Giấc mơ giảng đường của cậu học trò không chân
Không thể đi học khi đôi chân bị teo tóp, Mậu vẫn kiên trì “bò” tới trường bằng chính đôi tay đã chai sạn để thực hiện hóa giấc mơ của mình.
Như thường lệ, sau khi được bạn cùng phòng trọ đưa về phòng bằng xe lăn sau buổi học, dù không được mọi người phân công nấu ăn nhưng Lương Văn Mậu (18 tuổi, học sinh lớp 11C trường THPT Tương Dương 1) vẫn nhanh nhẹn thay đồ rồi phụ bạn cùng phòng nấu ăn. Đôi chân bị dị tật, co khắp từ nhỏ nên suốt 18 năm qua, Mậu phải lấy tay làm chân để di chuyển. Tuy nhiên nhờ tính chịu khó và tự lập từ nhỏ nên cậu vẫn có thể làm tốt được mọi việc dù không hề dễ dàng.
Cắt mớ rau cải vừa mua ngoài chợ cho bạn nấu, Mậu buồn bã kể, sinh ra và lớn lên ở xã Lượng Minh, huyện Tương Dương (Nghệ An), vùng được xem là điểm nóng ma túy nên khi vừa lên 6 tuổi, hai anh em cậu phải về sống chung với bà nội năm nay đã ngoài 70 tuổi và gống gánh nhau vào tù thăm bố mẹ. Không có ai đưa tới trường, Mậu phải dùng đôi bàn tay gầy guộc của mình làm chân để “bò” tới trường mỗi ngày.
Suốt gần 1 tháng đầu đi học bằng cách trồng cây chuối khiến hai bàn tay vốn nhỏ nhắn của Mậu ngày càng thêm teo tóp và bị chai sạn vì phải gồng gánh cả bản thân mình lên để di chuyển hằng ngày. Thương bạn, cậu học trò cùng lớp Lương Văn Chôm đã tình nguyện đến cõng cậu đi học mỗi ngày suốt 5 năm tiểu học. Lên cấp hai, người bạn đồng hành của mình phải nghỉ học nên Mậu lại phải tiếp tục “bò” tới trường.
“Bữa mô nắng thì còn được chứ mưa thì đường trơn trợt nên đi được tới trường vất vả lắm. Nhiều lần chán nản em muốn bỏ cuộc lắm nhưng rồi nghĩ đến cảnh cha mẹ em cũng vì không có việc làm mà phải vào tù. Bản thân em lại như thế này thì chỉ có học mới mong có hy vọng cho mình”, Mậu nhớ lại.
Mậu phải lấy giường làm bàn học trong phòng trọ chật chội . Ảnh: P.H.
Mậu cho biết, những ngày đầu đi học, chính bản thân Mậu và mọi người cũng chỉ hy vọng cậu có thể đến trường cho vui và “xóa mù chữ” mà thôi. Tuy nhiên khi bố mẹ cậu tiếp tục bị bắt vì buôn bán ma túy ngay sau khi vừa được trả tự do, thì cậu học trò nghèo này quyết tâm học thật tốt để có thể tìm cho mình một công việc phù hợp và nuôi sống được bản thân sau này.
Là học sinh khuyết tật được miễn thi nhưng nam sinh này vẫn tham gia kỳ thi chuyển cấp và đậu vào Trường THPT Tương Dương 1. Năm lên lớp 10, con đường tới trường của cậu học trò nghèo mới đỡ vất vả hơn khi được một nhà hảo tâm tặng cho một chiếc xe lăn để đi học.
Trường học cách nhà gần 20 km, Mậu lại phải khăn gói đồ đạc cùng hai người bạn khác cùng quê xuống thị trấn Hòa Bình (Tương Dương) thuê phòng trọ ở để tiện cho việc học tập. Với số tiền ít ỏi 600.000 đồng anh trai gửi cho mỗi tháng, nam sinh này phải tự phân chia sao để vừa đủ tiền phòng, ăn ở cho đến các chi phí sinh hoạt hằng ngày.
Video đang HOT
Đường vào phòng trọ quá hẹp, Mậu phải tự “bò” ra ngoài sân để đi học. Ảnh: P.H.
Để ấp ủ giấc mơ trở thành một kỹ sư công nghệ thông tin, ngoài những giờ tin học ở trường, Mậu còn xin thầy cô, bạn bè những sách vở, tài liệu về tin học về nhà để học và tham khảo. Không có cho mình một chiếc máy tính riêng để học tập, cậu học trò này lại chắt chiu từng ngàn để ra quán nét để làm quen và tìm tài liệu trên mạng.
“Còn có thể đi học nghĩa là con có thể hy vọng anh ạ. Dù khuyết tật nhưng em vẫn còn may mắn hơn nhiều bạn khác nên nhất định em sẽ cố gắng hết sức để không phụ lòng mong mỏi của mọi người”, Mậu chia sẻ.
Con đường tới trường của Mậu đỡ vất vả hơn khi có chiếc xe lăn làm bạn đồng hành . Ảnh: P.H.
Cô Lương Thị Công, cô giáo chủ nhiệm lớp 11C cho biết, phía nhà trường cũng đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để Mậu có thể yên tâm theo học. Dù bị khuyết tật, nhưng Mậu vẫn rất chịu khó trong học tập, chăm ngoan nên được thầy cô và bạn bè rất yêu quý.
Theo Zing
Căn nhà hoang và thầy giáo Cả
Căn nhà bỏ hoang cũ kỹ, hoen ố, bên trong là những chiếc bàn ba chân chắp nối xếp cùng tấm bảng xanh là nơi học tập miễn phí dành cho các em học sinh nghèo thôn Lương Viện.
Lớp học đặc biệt này do thầy giáo Phan Cả (28 tuổi, Phú Đa, Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) lập ra gần một năm nay và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của nhiều phụ huynh trong làng.
Thầy Phan Cả tận tình với lớp học đặc biệt của mình. Ảnh: Tuổi Trẻ.
Tốt nghiệp ĐH Sư phạm Huế với hai tấm bằng chuyên ngành tâm lý giáo dục và giáo dục chính trị, nhưng Cả vẫn chưa xin được việc làm. Không được đứng trên bục giảng như mong muốn, nhưng tình yêu nghề trong anh không hề tắt.
"Học sinh trong làng chỉ đến trường một buổi, mà có bữa đi bữa nghỉ. Phụ huynh thì cả ngày ở ngoài đồng, không có thời gian chăm lo cho con khiến các em thiếu kiến thức trầm trọng. Vì thế tôi mở ra lớp học miễn phí này để giúp các em củng cố thêm kiến thức cũng như giúp tôi thỏa mãn mơ ước giảng dạ" - Thầy Phan Cả chia sẻ.
Mượn tạm ngôi nhà bỏ hoang hơn chục năm nay trong làng, anh giáo Cả tự mình xin thêm vài bộ bàn ghế hư hỏng của người dân, xin hỗ trợ một tấm bảng xanh, mua mấy tấm tôn che mưa. Anh còn tự tay sơn lại bốn bức tường bên trong đã phủ rêu xanh cho mới mẻ.
Bà con trong làng không ai nghĩ ngôi nhà hoang bấy lâu nay bỗng chốc trở thành một lớp học đông vui, nhìn tuy đơn sơ nhưng đầy ắp tiếng cười đùa của đám trẻ con.
Đều đặn một tuần bốn buổi, lớp học từ một vài em tham gia đến nay đã lên tới hàng chục em ở nhiều độ tuổi khác nhau. Các em rất háo hức đến lớp trước sự dạy bảo tận tình, dễ tiếp thu của thầy giáo trẻ vui tính, đầy nhiệt huyết.
Hai giờ cho mỗi buổi học, bằng kiến thức mình học được cộng với kinh nghiệm một thời làm gia sư, lớp học được thầy Cả phân thành nhiều nhóm lớp khác nhau và giảng dạy theo từng mức độ, rất bài bản và nghiêm chỉnh.
Ngoài hai môn học chủ yếu là tiếng Việt và toán được thầy Cả dạy xen kẽ trong mỗi buổi học, các em còn được thầy kể chuyện về lịch sử, đất nước, con người Việt Nam của ông cha ta thời xưa. Những mẩu chuyện này được thầy ví như là "thuốc thư giãn" cho mấy em sau các con số tự nhiên khô khan.
Lớp học bắt đầu, nhiều phụ huynh có con em trong làng cũng quan tâm, thăm hỏi và nhờ cậy thầy Cả ngày càng nhiều. Không có điều kiện tốt để lo cho con nên giờ đây họ chỉ hi vọng vào lớp học này giúp đám trẻ hoàn thiện hơn. Kể từ khi thành lập đến nay, lớp học thầy Cả mở ra đã phụ đạo cho hàng chục em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương.
Nhớ lại khoảng thời gian lớp học mới mở, thầy Cả chia sẻ: "Lúc đầu chỉ có vài ba em lớp 2 tham gia, nhưng sau đó lớp đông dần nhờ sự vận động của mình và phụ huynh, đến nay lớp rất đông và mình cũng sắp xếp thêm thời gian kèm cặp các em nhiều hơn".
"Điều kiện ở đây rất khó khăn nên con em không được học hành đến nơi đến chốn, phụ huynh cũng không cho các em đi học thêm gì ngoài một buổi chính đến trường. Khi thầy Cả có ý xin mở lớp học miễn phí ngay tại làng, chúng tôi rất ủng hộ và không nghĩ là lớp học mang lại hiệu quả cao như vậy" - ông Trần Xuân Khái, phó chủ tịch UBND xã Phú Đa, cho biết.
Tủ sách yêu thương
Cảm thông cho hoàn cảnh của học trò nên ngoài lớp học miễn phí, biết các em đam mê đọc sách, thầy Cả đã tự tay đóng một tủ sách đặt ngay tại lớp học.
Em Phan Thị Vân, lớp 4/1 Trường tiểu học Phú Đa 3, tham khảo sách tại Tủ sách yêu thương. Ảnh: Tuổi Trẻ.
Tủ sách tuy nhỏ nhưng lại có đầy đủ các loại sách cần thiết của nhiều lớp học, sách tham khảo hay đơn giản là những cuốn truyện đọc dân gian, báo học trò... để các em tham khảo, giải trí lúc rảnh rỗi.
Để có được tủ sách này, anh giáo trẻ phải bỏ tiền ra mua về, thấy người ta vứt bỏ thì xin, thỉnh thoảng lại đi quyên góp ở bất cứ nơi đâu, thời gian nào.
Từ khi có thêm tủ sách, lớp học như có thêm niềm vui, động lực giúp các em đến lớp ngày một đông hơn. Căn nhà bỏ hoang nằm lọt thỏm trong làng giờ trở nên nhộn nhịp, sôi động hẳn lên với tiếng đọc bài râm ran, tiếng vui đùa của lũ trẻ con trong làng.
Anh Nguyễn Văn Dũng, Phó bí thư Đoàn thị trấn Phú Đa, cho biết: "Từ khi có lớp học của thầy Cả, các em học sinh trong làng đã bớt quậy phá. Lớp học giúp các em có được kiến thức căn bản, ngoan ngoãn, lễ phép hơn".
Để có thể duy trì lớp học miễn phí cho các em, thầy Phan Cả phải chật vật làm thêm nhiều nghề: dịch vụ điện hoa trên thành phố hay mở trang trại nuôi gà ngay tại nhà.
"Tuy chưa có việc làm ổn định nhưng mình sẽ cố gắng duy trì lớp học này cho các em, vì mình nhận thấy qua một thời gian dạy các em tiến bộ hơn trước rất nhiều" - thầy Cả nói.
Theo Anh Tú/Tuổi Trẻ
Học sinh lớp 6 có hiểu tình mẫu tử? Câu chuyện bắt đầu từ đề kiểm tra môn Ngữ văn cuối học kỳ 1 năm học 2015-2016 của Phòng GD&ĐT quận Phú Nhuận, TP HCM dành cho học sinh lớp 6. Sau buổi kiểm tra, một số giáo viên đã phản ảnh, nhiều học sinh không hiểu "tình mẫu tử" là gì nên bỏ trống câu này. Đề ra như vậy là...