Giấc mơ về một liên bang Triều Tiên thống nhất
Bất chấp những căng thẳng gần đây, Bình Nhưỡng đã kêu gọi Seoul bình thường hóa quan hệ và hướng tới sự thống nhất dựa trên cơ sở “liên bang hóa”. Liệu giải pháp này có khả thi trong thời điểm hiện tại?
Ngày 27/7 vừa qua, Triều Tiên và Hàn Quốc kỷ niệm 61 năm Hiệp ước đình chiến với những hoạt động đánh dấu thầm lặng ở cả hai bên Khu Phi quân sự ngăn cách hai quốc gia đối kháng nhau suốt mấy mươi năm qua.
Ở Triều Tiên, trong ngày được gọi là “Lễ chiến thắng cuộc chiến tranh giải phóng tổ quốc”, các cựu chiến binh mặc đồng phục gắn huy chương và được tôn vinh anh hùng trong các buổi mít tinh không rầm rộ lắm. Không có cuộc diễu hành nào lớn, hay diễn văn của các nhà lãnh đạo.
Tại Hàn Quốc, Thủ tướng Chung Hong-won phát biểu tại một buổi lễ của các cựu chiến binh, và nói rằng mặc dù vẫn phải dè chừng Triều Tiên nhưng chắc chắn sẽ không có một cuộc chiến tranh nữa trên bán đảo Triều Tiên. Cuộc Chiến tranh Triều Tiên kết thúc năm 1953 bằng một hiệp ước ngừng bắn, có nghĩa là trên thực tế hai nước vẫn trong tình trạng chiến tranh.
Video đang HOT
Lãnh đạo Triều Tiên mới đây đưa ra lời kêu gọi thống nhất với Hàn Quốc thành một nhà nước liên bang.
Trước đó một ngày, Triều Tiên đã phóng thêm một tên lửa nữa vào vùng biển phía đông của nước này, và đó là vụ phóng thử lần thứ bảy của Bình Nhưỡng trong năm nay. Bất chấp thực tế này, quan hệ liên Triều trong năm qua không có khủng hoảng lớn, thậm chí Bình Nhưỡng còn thông báo cử một đoàn khoảng 700 người, gồm 150 vận động viên và 350 người cổ vũ tới tham dự ASIAD 17 tại Incheon (Hàn Quốc) vào tháng 9 tới.
Vào đầu tháng 7, Bình Nhưỡng tuyên bố, miền Bắc và miền Nam nên tìm kiếm “đề nghị thống nhất hợp lý” được hỗ trợ bởi cả hai “để đạt được sự thống nhất thông qua một công thức liên bang tại Hàn Quốc, nơi mà hệ tư tưởng khác nhau và các hệ thống xã hội cùng tồn tại. Hiện nay, một bức tường bê tông chạy dài 240km dọc theo giới tuyến phía nam như một rào cản trên bán đảo Triều Tiên. Bình Nhưỡng kêu gọi nước láng giềng ngăn chặn tất cả các “cuộc tập trận nhằm vào mục tiêu là miền Bắc” và từ chối phụ thuộc vào “người ngoài” để giải quyết vấn đề Triều Tiên.
Ý tưởng “một quốc giahai chế độ” lần đầu được đưa ra vào đầu những năm 2000 khi nó được xem xét như cơ sở cho cuộc đối thoại giữa hai miền Triều Tiên. Xét về lý thuyết, mô hình một quốc gia hai chế độ đã tồn tại vài nơi trên thế giới. Hồng Kông đang tồn tại trong thành phần nước CHND Trung Hoa. Hai chế độ tồn tại khá lâu và dường như chưa có vấn đề gì lớn phát sinh.
Tuy nhiên, sự thống nhất của hai miền Triều Tiên là chuyện khác hoàn toàn, trước hết về mặt pháp lý. Hồng Kông là một phần lãnh thổ Trung Quốc, còn hai miền Triều Tiên là hai quốc gia khác nhau. Vì thế, nếu thành lập một quốc gia liên bang thì hai nước chỉ có thể thảo luận về các vấn đề quốc phòng và chính sách đối ngoại, trong khi hệ thống kinh tế của hai nước sẽ vẫn vận hành theo hướng khác nhau.
Hàn Quốc kỷ niệm 61 năm Hiệp ước đình chiến tại làng Bàn Môn Điếm ngày 27/7/2014.
Kinh nghiệm của các quốc gia khác không dễ vận dụng một cách triệt để đối với Hàn Quốc và Triều Tiên. Hai miền phải cùng nhau ngồi vào bàn đàm phán để tìm giải pháp thích hợp trong thời điểm này, để thực sự đạt mục tiêu thống nhất đồng thời giải phóng bán đảo khỏi vũ khí hạt nhân. Nhưng có lẽ chúng ta sẽ phải chờ đợi điều này một thời gian dài, bởi thống nhất những lợi ích hoàn toàn khác nhau của Hàn Quốc và Triều Tiên là điều rất khó.
Việc CHDC Đức và CHLB Đức thống nhất diễn ra theo điều kiện của CHLB Đức, còn ban lãnh đạo CHDCND Triều Tiên lại không dễ chấp nhận kiểu tự nguyện tương tự. Bình Nhưỡng muốn để quá trình thống nhất hai miền tiến hành theo kịch bản của họ, còn Seoul thì có kịch bản khác.
CHDCND Triều Tiên đưa ra ý tưởng thành lập nước cộng hòa “liên bang”, và Hàn Quốc dự định thống nhất hai miền bằng cách “hấp thụ” miền Bắc. Dân số Hàn Quốc là lớn hơn gấp hai lần, có nghĩa là bất kỳ cuộc bầu cử nào cũng sẽ được tổ chức theo kịch bản của Seoul. Miền Bắc không thể chấp nhận diễn biến sự kiện như vậy.
Ngoài ra, phát triển kinh tế của CHDC Đức không tụt hậu xa so với phương Tây như giữa hai miền Triều Tiêngấp 15 lần. Các chuyên gia ước tính, việc sáp nhập sẽ tiêu tốn 2 đến 5 nghìn tỉ USD của Hàn Quốc, một thực tế mà nền kinh tế nước này khó thể trụ vững. Những hậu quả xã hội từ việc sáp nhập cũng sẽ nghiêm trọng, khi công dân Triều Tiên, kể cả các chuyên gia, bỗng trở thành tầng lớp hạng hai trong quốc gia thống nhất. Kinh nghiệm của Đức cho thấy rằng, cần phải làm việc vất vả trong nhiều năm để thống nhất hai nước, cần phải đầu tư khoản tiền khổng lồ để quốc gia liên bang bắt đầu hoạt động hiệu quả.
Theo kết quả cuộc thăm dò dư luận do Đại học Quốc gia Seoul thực hiện, dưới 50% người dân Hàn Quốc ủng hộ ý tưởng về sự thống nhất với Triều Tiên. Đa số người dân lo sợ rằng, kế hoạch này là gánh nặng tài chính bổ sung. Ở Hàn Quốc, lời kêu gọi thống nhất hai miền Triều Tiên đã từ lâu trở thành câu “thần chú” của một số chính trị gia cấp cao để không ai nghi ngờ rằng, đất nước của họ chủ trương làm như vậy. Nhưng trên thực tế, Seoul có thái độ “lạnh nhạt” hơn.
Xét theo những tuyên bố của Seoul phản ứng đề xuất của Bình Nhưỡng, Hàn Quốc không có ý định chuyển nguồn lực kinh tế vào mục đích này, mặc dù họ vẫn nhắc đi nhắc lại những lời nói về sự thống nhất. Còn Triều Tiên thì sẵn sàng mở đầu quá trình bình thường hóa quan hệ và thống nhất hai miền. Trong nhiều năm, Triều Tiên là quốc gia khép kín nhất thế giới. Tuy nhiên, thời gian gần đây nước này bắt đầu nhận thức được rằng, cần phải thay đổi vị trí của mình trong hệ thống quan hệ quốc tế. Nguyên nhân là những khó khăn kinh tế.
Nhưng để bắt đầu quá trình thống nhất hai miền Triều Tiên, Bình Nhưỡng phải được bảo đảm an ninh vững chắc. Chỉ trong điều kiện như vậy, Triều Tiên mới có thể từ bỏ vũ khí hạt nhân và thực thi chính sách phi quân sự hóa. Tuy nhiên, trong khi cuộc đối đầu khốc liệt vẫn tiếp tục, cơ hội này có vẻ không thực tế.
Ngoài ra, các đối thủ chính ở khu vực như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản có thể góp phần hỗ trợ cho công việc thống nhất trên bán đảo Triều Tiên vì sự duy trì hòa bình và ổn định ở Đông Á. Nhưng căng thẳng vẫn tiếp diễn, cả hai nước Triều Tiên cũng như các cường quốc láng giềng đều dẫn dắt những trò chơi chính trị nguy hiểm. Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc nên đóng một vai trò nhất định trong việc thống nhất hai miền Triều Tiên như không can thiệp vào công việc nội bộ của họ và dành cho người Triều Tiên quyền quyết định cuối cùng.
Tuy nhiên, không ai trong số đó lại cần tới một Triều Tiên thống nhất! Mỹ chẳng muốn để mất một Triều Tiên hiếu chiến, vì sự hiện diện của chủ thể này là cơ sở cho sự hiện diện của Washington trong khu vực Đông Á. Bắc Kinh lo ngại một người hàng xóm mới ngang ngạnh. Còn Nhật Bản không cần đến một nhà khổng lồ kinh tế mớivừa là đối thủ cạnh tranh thương mại vừa có khả năng biến thành cường quốc hạt nhân.
Theo Petrotimes