Giá trị người thầy trong xã hội hiện đại
Trong mỗi thời đại, người thầy luôn giữ vai trò quan trọng bậc nhất trong xã hội, với chức năng trao truyền kiến thức và giáo dục đạo đức cho học sinh.
Ngày nay, với sự phát triển của xã hội, quan niệm về nghề giáo dần thay đổi, thay vì là người “độc quyền” về kiến thức, giờ đây người thầy giữ vai trò như “chiếc cầu nối” để người học gắn kết với tri thức. Đồng thời, còn giữ vai trò như “người bạn” sẻ chia, đồng hành cùng các em học sinh khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Ngày nay, bên cạnh sự tôn vinh nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, các giá trị mới, cách thể hiện mới đã được bổ sung vào quan niệm về người thầy và nghề dạy học. Đó là người truyền trao tri thức, là người gợi mở, hướng dẫn học sinh khai mở kho tàng tri thức. Trong quá trình giảng dạy, thầy cô giáo lấy học sinh là trung tâm, dạy những gì các em cần, chứ không dạy tất cả những gì thầy cô giáo có. Với quan niệm đổi mới trên không có nghĩa là phủ nhận những giá trị của giáo dục truyền thống, vẫn rất cần kế thừa sự trân trọng nghề dạy học và khẳng định vị thế người thầy trong xã hội để làm nền tảng cho quan điểm mới về người thầy trong thời đại ngày nay.
Hiện nay, trong cái nhìn mới của xã hội hiện đại, truyền thống “ Tôn sư trọng đạo” vẫn được giữ vững. “Tiên học lễ, hậu học văn” vẫn là quan niệm giảng dạy của các trường học, nhất là đối với học sinh bậc mầm mon, tiểu học. Trân quý hơn là câu “Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy”, ai dạy ta dù chỉ một chữ, nửa chữ mà giúp ta nên người, nên nghiệp thì ta phải tri ân, báo đáp. “Muốn sang thì bắc cầu Kiều/Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”. Câu nói không chỉ đúng trong xã hội ngày xưa mà ngày nay vẫn vẹn nguyên giá trị. Bởi, khi đời sống kinh tế càng phát triển, cha mẹ ít dành thời gian quan tâm, giáo dục con cái thì người thầy không chỉ là người dạy chữ mà còn như một người bạn, là nơi sẻ chia, tâm tình để tìm được những định hướng đúng đắn cho cuộc đời. Một hiệu trưởng trường cấp II tại huyện Tịnh Biên chia sẻ: “Học sinh đang tuổi mới lớn có những vấn đề riêng tư rất ngại ngần khi tâm sự với cha mẹ, khi đó các em tìm đến thầy cô để chia sẻ. Thương các em còn quá non trẻ, thầy cô luôn quan tâm, tháo gỡ khó khăn trong độ tuổi mới lớn để các em tránh được những va vấp không đáng có”.
Càng trân trọng những công lao to lớn của thầy cô giáo trong sự nghiệp “trồng người” bao nhiêu, dư luận xã hội không khỏi chạnh lòng và lo lắng khi xuất hiện những hiện tượng “lệch chuẩn” của một bộ phận đội ngũ giáo viên hiện nay. Vẫn còn những giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, nhiệt huyết với nghề giảm sút, làm khó học sinh để các em phải đến lớp học thêm; giáo viên mầm non, tiểu học bạo hành học sinh được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, giáo viên im lặng suốt 3 tháng không giảng bài cho học sinh khi đứng lớp, hiệu trưởng dâm ô với nhiều học sinh trong trường… Ngược lại, một số học sinh không những không ý thức đầy đủ về đạo làm trò mà có những hành vi vô lễ với thầy, cô, thậm chí còn hành hung giáo viên mỗi khi thầy, cô nghiêm khắc phê bình. Cùng với đó là sự thiếu tôn trọng giáo viên từ các bậc phụ huynh càng làm hình ảnh người thầy trở nên “méo mó” hơn bao giờ hết. Hẳn dư luận vẫn còn chưa thể quên cô giáo mầm non suýt sẩy thai vì bị phụ huynh nghi ngờ bạo hành con em của mình, hay phụ huynh bắt cô giáo quỳ gối xin lỗi, nữ phụ huynh đến lớp bắt thầy giáo đền chiếc quần bỏ quên ở lớp học của con gái…
Tất cả những “hạt sạn” của ngành giáo dục cần được phát hiện và nhanh chóng sửa chữa để gìn giữ lại những giá trị cao quý của nghề giáo. Bởi, dù trong một xã hội nào đi nữa, kinh tế và công nghệ số phát triển đến đâu thì vẫn rất cần sự trải nghiệm, tri thức truyền trao từ những người đi trước. Đó là những thầy cô giáo nhiệt tâm, tình nguyện gắn bó với nghề, gieo nền tảng tri thức và cả niềm tin, động lực để học trò của mình thành danh, thành nhân sau này.
Video đang HOT
NGỌC GIANG
Theo baoangiang
Ngày "Tôn sư trọng đạo"
Dù cuộc sống và thời đại có thay đổi, nhưng truyền thống tốt đẹp "Tôn sư trọng đạo" đã được ông cha ta tạo dựng, bồi đắp qua bao thế hệ vẫn giữ nguyên được giá trị cốt lõi.
Kính yêu thầy, ở thời nào cũng vậy, điều đó thể hiện tình yêu con chữ, ước và mong ngày 20/11 mãi mãi là ngày tri ân các thầy cô trong sự nghiệp trồng người.
Nhưng vào những ngày này, chỉ cần nhận được một tin nhắn, một cú điện thoại của một người xa lạ: "Cô ơi, cô có còn nhớ em không? Em nhớ cô nhiều lắm! Dẫu đi khắp bốn phương trời, em cũng mãi không quên những bài học vô giá của cô. Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, em kính chúc cô nhiều sức khỏe và niềm vui". Chỉ bấy nhiêu thôi đã khiến nhiều giáo viên cảm thấy ấm lòng và những vất vả, lo toan đều tan biến.
Khó khăn, áp lực vẫn diễn ra hàng ngày, nhưng vẫn có hàng trăm nghìn thầy cô hàng ngày "leo núi cao, vượt sóng cả" đem cái chữ, đem tri thức và nhiệt huyết truyền đến cho học trò. Nhiều tấm gương tận tụy, hy sinh thầm lặng lớn lao rất đáng ngưỡng mộ, tôn vinh làm cả nước phải lặng người vì xúc động. Đó là các thầy cô giáo bám bản, bám làng để trẻ em vùng cao không gián đoạn việc học.
Ngoài đảo xa, nơi biên giới, những người thầy giáo quân hàm xanh ngày ngày đứng trên bục giảng, đem cái chữ đến với học sinh thân yêu. Đó là thầy cô dạy học miễn phí nhiều năm để cái chữ không trở nên xa lạ với học sinh nghèo, khó khăn, cơ nhỡ...
Nhiều và nhiều lắm những con người ngày đêm vượt qua khó khăn để hoàn thành thiên chức làm thầy. Họ có thể chấp nhận thiệt thòi bởi phần thưởng lớn nhất với người thầy là sự biết ơn và thành đạt của các em. Vì vậy, thầy cô vẫn luôn chăm lo, nuôi dưỡng, đồng hành với những ước mơ của thế hệ tương lai và đây đang là động lực cho nền giáo dục nước nhà. Có thể khẳng định, đã chọn nghề làm thầy thì cái mất, cái hy sinh nhiều hơn cái được.
Giáo dục chỉ thành quốc sách hàng đầu khi nghề làm thầy được người đời ngưỡng mộ.
Dù cuộc sống và thời đại có thay đổi, nhưng truyền thống tốt đẹp "Tôn sư trọng đạo" đã được ông cha ta tạo dựng, bồi đắp qua bao thế hệ vẫn giữ nguyên được giá trị cốt lõi. Kính yêu thầy, ở thời nào cũng vậy, điều đó thể hiện tình yêu con chữ, ước và mong ngày 20/11 mãi mãi là ngày tri ân các thầy cô trong sự nghiệp trồng người.
Muốn sang thì bắc cầu Kiều
Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy
Câu ca dao có lẽ đã quá quen thuộc đối với mỗi người Việt Nam như đạo lý tất yếu từ ngàn đời nay. Đúng như vậy, thầy, cô những người lái đò tận tụy chở bao thế hệ học trò cập bến bờ tri thức. Thầy, cô là người đã có công soi đường, mở lối cho chúng em ngày thêm trưởng thành vững bước trên những dặm đường tương lai, thầy cô đã truyền dạy cho chúng em cả đại dương tri thức, chắp cánh cho chúng em bay cao, bay xa để thực hiện ước mơ, hoài bão tuổi trẻ của mình, để trở thành người có ích cho xã hội. Ơn của thầy, cô sánh như tình cha, nghĩa mẹ, cao cả và thiêng liêng của mọi thế hệ học trò.
"Yêu thầy" ở đây chính là coi trọng sự học, kính trọng người đã dạy dỗ mình nên người.
Vậy chúng ta đã thực sự yêu thầy hay chưa? Phải thẳng thắn trả lời, chúng ta chưa thực sự quan tâm tới người thầy, trong khi lại luôn đòi hỏi người thầy phải chuyên tâm tới sự nghiệp trồng người, phải là tấm gương mẫu mực để mọi người, nhất là học trò noi theo.
Bao năm nay, giáo dục của chúng ta chả có mấy thay đổi. Giáo dục - "quốc sách hàng đầu" mà không đầu tư về chính sách cho giáo viên, về đào tạo giáo viên, không quan tâm quản lý Nhà nước về giáo dục mà cứ hô hào khẩu hiệu thì mọi thứ vẫn quanh quẩn chỗ cũ, như bao lần cải cách, đổi mới nhưng chẳng hề tiến lên được bước nào mà có khi còn tụt hậu xa hơn.
Giáo dục chỉ thành quốc sách hàng đầu khi nghề làm thầy được người đời ngưỡng mộ, luôn được tôn vinh là một nghề cao quý và các thầy, các cô có mức sống đàng hoàng, dư giả bằng sự cống hiến của mình cho sự nghiệp "trồng người".
Trong xu thế phát triển của xã hội, sự hòa nhập với cộng đồng thế giới, tâm thế của người thầy hiện nay đứng trước nhiều khó khăn thách thức, nhiều sự cám dỗ đang đe dọa đạo đức người thầy. Hơn lúc nào hết, xã hội cần có sự cảm thông, chia sẻ, hậu thuẫn từ nhiều phía để các thầy, cô giáo vững tâm, bền chí hoàn thành nhiệm vụ góp phần đào tạo nguồn nhân lực xây dựng đất nước ngày càng văn minh, giàu đẹp, thịnh cường.
Để ngày 20-11 mãi mãi là ngày tri ân các thầy cô, hãy yêu những người thầy, những người chắp cánh cho tương lai con em chúng ta!
Cù Tất Dũng
Theo CAND
Tôn vinh và hy vọng Hôm nay (20/11) Ngày Nhà giáo Việt Nam. Từ trong lịch sử cha ông đã răn dạy: "Muốn sang thì bắc cầu Kiều/ Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy" và "Tôn sư trọng đạo" đã trở thành một trong những giá trị văn hóa Việt. Ảnh minh họa Cũng nên nhắc lại: Theo Quyết định số 167, ngày 4/7/1981 của Hội...