Giấc mơ thư viện của ông giáo làng
Về hưu đã hơn 20 năm, nhưng thầy Đậu Xuân Tiêu vẫn luôn trăn trở với sự nghiệp giáo dục và văn hóa đọc của quê hương. Ông gom góp tiền lương hưu để mua sách báo, chỉ mong giới trẻ quan tâm mà tìm đến đọc.
Nhà thầy Đậu Xuân Tiêu ở xóm 12, xã Quỳnh Thạch (Quỳnh Lưu, Nghệ An), nằm lọt thỏm cuối xóm. Trong căn nhà của 2 cựu giáo viên, chúng tôi được thầy Tiêu tâm sự về ước muốn lập thư viện sách báo để khuyến khích văn hóa đọc cho mọi người trong xã, nhất là lớp trẻ.
Thầy Đậu Xuân Tiêu bên tủ sách của gia đình.
Video đang HOT
60 năm sưu tầm sách báo
Thời trai trẻ, thầy Đậu Xuân Tiêu cũng từng hăng hái lao động sản xuất, tham gia thanh niên xung phong, du kích địa phương. Ông được kết nạp Đảng và được cử đi học ở Trung Quốc vào năm 1954. Hai năm sau, tốt nghiệp và trở về nước, ông cùng với hàng ngàn thanh niên, trí thức hăng hái lên vùng trung du và miền núi phía Bắc để xây dựng vùng kinh tế mới, dạy học cho đồng bào.
Nơi thầy nhận công tác dạy học là một xã của huyện Lục Ngạn, Bắc Giang. Cũng ở đây, thầy Tiêu kết duyên với một nữ giáo viên quê hương quan họ. Năm 1971, thầy xin chuyển công tác về quê và dạy học ở nhiều địa phương trong huyện Quỳnh Lưu.
Sau 20 năm dạy học tại quê nhà, thầy Tiêu về hưu và bắt đầu công cuộc sưu tầm sách, mà việc đầu tiên là sưu tầm những câu danh ngôn, ca dao, dân ca, tục ngữ. Qua một thời gian, thầy cho đóng thành sách những kết quả sưu tầm với khoảng 7.000 câu.
Ngoài ra, thầy còn sưu tầm hàng nghìn số của 31 đầu báo, tạp chí trong và ngoài nước cùng hàng trăm cuốn sách văn chương, bài thuốc cổ truyền. Những cuốn sách, số báo qua thời gian đã cũ kỹ, phai màu nhưng vẫn được thầy xếp ngăn nắp, bày biện cẩn thận trong căn phòng trên gác căn nhà của mình.
Đặc biệt nhất và đáng quý nhất trong bộ sưu tập của thầy Tiêu là những cuốn sách, tư liệu, tranh ảnh, mẩu chuyện về Bác Hồ. Trong đó phải kể đến những cuốn như “Hồ Chủ tịch sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta”; cuốn “Hồi ký về Hồ Chủ tịch” của 13 người từng sống và làm việc bên Bác như Võ Nguyên Giáp, Hoàng Văn Hoan…
Mở tủ sách, thầy Tiêu khoe: “Sau bao năm sưu tầm, cắt dán, đến nay tôi đã có trong tay 400 bức ảnh khổ nhỏ về Bác, còn tài liệu, văn thơ hay những câu chuyện của Người thì nhiều lắm”.
Mong mở một thư viện cho xóm làng
Không chỉ sưu tầm sách báo trong nước, thầy Tiêu còn dày công đi đây, đi đó để góp nhặt, mua những cuốn sách của các tác giả nổi tiếng như Lep Tonstoi, Macxim Gorki… hay những học giả uyên bác. Thầy tâm đắc nhất là cuốn “Khuyến học” của Fukuzawa (viết từ năm 1872 đến 1876) nói đến những bài học về tính tự lực, tự cường của người Nhật Bản.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mai – Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL) cho biết: “Thư viện tư nhân hay tủ sách gia đình như mô hình tủ sách của thầy Tiêu thực sự có ích trong đời sống sinh hoạt của người dân nên rất cần sự chung tay đóng góp của cộng đồng để lượng sách báo được bổ sung thường xuyên, liên tục”.
“Người ta đi nước ngoài về thường mua cái nọ, cái kia, nhưng tôi đi học ở Trung Quốc về quang gánh 2 đầu toàn là sách. Lương dạy học khi đó được bao nhiêu là khi nhận về tôi đều đem mua sách. Tôi mê đọc sách đến nỗi lúc đang dạy ở Việt Bắc, có khi đi bộ từ trường về nhà là tôi đọc xong một cuốn sách rồi. Lúc đó mà có một trang báo để đọc là quý lắm!” – thầy tâm sự.
Con cái, bạn bè khuyên tuổi cao đừng đọc nữa để sức mà nghỉ ngơi nhưng một ngày không viết, không đọc cái gì là thầy thấy bứt rứt, khó chịu. Đọc, viết là một phần của cuộc sống ông giáo làng đã ở tuổi thất thập cổ lai hy này. Tủ sách, báo của thầy có nhiều nhưng cũng chỉ để phục vụ cho cán bộ hưu trí, giáo viên trong xã cần tìm kiếm tư liệu.
“Lớp trẻ bây giờ thì không ham sách, thích chơi hơn nên có mấy cháu biết đến tủ sách của thầy giáo già như tôi đâu. Tôi hy vọng mở được một thư viện nhỏ, được hỗ trợ kinh phí in 400 bức ảnh về Bác cỡ lớn rồi tập hợp trong một cuốn sách. Lớn hơn thì có thể lập một phòng trưng bày tư liệu và tranh ảnh về Bác bên cạnh trường học nhằm giáo dục ý thức người dân – đặc biệt là giới trẻ trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người” – thầy Tiêu cho biết.
Theo DV