‘Giấc mơ Mỹ’ của du học sinh sụp đổ: Hết tiền, không chỗ ở, đi xin ăn
Mặc dù chính phủ Mỹ đưa ra một số biện pháp hỗ trợ trong mùa dịch, đa số sinh viên khẳng định “chưa thấm vào đâu” so với khoản phải chi trả của họ.
Zing trích dịch bài đăng New York Times, đề cập đến những khó khăn mà các du học sinh gặp phải trong thời điểm dịch Covid-19 như việc không có nơi ở, không được trợ cấp hoặc hết hạn visa.
Khi mọi trường học đóng cửa vì dịch Covid-19, nhiều du học sinh không biết sống nơi đâu hoặc liệu họ có được quay trở lại lớp học hay không. Những sinh viên năm cuối còn không được dự một lễ tốt nghiệp tử tế.
Trước cơn khủng hoảng dịch Covid-19, nhiều gia đình giàu có đưa con cái về nước trước lệnh phong tỏa. Tuy nhiên, còn nhiều bạn trẻ kém điều kiện hơn, sống tại ký túc xá nhiều năm qua hiện phải lặn lội tìm nhà để thuê.
Hội trường của Đại học California vắng bóng sinh viên. Ảnh: Jeff Chiu.
Không chỉ vậy, vấn đề tài chính của các du học sinh ngày càng trở nên khó khăn. Vốn dĩ khoản tiền học mà họ phải trả cao hơn nhiều so với sinh viên quốc tịch Mỹ.
Nguồn thu nhập của nhiều bạn trẻ cũng mất trắng do nhiều nơi làm thêm đóng cửa do dịch bệnh. Một số người phải tới những nơi phát đồ ăn miễn phí cho người nghèo để xin thực phẩm.
Ngoài ra, những du học sinh kịp trở về quê hương trước lệnh phong tỏa cũng không chắc có được quay trở lại Mỹ để học tiếp không.
Không nơi ở, không trợ cấp
Elina Mariutsa, một sinh viên người Nga theo học ngành Quan hệ quốc tế và khoa học chính trị ở Đại học Northeastern (Mỹ), cho biết gia đình cô phải bán căn hộ và vay mượn tiền để Elina có thể đóng học phí kỳ trước.
Với tình hình kinh tế hiện nay, Elina chắc chắn gia đình không thể tiếp tục giúp cô trả được nốt 27.000 USD tiền học cho kỳ cuối cùng.
“ Thế giới của tôi đang sụp đổ. Tôi không chắc mình có thể tốt nghiệp được. Chỉ còn 4 khóa học nữa thôi nhưng giờ đây tôi và gia đình không có khả năng chi trả học phí”, cô chia sẻ.
“Giấc mơ Mỹ” của nhiều du học sinh sụp đổ vì dịch. Ảnh: Getty Images.
Chính phủ Mỹ cũng có những can thiệp kịp thời để giúp đỡ các sinh viên bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, để phù hợp với tiêu chí “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Donald Trump, các du học sinh và sinh viên nhập cư thiếu giấy tờ không được nhận trợ cấp từ khoản ngân sách 6 tỷ USD.
Nhiều trường đại học Mỹ cho biết họ đang nhanh chóng giúp đỡ các du học sinh bằng cách mở giới hạn số phòng ký túc xá, hỗ trợ đưa sinh viên về nước và vận động chính phủ liên bang tài trợ kinh phí.
Trong đó, Đại học New York, nơi có nhiều sinh viên nước ngoài hơn bất kỳ trường nào khác, đã tạo sẵn các khoản trợ cấp khẩn cấp dành cho các du học sinh.
Video đang HOT
Mặc dù vậy, ngay chính các sinh viên Mỹ cho biết sự trợ giúp của trường đại học chưa thấm vào đâu so với những chi phí thực tế.
Anna Scarlato, một sinh viên người Italy ở Đại học Chicago (Mỹ), hoảng hốt khi nhận tin phải rời khỏi ký túc xá. Không biết phải đi đâu, cô đành dọn sang ký túc xá của bạn trai ở một trường đại học khác. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau, trường của bạn trai Anna cũng đóng cửa.
Anna Scarlato và bạn trai. Ảnh: Anna Scarlato.
Trước tình thế khó khăn này, đôi bạn trẻ phải tìm thuê được một phòng nhỏ trong một căn hộ ở Chicago. Nhưng phụ huynh Anna chẳng thể tới ngân hàng để gửi cô tiền thuê nhà do quê hương Italy của cô cũng phong tỏa. Trong phút chót, mẹ của bạn trai Anna mua giúp cô một vé máy bay về California sống cùng gia đình bà.
“Tôi cảm thấy mình giống ký sinh trùng. Tôi không biết mình sẽ làm gì trong 2 tháng tiếp theo”, cô chia sẻ.
Dù không muốn chất thêm gánh nặng cho gia đình, một số sinh viên vẫn phải nhờ cha mẹ giúp đỡ để có thể chi trả khoản học phí khổng lồ.
Trước khi có đại dịch, Stephany da Silva Triska cho biết mẹ cô ở Brazil đã phải cắt giảm mọi khoản chi tiêu để cô có thể tiếp tục theo đuổi ngành Chính trị ở Đại học California.
Để đáp lại công lao của mẹ, Stephany chăm chỉ học tập và trở thành sinh viên năm cuối xuất sắc của khoa, đồng thời giành được suất học bổng quốc tế danh giá dành cho sinh viên thực tập.
Khi dịch Covid-19 ập đến, buổi lễ trao thưởng cũng như chuyến thực tập bị hoãn lại. Nhưng điều Stephany lo lắng hơn cả là liệu cô có thể hoàn thành nốt chương trình đại học hay không, nhất là khi mẹ cô cũng gặp khó khăn về tài chính do dịch bệnh tràn đến Brazil.
Stephany da Silva Triska không có nổi 600 USD để trả nốt học phí. Ảnh: Stephany da Silva Triska.
Thấp thỏm lo âu vì hạn visa
Đối với những sinh viên vội vàng ra sân bay để kịp về nước tránh dịch, họ cũng lo ngại phải đối mặt với những vấn đề pháp lý khi quay trở lại Mỹ hoàn thành chương trình học.
Mercy Idindili, sinh viên năm hai ngành Thống kê ở Đại học Yale, bắt buộc phải quay trở về Tanzania sau khi nhận được một loạt thông báo từ phía nhà trường. Ban quản trị trường khẳng định “sẽ chỉ có vài trường hợp ngoại lệ” cho phép du học sinh ở lại Mỹ trong thời điểm này.
Ban đầu, Mercy định ở nhờ nhà bạn ở bang Georgia. Nhưng cô thay đổi quyết định và ra sân bay trong phút chót do nhiều du học sinh cảnh báo cô tình trạng hoãn lịch học sẽ còn kéo dài.
Trước khi rời đi, cô cũng thông báo với các giáo sư về tình trạng Internet không ổn định ở quê nhà có thể ảnh hưởng tới việc học online của cô. Việc lệch múi giờ cũng khiến cô phải dậy từ 3 giờ sáng để vào lớp. Hiểu được hoàn cảnh khó khăn của Mercy, vị giáo sư giảng dạy môn Đại số tuyến tính đã ghi hình lại các bài giảng cho cô.
Tuy nhiên, visa mới là vấn đề khó khăn nhất của nữ sinh đến từ châu Phi. Mọi lãnh sự quán Mỹ ở nước ngoài đều đóng cửa thời hạn, đồng thời Bộ Ngoại giao nước này cũng đình chỉ việc xử lý thị thực cho đến khi có thông báo mới. Trong khi đó, visa của Mercy sẽ hết hạn vào tháng 7 tới.
“Tôi sẽ không thể trở lại trường nếu không được gia hạn thị thực kịp thời”, cô lo lắng nói.
Đại học Rice ở bang Texas vắng bóng sinh viên. Ảnh: New York Times.
Thông thường, visa của mọi du học sinh yêu cầu họ phải tới lớp thay vì học trực tuyến nhằm tránh trường hợp sinh viên bỏ trốn và nhập cư bất hợp pháp. Bộ An ninh Nội địa Mỹ hiện tạm thời nới lỏng quy tắc này do đại dịch. Tuy nhiên, chuyện này có thể bị thay đổi bất cứ lúc nào.
Một số du học sinh như Emma Tran không thể tiếp tục đợi thông báo chính thức từ Bộ Ngoại giao Mỹ về việc gia hạn thị thực. Nữ sinh ngành Tâm lý học và Mỹ thuật ở Đại học California bật khóc trong bất lực khi số tiền trong ngân hàng chỉ đủ để chi trả trong 1,5 tháng nữa.
Do dịch Covid-19, Emma mất cả hai công việc làm thêm ở trường. Tại Việt Nam, thu nhập của cha mẹ cô từ việc cho khách du lịch thuê nhà cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Để duy trì sinh hoạt ở Mỹ, cô chọn cách bỏ bớt bữa hoặc ăn nhiều cơm hơn thịt để tiết kiệm tiền.
“Mẹ tôi khuyên tôi nên trở về nhà nếu tình trạng dịch bệnh không được kiểm soát trong 2 hoặc 3 tháng tiếp theo. Tôi thực sự buồn chán và tuyệt vọng”, Emma chia sẻ.
Một trường học ở đảo Rhode đóng cửa vì một giáo viên nhiễm Covid-19. Ảnh: New York Times.
Hồng Chang
Sự thật về cuộc sống du học qua lời kể của du học sinh
Bạn từng tưởng tượng cuộc sống du học là một bức tranh màu hồng... nhưng những tưởng tượng đó chỉ là 1 phần nhỏ của sự thật, bạn sẽ có cái nhìn trọn vẹn hơn về cuộc sống du học sau bài viết này...
Anh Lê Tiến Đạt - Tiến sĩ ngành Quản trị doanh nghiệp tại trường Đại học Swinburne (Úc)
Anh Lê Tiến Đạt - Tiến sĩ ngành Quản trị Doanh nghiệp tại trường Đại học Swinburne (Úc) - hiện đang công tác tại Hà Nội đã có những sẻ chia rất chân thành về cuộc sống du học.
Theo lời anh Đạt, ngay sau khi nhận được học bổng toàn phần để làm luận án Tiến sĩ tại Úc, anh không mất quá nhiều thời gian để lựa chọn Đại học Swinburne (Úc). Bởi theo những gì anh được biết, đây là trường đại học danh tiếng nằm trong Top 400 trường đại học tốt nhất thế giới, Top 10 trường đại học hàng đầu Úc với bề dày lịch sử hơn 100 năm. Chưa kể, Swinburne là đơn vị tài trợ cho chương trình Đường lên đỉnh Olympia của Việt Nam từ những mùa đầu tiên.
"Nền giáo dục Úc thực sự rất chuyên nghiệp, người Úc thân thiện, cà phê Úc ngon, thế nhưng có những góc khuất của cuộc sống du học sinh thì chỉ trải qua rồi tôi mới thấm thía. Bởi thế, tôi hy vọng những câu chuyện sẻ chia của tôi sẽ giúp những bạn trẻ đang mong muốn trải nghiệm môi trường giáo dục quốc tế có sự chuẩn bị sẵn sàng, và đặc biệt có thêm những sự chọn lựa cho những dự định tương lai", anh Đạt mở đầu câu chuyện.
Trường đại học Swinburne - nơi anh Lê Tiến Đạt theo học là ngôi trường khá danh tiếng của Úc
"Cú sốc 6 tháng" và 4 lý do khiến không ít người phải trở về nước khi còn dang dở...
Tôi vẫn còn nhớ rõ ngày đầu tiên háo hức đặt chân tới Úc, đón tôi ở sân bay, Giáo sư vô cùng đáng kính của tôi - Giáo sư Christopher đã nói với tôi 1 điều mà khi ấy, tôi thực sự có đôi chút khó hiểu: "Nếu một nghiên cứu sinh Úc cố gắng 1, thì em phải cố gắng 10". Trải qua 4 năm du học, tôi mới thấm thía câu nói của người thầy, người cha, người sếp đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong suốt thời gian ở Úc này. Đó là những nỗi nhọc nhằn vất vả, cả về tinh thần lẫn vật chất - những điều mà ít khi trung tâm tư vấn nói với bạn.
Bất kể du học sinh nào cũng đối diện với những cú sốc, mà dân du học chúng tôi hay gọi đùa là "cú sốc sau 6 tháng". Đầu tiên, đó là nhớ nhà. Sau những háo hức khám phá miền đất mới qua đi, thì cảm giác bơ vơ, lạc lõng, thèm được nghe tiếng người thân, thèm những món ăn quen... mới trỗi dậy. Những giây phút mệt mỏi, áp lực cả về vật chất và tinh thần... thì chỉ một "mùi quê hương" thôi cũng đủ để mình muốn òa lên nức nở rồi. Đặc biệt là dịp Tết, những người yếu lòng không tránh khỏi những lúc rơi nước mắt vì nhớ nhà.
Theo anh Đạt, nỗi nhớ nhà và áp lực từ việc học là những khó khăn mà mỗi du học sinh đều phải trải qua
Sau nỗi nhớ xa nhà ấy, bạn phải đương đầu với áp lực học hành khủng khiếp. Nhiều người nghĩ, việc học ở nước ngoài sẽ bớt căng thẳng hơn nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại: Để học tốt bạn phải nỗ lực hơn rất nhiều. Tôi có những giai đoạn triền miên chỉ được ngủ 2 tiếng/ngày, thậm chí, học đến phát ốm là có thật.
Còn một khó khăn nữa mà tôi nghĩ mọi du học sinh phải đối mặt và quản lý tốt, đó là câu chuyện vật chất, tiền bạc. Dù có học bổng toàn phần, có lương khi làm trợ lý cho giáo sư nhưng có những lúc tôi vẫn gặp cảnh "dở khóc dở cười" vì thiếu thốn. Mà đi du học thì hầu như cậu trai, cô gái nào cũng mang cho mình tính tự lập, vì thế, việc vay mượn tiền với chúng tôi là điều "cấm kỵ". Chưa kể, ai cũng phải chuẩn bị cho mình tâm lý "quản trị rủi ro" thật tốt vì một mình nơi xứ người, có "biến" xảy ra thì phải có một khoản dự trù.
Cũng bởi áp lực ấy mà nhiều du học sinh phải đi hái nấm, làm ở trang trại cực nhọc vất vả. Có bạn bị tai nạn lao động gãy chân, gãy tay. Rồi có những bạn ham kiếm tiền mà lơ là, dang dở việc học. Có bạn thì không kiểm soát được bản thân, sa đà vào cuộc sống buông thả...
Sự khác biệt về văn hóa cũng là điều mà người trẻ cần chuẩn bị khi trở thành du học sinh
Sự khác biệt về lối sống, văn hóa cũng là một trong những khó khăn mà bạn không thể tránh khỏi bên xứ người. Những năm tháng đầu tiên mới sang, việc phải đối mặt với những cú sốc văn hóa từ sự khác biệt về lối sống cũng là một điều mà người trẻ cần phải chuẩn bị thật tốt. Ngôn ngữ chưa quá "chuẩn Úc" có thể làm mình chút ngại ngùng khi "chém gió", cách nhìn cuộc sống từ "500 anh em mình là một gia đình" khi ở nhà sẽ khác với phong cách "không xen vào chuyện cá nhân và hạn chế chia sẻ tâm tư" khi ở xứ người.
Sau những áp lực ấy, có người không vượt qua nổi dẫn tới stress, trầm cảm, thậm chí trở về nước khi mà mọi thứ còn đang dang dở. Nhưng nếu vững vàng vượt qua, chiến thắng bản thân và nghịch cảnh trong giai đoạn này có nghĩa là bạn đã đặt 1 chân tới đích rồi.
4 năm công tác trong lĩnh vực giáo dục, anh Đạt kỳ vọng rất lớn vào thế hệ sinh viên kế cận
Theo anh Đạt, sinh viên hiện nay rất tuyệt vời. Đặc biệt tại nhiều trường quốc tế, các bạn năng động, tiếng Anh giỏi và đặc biệt giao tiếp xã hội rất tốt
Có nên đi du học nước ngoài không? Đó là câu hỏi của rất nhiều bạn trẻ, câu trả lời sẽ phụ thuộc vào lựa chọn của mỗi người. Như đại dịch covid-19 vừa qua, có du học sinh chọn cách ở lại, trong khi đó, rất nhiều du học sinh và cả gia đình chọn cách trở về Việt Nam để phòng và chữa bệnh. Điều đó cũng giống như việc bạn lựa chọn: Du học nước ngoài hay học tại Việt Nam vậy.
Với kinh nghiệm của 1 du học sinh, tôi cho rằng, nếu bạn thích trải nghiệm một môi trường hoàn toàn mới, ham thích khám phá bản thân... thì cứ mạnh dạn bước ra thế giới. Nhưng hãy nhớ chuẩn bị cho mình một hành trang thật vững chắc cả về tinh thần lẫn vật chất. Còn nếu bạn muốn trải nghiệm môi trường giáo dục nước ngoài mà không phải trải qua "cú sốc 6 tháng", thì học tại các trường đại học quốc tế tại Việt Nam là một sự lựa chọn an toàn.
Quang Vũ
4 lộ trình du học cho học sinh, sinh viên mùa Covid-19 Đại học RMIT Việt Nam cung cấp bốn lộ trình du học tại chỗ và chuyển đổi tín chỉ linh hoạt phù hợp với nhu cầu thực tiễn từng cá nhân. Dịch Covid-19 đang ảnh hưởng đến sinh viên về nước tránh dịch. Nhiều bạn bảo lưu kết quả, song phải đối mặt với thực tế chậm chương trình, ra trường muộn. Dịch...