Giải bài toán khó tuyển sinh đại học
Hiện nay, một số ngành của các trường đại học (ĐH) đang trong tình trạng khó tuyển sinh. Bởi nếu tiếp tục đào tạo, các trường sẽ phải bù lỗ kinh phí cho những ngành khó tuyển sinh còn nếu tạm thời đóng cửa, dừng tuyển sinh sẽ là một điều đáng tiếc bởi đây là những ngành truyền thống, có thế mạnh về đào tạo. Vậy chiến lược nào để duy trì các ngành khó tuyển?
Ảnh minh họa.
Khó tuyển sinh, điểm chuẩn thấp
Mỗi mùa tuyển sinh ĐH, điểm chuẩn vào các trường cao hay thấp là điều được cả xã hội quan tâm. Thậm chí, nhiều chuyên gia còn thống kê số liệu bảng điểm chuẩn của các trường, theo từng khoa để đánh giá, đưa ra chiến lược phân tích giúp người học chọn ngành, chọn trường phù hợp.
Ngoài sức hút là tên tuổi, thương hiệu của các trường thì ngành học cũng là yếu tố quan trọng để quyết định điểm chuẩn đầu vào cao hay thấp. Thậm chí, có những trường, điểm chuẩn giữa các ngành có sự chênh lệch nhau rõ rệt từ 3 đến 6,7 điểm là điều dễ nhận thấy. Vậy với những ngành không “hot” thì tuyển sinh làm sao?
Thông tin từ phòng đào tạo của ĐH Thủy lợi, trong khi các ngành công nghệ thông tin, kế toán, quản trị kinh doanh, cơ khí, điện, kỹ thuật xây dựng thu hút được nhiều thí sinh thì những ngành vốn là thế mạnh, có truyền thống của trường lại rơi vào tình trạng… khó tuyển. Cụ thể, ông Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng phòng đào tạo ĐH và sau ĐH trường ĐH Thủy lợi cho biết ngành thủy văn, kỹ thuật tài nguyên nước, kỹ thuật hạ tầng cấp thoát nước, trắc địa bản đồ… là những ngành năm 2019 chưa tuyển đủ chỉ tiêu. Dù chưa đủ 10 sinh viên trường vẫn mở lớp.
Là một trong những trường đào tạo hàng đầu của ngành giao thông vận tải, tuy nhiên, nhiều năm nay, Trường ĐH Giao thông vận tải Hà Nội vẫn khó tuyển sinh ở một số ngành truyền thống như: Tín hiệu giao thông, Đường sắt, Đầu máy toa xe…
Video đang HOT
PGS.TS Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Mô hình đào tạo của trường chuyên sâu nên bị ảnh hưởng của yêu cầu xã hội, các ngành đường sắt, đầu máy toa xe còn chưa được lựa chọn nhiều, nặng nề về đầu ra cho quá trình đào tạo, xin việc.
Thay đổi để hút người học
Với đặc thù là một trong những trường mạnh về đào tạo khoa học cơ bản, những năm gần đây, ngành Khoa học Đất và Toán của Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH quốc gia Hà Nội) cũng không thu hút được sinh viên. Lượng thí sinh đăng ký vào ngành này quá ít nhưng cũng không thể bỏ. Đứng trước bài toán hóc búa này, buộc nhà trường phải thay đổi hướng đào tạo. PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh, Phó Hiệu trưởng nhà trường nói: “Cách đây vài năm nhà trường đã mạnh dạn không tuyển một số ngành đào tạo như toán cơ…Tuy nhiên, đây vẫn là những ngành xã hội cần, dù số lượng ít nên những năm gần đây trường đưa ngành toán cơ vào đào tạo theo hướng chuyên sâu, nghiên cứu để đáp ứng nhu cầu của xã hội; đảm bảo chất lượng thay vì tập trung vào số lượng”.
PGS. TS Trần Trung Kiên, Trưởng phòng Tuyển sinh ĐH Bách Khoa Hà Nội chia sẻ, một vài năm trở lại đây, 5-7 ngành của trường cũng không đạt chỉ tiêu tuyển sinh như: Vật liệu, vật lý, Môi trường, Sư phạm kỹ thuật, Hạt nhân… Tuy nhiên, năm vừa qua, sức hút của các ngành này đang dần trở lại. Nguyên nhân là trường đã có những thay đổi về chương trình đào tạo theo hướng phát triển mới, có những cơ hội cho sinh viên trong thực tập tại các doanh nghiệp, trao tặng học bổng khuyến khích sinh viên…
Bên cạnh thay đổi chương trình đào tạo, phương thức đào tạo thì làm tốt công tác tuyển sinh là một yếu tố quan trọng thu hút thí sinh vào những ngành truyền thống. Ông Vũ Tuấn Anh, trưởng phòng đào tạo trường ĐH Thủy lợi cho rằng các trường phổ thông cần đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, để các em hiểu rõ sự cần thiết của các ngành truyền thống, dù thời điểm hiện tại không được hấp dẫn nhưng xã hội rất cần, ra trường có nhiều cơ hội việc làm…
TS Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ ĐH, Bộ GDĐT cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 khiến nhiều ngành nghề truyền thống không còn phù hợp. Thị trường lao động có những yêu cầu mới, nên những ngành nghề mới cũng xuất hiện hoặc những ngành nghề đã có cũng phải đổi mới về chất lượng để đáp ứng yêu cầu đó. Đứng trước bài toán tuyển sinh, nhiều trường có thể cắt giảm số lượng tuyển sinh những ngành khó đào tạo nhưng không thể bỏ hoàn toàn bởi đến lúc đất nước cần nhân lực sẽ không có, cũng không nên đào tạo ồ ạt khiến cho điểm đầu vào vừa thấp, sinh viên học ra trường khó có việc làm… trong tương lai gần.
Phương Lan – Thu Hương
Theo daidoanket
Tuyển sinh đại học năm 2020: Giảm dần phụ thuộc vào kỳ thi THPT
Nhìn vào phương án tuyển sinh được các trường đại học (ĐH) dự kiến áp dụng trong mùa tuyển sinh năm 2020 cho thấy, thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào kết quả của kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia (THPTQG), nhiều trường đã hướng đến tự chủ tuyển sinh với mong muốn có thể tuyển được thí sinh phù hợp với ngành nghề đào tạo của mình.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc cánh cửa vào đại học (ĐH) sẽ mở rộng hơn đối với thí sinh khi THPTQG không còn là con đường duy nhất.
Năm 2020, trường ĐH Ngoại thương dự kiến sẽ tuyển sinh theo 4 phương thức, bao gồm: Phương thức xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế và kết quả học tập 3 năm THPT; xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế và kết quả thi THPTQG năm 2019; phương thức xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia năm 2020 và phương thức xét tuyển thẳng theo quy định riêng của trường.
Phương án tuyển sinh năm 2020 của Đại học quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) cũng được xây dựng đa dạng hơn. Bên cạnh việc xét tuyển dựa trên kết quả của kỳ thi THPTQG năm 2020, ĐHQGHN cũng mở rộng xét tuyển đối với các đối tượng thí sinh có chứng chỉ quốc tế A-Level của Trung tâm Khảo thí Đại học Cambridge, Anh (Cambridge International Examinations A-Level, UK); Thí sinh có kết quả trong kỳ thi chuẩn hóa SAT (Scholastic Assessment Test, Hoa Kỳ) đạt điểm từ 1.100/1.600 hoặc 1.450/2.400 trở lên (còn giá trị sử dụng trong khoảng thời gian 2 năm kể từ ngày dự thi); Thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh IELTS từ 5.5 trở lên hoặc các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế tương đương (chứng chỉ còn hạn sử dụng trong khoảng thời gian 2 năm kể từ ngày dự thi)...
Năm 2020, bên cạnh việc xét tuyển dựa vào kết quả thi THPTQG, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Học viện Tài chính, ĐH Thủy Lợi... cũng dự kiến sẽ tăng tỷ lệ tuyển thẳng đối với học sinh giỏi thuộc các trường THPT chuyên trên toàn quốc và xét tuyển học bạ.
Nhiều trường ĐH đang có xu hướng giảm dần tỷ trọng xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPTQG. Ảnh minh họa.
Theo phương án tuyển sinh của ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP HCM, năm nay nhà trường xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy định Bộ GD&ĐT với chỉ tiêu khoảng 4%; ưu tiên xét tuyển theo quy định của Đại học Quốc gia TP HCM với chỉ tiêu khoảng 15%; xét tuyển bằng điểm thi THPTQG 2020, theo quy định của Bộ GDĐT với chỉ tiêu khoảng 40%; xét tuyển kết quả thi đánh giá năng lực (ĐGNL) của Đại học Quốc gia TP HCM với chỉ tiêu khoảng 40%.
Ngoài ra, nhà trường còn xét tuyển bằng kết quả các kỳ thi Quốc tế hoặc xét tuyển những thí sinh tốt nghiệp THPT ở nước ngoài với chỉ tiêu khoảng 1%. ĐH Công nghệ TP HCM cũng sử dụng 4 phương thức xét tuyển cho gần 6.000 chỉ tiêu ở 47 ngành.
Các phương thức gồm xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia 2020, xét tuyển học bạ lớp 12 theo tổ hợp 3 môn, xét tuyển theo kết quả kỳ thi ĐGNL 2020 của ĐHQG TP HCM và xét kết quả kỳ thi ĐGNL do chính nhà trường tổ chức.
Năm 2020, ĐH Nguyễn Tất Thành cũng sẽ dành 40% tổng chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển kết quả thi THPT, xét học bạ 30%, thi tuyển đầu vào do đại học này tổ chức 15%. Còn lại, trường dành cho hai phương thức xét tuyển bằng kết quả thi ĐGNL của ĐHQG TP HCM và xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển.
Trường ĐH Công nghiệp TP HCM cũng xét tuyển dựa vào điểm kỳ thi THPT quốc gia năm có 60-85% trong tổng chỉ tiêu, phương thức sử dụng học bạ THPT năm lớp 12 (điểm 3 môn theo tổ hợp xét tuyển) chiếm 10-30%. Chỉ tiêu còn lại, trường tuyển theo phương thức mới là sử dụng kết quả thi ĐGNL của ĐHQG TP HCM tổ chức...
Nhìn vào phương thức tuyển sinh năm 2020 dự kiến của các trường ĐH trên cả nước, TS Lê Viết Khuyến, Trưởng ban hỗ trợ tuyển sinh, Hiệp hội các trường ĐH-CĐ Việt Nam cho rằng: Việc các trường ĐH, đặc biệt là trường top đầu đa dạng phương thức tuyển sinh nhằm giảm dần sự phụ thuộc vào kỳ thi THPT là xu hướng phù hợp và cần thiết.
Sự lựa chọn này cũng dễ hiểu khi mà độ tin cậy của kỳ thi THPTQG đã ít nhiều bị giảm sút sau bê bối gian lận điểm thi tại một số địa phương trong năm 2018. Cũng theo ông Khuyến, lẽ ra các trường cần phải làm điều này sớm hơn vì Luật giáo dục ĐH quy định rõ, các trường hoàn toàn được tự chủ lựa chọn phương án tuyển sinh phù hợp với đặc thù ngành nghề đào tạo của mình.
"Nhìn lại kỳ thi THPTQG những năm qua cho thấy, kết quả của kỳ thi này có thể đạt được mục tiêu xét tuyển ĐH đối với số đông các trường thuộc top giữa và top dưới. Với các trường top đầu, có thể chưa đạt được mục tiêu nên các trường này hoàn toàn có thể tổ chức thêm một kỳ thi phụ hoặc đa dạng các phương thức tuyển sinh để lựa chọn học sinh phù hợp.
Đã đến lúc các trường ĐH có cạnh tranh cao cần phát huy tính tự chủ và trách nhiệm xã hội, chủ động xây dựng và thực hiện phương án tuyển sinh ĐH phù hợp với mục đích và chuẩn chất lượng của trường mình, hạn chế dần sự phụ thuộc vào kỳ thi THPTQG" - ông Khuyến nhấn mạnh.
Huyền Thanh
Theo CAND
'Học đại học, chọn ngành đều theo ý bố mẹ, tôi cố gắng vì cái gì?' Tâm lý học đại học theo ý bố mẹ khiến nhiều bạn trẻ cảm thấy nặng nề. Họ gặp khó khăn trong việc theo đuổi ngành học mình không thích hoặc lo sợ tương lai thất nghiệp. 23 tuổi, trong khi bạn bè đã có trong tay tấm bằng đại học, hoặc sớm đi làm, Công Minh, sinh viên ngành Khoa học Máy...