Gia tăng “bà mẹ tuổi học trò”: Do đâu?
Hiện giờ, tuổi dậy thì của trẻ khá sớm trong khi đó, trẻ không được trang bị kiến thức đầy đủ, thiếu hiểu biết, kinh nghiệm nên thường hành động theo bản năng. Thời gian gần đây liên tiếp xuất hiện các “bà mẹ nhí” đang ngồi trên ghế nhà trường.
Điều đáng nói là phụ huynh, thầy cô và cả những em gái này trước đó không biết mình mang bầu, cho đến tận ngày sinh ra em bé thì tất cả mới ngỡ ngàng. Rõ ràng, việc giáo dục giới tính cho học sinh hiện nay còn quá nhiều bất cập.
Ông Nguyễn Trọng An, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH): Chưa chú trọng đến hoạt động tư vấn, phòng ngừa
PV: Ông có ý kiến gì về việc thời gian gần đây khá nhiều trẻ mang thai sớm, thậm chí đến khi chuyển dạ trong lớp, cha mẹ, thầy cô mới biết?
Ông Nguyễn Trọng An: Hiện nay chúng ta luôn “chạy theo đuôi” để xử lý các vụ việc xâm hại trẻ, chứ chưa chú trọng đến hoạt động tư vấn, phòng ngừa, phát hiện sớm những hành vi xâm hại trẻ. Mạng lưới tư vấn, hỗ trợ trẻ hiện nay giảm so với trước đây. Nếu trước đây có hơn 160.000 cộng tác viên (CTV)/11.000 xã nay chỉ còn 15.000 CTV/11.000 xã. Chỉ hơn 1 người/xã, mà mỗi xã có khoảng 23.0000 dân, làm sao làm xuể, nên thường khi trẻ bị hiếp dâm, mang thai mới phát hiện ra thì quá muộn.
Có thể nói, công tác phòng ngừa, hỗ trợ của chúng ta đang mỏng và yếu. Bên cạnh đó, pháp luật xử lý chưa nghiêm với những đối tượng có hành vi xâm hại trẻ. Hầu như những vụ việc đó là do hai bên tự thỏa thuận với nhau. Trẻ em ở ta còn thiếu hiểu biết, thiếu kỹ năng sống để biết cách tự bảo vệ mình. Thực tế là có nhiều trẻ bị “yêu râu xanh” dụ dỗ bằng kẹo, nước hoa… khơi dậy ham muốn của trẻ và coi đó là trẻ tự nguyện.
PV: Theo ông, việc mang thai sớm sẽ ảnh hưởng ra sao đến sức khỏe và tâm sinh lý của trẻ?
Ông Nguyễn Trọng An: Mang thai sớm ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Khung xương chậu và bộ phận sinh dục chưa phát triển đầy đủ, hệ thần kinh chưa hoàn thiện để làm mẹ. Vì vậy, nếu mang thai khi còn ít tuổi sẽ rất nguy hiểm, có thể dẫn đến đẻ non. Nếu để sản phụ nhí này đẻ thường dễ bị băng huyết sau khi sinh và đứa con thường bị còi cọc, suy dinh dưỡng, có thể dẫn đến tử vong.
Những hậu quả về tinh thần cũng không kém phần nghiêm trọng. Trẻ dễ bị trầm cảm sau sinh, nặng thì bị tâm thần phân liệt do chưa chuẩn bị đủ tâm sinh lý để làm mẹ. Khi trẻ bị gia đình, bạn bè dè bỉu, chê bai, trẻ có thể trốn biệt xứ, thậm chí tự tử. Gặp phải cú vấp này khiến trẻ bị ám ảnh, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống sau này.
Cha mẹ, nhà trường cần trang bị kiến thức giới tính cho trẻ mới lớn.
PV: Để ngăn chặn tình trạng đau lòng đó, theo ông cần có những giải pháp gì?
Ông Nguyễn Trọng An: Theo tôi, cần có mạng lưới tuyên truyền, gồm đội ngũ cán bộ xã và CTV để phòng ngừa, phát hiện và giúp đỡ kịp thời. Cần có điều luật về vấn đề này, trước mắt cần có văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và phạt nặng, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm.
Đồng thời, cần có chính sách về quản lý thông tin như quản lý game, internet, tụ điểm buôn bán, sử dụng chất kích thích… quản lý xuất nhập khẩu băng đĩa, loại thuốc kích dục… Để đạt hiểu quả cần có sự vào cuộc đồng bộ từ gia đình – nhà trường, cộng đồng và luật pháp cũng phải thật nghiêm minh.
Video đang HOT
PV: Xin cảm ơn ông!
Ngày 6/4/2012, một nữ sinh lớp 10 ở Bến Tre chuyển dạ và sinh con ngay sau giờ học môn Thể dục. Cũng trong tháng 4/2012, dư luận phẫn nộ về vụ việc một bé gái 13 tuổi, trú tại xã Vũ Đoài, huyện Vũ Thư, Thái Bình bị ông lão hàng xóm dụ dỗ quan hệ nhiều lần dẫn đến có thai. Hiện, Công an tỉnh Bạc Liêu cũng đang điều tra việc một học sinh học lớp 8 đang mang bầu hơn 7 tháng… Trước đó, ngày 10/3, tại Nghệ An, một học sinh lớp 12 Trường TPHT ở Diễn Châu 2, Nghệ An bất ngờ sinh con.
**TS tâm lý Nguyễn Kim Quý: Từ bậc mầm non phải dạy trẻ cách bảo vệ mình
Hiện giờ, tuổi dậy thì của trẻ khá sớm. Trong khi đó, trẻ không được trang bị kiến thức đầy đủ, thiếu hiểu biết, kinh nghiệm xã hội nên thường hành động theo bản năng. Cha mẹ thiếu quan tâm đến con cái, không là người bạn lớn để hiểu tâm sinh lý của trẻ, nắm được những dấu hiệu thay đổi trên cơ thể của trẻ.
Hậu quả là có những đứa trẻ bị chậm kinh đến 4 – 5 tháng mới biết mình có thai, khi đó việc xử lý đã quá muộn. Nếu để đẻ, bản thân trẻ bị áp lực quá lớn như bố mẹ mắng nhiếc, người yêu lại bỏ rơi, thầy cô, bạn bè xa lánh, dư luận xì xào… Khi gặp cú sốc này trẻ sẽ rất mặc cảm, bế tắc, tương lai mù mịt, dẫn đến trầm cảm, thậm chí nguy cơ tự tử cao.
Thực tế hiện nay nhà trường còn né tránh, e ngại khi dạy trẻ về vấn đề giới tính. Đáng lẽ từ bậc mầm non đã phải dạy trẻ cách bảo vệ mình, không được cho người khác chạm vào cơ thể. Nếu không được dạy đến nơi đến chốn, cái tôi của trẻ yếu sẽ không kiềm chế được khi bị khơi dậy những bản năng không lành mạnh. Để xảy ra những trường hợp trẻ mang thai ngoài ý muốn, đáng trách nhất vẫn là những bậc làm cha, làm mẹ.
**Em Đỗ Quỳnh Chi, Trường THPT Lý Thường Kiệt, Hà Nội: Chương trình dạy học thiếu thực tế
Em thấy những tiết học về giới tính trong bộ môn Sinh học thường rất khô khan, lý thuyết nhiều, thiếu thực tế làm bọn em không hứng thú. Mặc dù cấp hai em đã được học về sự phát triển bộ phận cơ thể nam nữ, thụ tinh, thụ thai, cơ sở khoa học của các biện pháp tránh thai… nhưng giờ em chẳng nhớ được điều gì.
Theo em, để hiệu quả, những tiết học này nên phân lớp thành hai nhóm nam nữ riêng. Thầy giáo dạy nam, cô giáo dạy nữ. Thầy cô giáo cần đưa những dẫn chứng trong thực tế để chúng em thảo luận, sau đó thầy cô định hướng cho chúng em biết như thế nào là đúng, thế nào là không nên. Ngoài ra, thầy cô chỉ cho chúng em những trang website tin cậy, để chúng em tìm hiểu thêm.
Chương trình dạy kỹ năng sống ở trong nhà trường dạy rất nhiều thứ, không chuyên sâu về vấn đề này, nên kiến thức thu được không nhiều. Muốn tìm hiểu thông tin, bọn em thường tìm hiểu qua mạng nhưng mỗi mạng đưa một kiểu chẳng biết đúng sai thế nào.
**Bà Bùi Thị Loan, giáo viên Trường THCS Hoàn Kiếm, Hà Nội: Nhà trường và phụ huynh cần phối hợp chặt chẽ
Trong môn Sinh học, kiến thức về giới tính còn nặng về lý thuyết, vì thế, nếu cô giáo nào biết đưa vào bài giảng thực tế sinh động, giảm bớt lý thuyết hàn lâm sẽ làm học sinh hứng thú với môn học này hơn. Học sinh bây giờ dậy thì sớm, có em có người yêu từ lớp 6 nên cần sớm giáo dục giới tính cho học sinh, dạy từ những năm cuối cấp I, đầu cấp II để các em biết cách bảo vệ mình, biết tác hại của việc quan hệ tình dục quá sớm, đặc biệt là biết cách phòng tránh thai.
Ở trường tôi còn có chương trình giáo dục kỹ năng sống, tổ chức mỗi tháng 1-2 lần. Tuy nhiên, để chương trình giáo dục giới tính hiệu quả hơn, thay vì mỗi tháng tổ chức 1-2 lần, mỗi lần dành một ít thời gian nói về vấn đề này thì có thể dồn lại thành một đợt kéo dài từ 5-7 ngày, chuyên sâu về giáo dục giới tính.
Chương trình cần có máy chiếu minh họa, tạo thành diễn đàn để học sinh đưa ra các tình huống thảo luận với nhau, hỏi đáp những vấn đề còn vướng mắc, sau đó cung cấp những đường link để các em về tìm hiểu thêm. Trường tôi cũng tổ chức những buổi nói chuyện với học sinh về vấn đề này.
Ngoài ra còn mời phụ huynh đến nói chuyện về tâm sinh lý lứa tuổi, chỉ cho họ cách giáo dục, nói chuyện giới tính cho con thế nào cho hiệu quả. Việc phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh chặt chẽ sẽ cung cấp cho các em những kiến thức cơ bản để bảo vệ bản thân, tránh hậu quả đáng tiếc.
**Chị Đặng Thu Hà, Hoàng Mai, Hà Nội: Phải dạy đến nơi đến chốn
Khi con gái tôi bắt đầu dậy thì, vợ chồng tôi đã quan tâm đến việc giáo dục giới tính cho cháu. Mỗi ngày, tôi dành ra ít nhất 15 phút để mẹ con trò chuyện với nhau nên cháu rất tin cậy tôi, có chuyện gì cũng chia sẻ. Tôi cũng nói sơ qua cho cháu về việc mang thai, dạy con cách bảo vệ bản thân. Thấy cháu còn e ngại, chưa dám cởi mở về vấn đề này, tôi mua thêm sách báo để cho cháu tìm hiểu.
Khi trong cuộc sống xảy ra vấn đề gì, tôi kể với cháu, đặt ra các tình huống để hai mẹ con thảo luận. Ngoài ra, tôi cũng thường xuyên liên lạc, trò chuyện với cô giáo chủ nhiệm để nắm được những biểu hiện tâm lý của cháu ở lớp. Tôi thấy trẻ con ngày nay dậy thì sớm, môn Sinh lớp 8 mới cho các cháu học sự thụ tinh, thụ thai và quá trình phát triển của thai là hơi muộn. Cái này nên đưa vào chương trình lớp 6.
Khi dạy cũng phải dạy đến nơi đến chốn chứ nhiều giáo viên trẻ ngại đi sâu vào vấn đề này, thường nói qua loa đại khái, để các cháu tự tìm hiểu những nguồn tin không chính xác rất nguy hại. Ngoài dạy trên lớp, cô nên lập hộp thư riêng để học sinh có gì còn vướng mắc nhưng ngại hỏi chỗ đông người có thể hỏi cô qua email.
Theo Thu Hằng – Minh Thu/Báo TNVN
GS Trịnh Xuân Thuận: Tôi không tin UFO
"Các thông tin cho thấy thường sự xuất hiện của UFO chỉ do một người, hoặc một vài người nhìn thấy, chụp một tấm ảnh chứ không nhiều. Tôi không tin UFO. Nếu quả có những người ngoài hành tinh đến thăm chúng ta, tại sao họ không đến công khai, nói cho mọi người biết về họ".
Sáng 7/12, tại trụ sở liên hiệp Các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam (Vusta), Giáo sư Trịnh Xuân Thuận, nhà vật lý thiên thể, đã có buổi gặp mặt và trò chuyện với các nhà khoa học về vấn đề "Phổ biến kiến thức" nhân chuyến về nước sau 7 năm.
GS Trịnh Xuân Thuận: "Thiên nhiên ban tặng cho chúng ta rất nhiều thứ, nhưng nếu ta tiếp tục phá hỏng thì không thể lấy lại được".
Bằng sự hiểu biết của mình, GS đã giới thiệu những công trình nghiên cứu của ông về sự hình thành các thiên hà, những kiến thức về sự bí ẩn trong vũ trụ. Với một lối phổ biến khoa học rất gần gũi, dễ hiểu, dễ nghe, SGTT xin trích đăng những trả lời của ông về các thắc mắc của các nhà khoa học, các đại biểu tham dự về vũ trụ, trái đất, tâm linh...
Thời tiết đang có những dấu hiệu bất thường, trái đất nóng lên từng ngày, là một nhà thiên văn học, ông có bình luận gì về những biểu hiện của biến đổi khí hậu này?
Vấn đề ở đây tôi cho là do con người, không phải đến từ thiên nhiên. Khí C02, sự nóng lên của trái đất, vấn đề ô nhiễm toàn cầu... đi kèm với tốc độ phát triển kinh tế của chúng ta. Như tôi đã nói, thiên nhiên ban tặng cho chúng ta rất nhiều thứ, nhưng nếu ta tiếp tục phá hỏng thì không thể lấy lại được.
Trái đất là một hành tinh vô cùng đặc biệt trong hệ mặt trời, các nhà khoa học đã mất rất nhiều công lên tận sao Hỏa để tìm kiếm sự có mặt của nước, những tế bào vật chất ở đây nhưng vẫn vô vọng. Vì thế, chúng ta phải bảo vệ trái đất bằng mọi giá. Nếu vẫn tiếp tục những biến đổi khí hậu như hiện nay, thì sẽ đến lúc con cháu chúng ta sẽ không còn chỗ để sinh sống.
Nhiều người cho rằng thiên hạ đang đại loạn, có tin đồn năm 2012 sẽ là năm tận thế, ý kiến của ông là như thế nào?
Về chuyện cho rằng năm 2012 là năm tận thế, tôi cho rằng đó là do tín ngưỡng chứ không phải khoa học. Thực tế, trong khoa học có câu chuyện ở một thời điểm nào đó các hành tinh sẽ trùng nhau trên một đường thẳng, nhưng dù có như thế đi chăng nữa thì cũng sẽ không có chuyện gì xảy ra. Như trước đây, bao nhiêu người nói năm 2000 sẽ là năm tận thế, nhưng thực tế đâu có chuyện đó xảy ra.
Vũ trụ của chúng ta sẽ tồn tại trong bao nhiêu lâu nữa, thưa ông?
Tương lai của vũ trụ tùy thuộc vào chất lượng và năng lượng trong vũ trụ. Hiện nay vũ trụ sẽ giãn nở đến vô tận. Những ngôi sao sẽ chết, mặt trời cũng sẽ chết trong khoảng 4 tỷ năm nữa. Khi đó vũ trụ sẽ lạnh đi, các ngôi sao và dải ngân hà sẽ tắt. Như vậy sẽ khó tồn tại sự sống. Tuy nhiên đây là câu chuyện quá xa. Cần nhất trong vấn đề hiện tại đó là bảo vệ trái đất trước sự "tấn công" của chính chúng ta. Trái đất nóng lên, băng tan ra, đó là câu chuyện rất gần, chỉ 50-100 năm nữa, chứ không phải cái chết của vũ trụ trong hàng tỷ năm nữa.
Có những thông tin về chuyện thiên thạch sẽ va chạm vào trái đất, liệu trái đất có nguy hiểm gì không và nó sẽ tồn tại được trong bao lâu nữa?
Là nhà khoa học, tôi có thể chụp ảnh nghiên cứu những đổi thay của bầu trời, tính được quỹ đạo đường đi của những thiên thạch sẽ có tác động vào trái đất hay không. Mọi người có thể yên tâm, hiện tại không có thiên thạch nào sẽ đổ vào hay gây nguy hiểm cho trái đất. Nếu giả sử có đi chăng nữa, khoa học hiện đại cũng sẽ có những biện pháp làm nổ thiên thạch hoặc di chuyển đường đi để thiên thạch không ảnh hưởng gì đến trái đất.
Thi thoảng vẫn có những thông tin như UFO - vật thể bay lạ xuất hiện, ý kiến ông về những UFO này như thế nào?
Tôi làm khoa học, mà khoa học thì luôn đòi hỏi sự minh bạch, bằng chứng. Các thông tin cho thấy thường sự xuất hiện của UFO chỉ do một người, hoặc một vài người nhìn thấy, chụp một tấm ảnh chứ không nhiều. Tôi không tin UFO. Nếu quả có những người ngoài hành tinh đến thăm chúng ta, tại sao họ không đến công khai, nói cho mọi người biết về họ.
Liệu có bói toán trong khoa học không thưa ông?
Bản thân tôi thì không cho là như vậy. Tôi không tin có ngôi sao định vị số mệnh của con người khi sinh ra. Bởi ví dụ một con người sinh ra, có lực hấp dẫn, ngôi sao và trái đất... những thứ khó ảnh hưởng nên tính cách của một con người, chưa nói tới cả số phận cuộc đời của họ.
Có nhiều trường hợp ví dụ sau nhật thực thì rất nhiều sâu bệnh, bầu trời thay đổi thường ảnh hưởng đến nông nghiệp, thủy lợi. Ông có thể sử dụng thiên văn học để "báo động" cho mùa màng Việt Nam, giúp ích cho thủy lợi hay không?
Đây là vấn đề không chỉ riêng của thiên văn học mà còn liên quan tới rất nhiều các lĩnh vực khoa học khác như khí tượng thủy văn, thủy lợi, vật lý... nên không thể giải quyết ngay được. Tôi chỉ có thể chia sẻ những kinh nghiệm trong lĩnh vực thiên văn học.
Trong hơn 20 ngày ở Việt Nam lần này, GS Trịnh Xuân Thuận sẽ dành thời gian đến các trường ĐH FPT, ĐH Quốc gia Hà Nội, Quy Nhơn, Hoa Sen, trung tâm văn hóa Pháp ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM... để phổ biến những phát hiện mới trong thiên văn học, vũ trụ học, trò chuyện về khoa học và phật giáo, vị trí của con người trong vũ trụ... và những vấn đề khoa học nói chung.
Theo Thanh Tuyền
SGTT
Giáo dục giới tính: Cần một chương trình toàn diện Giáo dục giới tính là tiến trình suốt cả đời người, là chuyện phải làm hàng ngày, trước hết là ở gia đình nhằm trang bị kiến thức, hình thành nhân cách, tạo nên một nền tảng vững chắc cho sức khoẻ tình dục, sức khoẻ sinh sản sau này. Nó bao gồm những hiểu biết về phát triển tính dục, các mối...