Giá như giáo viên được xếp vào nghề lao động nặng nhọc, độc hại
Không chỉ giáo viên khi đến ngưỡng 60 trở lên mới cảm thấy đuối sức mà những giáo viên khi ngoài 50 cũng đã phải đối mặt với muôn vàn khó khăn.
Từ ngày 01/1/2021 Bộ Luật Lao động (sửa đổi) có hiệu lực và tuổi nghỉ hưu của người lao động bình thường ở các ngành nghề sẽ được tăng lên theo từng năm.
Đối với lao động nam là 60 tuổi 3 tháng, nữ 55 tuổi 4 tháng, sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi đạt độ tuổi 62 đối với nam vào năm 2028 và 60 tuổi đối với nữ vào năm 2035.
Bộ luật Lao động (sửa đổi) cũng quy định một số đối tượng lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm… có thể nghỉ hưu sớm, ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định.
Và, phần lớn đội ngũ giáo viên không nằm trong các đối tượng có thể được nghỉ hưu sớm.
Đây là điều khiến nhiều nhà giáo lo lắng vì thực tế với độ tuổi nghỉ hưu như hiện nay cũng đã khiến nhiều giáo viên cảm thấy khó khăn thì khi tăng thêm từ 2 tuổi (nam) và 5 tuổi (nữ) quả là một áp lực rất lớn đối với người thầy.
Không chỉ lao động trực tiếp trên lớp mà nhà giáo còn phải làm việc những lúc ở nhà – (Ảnh minh họa: baonghean.vn)
Phần lớn nhà giáo phải đến tuổi 60-62 mới được nghỉ hưu
Trong thâm tâm của phần lớn những người lao đồng bình thường ở bất kỳ ngành nghề nào đến khi lớn tuổi dù nhiệt huyết vẫn còn cháy bỏng nhưng có lẽ lúc này đã “lực bất tòng tâm”…
Không ai muốn nghỉ hưu muộn bởi lúc ấy cho dù đồng lương hàng tháng được tăng thêm một chút nhưng có những công việc mà người lao động thấy mình không còn có thể đóng góp nhiều cho ngành.
Đặc biệt là với những giáo viên- những người trực tiếp đứng lớp hàng ngày thì càng lớn tuổi, họ đã cảm thấy đuối sức với phần công việc được giao.
Không chỉ giáo viên khi đến ngưỡng 60 trở lên mới cảm thấy đuối sức mà những giáo viên khi ngoài 50 cũng đã phải đối mặt với muôn vàn khó khăn.
Khó khăn không chỉ đến từ thực tế yêu cầu công việc liên tục phải đổi mới của ngành mà thấy mình không còn sức khỏe, không còn sức hút trước học trò nữa.
Rất khó để những thầy cô lớn tuổi đứng lớp 3-4 tiết liên tục trong một buổi dạy vì sức khỏe không cho phép và khả năng truyền đạt kiến thức, để “cháy hết mình” cùng học trò gần như cũng không còn.
Thầy cô không còn năng động được, lên lớp thường xuyên phải ngồi giảng bài sẽ rất khó lôi cuốn được học trò thích thú với các nội dung của bài học.
Video đang HOT
Đó là chưa kể việc quản lý học sinh ở bất kỳ cấp học nào cũng đều vất vả bởi nhiều em không còn ngoan hiền và nghe lời thầy cô như trước đây.
Trong khi đó, theo quy định của ngành hiện nay thì thầy cô không được phê bình học trò, không trả bài học sinh đầu giờ học để tạo tâm thế cho học trò học bài.
Nghe qua thì thấy nó tiến bộ, nhân văn đấy nhưng thực tế giảng dạy thì vai trò người thầy đang mai một dần trong mắt học trò. Nói học sinh không sợ, la rầy, phê bình học trò thì không được phép…nhưng điểm số thì bắt buộc phải hoàn thành theo thời gian quy định.
Mỗi lớp có trên 40 em mà học sinh nhiều lớp đang ở cái tuổi dở dở ương ương- nhỏ không phải nhỏ, lớn thì chưa đến nên có nhiều em rất ngang ngạnh với thầy cô. Thậm chí thách thức với thầy cô giáo giảng dạy mình.
Vì thế, không chỉ khi tuổi 60-62 mà ngay cả những thầy cô giáo trẻ thì nhiều khi cũng cảm thấy bất lực trước học trò của mình-nhất là đối với những môn học mà học sinh không thích, xem là môn học phụ.
Có nên xếp nghề giáo viên công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại…?
Chúng tôi cho rằng nghề giáo là một nghề nặng nhọc bởi sau mỗi tiết dạy, sau mỗi buổi đứng lớp thì giáo viên thường cảm thấy rất mệt mỏi, thậm chí phải ngồi nghỉ một chút mới có thể ra về.
Họ làm việc liên tục trong quá trình đứng lớp. Liên tục phải đứng, phải nói lớn, viết bảng và quản lý mấy chục em học trò.
Các ngành nghề khác thì ngày làm, đêm có thể nghỉ ngơi nhưng giáo viên thì vẫn phải làm việc liên tục. Họ luôn phải soạn giáo án, làm kế hoạch, chuẩn bị các hội thi cho lớp, cho trường, chấm bài kiểm tra cho học trò…
Và, nghề giáo có độc hại không khi mà đứng lớp thì liên trục phải viết phấn, lau bảng? Chẳng lẽ những bụi phấn lại không độc hại đối với con người?
Nếu không độc hại thì có lẽ nhiều giáo viên không phải viêm mũi, viêm họng như mọi người đã thấy. Bởi, mỗi tiết học thì giáo viên liên tục phải viết rồi lau, lau rồi viết liên tục.
Trong khi, nhà giáo già hay trẻ, khỏe hay bệnh tật đều được phân công dạy số tiết đã được quy định như nhau. Lúc trẻ, khỏe thì thấy cũng bình thường nhưng khi lớn tuổi sẽ cảm thấy đuối dần…
Lúc này, không chỉ nhiều thầy cô cảm thấy bất lực, vất vả khi lên lớp mà ngay cả học sinh cũng không muốn học với thầy cô lớn tuổi, nhất là giáo viên mầm non, tiểu học…
Vì thế, việc tăng tuổi hưu, trong đó có giáo viên tất nhiên những người làm luật có cái lý nhưng nên chăng các cơ quan chức năng cần xem xét, cân nhắc đưa giáo viên vào nhóm lao động nặng nhọc, độc hại…
Hoặc vẫn để tuổi nghỉ hưu như hiện nay (nam 60, nữ 55) là hợp lý nhất. Qúa ngưỡng tuổi này, giáo viên chỉ cần “đóng tròn vai” trước học trò đã khó chứ đừng mong sự đổi mới hay sáng tạo của người thầy!
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.
Nỗi niềm những thầy cô ngồi trực cổng trường
Dù là lý do nào đi chăng nữa thì những thầy cô bị Ban giám hiệu phân công trực trường cũng là những người bị thua thiệt, mặc cảm với chính đồng nghiệp của mình.
Nhiều trường Trung học cơ sở học hiện nay có một phòng trực ngay cổng ra vào của đơn vị và người ngồi trực ở đây thường là bảo vệ, đội cờ đỏ để quản lý học sinh và khách khứa ra vào hàng ngày.
Tuy nhiên, có một số trường hiện nay bố trí thêm giáo viên ngồi trực hành chính tại đây nên những thầy cô này cũng ngồi ở phòng trực cùng với các em đội cờ đỏ vào các ngày trong tuần.
Vẫn biết đã là công việc thì việc nào cũng đáng trân quý nhưng hình ảnh người thầy khi bị phân công trực ở cổng trường gợi nên nhiều nỗi niềm vì công việc chính của người thầy là đứng lớp, là dạy dỗ học trò chứ đâu phải ngồi trực ở...cổng trường!
Công việc của người thầy là đứng lớp nhưng có một số thầy cô bị phân công...trực trường - (Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại)
Một số thầy cô phải thường xuyên tham gia trực trường
Cơ cấu các chức danh trong trường học hiện nay thường được biên chế đầy đủ, mỗi người một nhiệm vụ cụ thể khác nhau. Ngạch giáo viên và nhân viên đều khác, giáo viên làm việc theo số tiết trong tuần, nhân viên làm việc theo chế độ hành chính.
Việc quản lý học sinh thường có một Phó hiệu trưởng ngoài giờ, Tổng phụ trách Đội, đội cờ đỏ và việc bảo vệ nhà trường thì có nhân viên bảo vệ.
Trực tại cổng trường thì thông thường là bảo vệ và một số em cờ đỏ trực vào các buổi học trong tuần. Phía trong là của Ban giám hiệu, thầy cô làm công tác Tổng phụ trách Đội.
Trên lớp dạy thì đã có giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn đảm nhận, quán xuyến.
Như vậy, chỉ có khoảng thời gian trước giờ vào học, lúc tan học là học sinh qua lại cổng trường còn giờ chơi thì học sinh cũng chỉ chơi trong phạm vi khuôn viên trường học mà thôi.
Thế nhưng, một số trường học vẫn duy trì giáo viên trực cổng trường, nhất là những ngôi trường lớn. Nếu mọi người ra vào trường học thường xuyên thì sẽ thường bắt gặp hình ảnh thân thuộc của một vài thầy cô ngồi ở phòng trực ở cổng trường...
Vậy, họ là ai và vì sao thầy cô lại phải ngồi trực ở cổng trường?
Việc giáo viên trực hành chính và được quy định ngồi trực ở cổng trường hiện nay có nhiều lý do.
Thứ nhất là hiện nay ở cấp Trung học cơ sở có tình trạng thừa giáo viên nên những thầy cô dạy thiếu tiết theo quy định thì bị phân công trực trường cho đủ số tiết.
Nhưng, không phải tổ nào thiếu là tất cả các giáo viên thay nhau trực mà Ban giám hiệu thường phân công trực trường tập trung vào 1-2 cá nhân nào đó ở trong tổ mà thôi. Chính vì thế mà những thầy cô dạy ít tiết là trực trường gần như suốt các buổi trong tuần.
Thứ hai là những thầy cô bị phân công trực trường thông thường là những thầy cô có phần "chậm chạp" trong giảng dạy hoặc những thầy cô mà không làm vừa lòng lãnh đạo.
Đồng thời, có cả những thầy cô chưa đủ chuẩn bằng cấp nên khi thừa thì sẽ bị phân công trực trường đầu tiên.
Nhưng, dù là lý do nào đi chăng nữa thì những thầy cô bị Ban giám hiệu phân công trực trường cũng là những người bị thua thiệt, họ thường mặc cảm với chính đồng nghiệp của mình khi hàng ngày phải đối diện lúc ra vào trường học.
Nhất là những thầy cô bị phân công trực trường thì các ngày đầu tuần khi chào cờ hay những ngày lễ của trường cũng phải đảm nhận khâu giữ gìn trật tự cho nhà trường.
Trong khi các đồng nghiệp của mình ngồi trên ghế yên vị ở phía trên thì những thầy cô này thường được phân công ngồi ở phía sau để quản lý học sinh và thường xuyên phải đi lại từ lớp này sang lớp khác để nhắc nhở.
Những nỗi buồn hiện hữu hàng ngày
Có lẽ trong thâm tâm của những thầy cô bị phân công trực trường sẽ thường xuyên mang một nỗi buồn thường trực trong lòng bởi khi tuyển dụng thì họ là giáo viên đứng lớp chứ không phải là trực trường hay là giám thị trường học.
Vì thế, trong khi các đồng nghiệp của mình hàng ngày lên lớp, hết tiết thì ra về, ngày có tiết thì vào trường, ngày không có thì ở nhà.
Nhưng, những thầy cô trực trường thì phải làm việc theo giờ hành chính. Phải có mặt khi học sinh vào trường và ra về khi học sinh ra về hết.
Nhiều khi học sinh cũng không biết thầy cô đó đảm nhận nhiệm vụ gì ở phòng bảo vệ...
Giá như, các trường không thừa giáo viên, nhà trường không "thừa giấy vẽ voi" và bản thân các thầy cô này cố gắng hơn một chút thì đâu đến nỗi được đào tạo sư phạm để đi dạy học mà ra trường lại phải đi trực trường.
Giá như, trường học có hẳn chức danh giám thị thì không nói làm gì nhưng đằng này những thầy cô đứng lớp mà bị phân công đi trực trường thật đáng phải suy nghĩ. Vậy nhưng, một công việc tầm phơ, tầm phào ấy vẫn đang xuất hiện ở một số trường học Trung học cơ sở hiện nay.
Và thực tế, công việc hàng ngày của họ cũng không thật rõ ràng, ngồi trực và khi cần một việc gì đó thì Ban giám hiệu "nhờ" mà thôi.
Ngày 20/11 lại đang đến gần, nhiều giáo viên đứng lớp khi tâm sự với nhau thường chạnh lòng, thương cảm cho những đồng nghiệp của mình nhưng chẳng thể giúp gì vì biết đâu mình cũng sẽ có một ngày như thế...!
Tăng cường công tác quản lý học sinh, sinh viên nội, ngoại trú Sáng 16/10 tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Bộ GDĐT tổ chức Hội thảo Công tác bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống tệ nạn xã hội và công tác quản lý HSSV nội, ngoại trú năm 2020. Hội thảo được tổ chức với mục đích, đánh giá thực trạng, vai trò, tầm quan trọng của công tác phòng,...