Giá sách giáo khoa mới cao gấp 2-3 lần do đâu?
Bắt đầu từ năm học 2022-2023, học sinh lớp 3, lớp 7 và lớp 10 cả nước sẽ học sách giáo khoa (SGK) theo chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới, ban hành năm 2018.
Theo công bố của các nhà xuất bản, giá SGK mới ở các lớp này đều cao hơn khoảng 2-3 lần so với SGK hiện hành theo chương trình cũ tùy từng bộ. Trước đó, học sinh lớp 1, lớp 2 và lớp 6 theo chương trình GDPT mới từ năm học 2021-2022 cũng đều phải mua SGK mới cao hơn 2-3 lần so với chương trình cũ. Vì sao giá SGK mới lại cao hơn đã và đang là vấn đề được dư luận hết sức quan tâm tại thời điểm này.
Theo công bố của Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam mới đây, bộ SGK lớp 3 theo chương trình GDPT mới có giá bìa 177.000 – 183.000 đồng/bộ (12 đầu sách, chưa bao gồm sách tiếng Anh). Bộ SGK lớp 7 có giá bán 208.000 – 209.000 đồng/bộ (13 đầu sách, chưa bao gồm sách tiếng Anh). Bộ SGK lớp 10 có giá bán 246.000 – 301.000 đồng/bộ (tùy thuộc tổ hợp môn học và chuyên đề học tập mà học sinh lựa chọn).
Ghi nhận thời điểm hiện tại, một bộ SGK lớp 3 hiện hành theo chương trình cũ có giá bán khoảng 58.000 đồng. Như vậy, bộ SGK lớp 3 mới cao hơn khoảng 3 lần, chưa kể sách Tiếng Anh. Tương tự, bộ SGK lớp 7 hiện hành có giá bán là 134.000 đồng trong khi đó bộ SGK lớp 7 mới có giá từ 208.000 đến 209.000 đồng. Nếu tính cả sách tiếng Anh (chưa công bố giá), số tiền có thể cao hơn khoảng hai lần so với SGK hiện hành.
Với lớp 10, giá một bộ SGK mới từ 246.000 đến 301.000 đồng, tùy thuộc tổ hợp môn học. Mức này bao gồm tổng giá bìa của 5 trong số 7 môn học bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Giáo dục Quốc phòng và An ninh, Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp), 5 môn học lựa chọn và 3 chuyên đề học tập. Trong khi đó, giá bộ SGK cũ là 164.000 đồng, tức SGK mới cũng cao hơn khoảng 2 lần.
Nhiều bộ sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới có giá cao hơn từ 2-3 lần so với sách giáo khoa hiện hành. Ảnh minh họa.
Giải đáp băn khoăn của dư luận về việc tăng giá SGK mới, ông Hoàng Lê Bách – Tổng Giám đốc NXB Giáo dục cho biết: Việc so sánh giá của các bộ SGK theo chương trình GDPT mới với bộ SGK hiện hành là không tương đồng, do khâu biên soạn, xuất bản một bộ sách mới có những điểm khác biệt so với bộ sách trước đây.
Theo lý giải của ông Hoàng Lê Bách, về nguồn vốn, việc tổ chức biên soạn, xuất bản SGK được thực hiện bằng nguồn vốn do doanh nghiệp tự đầu tư, thu xếp và vay ngân hàng. Còn đối với SGK hiện hành (cũ), toàn bộ chi phí tổ chức bản thảo được chi trả bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước và vốn vay Ngân hàng Thế giới, NXB Giáo dục chỉ đảm nhiệm chi trả các chi phí tổ chức bản thảo cho việc tái bản.
Chi phí tổ chức bản thảo SGK hiện hành chỉ bằng khoảng 1/10 chi phí tổ chức bản thảo SGK mới. Thứ hai, chi phí nhuận bút đối với SGK mới cao hơn so với SGK hiện hành và phát sinh trong chế độ đãi ngộ do cơ chế cạnh tranh để tìm kiếm và giữ chân các tác giả giỏi. Thứ ba, về quy cách chất lượng sách, SGK mới có khổ 19 x 26,5cm, lớn hơn 1,23 lần khổ SGK hiện hành (17×24cm).
Để đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp giáo dục theo mô hình phát triển năng lực, SGK cần thay đổi theo hướng tăng cường kênh hình, hình ảnh hóa nội dung… Do đó, đơn giá công in đã bị tăng lên 23% so với SGK hiện hành. Ngoài ra, khi thực hiện biên soạn sách theo chương trình mới, các đơn vị xuất bản phải đáp ứng nhiều yêu cầu cao hơn so với trước đây.
Trong khi đó, với bối cảnh nhiều đơn vị cùng xuất bản sách, số lượng bản SGK ở mỗi tên sách của một đơn vị xuất bản sẽ giảm so với thời kỳ trước. Các chi phí tổ chức bản thảo phân bổ cho mỗi bản SGK sẽ cao hơn. Khi nhiều NXB cùng tham gia xuất bản SGK, phải cạnh tranh cũng sẽ kéo theo việc tăng chi phí cho các hoạt động triển khai thị trường (marketing) như giới thiệu, cung cấp sách mẫu, truyền thông…
Video đang HOT
Còn theo đại diện NXB Đại học Sư phạm, SGK mới được lựa chọn sử dụng giấy tốt, chống lóa. Sách được in đẹp, nhiều hình ảnh, tranh vẽ hấp dẫn phù hợp với tâm lý học sinh. Sách cũng có những điều chỉnh về kích cỡ, về số trang. Bên cạnh SGK giấy, học sinh còn được thực hành, trải nghiệm trên những cuốn SGK điện tử, có điều kiện tương tác, trau dồi kiến thức, kỹ năng trên môi trường kỹ thuật số. Đây cũng là chi phí được tính vào giá SGK…
Ngoài các yếu tố “đầu vào” tăng như lý giải của các NXB, theo tìm hiểu của chúng tôi, còn một yếu tố khiến giá SGK mới bị đội lên là do tăng số lượng đầu sách bắt buộc so với trước đây. Đơn cử như đối với bộ SGK lớp 1 theo chương trình GDPT mới, ngoài 3 môn là Tiếng Việt, Toán, Tự nhiên xã hội còn có thêm nhiều môn khác như Đạo đức, Mỹ thuật, Âm nhạc, Giáo dục thể chất, hoạt động trải nghiệm.
Tương tự với bộ SGK lớp 3, nếu như các năm học trước, học sinh chỉ cần mua 6 cuốn bắt buộc thì từ năm học 2022-2023, khi học theo chương trình GDPT mới, các em phải mua ít nhất 14 cuốn. Trong số này có thể kể đến một số cuốn mới như Tin học, Tiếng Anh, hoạt động trải nghiệm, hoạt động thể chất.
Ngoài ra, nếu như sách hiện hành môn Toán chỉ có 1 tập thì sách mới chia thành 2 tập, đồng nghĩa với việc phụ huynh phải bỏ ra gấp đôi số tiền cho một môn học, chưa kể giá mỗi cuốn đều cao hơn rất nhiều so với hiện hành… Đối với SGK lớp 10 theo chương trình GDPT mới, áp dụng từ năm học 2022-2023 cũng sẽ có thêm một số đầu SGK mới như giáo dục thể chất, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp…
Nhiều phụ huynh cho rằng, đối với các môn học, hoạt động có tính thực hành cao như giáo dục thể chất, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, chỉ cần có sách hướng dẫn của giáo viên là đủ, không cần SGK riêng cho học sinh. Tuy vậy, Bộ GD&ĐT và các nhà biên soạn chương trình vẫn giữ quan điểm đã là môn học bắt buộc thì phải có SGK. Và đây cũng là một trong những nhân tố khiến giá các bộ SGK theo chương trình mới cao hơn so với SGK theo chương trình hiện hành.
Dù rằng trên thực tế các loại SGK này phụ huynh nào cũng phải mua song không phải học sinh nào cũng có thể sử dụng. Đơn cử như đối với học sinh lớp 1 học chương trình GDPT mới từ năm học 2021-2022, 2 cuốn SGK môn giáo dục thể chất và hoạt động trải nghiệm ít khi được dùng đến vì vào thời điểm đầu năm học, hầu hết học sinh lớp 1 đều chưa biết đọc.
Thực tế cho thấy, SGK là mặt hàng thiết yếu nên việc tăng giá sách sẽ tác động không nhỏ đến đông đảo người dân, nhất là những gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn. Với chủ trương xã hội hóa SGK, các NXB, công ty sẽ tự bỏ toàn bộ chi phí, tự tổ chức từ bản thảo sách, in ấn, phát hành, giới thiệu, quảng bá và không dùng ngân sách nhà nước, do vậy, họ không thể bán SGK dưới giá thành.
Tuy nhiên, cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần có cơ chế giám sát, đặc biệt là trong quá trình doanh nghiệp kê khai giá. Bên cạnh đó, cũng cần xem xét việc xã hội hóa SGK cần thực hiện ở tất cả các khâu hay chỉ xã hội hóa ở một số khâu nào đó để đảm bảo giá SGK phù hợp đối với mọi gia đình.
'Người trong cuộc' nói gì về những tiết dạy thực nghiệm sách giáo khoa mới?
Việc đánh giá được quy định đến tính toàn diện về năng lực kỹ năng kiến thức. Hình thức cũng rất đa dạng từ việc đánh giá trong quá trình học đến các bài kiểm tra
"Năm vừa qua, trường tôi được chọn để tiến hành dạy thực nghiệm sách giáo khoa mới của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Chương trình dạy thực nghiệm hầu hết các bộ môn ở lớp 6, lớp 7, và hiện nay chúng tôi cũng đang tiến hành dạy thử nghiệm các bộ môn của lớp 8 với khoảng 40 tiết học. Tất cả các tiết dạy này đều do giáo viên của nhà trường thực hiện.
Các bài dạy được phủ theo mạch của môn học. Chẳng hạn với môn Toán, có 3 mạch bài là Số và Đại số, Hình học và Đo lường, Thống kê và xác suất, với mỗi mạch kiến thức này sẽ tiến hành dạy thử nghiệm một bài, và theo phân bổ kiến thức trong mỗi bài đó có thể là dạy 1 tiết, nhưng cũng có thể mỗi bài phải dạy trong 2 tiết", trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, nhà giáo Nguyễn Cao Cường - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội) đã cho biết.
Nhà giáo Nguyễn Cao Cường - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: NVCC.
Theo thầy Cường: "Trường chúng tôi là một trong những cơ sở đầu tiên tại Hà Nội được lựa chọn tiến hành dạy thực nghiệm sách giáo khoa lớp 6. Nhà trường được tiếp nhận sách giáo khoa của học sinh bản mẫu theo nguyên bản như sách thật, mỗi học sinh tham gia tiết học thực nghiệm đó được phát một bản in. Các thầy cô dạy bài thực nghiệm sẽ được nhận bản mẫu sách giáo khoa và sách giáo viên.
Về quy trình thực hiện: Sau khi được phân công của Ban giám hiệu, thầy cô sẽ tiếp cận các bản thảo mẫu đó, nghiên cứu triển khai bài học như một tiết dạy thông thường. Có nghĩa, giáo viên hiểu thế nào về nội dung trong sách sẽ tiến hành dạy đúng như vậy, nhóm tác giả hoàn toàn không can thiệp vào tiết dạy để thầy cô có thể đánh giá các mức độ đáp ứng từ sự cụ thể hóa chương trình đến sự phù hợp về đổi mới phương pháp, cách tổ chức hoạt động của thầy và trò.
Nhóm tác giả, nhà xuất bản cùng rất nhiều thầy cô dự tiết dạy thực nghiệm. Việc dự giờ này không phải để đánh giá giáo viên dạy giỏi hay không, mà mục đích để đánh giá việc học sinh và giáo viên tổ chức các hoạt động theo mục tiêu bài học như vậy có vướng mắc vấn đề gì, có chỗ nào chưa hợp lý, có chỗ nào băn khoăn, cần kiến nghị điều gì. Giáo viên có thể trình bày những dự định đã được triển khai trong tiết học đó cũng như điều chưa làm được, đồng thời tiến hành tổng kết rút kinh nghiệm ngay sau tiết dạy.
Những thầy cô có nhiệm vụ phải tham chiếu từ những yêu cầu của chương trình đối với sự cụ thể hóa của sách giáo khoa trong các bài cụ thể về việc đảm bảo chương trình, tính hợp lí,...tất cả các vấn đề đó được lập thành văn bản góp ý với những nội dung đã đạt, hoặc có thể đã đạt nhưng cần sữa chữa một chút, và có những nội dung chưa đạt.
Ví dụ: Với bài A, học sinh đã đạt được việc này, phải hiểu điều kia. Từ mục tiêu của chương trình, tác giả sách giáo khoa cụ thể hóa vào các bài học. Thầy cô tổ chức thực hiện việc đó lại càng phải làm rõ nét hơn khi nắm bắt được mục tiêu quy định chương trình và đặc điểm cụ thể học sinh lớp mình. Có thể nói, tựu trung của quá trình giảng dạy, sự đổi mới rõ nét nhất là cách tiếp cận bài học của các tiết dạy thực nghiệm là hoàn toàn mới so với chương trình sách giáo khoa hiện hành.
Với yêu cầu giáo viên phải đổi mới rõ nét phương pháp giảng dạy, đó là cách tiếp cận bài học bằng các hoạt động, học sinh tham gia hoạt động dưới sự hướng dẫn, tổ chức hoạt động của thầy cô. Thông qua các hoạt động đó những kiến thức học sinh thu nhận được một cách tự nhiên, hoàn toàn không bị áp đặt. Học sinh tiếp cận kiến thức qua các hoạt động, qua đó dần hình thành năng lực, tiếp thu kiến thức, kỹ năng."
Học sinh Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: NTCC.
Có công cụ đánh giá năng lực, phẩm chất học sinh?
Trong quá trình dạy thực nghiệm sách giáo khoa mới, có công cụ đánh giá phẩm chất, năng lực học sinh hay không? Về vấn đề này, thầy Cường nói: "Trong chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đã có được mục tiêu hình thành năng lực chung và năng lực riêng đặc thù của từng bộ môn.
Các thầy cô nhận thức rất rõ năng lực của người học không thể hình thành ngay được sau những tiết học đơn lẻ, mà nó sẽ có được qua một quá trình. Nhưng trong tiết học đó chúng ta phải cụ thể hóa mục đích để hình thành các năng lực đó bằng các hoạt động cụ thể.
Giáo viên tự xây dựng các tiêu chí đánh giá học sinh theo đặc điểm của vùng miền, đặc điểm năng lực của lớp mình giảng dạy. Có thể vẫn một bài học nhưng đối với các em học sinh ở Hà Nội và với học sinh ở vùng cao thì tiêu chí đánh giá của các thầy cô ở hai vùng đó có thể sẽ khác nhau mặc dù đích đến của bài học là hình thành phẩm chất, năng lực nhất định cho học sinh được quy định.
Hiện nay, chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đã có đầy đủ mục tiêu với từng môn học, cấp học. Khác với chương trình hiện hành, ngoài việc ban hành sách giáo khoa, còn đi kèm một bộ tài liệu chuẩn kiến thức kĩ năng, có nghĩa sau khi tiến hành bài học này, học sinh sẽ có được chuẩn kĩ năng này ở đầu ra với kiến thức là gì, kĩ năng là gì.
Giáo viên nghiên cứu bài học và thực hiện theo những sự gợi ý ở sách giáo viên. Sự cụ thể hóa sẽ dần dần hình thành qua các bài học, và năng lực của học sinh cũng được hình thành dần dần, càng lớp cao hơn thì năng lực sẽ phát triển chuyên sâu hơn.
Có thể hiểu năng lực học sinh sẽ được hình thành trong cả một quá trình dài, qua chuỗi hoạt động của bài học, của một chương học và rộng hơn là cả một học kì, hết một năm học. Ở những bài học sau, sự gửi gắm của tác giả cụ thể trong các hoạt động đó đều có "ngầm" hình thành năng lực cụ thể của học trò".
Cũng theo thầy Cường: "Nói về đánh giá năng lực, phẩm chất thì Thông tư 22 ban hành kèm với chương trình Giáo dục phổ thông 2018 sử dụng đánh giá cho năm học hiện tại 2021 -2022 dành cho học sinh lớp 6; năm học 2022 -2023 cho lớp 7 và dần dần đối với lớp 8, lớp 9, đồng thời cũng dần thay thế cho Thông tư 58 và Thông tư 26.
Theo đó, Thông tư 22 quy định, không đánh giá theo hệ số của môn học nào, cũng không tính điểm trung bình chung các môn. Như vậy, các bài kiểm tra thường xuyên, định kỳ là cơ hội để thầy cô đánh giá học sinh. Việc đánh giá được quy định đến tính toàn diện về năng lực, kỹ năng, kiến thức. Hình thức đánh giá cũng rất đa dạng. Từ việc đánh giá trong quá trình học đến các bài kiểm tra.
Tiết mục văn nghệ của học sinh Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: NTCC.
Bài kiểm tra thường xuyên trong năm học tùy theo kế hoạch của nhà trường, và trong các bài đó phải đánh giá được năng lực, phẩm chất, kiến thức kĩ năng thì đây chính là cơ hội đánh giá rõ nét nhất. Ngoài ra, các thông tư hiện nay đang hướng dẫn việc đánh giá học sinh theo đa dạng hình thức, trong mỗi bài học giáo viên có thể đánh giá được học trò qua các hoạt động đơn lẻ hoặc tập thể, thậm chí thông qua sản phẩm.
Hình thức đánh giá đa dạng và mới nhất là đánh giá dự án học tập, học trò được giao các dự án, sau khi học sinh thuyết trình về dự án đó, căn cứ những tiêu chí về năng lực phẩm chất, kĩ năng mà trước đó thầy cô đã đưa ra để đánh giá.
Những bài giảng được dạy thực nghiệm tại trường chúng tôi và cũng đồng thời cũng được triển khai dạy thử nghiệm tại nhiều trường ở các vùng miền khác nhau nhằm đánh giá các mức độ, phản hồi khách quan của thầy cô giáo trực tiếp giảng dạy, người dự giờ, tổ nhóm chuyên môn và sự đáp ứng của học sinh trong từng tiết dạy".
Thầy Cường cho biết thêm: "Theo quy định, đối với mỗi bản mẫu sách giáo khoa, lựa chọn các bài học để tổ chức thực nghiệm mang tính đại diện về loại bài, thể hiện điểm mới về nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học theo chương trình môn học, hoạt động giáo dục.
Các đơn vị tổ chức thực nghiệm ít nhất 10% tổng số tiết đối với các môn học, hoạt động giáo dục có từ 105 tiết/năm học trở lên, ít nhất 15% tổng số tiết đối với các môn học, hoạt động giáo dục có từ 70 tiết/năm học đến dưới 105 tiết/năm học, ít nhất 20% tổng số tiết đối với các môn học, hoạt động giáo dục còn lại. Mỗi bài học được dạy thực nghiệm ít nhất 2 lần, sau lần dạy thực nghiệm thứ nhất, tổ chức rút kinh nghiệm, chỉnh sửa bài học trước khi tổ chức dạy thực nghiệm lần thứ hai.
Lớp có học sinh được lựa chọn để tổ chức dạy thực nghiệm thuộc khối lớp học sách giáo khoa được thực nghiệm. Việc dạy thực nghiệm thực hiện đối với học sinh toàn lớp vào thời điểm phù hợp với năng lực của học sinh. Giáo viên dạy học và giáo viên dự giờ dạy thực nghiệm là những người đang trực tiếp dạy học môn học có sách giáo khoa được thực nghiệm".
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam công bố giá sách giáo khoa mới lớp 3, lớp 7 và lớp 10 Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam vừa công bố bảng giá sách giáo khoa lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Đây là những bộ sách giáo khoa mới được sử dụng trong các nhà trường từ năm học 2022-2023. Ảnh minh họa Cụ thể, đối với sách lớp 3, Bộ sách "Kết nối tri thức với cuộc sống" gồm 12 cuốn...