Giải mã những đường zig zag trên đỉnh núi Phú Sĩ
Không tự nhiên mà những đường zig zag tồn tại trên đỉnh núi Phú Sĩ – một trong những điểm nổi tiếng nhất trên bản đồ du lịch Nhật Bản.
Đường zig zag dẫn lên đỉnh núi Phú Sĩ. Ảnh: Ngô Trần Hải An
Là đỉnh núi cao nhất ở Nhật Bản, núi Phú Sĩ cao 3.776m là kết quả của hoạt động núi lửa từ hơn 100.000 năm trước. Khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới đổ đến Nhật Bản để tận mắt ngắm nhìn ngọn núi hùng vĩ này.
Từ xa, du khách có thể thấy những đường zig zag dẫn lên đỉnh núi nổi bật trên nền tuyết trắng. Thực tế, đó là con đường bằng gỗ giúp du khách chinh phục đỉnh núi dễ dàng hơn. Chỉ từ khoảng cuối tháng 10 đến đầu tháng 11 hàng năm, con đường này sẽ ẩn đi dưới tuyết dày.
Núi Phú Sĩ là biểu tượng nổi tiếng của Nhật Bản. Ảnh: Ngô Trần Hải An
Có tới hơn 300.000 người chinh phục núi Phú Sĩ vào mỗi mùa hè, đi theo bốn cung đường khác nhau để leo đến đỉnh. Bốn cung đường mang tên Yoshida, Subashiri, Gotenba, và Fujinomiya với cấp độ từ dễ đến khó.
Trong đó cung Yoshida là dễ nhất và gần nhất để du khách di chuyển từ Tokyo đến hồ Kawaguchiko dưới chân núi. Cung này chính là đường zig zag để lên và xuống sườn núi. Cung khó nhất là Fujinomiya vì đường dốc nhưng khoảng cách lên đỉnh núi lại ngắn nhất.
Đường zig zag trên đỉnh núi. Ảnh: Ngô Trần Hải An
Dọc đường họ có thể nghỉ lại ở trạm dừng đủ tiện nghi hoặc nơi lưu trú. Hầu hết người leo núi xuất phát từ nửa đêm để kịp ngắm bình minh từ trên đỉnh Phú Sĩ. Một số người dư dả thời gian hơn có thể cắm trại qua đêm trên núi và tiếp tục leo từ 2h để lên đỉnh vào lúc bình minh.
Ngoài cảm hứng sáng tác nghệ thuật, núi Phú Sĩ từ lâu đã là một địa điểm tâm linh quan trọng với người Nhật. Ít du khách biết rằng núi Phú Sĩ từng là nơi khổ luyện của các nhà sư và những người hành hương.
Video đang HOT
Trong hàng trăm năm, một mối liên kết tâm linh giữa người Nhật Bản với ngọn núi này đã hình thành. Truyền thuyết kể rằng thầy tu khổ hạnh Hasegawa Kokugyo (1541-1646) chinh phục đỉnh núi Phú Sĩ hơn 100 lần. Câu chuyện của nhà sư là tiền đề cho truyền thống thờ phụng ngọn núi lâu đời này của Nhật Bản sau này.
Ngoài ghé thăm các đền thờ, du khách có thể tham quan một số điểm xung quanh chân núi. Đặc sắc nhất phải kể đến Phú Sĩ Ngũ Hồ (Fujigoko) với năm hồ nước mang tên Yamanakako, Kawaguchiko , Saiko, Shojiko và Motosuko rải rác ở tỉnh Yamanashi.
Blogger Ngô Trần Hải An vừa có chuyến tham quan núi Phú Sĩ trong tháng 1. Dưới đây là gợi ý về lịch trình khám phá núi Phú Sĩ và các điểm xung quanh:
- 8h sáng từ Tokyo di chuyển khoảng 2,5 tiếng đến làng cổ Oshino Hakkai ở tỉnh Kanagawa. Làng cổ này có nhiều ngóc ngách rất dễ thương, xinh xắn và có view ngắm núi độc đáo.
- Tiếp theo, di chuyển về hồ Kawaguchi để chụp toàn cảnh ngọn núi. Hồ này cũng là một phần của khu di sản núi Phú Sĩ, nghỉ ăn trưa tại hồ.
- Sau đó chạy về ngã tư đường Chuo Dori & 139 để chụp ảnh con phố chạy dài và ngọn núi làm nền ngay giữa đường.
- Kết thúc tham quan, di chuyển ngược về Tokyo.
Blogger Ngô Trần Hải An ghé thăm làng cổ Oshino Hakkai gần núi Phú Sĩ, ở tỉnh Yamanashi, Nhật Bản. Ảnh: Ngô Trần Hải An
Giới hạn khách leo núi Phú Sĩ để hạn chế đám đông và rác thải
Những người muốn leo lên một trong những con đường mòn nổi tiếng nhất trên núi Phú Sĩ (Nhật Bản) sẽ phải đặt chỗ và trả phí vì vấn đề đám đông, xả rác, mất an toàn và bảo tồn.
Núi Phú Sĩ cao 3.776 mét đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới vào năm 2013. Nguồn: AP.
Các quy định mới cho mùa leo núi được áp dụng bắt đầu từ ngày 1/7 đến ngày 10/9, đối với những người đi bộ trên đường mòn Yoshida ở phía Yamanashi của ngọn núi cao 3.776 mét.
Chỉ 4.000 người leo núi được phép đi vào đường mòn mỗi ngày với phí đi bộ đường dài là 2.000 yên (khoảng 18 USD). Trong số đó, 3.000 suất sẽ có sẵn để đặt trực tuyến và 1.000 suất còn lại có thể được đặt trực tiếp vào ngày leo núi, tỉnh Yamanashi cho biết trong một tuyên bố thông qua Trung tâm báo chí nước ngoài của Nhật Bản hôm 20/5. Những người đi bộ đường dài cũng có thể lựa chọn quyên góp thêm 1.000 yên (khoảng 9 USD) cho phí bảo tồn.
Những người leo núi có thể đặt chỗ thông qua trang web Leo núi Phú Sĩ do Bộ Môi trường và hai tỉnh Yamanashi và Shizuoka phối hợp điều hành.
Đoàn người leo núi trên hành trình chinh phục đỉnh núi Phú Sĩ. Nguồn: AP.
Núi Phú Sĩ được chia thành 10 ga và có bốn "trạm thứ 5" ở lưng chừng núi, nơi các đường mòn Yoshida, Fujinomiya, Subashiri và Gotemba bắt đầu lên đỉnh.
Theo hệ thống mới, những người leo núi phải lựa chọn giữa chuyến đi bộ trong ngày hoặc nghỉ qua đêm tại một số túp lều có sẵn dọc theo đường mòn. Ngày leo núi, họ được cấp mã QR để quét tại trạm thứ 5. Những ai chưa đặt lều qua đêm sẽ bị đuổi xuống và không được phép leo núi trong khoảng thời gian từ 4 giờ chiều và 3 giờ sáng, chủ yếu là để ngăn chặn việc lao lên đỉnh mà không nghỉ ngơi đầy đủ, điều mà nhà chức trách lo ngại có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Là biểu tượng của Nhật Bản, ngọn núi có tên "Fujisan" từng là nơi hành hương. Ngày nay, nó đặc biệt thu hút những người đi bộ đường dài leo lên đỉnh để ngắm bình minh. Nhưng hàng tấn rác thải bị bỏ lại, bao gồm chai nhựa, thực phẩm và thậm chí cả quần áo, đã trở thành mối lo ngại lớn.
Trong một tuyên bố, Thống đốc tỉnh Yamanashi Kotaro Nagasaki cảm ơn người dân vì sự hiểu biết và hợp tác của họ trong việc bảo tồn núi Phú Sĩ.
Quang cảnh tuyệt đẹp nhìn từ đỉnh núi Phú Sĩ. Nguồn: AP.
Quận Shizuoka, phía Tây Nam núi Phú Sĩ, đã đưa ra mức phí tự nguyện 1.000 yên (6,40 USD) cho mỗi người leo núi kể từ năm 2014 và đang xem xét các cách bổ sung để cân bằng giữa du lịch và bảo vệ môi trường.
Theo Bộ Môi trường Nhật Bản, số lượng người leo núi Phú Sĩ trong mùa leo núi năm 2023 là 221.322 người. Con số này gần bằng mức trước đại dịch khiến các quan chức mong đợi sẽ có nhiều du khách hơn trong năm nay.
Chỉ vài tuần trước, thị trấn Fujikawaguchiko thuộc tỉnh Yamanashi đã bắt đầu dựng một phông nền đen khổng lồ trên vỉa hè để chặn tầm nhìn ra núi Phú Sĩ vì khách du lịch đổ xô vào khu vực để chụp ảnh với ngọn núi, một hiện tượng truyền thông xã hội được gọi là "Mount Fuji Lawson", đã làm gián đoạn hoạt động kinh doanh, giao thông và đời sống của người dân địa phương.
Một phông nền đen khổng lồ được dựng trên vỉa hè để chặn tầm nhìn ra núi Phú Sĩ. Nguồn: AP.
Du lịch quá mức cũng trở thành một vấn đề ngày càng gia tăng tại các điểm du lịch nổi tiếng khác như Kyoto và Kamakura khi du khách nước ngoài đổ xô đến Nhật Bản kể từ khi các hạn chế về đại dịch Covid-19 được dỡ bỏ.
Năm ngoái, Nhật Bản đón hơn 25 triệu du khách và con số vào năm 2024 dự kiến sẽ vượt gần 32 triệu, kỷ lục từ năm 2019, theo Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản.
Đi bộ dạo quanh Xigazê - thành phố đặc biệt của Tây Tạng Thành phố Xigazê (Nhật Khách Tắc) nằm trên cao nguyên ở độ cao hơn 3.800m so với mực nước biển, xinh đẹp và huyền ảo, được mệnh danh là "quê hương của cao nguyên lúa mạch thế giới". Xigazê, hay còn được gọi là Shigatse, là một đô thị cấp huyện và là thành phố lớn thứ hai của Tây Tạng (Trung Quốc)....