Giải cứu niềm tin cho nghề giáo
Những hành vi ứng xử, biểu hiện không phù hợp với chuẩn mực đạo đức nhà giáo, những cú “ăn thua” giữa phụ huynh và giáo viên, những “biểu hiện lạ” trong nhà trường… khiến dư luận hoang mang.
Liệu đây có còn là hình ảnh người giáo viên nữa hay không? Phải chăng đang tồn tại một sức ép vô hình bủa vây, đè nén người giáo viên, khiến họ trở nên thụ động, lúng túng và bế tắc trong hành vi ứng xử của mình? Người viết không hề có ý bênh vực, bao biện cho những hành vi ngược chuẩn mực của một số giáo viên như dư luận xã hội vừa qua đã lên tiếng, mà chỉ mong khơi ra được vài thiển ý để cùng xem xét cho thấu tình đạt lí.
Mắc kẹt niềm tin…
Không thể phủ nhận một loạt sự kiện (tuy không phổ biến nhưng cũng khó lòng mà nói là cá biệt) diễn ra liên tiếp trong một thời gian ngắn vừa qua đã tạo nên sự “ choáng váng xã hội” khi nhắc đến hình ảnh người giáo viên. Nếu phải dùng đến những từ khóa bằng động từ ngắn gọn, hẳn sẽ dễ dàng liên tưởng đến những bộ phim hành động NC 16 (không dành cho người dưới 16 tuổi)!
Ai cũng rõ, một học sinh đi học sẽ kéo theo mối quan tâm chí ít là của 2 bố mẹ, 4 ông bà, chưa kể họ hàng, người thân, đồng nghiệp…từ cả 2 bên nội ngoại. Chỉ cần chạm nhẹ vào cái sự quan tâm ấy là cũng đủ xảy ra bao hệ lụy. Chuyện công sở, cơ quan giờ đây loanh quanh rồi cũng đến luận bàn vụ đưa đón, học hành, tiến bộ, thi cử của con cái; một điều tiếng gì là cũng có thể lan truyền ngay với tốc độ chóng mặt.
Thời nay, ai cũng cố lo cho con được học trường tốt, trường gần nhà, trường có điều kiện… Phụ huynh hồ hởi khoe nhau nếu con được vào đúng lớp cô “Mai già” hay cô “Nga trẻ”… Nói cách khác, họ đang đặt và “ép” niềm tin của họ lên vai giáo viên từng ngày từng giờ. Chúng ta quá kỳ vọng vào việc một cô giáo mầm non (còn chưa từng làm mẹ) phải ứng xử như mẹ hiền, đảm đang, tháo vát (trung bình với trên 10 cháu bé), vừa hát hay lại vừa nhanh tay thay bỉm từ 6 rưỡi sáng đến 6 rưỡi tối hàng ngày?!
Chúng ta luôn tin và mãi tin rằng với tất cả kiến thức, kĩ năng, kinh nghiệm mà thầy cô có được sẽ có thể làm con cái chúng ta trở thành những con người hoàn hảo. Liệu trong trường hợp này có phải niềm tin đang bị so bằng với sự phó thác và “mặc cả niềm tin” với giáo viên?!
Và khi cái sợi dây “niềm tin” này rung lên, bấp bênh… thì khả năng cao sẽ là chạm đến giới hạn “vượt quá tầm kiểm soát” mà đôi khi vẫn xảy ra cả từ 2 phía. Không phải ngẫu nhiên mà trong dự thảo chuẩn nghề nghiệp giáo viên có đến 3 trên 5 tiêu chuẩn đề cập đến phẩm chất, năng lực xây dựng môi trường dân chủ trong nhà trường, năng lực xây dựng các mối quan hệ xã hội với mọi góc cạnh liên quan đến hoạt động của giáo viên.
Video đang HOT
Người mẹ thứ hai
“Mong manh” và đơn độc
Chẳng phải ở ta mà ở xứ người thì nghề giáo viên cũng không phải là nghề có thu nhập cao. Cũng chẳng phải chỉ ở mỗi ta thì mới có “tôn sư trọng đạo”. Thế nhưng, câu chuyện có lẽ hơi khác ở ta, nếu… hành vi bạo lực xảy ra trong khuôn viên nhà trường có cảnh sát can thiệp. Có người có trách nhiệm, thẩm quyền ở địa phương lên tiếng, có hệ thống truyền thông tham gia, giải trình xã hội, có các lực lượng xã hội khác cùng tham gia giải quyết… Tóm lại là giáo viên không đơn độc khi phải đối mặt với những tình huống khẩn cấp.
Không thể hình dung nổi nếu chẳng may có chuyện xảy ra ở trường mầm non hay trường tiểu học nơi giáo viên nữ chiếm tuyệt đại đa số? Hành vi hành hung giáo viên cũng phải coi là “chống người thi hành công vụ”, hạ nhục giáo viên cũng phải xử lí nghiêm.
Có ý kiến vừa hài vừa đúng: Nên tập huấn võ tự vệ cho giáo viên! Chắc hẳn nếu đủ bản lĩnh và tự tin thì cô giáo nọ cũng đã không quỳ, nếu biết chút đỉnh võ thuật thì thầy ấy cũng né được nhát dao oan nghiệt… Những sự việc xảy ra như vừa qua hình như cũng chỉ có “người bên giáo dục” lên tiếng. Một mình giáo viên không thể làm nổi!
Người giáo viên “mong manh” ngay cả về thể chất lẫn tinh thần trước những áp lực của công việc, cuộc sống của chính họ. Có đồng nghiệp đã từng tâm sự: Đôi khi có những căng thẳng về tâm lí mà không biết giải tỏa bằng cách nào, không biết nên tư vấn hay trị liệu ra sao… rồi cuối cùng cũng phải lên lớp tươi tỉnh, đảm bảo cho những giờ dạy được trơn tru.
Giáo viên cũng cần được học tập nâng cao, tư vấn về tâm lí, pháp luật, quyền được bảo vệ, quyền được an toàn trong lĩnh vực hoạt động của mình… Những điều này hình như vẫn còn quá xa xỉ để có thể đạt tới trong bối cảnh áp lực về công việc hiện nay. Đành rằng giáo viên là “kĩ sư tâm hồn” nhưng tâm hồn cần phải được nuôi dưỡng và phát triển không chỉ trong khuôn viên mỗi nhà trường!
Việc xây dựng một môi trường hoạt động nghề nghiệp an toàn, lành mạnh, đảm bảo hài hòa các mối quan hệ xã hội tạo điều kiện cho hoạt động nghề nghiệp, tạo sự an tâm, niềm tin cho giáo viên hiện đã được văn bản hóa. Nhưng đi vào thực tế vẫn còn khá mơ hồ! Khẩu hiệu “Giáo dục là sự nghiệp của toàn dân” có lẽ một lần nữa cần phải được cụ thể hóa bằng hành động thực tế, phải được treo ở vị trí trang trọng, để mọi người dân dễ nhìn, dễ thấy, dễ thực hiện nhất!
Nhà giáo cần gì?
Có dịp tiếp xúc với đội ngũ giáo viên ở một số vùng khó khăn, đặc biệt mới thấy cái “chất giáo” vẫn còn mạnh lắm. Họ đâu có đề xuất, kiến nghị hay yêu cầu cao xa gì. Vẫn là mong được mọi người dân cùng tham gia, cùng ủng hộ cái sự dạy dỗ cho con cái của chính họ mà thôi. Vẫn là mong mọi người nhìn nhận đúng những gì họ đang làm, tiếp tục làm cho thế hệ trẻ.
Có những vùng nhạy cảm trên vùng cao, người ngoài cấm có vào được, vậy mà vẫn chỉ có mấy thầy cô đều đặn ra vào vì sự nghiệp con chữ. Có nhóm thầy hiểu cái vất vả ở những nơi xa xôi khó khăn nên đồng lòng cùng xung phong rủ nhau ở lại thay cho các nữ giáo viên, chăm sóc học sinh như những người mẹ.
Nhà giáo cần niềm tin được đặt đúng chỗ, cần có sự tham gia của mọi lực lượng xã hội, cần một cái nhìn chia sẻ và cảm thông với sự nghiệp giáo dục bởi lẽ nếu chỉ một mình, họ sẽ không thể thực hiện nổi!
Tâm An
Theo giaoducthoidai.vn
Người thầy - cần cả tâm và tầm
Thời gian gần đây nạn bạo lực trong học đường dường như có chiều hướng gia tăng. Những hành vi ẩu đả, đánh nhau, côn đồ hung hãn, vô văn hóa xuất hiện ở nhiều nơi... không chỉ giữa học sinh với nhau, mà còn có cả những thầy cô giáo có những hành vi chưa phù hợp trong môi trường sư phạm với chính học sinh của mình, khiến dư luận xã hội thấy hoang mang.
Hành vi ứng xử chưa chuẩn
Hẳn dư luận vẫn đang rất sốc trước thông tin về vụ việc cô Nguyễn Thị Minh Hương, giáo viên chủ nhiệm lớp 3A5, Trường Tiểu học An Đồng, xã An Đồng, Hải Phòng đã phạt một nữ sinh trong lớp nói chuyện riêng bằng cách bắt uống nước giẻ lau bảng, khiến nhiều người không khỏi bàng hoàng và cho rằng, giữa thời đại văn minh này, một cô giáo lại có hành động gây tổn thương tinh thần, sức khỏe của học sinh giống như thời trung cổ.
Đúng là thật khó có thể tưởng tượng được, trong môi trường sư phạm lại có những hành động thiếu chuẩn mực trong đạo đức nghề nghiệp của người làm nghề giáo như vậy! Dẫu có trăm ngàn lý do để bao biện, thì hiện tượng này rõ ràng đang là biểu hiện sự rối loạn nhân cách, sự lệch chuẩn về hành vi, sự chai sạn cảm xúc của một bộ phận giáo viên, như thể "con sâu làm rầu nồi canh" .
Tăng cường an ninh, an toàn trường học
Vì thế để ngăn chặn, đẩy lùi bạo lực khỏi môi trường học đường và trả lại giá trị đích thực về nhân cách nhà giáo, rõ ràng mỗi nhà trường cần phải thực hiện nhiều giải pháp khác nhau, nhưng một công việc rất cần phải làm ngay lúc này là thực hiện nghiêm túc công văn số 1295/BGDĐT-GDCTHSSV, của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo về tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn trường học.
Bên cạnh đó là tăng cường rèn luyện đạo đức nhà giáo. Bởi ai cũng đều hiểu rất rõ: tuổi học trò luôn có tâm hồn trong trắng, ngây thơ, các em là những mầm non, tương lai của đất nước. Giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ là một chiến lược quan trọng của quốc gia. Đó thật sự là một việc làm vừa hợp ý Đảng và Nhà nước lại vừa hợp lòng dân, mà trọng trách lớn được đặt trên vai những nhà giáo.
Vì vậy, thầy cô giáo chính là tấm gương để học sinh soi vào. Khi tấm gương ấy thực trong sáng, thì những tiêu cực sẽ hạn chế và sớm bị loại trừ. Chính vì vậy, mỗi nhà giáo càng cần phải không ngừng rèn luyện để hoàn thiện lối sống, nhân cách của mình; sống có tấm lòng nhân ái, làm việc có trách nhiệm với chính mình và xã hội.
Nghề nghiệp dạy học ngày nay đòi hỏi ở mỗi người thầy cần thường xuyên tiếp thu, lắng nghe sự đóng góp chân thành từ phía đồng nghiệp và người học. Cần nghiêm túc đánh giá, nhìn nhận những ưu điểm và những khiếm khuyết của bản thân trong quá trình giảng dạy, nghiên cứu; cần tránh tình trạng dễ làm, khó bỏ, tôn vinh, đánh bóng uy tín của mình và tìm cách hạ uy tín của người khác, gây chia rẽ, làm mất đoàn kết thống nhất nội bộ. Người thầy phải biết xây dựng môi trường sư phạm tích cực, tạo điều kiện để ai cũng có điều kiện phát triển và cống hiến sự nhiệt huyết của bản thân .
Nghề dạy học là nghề phải không ngừng rèn luyện, trau dồi cả chuyên môn lẫn đạo đức nghề nghiệp và phải học hỏi suốt cuộc đời, bởi kiến thức khoa học, xã hội rất rộng lớn, những phát minh, khám phá, kỹ thuật hiện đại thì thay đổi hằng ngày, cho nên phải cập nhật, học hỏi để có thể theo kịp thời đại. Hơn thế, giáo dục ngoài tính chất là một khoa học, còn là một nghệ thuật. Người thầy giáo giỏi cần nắm chắc về chuyên môn và giỏi về nghệ thuật truyền đạt.
Luôn phải hoàn thiện bản thân
Để tạo ra một lớp người Việt Nam cường tráng về thể chất, phong phú về tinh thần, trí tuệ, đủ năng lực đưa nước ta hội nhập với văn minh nhân loại mà bản sắc dân tộc vẫn được giữ vững, là nhiệm vụ của toàn xã hội nhưng vấn đề mấu chốt đầu tiên đòi hỏi ở mỗi người thầy phải không ngừng tự đổi mới, hoàn thiện bản thân để đáp ứng yêu cầu mới, phải có ý thức quyết tâm đi vào khoa học kỹ thuật, nhất là khoa học giáo dục, làm tốt công tác "dạy chữ, dạy nghề, dạy người".
Phải làm sao để mỗi người thầy không những là nhà sư phạm mà còn là nhà mô phạm, bằng chính cái tâm, cái tầm của một nhà giáo dục có trí tuệ, có đạo đức. Thành công không kiêu căng, thất bại không nản chí, Thương yêu, gần gũi học sinh, đoàn kết với đồng nghiệp, thực sự là những "tấm gương sáng cho học sinh noi theo".
Minh Thư
Theo giaoducthoidai.vn
Làm gì khi con cộc cằn, thô lỗ? Hầu hết cha mẹ sẽ không khỏi lo lắng và băn khoăn khi chứng kiến những lời nói, hành vi ứng xử thô lỗ, cộc cằn của đứa con yêu. Khi trẻ có những lời nói và hành vi lỗ mãng xúc phạm người khác, hãy gọi trẻ đến trao đổi thẳng thắn - Tranh: LAP Dưới góc độ tâm lý, những phản...