Gia tăng bệnh sởi ở người lớn
Chiều 10/12, thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai cho biết, thời gian gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng tăng tại nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.
Thời tiết ở miền Bắc chuyển mùa cũng là nguyên nhân khiến các ca mắc sởi gia tăng. Trung tâm Bệnh nhiệt đới – Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận nhiều ca mắc sởi là người lớn với những biến chứng nguy hiểm.
Đó là bệnh nhân nữ T.H.B (37 tuổi, ở Nam Định), sốt ở nhà 3 ngày kèm theo phát ban đỏ mọc từ mặt, cổ sau lan ra toàn thân, kèm đau rát họng, đau bụng, tiêu chảy, khó thở. Bệnh nhân được chẩn đoán sốt phát ban/giảm bạch cầu, tăng men gan, viêm phổi ở bệnh viện địa phương, sau điều trị kháng sinh không đỡ đã chuyển Bệnh viện Bạch Mai. Tại đây, sau khi xét nghiệm bệnh nhân được chẩn đoán sởi có biến chứng viêm phổi. Hiện tại, sau 3 ngày điều trị bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch.
Bệnh nhân nam N.V.A (38 tuổi), tiền sử khỏe mạnh sống ở thành phố Thanh Hóa bị sốt nóng liên tục 5 ngày, kèm theo đau họng, viêm đường hô hấp trên. Sau 3 ngày bệnh nhân nổi ban, lúc đầu ban mọc ở mặt sau lan ra toàn thân kèm ngứa ngáy khó chịu, những ngày sau đau bụng, đi ngoài phân lỏng 4-5 lần/ngày. Sau khi nhập bệnh viện tỉnh với chẩn đoán sốt phát ban, điều trị không thấy đỡ, bệnh nhân ho nhiều nên được chuyển về Bệnh viện Bạch Mai. Tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, các bác sĩ sau khi thăm khám phát hiện bệnh nhân có hội chứng phát ban nghi sởi, kèm hội chứng viêm long đường hô hấp trên, khám họng thấy có hạt Koplik là những chấm trắng vùng niêm mạc má phải, thêm các dấu hiệu mắt đỏ cộm, sưng nề mi mắt. Bệnh nhân được xét nghiệm khẳng định là nhiễm virus sởi. Sau 5 ngày được điều trị tích cực tại đây, bệnh nhân đã khỏi và được xuất viện không có biến chứng.
Một bệnh nhân khác vừa nhập viện tên V.T.T (21 tuổi) là sinh viên ở Đống Đa, Hà Nội. Cách vào viện 3 ngày bệnh nhân xuất hiện sốt, kèm theo nổi ban đầu tiên ở mặt, sau gáy, sau đó lan ra toàn thân, kèm theo ho, chảy nước mắt, nước mũi. Bệnh nhân đi khám được chẩn đoán là dị ứng, sau khi được xét nghiệm sởi dương tính thì được chuyển về Trung tâm Bệnh Nhiệt đới.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Duy Cường – Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính và nguy hiểm, lây qua đường hô hấp do virus họ Paramyxoviridae gây nên.
Virus sởi rất dễ lây theo đường không khí hoặc giọt bắn, đối tượng cảm thụ là trẻ em chưa được tiêm phòng hoặc người lớn khi lượng kháng thể trong máu suy giảm. Sởi ở người lớn hay trẻ em đều có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm đường phổi, viêm kết mạc, viêm giác mạc, bội nhiễm gây viêm tai giữa, viêm ruột và các loại nhiễm trùng khác ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Có không ít người lớn chủ quan cho rằng bệnh sởi chỉ có ở trẻ em, nên không đi khám và điều trị. Với phụ nữ có thai, bệnh sởi cũng có tác động xấu đến sức khỏe của mẹ và có ảnh hưởng tới thai nhi, đặc biệt trong 3 tháng đầu mang thai.
Video đang HOT
Bác sĩ Chuyên khoa II Võ Trương Quý, Phó Trưởng Khoa Nội A, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN
Ngày 27/8 vừa qua, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành quyết định số 3547/QĐ-UBND về công bố dịch sởi – bệnh truyền nhiễm nhóm B và Kế hoạch số 4959/KH-UBND về Chủ động ứng phó dịch bệnh Sởi trên địa bàn Thành phố năm 2024. Nhiều địa phương trong cả nước cũng có những ca bệnh sởi trong cộng đồng. Bộ Y tế đã có hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh sởi, các nhân viên y tế cần chú ý đến các đặc điểm của bệnh sởi để xét nghiệm chẩn đoán và cách ly, điều trị kịp thời, tránh bỏ sót và phát hiện muộn, từ đó nguy cơ lây lan trong cộng đồng.
Bệnh sởi cũng như một số bệnh truyền nhiễm khác như bạch hầu, ho gà, uốn ván… có thể phòng ngừa an toàn bằng biện pháp tiêm chủng. Vaccine sởi hiện nay dành cho người lớn là vaccine 3 trong 1 MMR (sởi – quai bị – rubella) sẽ giúp phòng bệnh và ngăn ngừa các biến chứng. Bên cạnh đó, cần giữ vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân, nâng cao sức khỏe để tăng sức đề kháng và đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh.
Hà Nội tập trung phòng, chống dịch sởi lây lan
Hiện nay, thành phố Hà Nội và nhiều địa phương khác trên cả nước đang ghi nhận sự gia tăng nhanh chóng số ca mắc sởi.
Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội (CDC Hà Nội) nhận định, sẽ tiếp tục ghi nhận những ca bệnh trong tháng cuối năm 2024 và 3 tháng đầu năm 2025, nên người dân phải chủ động biện pháp phòng tránh.
Hà Nội tăng cường tiêm vaccine phòng, chống các bệnh truyền nhiễm cho trẻ nhỏ và người lớn.
Theo CDC Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 22 đến 28/11), thành phố ghi nhận 25 trường hợp mắc sởi. Trong đó, 23 trường hợp chưa tiêm vaccine phòng sởi, 2 trường hợp đã tiêm vaccine phòng sởi, không có ca tử vong.
Cộng dồn năm 2024, toàn thành phố ghi nhận 140 trường hợp mắc tại 26 quận, huyện, không có ca tử vong. Bệnh nhân phân bố theo nhóm tuổi, có 43 trường hợp dưới 9 tháng (30,7%), 21 trường hợp 9-11 tháng (15%), 23 trường hợp 12-24 tháng (16,4%), 19 trường hợp 25-60 tháng (13,6%), 34 trường hợp trên 60 tháng (24,3%).
CDC Hà Nội nhận định, bệnh sởi số mắc đang có xu hướng gia tăng. Bệnh nhân ghi nhận rải rác trên địa bàn, chủ yếu ở người chưa tiêm chủng vaccine hoặc chưa được tiêm đầy đủ, dự báo trong thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận thêm các trường hợp mắc bệnh.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Hồng Nhân, Trưởng Khoa Nhi Tiêu hóa-Dinh dưỡng-Lây, Bệnh viện đa khoa Xanh-Pôn, cho biết: "Từ đầu tháng 10 đến nay, bệnh viện tiếp nhận 67 bệnh nhi bị mắc sởi kèm biến chứng viêm phổi điều trị nội trú. Trong đó, đã có những bệnh nhân bị biến chứng suy hô hấp cần thở oxy, một ca bị viêm cơ tim".
Bệnh sởi thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi (chiếm 90%). Tuy nhiên, bệnh sởi có thể gặp ở người lớn có yếu tố nguy cơ như người chưa được tiêm vaccine phòng sởi; người suy giảm miễn dịch sởi theo thời gian; người có bệnh nền... Tương tự như trẻ em, bệnh sởi ở người lớn chủ yếu là điều trị triệu chứng, kết hợp với các vấn đề vệ sinh và chế độ dinh dưỡng.
Hiện tại, bệnh sởi xuất hiện quanh năm nhưng mùa đông lạnh giá và giai đoạn chuyển mùa sang xuân là thời điểm lý tưởng để virus sởi lây lan mạnh mẽ. Khi mắc sởi, trẻ thường có các triệu chứng như: Trẻ sốt cao, mệt li bì 5-7 ngày, ho, chảy nước mũi, rối loạn tiêu hóa.
Đặc biệt, trẻ nhỏ mắc sởi dễ trở nặng do có hệ miễn dịch kém nên virus sởi dễ dàng nhân lên và tấn công các cơ quan. Bên cạnh đó, virus sởi cũng gây suy giảm 20-70% lượng kháng thể chống lại mầm bệnh khác.
Do đó, trẻ mắc sởi dễ bị bội nhiễm các vi khuẩn khác như: Lao, bạch hầu, ho gà, phế cầu, tụ cầu... gây biến chứng nặng nề hơn. Trong các biến chứng thì viêm phổi nặng là nguyên nhân gây tử vong phổ biến nhất khi mắc sởi. Ngoài ra, trẻ mắc sởi còn có thể gặp biến chứng như viêm não, viêm cơ tim...
Các bác sĩ lưu ý, người dân cần chủ động tiêm vaccine sởi cho cả người lớn và trẻ em. Đây là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu hiện nay. Đặc biệt, phụ nữ đang có kế hoạch sinh con nên tiêm phòng vaccine sởi trước 3 tháng. Khi bị bệnh sởi, người dân không nên tự ý mua thuốc điều trị vì nếu không đúng cách có thể làm bệnh trở nặng và dễ bị nhiều biến chứng.
Từ ngày 14/10, CDC Hà Nội phối hợp các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội đã tổ chức thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng sởi-rubella cho trẻ từ 1-5 tuổi và nhân viên y tế có nguy cơ tại các cơ sở khám, chữa bệnh điều trị bệnh nhân sởi.
Kết quả, tính đến ngày 15/11, đã tiêm được 57.903 đối tượng, đạt tỷ lệ 95-96% tổng số đối tượng thuộc diện tiêm chiến dịch.
CDC Hà Nội cũng phối hợp các trung tâm y tế tổ chức khoanh vùng, điều tra, xử lý các khu vực ghi nhận ca bệnh, ổ dịch sởi; Tổ chức giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm tại cộng đồng và các cơ sở khám chữa bệnh được phân cấp nhằm nắm bắt tình hình dịch bệnh, điều tra, xử lý kịp thời ca bệnh, ổ dịch.
Riêng trong các bệnh viện, để phòng chống lây lan bệnh sởi, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các bệnh viện nghiêm túc thực hiện việc khám sàng lọc, phân luồng, cách ly những trường hợp nghi ngờ nhiễm sởi ngay tại khoa khám bệnh.
Ngoài ra, các bệnh viện phải bố trí bàn khám riêng đối với trường hợp nghi ngờ mắc sởi nhằm hạn chế lây nhiễm chéo. Trường hợp người bệnh mắc sởi bắt buộc điều trị tại khoa truyền nhiễm hay khoa lâm sàng khác, bệnh viện phải bố trí khu vực cách ly điều trị riêng, tuân thủ quy trình một chiều trong kiểm soát nhiễm khuẩn nhằm hạn chế tối đa lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Cấp bách chặn dịch bệnh sởi bùng phát Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Công điện yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan và địa phương tăng cường phòng chống, ngăn ngừa bệnh sởi bùng phát trên diện rộng. Hiện tại, ở nhiều địa phương, trong đó có thành phố Hà Nội đang ghi nhận sự gia tăng nhanh chóng số ca mắc sởi. Thực tế này đòi hỏi...