Giải cứu giáo viên: ‘Chúng tôi không ăn mày trên mồ hôi của phụ huynh’
“Giải pháp này của TS Lê Trường Tùng được gọi là hay nhưng tôi thấy lòng tự trọng và nhân cách của giáo viên bị xem thường”, một giáo viên cho hay.
TS Lê Trường Tùng – Chủ tịch HĐQT Đại học FPT – từng nêu quan điểm nhất định phải tăng lương cho giáo viên để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Bởi lẽ, giáo viên chính là lực lượng xung kích thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Giải pháp giải cứu TS Lê Trường Tùng đưa ra là mỗi học sinh tiểu học đóng góp 100 nghìn đồng/tháng vào Quỹ, tạm gọi là Quỹ Giải cứu Giáo viên tiểu học, hoặc Quỹ Khuyến dạy. Số tiền này sẽ dành toàn bộ để bổ sung cho thu nhập giáo viên.
Giải cứu giáo viên: “Chúng tôi không ăn mày trên mồ hôi của phụ huynh”.
Chia sẻ về đề xuất “giải cứu giáo viên”, cô Nguyễn Hương T. – giáo viên trường Tiểu học Ngô Gia Tự (Gia Lâm, Hà Nội) – cho hay: “Trước hết tôi rất cảm ơn TS Lê Trường Tùng vì sự quan tâm của ngài với giáo viên chúng tôi, nhất là giáo viên tiểu học.
Ai cũng biết nghề giáo chúng tôi vất vả trong khi thu nhập lại thấp. Nhiều đồng nghiệp của tôi đã phải làm những nghề phụ như buôn bán, cắt may để có thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống.
Khi mà gánh nặng mưu sinh đè lên đôi vai chúng tôi, chúng tôi sao còn sức để mà tâm huyết, để nghiên cứu và cống hiến. Đúng là chúng tôi rất mong muốn được mọi người cảm thông, chia sẻ với những khó khăn vất vả của nghề.
Tuy nhiên, sự thương hại thì chúng tôi không cần. Dù sao, giáo viên cũng là nghề cao quý, chúng tôi có kiến thức nên không cần sự giải cứu như giải cứu dưa hấu hay giải cứu lợn.
Giải pháp này của TS Lê Trường Tùng được gọi là hay nhưng tôi thấy lòng tự trọng và nhân cách của giáo viên chúng tôi bị xem thường. Chúng tôi không phải ăn mày trên mồ hôi công sức của phụ huynh học sinh”.
Video đang HOT
Đồng tình với quan điểm trên, thầy Nguyễn Anh T. (giáo viên tiểu học trên địa bàn quận Hai Bà Trưng) cho hay: “Chúng tôi đi làm bằng mồ hôi công sức, bằng tình yêu với nghề với học trò và hãy để nhà nước trả thế nào để xứng đáng với những gì mà chúng tôi bỏ ra. Chúng tôi không cầu mong sự thương hại của mọi người.
Tôi có đứa em gái cũng đang dạy tại điểm trường của huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) mấy năm nay. Mỗi lần về, em gái đều nói trường nó đang thuộc diện khó khăn, số phụ huynh là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo còn nhiều.
Vì thế, học sinh được nhà nước hỗ trợ 90.000 đồng/tháng mà nhiều nhà còn không muốn cho con đi học vì quá nghèo.
Vậy mà giờ thêm đề xuất này chắc phụ huynh cho con nghỉ học luôn. Hơn nữa, giáo viên cũng là người lao động, cống hiến chất xám thì tại sao lại cần cả xã hội phải chung tay giải cứu?
Nói đến cụm từ “giải cứu giáo viên” tôi bỗng thấy chạnh lòng quá. Tôi tin nhiều giáo viên khác cũng khó khăn nhưng nếu là sự bố thí thì chúng tôi không cần.
Xin hãy cứ mạnh tay loại bỏ những giáo viên thiếu trách nhiệm, đánh mất tư cách, phẩm chất đạo đức nhà giáo để mang lại công bằng cho chúng tôi chứ đừng có những việc làm để giáo viên chúng tôi cảm thấy bị xúc phạm thế này.
Cái chúng tôi cần là sự phát triển của xã hội, sự tận tụy với thế hệ mai sau… và nhìn vào thành quả của mình để ngẩng cao đầu nhận ưu đãi của nhà nước. Bởi lẽ, đó là công sức mà chúng tôi đáng được hưởng”.
Chị Phan Thu Huyền (Định Công, Hà Nội) – một phụ huynh – cũng không đồng tình với giải pháp TS Lê Trường Tùng đề xuất: “Tôi là phụ huynh của 2 đứa con nên tôi thấu hiểu nghề giáo cũng có nhiều khó khăn, lại áp lực.
Việc cân đối lại mức lương để giáo viên được ổn định cuộc sống, chuyên tâm với nghề là điều cần thiết. Tuy nhiên, đó là trách nhiệm của Bộ GD&ĐT, của Nhà nước chứ tại sao lại đổ lên đầu phụ huynh học sinh?
Cá nhân tôi thấy đề xuất mỗi học sinh đón 100 nghìn đồng/tháng để “giải cứu giáo viên” là vô lý. Đề xuất này còn khiến nhiều giáo viên bị tổn thương lòng tự trọng, họ là những kỹ sư tâm hồn cơ mà? Tại sao lại xếp họ ngang với giải cứu lợn và giải cứu dưa hấu?”.
Theo Hoàng Thanh / Infonet
Chưa bỏ biên chế, giáo viên đã bị hiệu trưởng dọa cho 'đứng đường'
Theo TS Vũ Thu Hương, nếu bỏ biên chế, hiệu trưởng là người có quyền tuyển dụng và quyết định số phận của giáo viên. Ai dám đảm bảo hiệu trưởng sẽ công tâm, làm việc trách nhiệm?
Thông tin Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đưa ra tại buổi tiếp xúc cử tri tại Bình Định sẽ thí điểm bỏ biên chế trong ngành giáo dục được xã hội quan tâm. Giáo viên trong cả nước đón nhận thông tin với nhiều tâm trạng từ bất an đến thất vọng.
Chia sẻ với Zing.vn, TS Vũ Thu Hương - khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội - kể một đồng nghiệp của bà đang công tác tại trường phổ thông ở Hà Nội vừa bị hiệu trưởng dọa khi không thực hiện đúng việc bình bầu cuối năm theo ý của người đứng đầu trường.
"Cô có muốn sang năm bỏ biên chế sẽ ra 'đứng đường' hay không?", bà Hương dẫn lại lời hiệu trưởng đe dọa đồng nghiệp.
TS Vũ Thu Hương cùng những nữ sinh ĐH Sư phạm Hà Nội. Ảnh: NVCC.
Từ ví dụ nêu trên, bà Hương cho rằng, việc bỏ biên chế sẽ "tạo vây cánh" cho hiệu trưởng. Trong khi các trường công lập không thể tự chủ 100%, người đứng đầu trường tuyển dụng, hiệu trưởng sẽ có toàn quyền quyết định số phận của giáo viên. Không ai dám đảm bảo rằng hiệu trưởng sẽ công tâm hay tạo ra nhiều hệ lụy.
Theo TS Hương, việc bỏ biên chế trong giáo dục không khả thi, bởi không thể suy nghĩ về nghề giáo theo cách thức của doanh nghiệp.
Là người 20 năm công tác tại khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội, nữ TS cho biết sinh viên của bà đều là những giáo viên tương lai có hai nguồn tư tưởng trước khi ra trường.
Một là, họ sẵn sàng mất tiền "lót tay" để vào trường công lập, mong cuộc sống ổn định trong suốt sự nghiệp. Hai là, họ hứng thú với việc dạy ở trường tư với lương cao hơn, ít chịu gò bó, nếu không phù hợp có thể chuyển trường.
TS Hương đánh giá về trình độ, giáo viên công lập hay tư thục đều không thua kém nhau, họ khác nhau về sự lựa chọn. Vì vậy, thứ "níu chân" giáo viên công lập hiện giờ có lẽ chủ yếu ở hai chữ biên chế. Thầy cô có biên chế sẽ có một số quyền lợi đi kèm như bảo hiểm, thâm niên. Biên chế được coi như thứ "bảo hiểm" để thầy cô yên tâm công tác. Nếu biên chế không còn, nhiều giáo viên sẽ nghỉ việc, hoặc chuyển sang các trường tư thục.
Đặc biệt, nữ TS cho rằng trong bối cảnh đổi mới giáo dục diễn ra trong điều kiện rất khó khăn. Đại bộ phận giáo viên hiện nay đang phải sống trong môi trường làm việc với áp lực nặng nề, thậm chí là quá sức so với khả năng chịu đựng.
Họ phải chịu nhiều cấp, tầng quản lý, từ cơ sở như ban giám hiệu, tổ bộ môn cho đến các cấp cao hơn như phòng, sở, bộ. Cùng với đó là sự giám sát rất chặt chẽ của phụ huynh, báo chí, xã hội. Những sự điều hành, quản lý như trên đối với giáo viên đã khiến nhiều người rất mệt mỏi nên không thể hiện được hết sự sáng tạo, học hỏi trong nghề nghiệp, mà chỉ làm theo sự chỉ đạo cho xong việc.
Trong khi lương thì thấp, công việc lại nhiều, đặc biệt là các loại việc không tên như tham gia các cuộc thi giáo viên dạy giỏi, văn nghệ, làm sáng kiến kinh nghiệm, đến cả các hoạt động của địa phương, phường, xã. Chính những công việc này đã khiến giáo viên mất nhiều tâm sức và mệt mỏi.
Như vậy, nếu bỏ biên chế, giáo viên trường công lập sẽ thấy áp lực không giảm, công việc bấp bênh, không "an cư" thì không "lập nghiệp". Một khi người thầy đứng lớp còn hoang mang, lo lắng bất cứ lúc nào cũng có thể bị cắt hợp đồng, họ không thể toàn tâm, toàn ý làm việc.
Trong khi đó, trẻ em cần có sự ổn định trong một năm học (tương đương 9 tháng). Nếu giáo viên nay làm chỗ này, mai chuyển chỗ khác sẽ kéo theo sự thay đổi, thiệt thòi cho cả học sinh.
Vì vậy, TS Hương đề xuất những chính sách có lợi cho người thầy rất cần được quan tâm. Vấn đề mấu chốt để nâng cao chất lượng giáo dục hiện nay không phải lương hay biên chế mà chính là môi trường làm việc của giáo viên cần được cải thiện.
"Các trường đừng ép giáo viên thi hát, thể dục, hay bơi lội nữa. Lúc nào họ cũng phải lo thể hiện mình sao cho tốt ở các kỳ thi thì làm sao có thời gian chu toàn trong lớp học", TS Vũ Thu Hương nêu quan điểm.
Theo bà, vấn đề bỏ biên chế giáo viên chỉ có thể thực hiện được khi tất cả các cơ sở giáo dục công lập đều chuyển sang tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính. Bởi chỉ có tự chủ, tự chịu trách nhiệm, hiệu trưởng mới có thể thực hiện việc tuyển dụng giáo viên một cách khách quan, công bằng.
Theo Zing
Bỏ biên chế giáo viên có vội vàng? Những ngày gần đây, dư luận xã hội có nhiều ý kiến trái chiều trước thông tin Bộ GD&ĐT sẽ thí điểm bỏ biên chế giáo viên. Nhiều ý kiến của các chuyên gia giáo dục cho rằng, việc bỏ biên chế thay thế bằng hợp đồng lao động sẽ tạo ra cơ chế mở. Việc "có ra, có vào" tạo môi trường...