Giải đáp bí ẩn kho báu tuyệt mật bị thất truyền của vua Minh Mạng
Giai thoại về kho báu khổng lồ bị thất truyền của vua Minh Mạng là một trong những điều bí ẩn mà bấy lâu nay hậu thế vẫn chưa thể giải đáp hết.
Vua Minh Mạng (1791-1841), lăng Minh Mạng ( Hiếu lăng) nằm ở xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Khi vua qua đời, toàn bộ những thông tin liên quan đến kho tàng này đều theo vua về với lòng đất. Theo truyền thuyết, “sau khi khiêng hàng trăm thậm chí hàng ngàn rương vàng bạc, châu báu đặt vào các thạch thất, toán lính đã tình nguyện chết mang theo bí mật xuống mồ với tinh thần “vua kêu tử thần tử”. Chỉ duy nhất vua Minh Mạng là người nắm giữ mật đồ chôn các kho báu”.
Ba lần tìm thấy hầm chứa kho báu được chôn thời vua Minh Mạng
Dưới thời Pháp thuộc, người ta khai quật được 3 hầm châu báu ở Kinh thành Huế.
Sách Đại Nam nhất thống chí (tập Kinh sư), Đại Nam thực lục và Đại Nam Điển Lệ cho biết, kho tàng của triều Nguyễn dưới thời Gia Long gọi là Nội Đồ Gia, được thiết lập ở phía tả của Hưng Khánh thuộc Tử Cấm Thành, qua năm đầu thời Minh Mạng được đổi tên là Nội Vụ Phủ.
Cơ quan này quản lý 7 kho với 7 loại vật hạng khác nhau, trong đó kho vàng bạc là quan trọng nhất. Mỗi kho có 12 người chủ thủ canh giữ rất cẩn mật. Các kho được triều đình cho kiểm kê đầy đủ, nghiêm ngặt và thanh tra chặt chẽ.
Riêng hầm chứa vàng bạc ở kho này đã chứa đến 200.000 lượng vàng bạc vào năm 1836.
Vào cuối năm 1838, Vua Minh Mạng cho di dời Nội Vụ Phủ ra khỏi Tử Cấm Thành và thiết lập tại khu vực bên trái Hoàng Thành (tức là khuôn viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật ngày nay).
Nhà vua giao cho Thống chế Mai Công Ngôn điều khiển 2.000 biền binh làm công việc dời kho này. Cẩn thận hơn, vua Minh Mạng đã chỉ định các đại thần cao cấp nhất trong triều đình là Phạm Hữu Tâm, Nguyễn Tăng Minh, Trương Đăng Quế và Hà Duy Phiên thay nhau hàng ngày đến giám sát công việc dời kho để của kho khỏi bị bỏ sót và thất thoát.
Theo đó, hầm bạc đầu tiên của Vua Minh Mạng được phát hiện vào thời Vua Thành Thái thứ 11 (1899), Khâm sứ đại thần Boulloche sau khi nhận được tin báo của Hoằng Trị quận vương Hồng Tố nói đời Vua Minh Mạng và Thiệu Trị có chôn nhiều bạc trong Đại Nội đã phái Quan hội đồng và phát 100 phu khỏe theo nơi được chỉ đào và tìm thấy một hầm bạc ba vết (là loại bạc chuẩn của triều Nguyễn, trên thường có 3 cụm chữ triện đóng riêng rời.
Khâm sứ đại thần bàn trích 30.000 nén do Thượng thư Bộ Hộ Trương Như Cương, Hội biện Đô Ty chở ra Ngân hàng Hải Phòng đổi lấy tiền chi biện các việc công ích. Về sau ông khâm sứ đại thần nói với vua số bạc ấy trừ thuế, phí tổn đài tải quy ra tiền tổng cộng 460.350 đồng, gửi Ngân hàng Thượng Hải.
Sau 6 năm sau, năm Duy Tân thứ 9 (1915), một hầm bạc khác được phát hiện. Trong quá trình đào đất sau cửa Tường Loan để sửa chữa ống nước trong khuôn viên Đại Nội, toán thợ chạm phải hầm bạc, một số phái viên của Bộ Công đã trình lên trên. Nhận được tin, Phủ Phụ chính cùng Khâm sứ đại thần Charles tới xem thấy dưới hầm gạch có hòm gỗ, hai đầu đều có đai sắt mục đứt lộ ra các thỏi bạc.
Video đang HOT
Khi đào lên kiểm biên có đến 60 hòm gỗ với 10.000 hốt bạc và 1 đồng tiền đồng đỏ cùng khắc chữ Phú Thọ Đa Nam, 28 đồng tiền đồng và tấm bia đá khắc 16 chữ, dịch nghĩa “Giáp Ngọ ngày tốt, mười vạn bạc ròng, lưu làm quốc dụng, ai dám riêng lòng”.
Hầm bạc thứ ba được tìm thấy sau đó một tháng (29/8), tại khu vực chỗ cửa Tường Loan, khi thi công sửa chữa miệng ống nước, lúc đào gạch lát nền, những người thợ thi công đụng phải phiến đá lớn, trên ấy có đồng tiền đồng hạng lớn đã nghĩ ngay đó là hầm chôn bạc của vua tiền triều.
Việc phát hiện được báo lên trên, lần này đích thân vua Duy Tân cùng Khâm sứ đại thần Charles tới xem việc “khai quật”. Quá trình đào tìm thấy 1 đồng tiền đồng đỏ, 28 tiền đồng, bia đá khắc 16 chữ với nội dung “Minh Mạng Giáp Ngọ, cất bạc trăm ngàn, của nước không thiếu, chất chứa muôn vàng” và 70 hòm gỗ, bên trong có 10.000 hốt bạc thỏi…
Như vậy theo chính sử nhà Nguyễn, đã có 3 lần tìm thấy hầm bạc thời Vua Minh Mạng dưới sự hiện diện, giám sát chặt và định đoạt của người Pháp.
Dấu vết cuối cùng về kho báu?
Mãi đến gần 100 năm sau lần tìm kiếm cuối cùng của người Pháp, trong Đại Nội lại diễn ra thêm một cuộc tìm kiếm mà chưa có tài liệu nào công bố. Những thông tin về sự kiện này được biết đến qua chia sẻ của nhà Huế học Phan Thuận An. Ông cũng chính là người chứng kiến toàn bộ quá trình từ khi bắt đầu khai quật cho đến khi kết thúc cuộc tìm kiếm.
Sự kiện diễn ra vào mùa Đông năm 1988, theo nhà nghiên cứu Phan Thuận An: “Lúc bấy giờ, một số cán bộ có thẩm quyền của bộ Nội vụ (cũ) vào Bình Trị Thiên (cũ) phối hợp với Sở Công an và Tỉnh ủy để cho đào. Dĩ nhiên, mọi việc đều được tiến hành trong vòng bí mật. Một góc của Tử Cấm thành bị phong tỏa và được canh gác kỹ lưỡng. Lực lượng đào gồm khoảng 10 người thuộc về lực lượng trinh sát chính trị và kinh tế của Sở Công an Bình Trị Thiên đóng tại Huế. Chính những người đào cũng chẳng được cho biết mình đang đào tìm gì, cứ nghĩ rằng có lẽ việc đào bới tìm tòi này liên quan đến một vụ án chính trị hoặc kinh tế nào đó. Hoặc đào hầm vũ khí chôn giấu từ trước năm 1945″.
Trước hết, lực lượng tìm kiếm đào thám sát ba hố gần bờ hồ và gần một gốc cây đại thụ nằm không xa chân tường, phía trong của Tử Cấm Thành. Sau khoảng ba tuần đào bới thấy được một viên đá có hình thù và diện mạo hơi lạ, cỡ lớn hơn viên bờ lô.
Nó nằm ở bậc thềm xây để bước xuống một cái hầm nay đã bị lấp. Trên mặt viên đá có một kí hiệu khả nghi. Người ta đoán rằng có lẽ đó là chữ Hán viết thảo để cho biết kho vàng nằm ở đâu. Viên đá được đem về Sở Công an rồi dùng xe chở đi nhờ nhà sư ở các chùa và các vị túc nho ở Huế đọc chữ Hán ấy. Tất cả các vị đều không nhận ra là chữ gì.
Viên đá được đem về Phòng An ninh kinh tế của Sở Công an đặt vào tủ kính kèm theo hồ sơ nói về lai lịch và kích thước của nó. Sau đó mấy tuần, Sở Công an thông báo và mời Công ty quản lý di tích lịch sử và văn hóa Huế sang nhận viên đá về để nghiên cứu. Hiện nay, viên đá vẫn còn để lại tại cơ quan này, nhà nghiên cứu Phan Thuận An khẳng định.
Tuy mất khá nhiều thời gian nhưng kết quả của cuộc tìm kiếm này không có thứ gì giá trị như những lần người Pháp tìm thấy trước đó. Từ thời điểm đó đến bây giờ không còn có bất kỳ một cuộc khai quật nào liên quan kho báu trong lòng đất của vua Minh Mạng nữa.
Có hay không còn nhiều hầm bạc khác đang nằm đâu đó trong phạm vi Kinh thành Huế, mặc dù đã cất công tìm kiếm, hậu thế sau này chẳng thể nào phát hiện được thêm dấu vết nào nữa vì mọi manh mối đã bị đứt đoạn bởi thời gian và dòng chảy lịch sử, và chỉ mỗi vua Minh Mạng là người nắm giữ mật đồ chôn các kho báu. Có lẽ tất cả vẫn sẽ mãi mãi là một bí ẩn…
Giải đáp bí ẩn về "lời nguyền chia tay" ở ngôi chùa linh thiêng bậc nhất cố đô Huế
Chùa Thiên Mụ là chốn tâm linh ở kinh đô Huế, hàng năm ngôi chùa này đón hàng vạn du khách thập phương về chiêm ngưỡng.
Thế nhưng, có không ít người bị ám ảnh bởi "lời nguyền"...
Có một lời đồn đại rằng, các cặp đôi khi yêu nhau nếu ghé thăm chùa Thiên Mụ thì khi về sẽ chia tay, mỗi người một nơi. Đây là câu chuyện truyền miệng, thế nhưng vì có nhiều sự trùng hợp kỳ lạ nên nhiều cặp đôi vẫn luôn e ngại, không dám dắt nhau ghé thăm ngôi chùa cổ kính này.
Nằm bên bờ sông Hương yên ả, chùa Thiên Mụ hiện ra như một bức tranh tĩnh mịch dung hòa giữa kiến trúc và thiên nhiên thu hút du khách gần xa. Theo đó, ngôi chùa không chỉ nổi tiếng với 108 tiếng chuông xóa đi 108 nỗi phiền muộn trong thế gian, mà còn gắn với "lời nguyền" về những cuộc tình tan vỡ. Người ta cho rằng khi đi chùa Thiên Mụ mà có đôi có cặp, thì ắt về đến nhà cả hai sẽ tự nói lời chia tay và sau đó chẳng thể quay lại với nhau.
Chùa Thiên Mụ là ngôi chùa cổ nằm trên đồi Hà Khê, phía trước là dòng sông Hương thơ mộng, thuộc địa phận phường Kim Long, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Chùa chính thức khởi lập năm Tân Sửu (1601), đời chúa Nguyễn Hoàng - vị chúa Nguyễn đầu tiên ở đất Đàng Trong.
Tích xưa kể rằng, sau khi nghe lời khuyên của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm: "Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân". Nguyễn Hoàng xin chúa Trịnh được phép vào Đàng Trong cai quản. Khi vào làm Trấn thủ xứ Thuận Hóa, lúc đi khảo sát dọc bờ sông Hương, Nguyễn Hoàng nhìn thấy một ngọn đồi nhỏ nhô lên trên dòng nước với hình thế tựa như một con rồng đang quay đầu nhìn lại. Ông liền hỏi người dân và được cho biết ngọn đồi đó là đồi Hà Khê.
Tương truyền ngày trước, chính ngay tại ngọn đồi này đã có một lời tiên đoán hết sức bí ẩn lưu truyền như sau: "Vào một đêm nọ, bỗng có một người phụ nữ trông thể sắc thì còn trẻ, nhưng mày tóc bạc phơ, mình vận áo đỏ quần xanh ngồi dưới chân đồi than vãn, rồi cất tiếng to: Đời sau nếu có bậc quốc chủ muốn bồi đắp mạch núi để làm mạch cho Nam triều, thì nên lập chùa thờ Phật, cầu thỉnh linh khí trở về nơi núi này để phúc dân giúp nước, tất không có gì phải lo. Người ấy nói xong liền biến mất". Nhân đó mà núi này được gọi là Thiên Mụ sơn, chúa thượng cho rằng đất này có linh khí, bèn dựng chùa gọi là Thiên Mụ tự.
Lời đồn xuất phát từ mối tình oan nghiệt từ thời Nguyễn
"Lời nguyền chia tay" này bắt nguồn từ câu chuyện tình yêu đau khổ cách đây khoảng 400 năm.
Chuyện kể rằng vào thời Nguyễn, khi chúa Nguyễn còn cai trị vùng Đàng Trong, thời kỳ này vấn đề lập gia đình của con cái vẫn luôn nằm trong sự sắp đặt của cha mẹ. Lúc này, có một cặp trai gái yêu nhau thắm thiết. Cô gái là con nhà giàu có, còn chàng trai sinh ra trong gia đình đói rách, nghèo khổ.
Mối tình đẹp nhưng lại chẳng "xứng đôi vừa lứa" bị gia đình nhà gái ngăn cấm, quá đau khổ cả hai quyết định trầm mình xuống sông Hương để được ở bên nhau mãi mãi.
Tuy nhiên chỉ có chàng trai một mình chìm xuống dòng nước lạnh lẽo, còn cô gái lại trôi dạt vào bờ và được các ngư dân cứu sống.
Thời gian trôi qua, cô gái mất đi người yêu rồi cũng nguôi ngoai về chuyện tình buồn và nghe theo lời cha mẹ đi lấy chồng, oan hồn chàng trai nằm dưới đáy sông Hương chờ mãi không thấy người yêu, hận cho số phận đau thương của mình nên thường xuyên lảng vảng ở khu vực chùa Thiên Mụ và nguyền cho những đôi tình nhân đến đây cầu duyên đều bị chia ly đôi ngả.
Từ đó những ai đang cô đơn đến đây thành tâm khấn vái nhất định sẽ sớm gặp được người trong mộng, nhưng nếu ai có người yêu rồi mà dắt nhau tới chùa, sợi tơ duyên ắt sẽ đứt.
Dù chẳng biết lời nguyền xuất phát từ câu chuyện tình yêu thương tâm cách đây 400 năm có thật hay không, ấy thế mà nhiều người vẫn cứ tin vào chuyện đồn đại ở chùa Thiên Mụ và làm chùn chân không ít cặp tình nhân, họ không dám dắt tay nhau thăm quan ngôi cổ tự linh thiêng và nổi tiếng xứ Huế.
Dì Hường, người buôn bán tại khu vực bờ sông ở chùa Thiên Mụ cho biết, câu chuyện về các cặp đôi khi yêu nhau đến tham quan ngôi chùa rồi khi về thì chia tay là chuyện được truyền miệng. Dì nghe người ta kể rằng: "Có thể là vì bà già mặc áo đỏ linh thiêng không muốn nơi thanh tịnh bị các cặp đôi đến đây quấy rầy nên mới khiến cho họ chia tay. Dì nghe đồn vậy thôi chứ không rõ thực hư vì đây cũng chỉ là tích, không có gì chứng minh đúng sai, thực hư cả. Chuyện này người xưa kể lại, mỗi người kể lại có chút khác nhau, nhưng dì thấy đó cũng là một sự bí ẩn khiến ngôi chùa càng mang vẻ gì đó kì bí".
Giải oan "lời nguyền chia tay" cho ngôi chùa linh thiêng bậc nhất cố đô
Chùa Thiên Mụ là chốn tâm linh, hàng năm có hàng vạn du khách thập phương khắp nơi đến cầu nguyện. Thế nhưng, có không ít người bị ám ảnh bởi "lời nguyền", nhất là những đôi bạn trẻ đang yêu nhau khi đến chùa sẽ rời xa nhau.
Chị Hường (25 tuổi, đến từ TP HCM) chia sẻ: "Lời đồn về các cặp đôi khi đến chùa Thiên Mụ sẽ chia tay là mình xem được ở trên mạng và các hội nhóm về Huế ở Facebook, nhưng mình chỉ đọc cho biết và cũng không tin vì mình và người yêu đã bên nhau suốt 10 năm. Ghé thăm chùa Thiên Mụ là một trong những địa điểm mà tụi mình đã thực hiện được trong chuyến du lịch Huế lần này".
Để kiểm chứng nguồn gốc cũng như thông tin về lời đồn đó, chúng tôi đã làm một cuộc trò chuyện với sư Thầy đang tu hành tại chùa, Thầy chia sẻ: "Câu chuyện đó được đồn thổi và không có căn cứ nào cả, đó chỉ là lời truyền miệng của người dân sinh sống quanh nơi này, có thể họ dựa vào câu chuyện xưa cũ cách đây mấy trăm năm rồi thiêu dệt thêm, tạo nên sự kì bí để nhiều du khách ghé thăm mà thôi."
Sư thầy khẳng định thêm: "Chùa Thiên mụ mang 'lời nguyền chia tay' là không có. Ngôi chùa linh thiêng còn là nơi diễn ra lễ hằng thuận, đây là là một nghi thức đặc biệt dành riêng đối với một nghi lễ hôn nhân được tổ chức tại chùa. Theo đó, trong nghi lễ này cô dâu, chú rể cũng được người đại diện là sư trụ trì tuyên bố lý do, lễ cầu phúc cho cặp đôi, trao nhẫn cưới và nhận lời chúc tụng của hai họ. Như vậy thì làm sao có chuyện các cặp đôi yêu nhau đến đây rồi trở về sẽ chia tay."
Lời đồn về "lời nguyền chia tay" được người đời truyền miệng nhau cho đến tận ngày nay và khiến cho nhân gian dấy lên sự tò mò. Tuy chẳng có gì chứng minh đúng sai, vậy mà có những sự trùng hợp lạ lùng khi nhiều cặp nam thanh nữ tú cùng nhau ghé thăm chùa, để rồi lúc đi về thì lại chia tay, khiến lời nguyền đó trở thành nỗi ám ảnh của nhiều cặp yêu nhau ở xứ Huế.
Ngược lại, có người nửa tin nửa ngờ về những lời đồn thổi đó muốn xác minh cũng dắt nhau lên chùa, các cặp đôi có tình yêu và nhân duyên gắn kết bền chặt, khi về họ vẫn vui vẻ bên nhau.
Thế nên, các cặp đôi khi tìm hiểu thấy phù hợp thì đi đến hôn nhân và vẫn hạnh phúc, còn chia tay hay không là vì nhiều nguyên nhân xúc tác. Hết yêu và hết duyên thì cứ thế mà nói lời chia tay thôi, chứ không thể vịn vào cái cớ "lời nguyền chia tay" để lấp liếm cho sự tan vỡ trong tình yêu.
"Lời nguyền chia tay" xuất phát từ những câu chuyện nhân gian truyền miệng, để rồi từ lâu nó đã trở thành một giai thoại trong nhân gian với nhiều dị bản khác nhau. Có người tin, cũng có người chỉ xem là điều "mê tín". Thế nhưng, chùa Thiên Mụ là chốn linh thiêng, thanh tịnh và là nơi nhiều cặp đôi và gia đình vẫn tới lui để cầu sức khoẻ, nhân duyên cũng như mong ước những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Tỉnh An Giang được ra đời dưới triều vua Minh Mạng như thế nào? Từ năm 1831 - 1832, vua Minh Mạng bắt đầu chia hạt đặt tỉnh, đổi trấn thành tỉnh, chỉ giữ lại mỗi phủ Thừa Thiên, cả nước có 1 phủ và 30 tỉnh, cho thiết lập quan chức: Tổng đốc, Tuần phủ, Bố chánh, Án sát, Lãnh binh. Trước đó, vua Minh Mạng bãi bỏ các chức Tổng trấn cùng các chức Trấn...