Giá nhà tại Anh giảm với tốc độ nhanh nhất trong 14 năm
Chi phí vay thế chấp tăng mạnh đã gây khó khăn cho những người mua nhà tiềm năng, dẫn đến việc giá nhà tại Anh trong tháng 11/2022 giảm với tốc độ nhanh nhất trong 14 năm qua.
Một công trường xây dựng tại London, Anh. Ảnh (tư liệu): AFP/ TTXVN
Theo số liệu được công bố ngày 7/12 của tập đoàn ngân hàng và bất động sản Halifax, giá nhà tại Anh trong tháng 11/2022 đã giảm 2,3% so với tháng Mười. Đây là mức giảm trong một tháng mạnh nhất kể từ tháng 10/2008. Tháng 11/2022 cũng là tháng thứ ba giá nhà tại Anh giảm liên tiếp, sau khi đã hạ 0,4% trong tháng 10 và 0,1% hồi tháng Chín.
Như vậy, giá một căn nhà trung bình tại Anh trong tháng 11/2022 đã giảm xuống 285.579 bảng, thấp hơn 2,9% so với mức 293.992 bảng vào tháng Tám năm nay.
Video đang HOT
Halifax cũng cho biết mức tăng của giá nhà so với cùng kỳ tháng 11/2021 đã giảm mạnh xuống còn 4,7%, so với mức 8,2% của tháng Mười. Đó là mức tăng thấp nhất kể từ tháng 7/2020 tới nay.
Bà Kim Kinnaird, Giám đốc bộ phận cho vay thế chấp của Halifax, cho biết nhiều người mua nhà tiềm năng đã quyết định tạm dừng việc chuyển nhà do cảm thấy áp lực chi trả gia tăng.
Bà Kinnaird cũng cho rằng sự sụt giảm giá nhà phản ánh một “quá trình bình thường hóa” sau một số đợt giá nhà tăng mạnh trong vài năm qua. Trước đó vào tháng 8/2022, giá nhà trung bình tại Anh đã tăng 23% so với tháng 1/2020, khi đại dịch COVID-19 chưa bùng phát.
Báo cáo của Halifax cho hay trong tháng 11/2022, tốc độ tăng giá nhà so với cùng kỳ năm trước đã giảm tại tất cả các khu vực của Vương quốc Anh, trừ vùng Đông Bắc. Xứ Wales (Uên) và khu vực Tây Nam nước Anh ghi nhận mức giảm mạnh nhất, lần lượt từ 11,5% xuống 7,9% và từ 10,7% xuống 8,4% so với cùng kỳ năm trước.
Xứ Wales và khu vực Tây Nam nước Anh đều là điểm nóng chính về tăng giá nhà trong thời kỳ đại dịch. Do đó, việc mức tăng giá nhà ở các khu vực này giảm cho thấy những yếu tố thúc đẩy thị trường – như mong muốn có thêm không gian và nhu cầu sống ở nông thôn – hiện đang giảm dần.
Tuần trước, công ty cho vay thế chấp Nationwide cũng cho biết giá nhà tại Vương quốc Anh trong tháng 11/2022 đã giảm 1,4% so với tháng 10/2022, đánh dấu mức giảm hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 6/2020.
Ông Andrew Wishart, chuyên gia cao cấp về kinh tế bất động sản tại công ty tư vấn Capital Economics đánh giá đợt điều chỉnh giá nhà trong giai đoạn 2022-2023 có vẻ đã bắt đầu đột ngột hơn nhiều so với giai đoạn 1989-1990 hay 2007-2008, phản ánh quy mô và tốc độ của cú sốc lãi suất vay thế chấp.
Chuyên gia của Capital Economics từng dự đoán giá nhà ở Anh sẽ giảm 12% vào giữa năm 2024, nhưng giờ cho rằng mức đó là “lạc quan”. Ông hiện dự báo khu vực London và miền Nam nước Anh sẽ đối mặt sự sụt giảm giá nhà lớn nhất, trong khi Scotland và Bắc Ireland có thể tỏ ra “kiên cường” nhất.
Tổng Giám đốc IMF cảnh báo nguy cơ kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại
Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva ngày 1/12 cảnh báo ngày càng có nhiều nguy cơ tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2023 dưới mức 2% - từng xảy ra trong thời gian đại dịch COVID-19 bùng phát và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009, trong bối cảnh các nền kinh tế lớn tăng trưởng chậm lại.
Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva. Ảnh: THX/TTXVN
Phát biểu tại hội nghị Reuters NEXT, bà Georgieva cho biết nguy cơ kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại trong năm 2023, dưới mức 2%, là khoảng 25%. Tuy nhiên, khi đánh giá các chỉ số gần đây, IMF quan ngại nguy cơ này có thể tăng.
Trước đó, IMF dự báo hơn 33% số nền kinh tế toàn cầu có thể suy giảm trong năm nay hoặc năm sau, trong đó hoạt động kinh tế tại các nền kinh tế lớn, trong đó có Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) bị đình trệ. Người đứng đầu IMF quan ngại nguy cơ suy giảm xảy ra đồng thời ở Mỹ, châu Âu và Trung Quốc.
Trong phát biểu đưa ra ngày 29/11 vừa qua, Tổng Giám đốc IMF Georgieva đã để ngỏ khả năng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, cho rằng dịch bệnh COVID-19 kéo dài và các vấn đề của ngành bất động sản đã gây ra những rủi ro liên tục đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Theo giới chuyên gia, bất kỳ sự suy yếu nào của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - quốc gia đóng góp từ 35 - 40% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, cũng có thể tác động tới kinh tế thế giới.
Theo kế hoạch, IMF sẽ cập nhật dự báo về triển vọng kinh tế thế giới vào tháng 1/2023 và đại diện cấp cao của IMF sẽ có chuyến thăm Trung Quốc vào tuần tới để thảo luận chính sách kinh tế.
RCEP là 'chất xúc tác' cho thương mại khu vực và hội nhập kinh tế sau đại dịch COVID-19 Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sẽ là động lực thúc đẩy thương mại khu vực và hội nhập kinh tế mạnh hơn trong thời kỳ hậu đại dịch COVID-19. Đây là phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Samdech Techo Hun Sen tại Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh và đầu tư ASEAN 2022...