Gia Lai: Nhà trường dùng tiền phụ huynh để chi tiếp khách
Vừa qua, Thanh tra huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai) đã tiến hành kiểm tra, xác minh nội dung tối cáo đối với ông Nguyễn Văn Dũng (nguyên Hiệu trưởng Trường tiểu học Đê Ar).
Theo đó, Thanh tra đã phát hiện ông Dũng đã có nhiều sai phạm như không công khai tài chính; sử dụng nguồn đóng góp từ phụ huynh để chi sai mục đích vào việc sửa máy tính cho hiệu trưởng, chi tiếp khách, quà chia tay cho giáo viên hợp đồng…
Sau khi nhận đơn tố cáo, đoàn Thanh tra huyện Mang Yang đã tiến hành xác minh, kiểm tra sai phạm đối với cá nhân ông Nguyễn Văn Dũng – nguyên Hiệu trưởng Trường tiểu học Đê Ar (xã Đê Ar, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) và ban giám hiệu nhà trường. Qua đó, đã phát hiện trong 3 năm học (2014 – 2017), nhà trường đã thu các khoản đóng của phụ huynh để thực hiện các công tác như mua học bạ, photo sổ hộ nghèo, giấy kiểm tra, quỹ lớp, quỹ đội, quỹ hoạt động phong trào…
Tuy nhiên, nhà trường lại sử dụng nguồn phụ huynh đóng góp này để chi sai mục đích vào việc như: Sửa máy tính hiệu trưởng, sửa máy photocopy, chi tiếp khách, quà chia tay giáo viên hợp đồng, làm trụ sở, biển hiệu…Ngoài ra, ông Dũng đã không thực hiện công khai tài chính theo quy định; không bàn bạc với ban giám hiệu và Hội đồng Sư phạm nhà trường trong việc mua sắm tài sản.
Trường tiểu học Đê Ar nơi để xảy ra sai phạm.
Đặc biệt, qua báo cáo thanh tra, ông Dũng đã ký hợp đồng lao động với 11 giáo viên. Theo đó, hàng tháng, trong bảng lương của nhà trường vẫn thể hiện trích đóng bảo hiểm xã hội cho số giáo viên này nhưng thực tế là không đóng. Để xảy ra sai phạm này trách nhiệm thuộc về ông Hlô (Kế toán kiêm nhiệm của trường) trong việc tham mưu cho hiệu trưởng trong công tác tài chính, kế toán, bảo hiểm…
Hiện tại, ông Dũng và ông Hlô đã trả lại số tiền bảo hiểm mà 11 giáo viên hợp đồng trích đóng với tổng tiền 25 triệu đồng. Ngoài ra, qua làm việc với bảo hiểm xã hội nhận thấy hồ sơ bảo hiểm của 5 trường hợp giáo viên trong biên chế trong trường được tuyển dụng, thay đổi vị trí làm việc… nhưng ông Hlô đã không hoàn thiện hồ sơ báo tăng lao động nên còn nợ Bảo hiểm Xã hội huyện số tiền hơn 61 triệu đồng và lãi phạt chậm nộp là gần 6 triệu đồng.
Video đang HOT
Thanh tra xác định, ông Dũng không dạy số tiết theo định mức quy định và vi phạm quy định đúng như đơn tố cáo. Đồng thời, mặc dù ông Dũng không dạy nhưng vẫn hưởng phụ cấp ưu đãi và phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo là sai quy định. Bên cạnh đó, khi tiếp nhận 1 hợp đồng bảo vệ (bà Hà Thị Oanh) theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP, mặc dù nhân viên này nghỉ sinh không làm từ tháng 9 đến tháng 12/2017 nhưng ông Dũng vẫn chi trả lương và xét hết tập sự; tiền lương, tăng tiết và các khoản khác giáo viên trường chỉ nhận qua thẻ ngân hàng chứ không ký đối chiếu vào bảng lương.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Căn – Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT tỉnh Gia Lai cho biết, ngay khi nhận được đơn tố cáo của tập thể giáo viên Trường tiểu học Đê Ar, Sở GD&ĐT tỉnh đã phối hợp với UBND huyện Mang Yang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiến hành kiểm tra, xác minh. Hiện đã có kết quả về những sai phạm mà ông Nguyễn Văn Dũng (nguyên Hiệu trưởng Trường tiểu học Đê Ar) gây ra.
Phạm Hoàng
Theo Dân trí
13 giáo viên tố cáo hiệu trưởng lạm thu, nhận tiền chạy việc
Quá bức xúc vì hiệu trưởng lạm thu, chi tiêu tài chính sai quy định, 13 giáo viên của Trường mầm non Quảng Thắng (phường Quảng Thắng, thành phố Thanh Hóa) đã làm đơn tố cáo hiệu trưởng nhà trường.
Trường mầm non Quảng Thắng - ẢNH MINH HẢI
Bà Ngô Thị Hồng Lê, Hiệu trưởng Trường mầm non Quảng Thắng bị các giáo viên cùng đứng đơn tố cáo, vì đã tổ chức, chỉ đạo thu nhiều khoản tiền: tiền học phẩm, tiền hoạt động lễ hội, đồ dùng phục vụ bán trú, vệ sinh lớp học trái quy định. Ngoài ra, giáo viên còn tố hiệu trưởng bớt tiền ăn, tiền học phí bán trú, lạm quyền khi cho giáo viên hợp đồng nghỉ việc, chiếm đoạt tài sản...
Ngay sau khi nhận được đơn thư, phóng viên Thanh Niên đã có buổi làm việc với bà Ngô Thị Hồng Lê, qua đó phát hiện việc sử dụng nhiều khoản tiền sai mục đích, chi tiêu vô tội vạ.
Cụ thể, vào đầu năm học 2018-2019, sau khi lên danh sách dự trù mua đồ dùng học phẩm, bà Lê đã chỉ đạo giáo viên các lớp phải thu tiền học phẩm theo các mức: 300.000 đồng/học sinh đối với trẻ dưới 3 tuổi; 320.000 đồng/học sinh 3-4 tuổi; 330.000 đồng/học sinh 4-5 tuổi và 350.000 đồng/học sinh 5-6 tuổi. Tổng số tiền đã thu của 350 học sinh toàn trường là hơn 114 triệu đồng.
Nhưng từ khi thu xong cho đến nay, đồ dùng học phẩm không được phát đủ cho từng lớp, các dụng cụ như trống phách, gậy thể dục, bóng, vòng...còn thiếu. Đáng chú ý, trong khoản tiền hơn 114 triệu đồng thu để mua học phẩm, bà Lê đã chỉ đạo lấy ra hơn 70 triệu đồng để chi sai mục đích, gồm: chi tiền mua tài liệu từ phòng giáo dục cho giáo viên, trả nợ cho giáo viên, trả tiền trang trí trong trường.
Quá bức xúc, 13 giáo viên đã đứng đơn tố cáo hiệu trưởng nhà trường - ẢNH MINH HẢI
Đối với khoản tiền thu cho hoạt động lễ hội. Các năm học trước, Trường mầm non Quảng Thắng tiến hành thu 150.000 đồng/học sinh, nhưng năm học 2018-2019 thu lên đến 300.000 đồng/học sinh, với tổng số tiền khoảng 100 triệu đồng. Theo bà Lê lý giải, khoản tiền này thu để tổ chức các hoạt động, như đêm trung thu, dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam (20.11), ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22.12), lễ hội mùa xuân, chào giáng sinh...
Gần đây nhất, dịp kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22.12), trường tổ chức chương trình "Chiến sĩ tí hon" nên đã lấy hơn 40 triệu đồng từ khoản thu hoạt động lễ hội mua 360 bộ quần áo chiến sĩ. Nhưng khi quần áo được đưa về, nhà trường lại bắt phụ huynh phải thuê lại quần áo, với mức 60.000 đồng/bộ để các con mặc tham gia chương trình. Việc này đã gây bức xúc cho cả phụ huynh lẫn giáo viên trong trường.
Không chỉ thu chi, sử dụng tài chính vô tội vạ, Hiệu trưởng Trường mầm non Quảng Thắng còn bị tố cáo cho giáo viên hợp đồng nghỉ việc vô cớ; áp dụng hình phạt hà khắc với giáo viên; ăn chặn tiền học bán trú; ăn chặn tiền vệ sinh lớp học...
UBND thành phố Thanh Hóa đã giao cho Thanh tra thành phố vào cuộc xác minh, làm rõ đơn tố cáo của 13 giáo viên - ẢNH MINH HẢI
Ba giáo viên trong trường, gồm cô Nguyễn Thị H., Nguyễn Thị T. và Lê Thị L. tố cáo bà Ngô Thị Hồng Lê chiếm đoạt tài sản. Trong đơn trình bày, các giáo viên trên cho biết, đầu năm 2018, bà Lê gọi 3 giáo viên lên phòng làm việc và trao đổi về việc tuyển dụng giáo viên theo hợp đồng được Nhà nước công nhận, nhưng phải mất tiền để "chạy".
Theo đó, cô H. và T. mỗi người đã đưa 40 triệu đồng, riêng cô L. phải đưa 50 triệu đồng vì chỉ có bằng trung cấp. Sau đó, kết quả tuyển dụng chỉ cô H. trúng tuyển theo đúng các tiêu chuẩn quy định. Cho rằng bà Lê không giúp đỡ được gì nên các giáo viên đã nhiều lần đòi lại tiền, nhưng đều không được bà hiệu trưởng trả lại.
Trao đổi về nội dung này với phóng viên Thanh Niên, bà Lê khẳng định bà không chiếm đoạt tài sản. Nhưng khi được hỏi có nhận tiền của các cô giáo hay không, thì bà Lê đã không trả lời thẳng vào câu hỏi, mà chỉ nhận là "có giúp đỡ các cô giáo vì chỗ chị em cùng nơi công tác".
Trao đổi với Thanh Niên, ông Lê Anh Xuân, Chủ tịch UBND thành phố Thanh Hóa, cho biết UBND thành phố cũng đã nhận được đơn của 13 giáo viên tố cáo hiệu trưởng Trường mầm non Quảng Thắng. "Chúng tôi đã giao cho Thanh tra thành phố vào cuộc xác minh, làm rõ. Nếu phát hiện có sai phạm, đương nhiên thành phố sẽ xử lý nghiêm, không bao che", ông Xuân nói.
Theo thanhnien
Hơn 60 giáo viên bị "bỏ rơi": Vừa dạy vừa hoang mang Sau nhiều năm được hợp đồng có sự thống nhất của Sở GD&ĐT Thanh Hóa, 66 giáo viên hợp đồng cũng đã được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đồng ý cho tuyển dụng viên chức ngành giáo dục. Tuy nhiên, đã nhiều năm, ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch tỉnh này vẫn trôi qua trong sự im lặng của các ngành...