rằng tình hình trên là "vô lý". Về phần mình, Ủy viên năng lượng EU Kadri Simson nói rằng khối "có thể và nên loại bỏ hoàn toàn khí đốt của Nga càng sớm càng tốt, đồng thời vẫn lưu ý đến an ninh nguồn cung của châu Âu".
EU đã đặt ra mục tiêu tổng thể nhằm loại bỏ nhiên liệu hóa thạch của Nga vào năm 2027, nhưng các quan chức cảnh báo rằng lệnh cấm hoàn toàn nhập khẩu LNG có nguy cơ gây ra một cuộc khủng hoảng năng lượng giống như năm ngoái khi giá khí đốt của EU đạt mức cao kỷ lục hơn 300 euro/megawatt giờ.
Một quan chức EU cho biết, mặc dù các kho chứa khí đốt ở châu Âu đã đầy hơn 90% trước mùa đông năm nay nhưng vẫn có "rất nhiều lo lắng" nếu nguồn cung tiếp tục bị cắt giảm.
Dữ liệu của Kpler cho thấy LNG của Nga chiếm 21,6 triệu, tương đương 16%, trong tổng số 133,5 triệu mét khối LNG nhập khẩu của EU (tương đương 82 tỷ m3 khí đốt tự nhiên) từ tháng 1 đến tháng 7 năm nay, khiến Nga trở thành nhà cung cấp LNG lớn thứ hai của EU, sau Mỹ.
Thổ Nhĩ Kỳ áp thuế đối với thép nhập khẩu từ Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Nhật Bản Thổ Nhĩ Kỳ áp thuế chống phá giá đối với một số sản phẩm thép nhập khẩu từ Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Nhật Bản, trong đó mức thuế cao nhất được áp vào sản phẩm thép nhập khẩu từ Trung Quốc. Động thái này được giải thích là nhằm ngăn cạnh tranh không công bằng sau khi các nhà sản xuất...