Giá thanh long Bình Thuận tăng cao ngất, hàng dạt không có mà bán
Các chủ vựa thanh long tại địa bàn Bình Thuận xác nhận, hiện tại thanh long hàng dạt đã có giá 15.000 – 16.000 đồng/kg, thanh long đẹp giữ mức ổn định từ 26.000 đồng – 27.000 đồng/kg nhưng không có hàng để mua.
Hiện nay thanh long Bình Thuận đang ở cuối mùa chong đèn nghịch vụ. Giá thanh long liên tục tăng từ đầu tháng 5 đến nay và đang giữ mức cao lâu nhất trong thời gian qua.
Do khan hiếm hàng nên ngay cả thanh long hàng dạt cũng có giá cao, đạt 15.000 – 16.000 đồng/kg
Anh Nguyễn Hữu Tùng, thôn Trũng Liêm xã Hàm Chính (Hàm Thuận Bắc) cho hay: “Thanh long đang được giá lắm nhưng nhà tôi không có hàng bán”. Gia đình anh Tùng có gần 1.000 trụ thanh long đang tuổi cho thu hoạch.
Cách đây vài năm giá thanh long chong đèn nghịch vụ có lúc lên cao, nhưng chỉ dừng ở mức từ 20.000 – 22.000 đồng/kg nhưng giá thanh long nghịch vụ thường không ổn định. Đơn cử, cũng vào thời điểm này năm ngoái giá thanh long ở mức thấp không có lãi, đây là lý do anh Tùngngại chong đèn thanh long vụ nghịch này.
Cùng chung tâm lý với anh Tùng, nhiều người trồng thanh long lâu năm cho biết kết thúc lứa thanh long nghịch vụ này là sẽ vào hàng mùa, nhiều bà con lo sợ giảm giá nên hạn chế sản xuất. Mặt khác, do thời gian qua nắng nóng kéo dài, việc sản xuất thanh long gặp nhiều khó khăn.
Cụ thể, tại địa bàn huyện Hàm Thuận Nam các xã Tân Lập, Tân Thuận,… một số diện tích thiếu nước nghiêm trọng, trái thanh long không đạt tỷ lệ xuất khẩu, nên giá ở mức cao. Nhiều người dân so sánh nếu so với thời điểm này của năm 2018, giá thanh long chỉ ở mức 5.000 – 6.000 đồng/kg thì thời điểm hiện tại đã tăng gấp 4 – 5 lần.
Đối với loại thanh long đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, giá đạt từ 40.000 đồng/kg trở lên nhưng hàng cũng rất khan hiếm.
Video đang HOT
Tìm hiểu thêm tại một số trang trại trồng thanh long tiêu chuẩn VietGAP cho biết, giá thu mua thanh long mấy ngày qua đạt chuẩn xuất khẩu còn cao hơn rất nhiều từ 40.000 đồng trở lên, tuy nhiên hàng cũng đang trong tình trạng khan hiếm nguồn cung.
Tại Trang trại Bình An ở thôn Thuận Minh xã Thuận Quý (Hàm Thuận Nam) vừa mới bán lứa thanh chong đèn thứ 3 trong năm xuất đi Trung Quốc. Trang trại xuất bán 20 tấn vào cuối tháng 5 với giá bán 41.000 đồng/kg cho lãi khá.
Anh Dương Quốc Toàn – Quản lý trang trại Bình An cho biết: “Mấy ngày qua thanh long xuất khẩu mức cao 45.000 đồng/kg nhưng trang trại hết hàng, đợt chong đèn lứa cuối vụ này phải hơn 1 tuần nữa mới cho thu hoạch”.
Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 30.000ha thanh long, tổng sản lượng hơn 500.000 tấn/năm mang lại nguồn thu nhập cao cho nông dân trong tỉnh. Trái thanh long Bình Thuận đã có mặt hầu hết trên các thị trường trong cả nước, về xuất khẩu ngoài thị trường chính là Trung Quốc, quả thanh long còn xuất khẩu đi nhiều thị trường khó tính trên thế giới.
Theo T.Duyên (Báo Bình Thuận)
Các nước đua trồng thanh long, VN phải làm bản quyền giống gấp
Các khâu trong chuỗi giá trị sản phẩm phải đạt đến sự hoàn hảo, trong đó bản quyền giống là điều kiện tiên quyết cho thành công lâu dài trong kinh doanh trái cây, đơn cử như với trái thanh long hiện nay.
Bà Wendy Matthews - Đại sứ New Zealand tại Việt Nam nhấn mạnh như thế bên lề hội thảo quốc gia về mô hình phát triển và thương mại hóa các giống trái cây cao cấp, tổ chức ngày 5.6, tại TP.HCM.
Đánh giá thanh long là một sản phẩm cao cấp, bà Wendy Matthews cho rằng ngành này vẫn còn rất nhiều tiềm năng. Đó là lý do New Zealand chọn thanh long làm trái cây đầu tiên để thực hiện Dự án phát triển giống trái cây cao cấp từ 6 năm trước.
Thanh long Việt Nam được New Zealand đánh giá là loại trái cây cao cấp, còn nhiều tiềm năng phát triển.
Dự án nhằm phát triển kinh doanh bền vững thông qua việc tạo ra, sản xuất và thương mại hóa giống thanh long cao cấp, với khoản viện trợ không hoàn lại 8,1 triệu đô New Zealand.
New Zealand vốn là đất nước nổi tiếng về khâu bản quyền giống. Ngược lại bản quyền giống cây trồng vốn là điểm yếu lâu nay ở Việt Nam.
Trao đổi với PV Dân Việt về lo ngại này, bà Wendy Matthews khẳng định chỉ khi nào bảo hộ tốt quyền sở hữu giống thì mới giúp trái cây phát triển ra các thị trường tiềm năng hơn.
Phải đẩy mạnh đầu tư vào giống cây trồng mới có thể giúp ngành cây ăn quả phát triển thành công trong bối cảnh thị trường quốc tế cạnh tranh cao độ. "Tuy nhiên, để thành công, các tài sản trí tuệ liên quan đến sự đầu tư đó cần phải được bảo vệ và khai thác hiệu quả", bà Wendy Matthews nói.
Phát triển giống cây thanh long
Bà Đại sứ kể lại bài học từ nước mình, trước đây, giống kiwi Hayward vốn được phát triển ở New Zealand. Nhưng nông dân đã trồng thương phẩm giống này trước khi thực hiện các biện pháp bảo vệ giống.
Khi giống này được nhân lên và tham gia thương mại tự do trên toàn cầu thì quay trở lại cạnh tranh với chính kiwi của New Zealand. Bên tạo giống ban đầu đã không nhận lại được bất kỳ lợi nhuận nào từ sự phát triển và cạnh tranh này.
Ngày nay, thông qua Quyền của Cơ sở tạo giống cây và hành lang pháp lý về nhãn hiệu có hiệu lực trên toàn cầu, ngành kiwi của New Zealand có thể bảo vệ được các khoản đầu tư và quyền hợp pháp của mình trên các giống kiwi chất lượng mới.
Phải bảo hộ tốt quyền sở hữu giống thì mới giúp trái cây phát triển ra các thị trường tiềm năng hơn
Những cơ chế này giúp bên sở hữu giống cây được bảo hộ có thể kiểm soát quy trình sản xuất (thông qua việc cấp phép cho các cơ sở sản xuất), tự tin triển khai và điều phối các chương trình marketing quốc tế toàn diện cho các giống cây trồng mới.
Trở lại với dự án đang triển khai tại Việt Nam, một chương trình tạo giống thanh long toàn diện đang được xây dựng để phát triển các loại giống mới với màu sắc và hương vị khác lạ, khả năng chống chịu bệnh và năng suất cao, và thời gian bảo quản lâu hơn.
Hiện đã có một số giống được lựa chọn cho giai đoạn cuối, đang thử nghiệm trong quá trình sản xuất và sau thu hoạch. Các giống cao cấp này sẽ được bảo hộ bằng Quyền Giống cây (Plant Variety Rights - PVR) và thương mại hóa tại Việt Nam và thế giới theo mô hình thương mại sản xuất có kiểm soát.
Khi có bản quyền và thương mại hóa theo mô hình thương mại sản xuất có kiểm soát, giá trị trái cây sẽ tăng cao hơn.
Thực tế đã chứng minh sự thành công của việc sản xuất có kiểm soát được hỗ trợ bởi chương trình marketing điều phối nhịp nhàng, thông qua các điển hình là ngành táo và kiwi của New Zealand.
Bà Wendy Matthews dẫn chứng, năm 2018, lợi nhuận cho nông dân trên mỗi khay kiwi ZESPRIGold, giống của Viện nghiên cứu Thực phẩm và Cây trồng New Zealand đã cao hơn kiwi Hayward khoảng 27%. Còn lợi nhuận theo diện tích cho nông dân trồng kiwi ZESPRI Gold cao hơn kiwi Hayward đến 90%. Tương tự, tại những thị trường trọng điểm như Mỹ và Châu Á, giá bán táo Envy có thể cao hơn các giống táo thông thường đến 80 - 90%.
"Chúng tôi đã phát triển ra 20 loại giống thanh long khác nhau. Hi vọng đến 2021 sẽ giới thiệu được các loại thanh long mới này ra thị trường ở Việt Nam cũng như thế giới", bà Đại sứ chia sẻ.
Theo Danviet
Xuất khẩu trái cây sang Mỹ phải vượt qua 5 tiêu chuẩn này Thông tin trên fanpage của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) giới thiệu về quả thanh long với những ưu điểm như giàu vitamin, khoáng chất và chất xơ nhận được nhiều sự quan tâm của người tiêu dùng xứ cờ hoa. Việc một loại trái cây nhiệt đới được ca ngợi trên đất Mỹ có thể là một tín hiệu tốt cho nhiều...