Gia Lai: Đưa cồng chiêng và văn hóa địa phương vào trường học
Đưa văn hóa bản địa vào trường học.
GD&TĐ – Nhiều năm qua, việc bảo tồn văn hóa cồng chiêng ở Gia Lai ngày càng được coi trọng. Đặc biệt, nhiều trường học ở Gia Lai đã đưa cồng chiêng vào các giờ ngoại khóa, tạo sự hứng khởi cho học sinh tham gia.
Đưa văn hóa bản địa vào giờ học ngoại khóa
Trường THCS Nay Der (xã Chư Mố, huyện Ia Pa, Gia Lai) nhiều năm nay, ngoài các tiết học văn hóa trên lớp, nhà trường đã lồng ghép việc truyền dạy đánh chiêng, múa xoang cho học sinh. Đến nay, 100% học sinh trong trường đã biết múa xoang, nhiều em đã biết đánh chiêng. Nhiều điệu múa, nhiều bài chiêng truyền thống đã được các em chơi thuần thục.
Video đang HOT
Trường Nay Der đã 5 lần tổ chức thành công Hội thi “Vòng xoang mừng xuân” và phong trào ngày được lan rộng trong cộng đồng. Mới đây, nhà trường mở rộng hội thi, mời 7 đơn vị trường học, đoàn thanh niên vùng Ayun Hạ và được đông đảo người dân, ban ngành hưởng ứng.
Thầy Hiệu trưởng Võ Trí Hoàn bộc bạch: Đến nay, tôi đã 22 năm gắn bó với nghề giáo và 28 bám trụ ở Tây Nguyên, điều khiến tôi mê say, trăn trở nhiều nhất là tiếng chiêng, điệu múa xoang người J’rai, Bahnar.
Trước đây, trong trường rất ít em biết đánh chiêng, múa xoang. Tôi đã tìm gặp các bậc cao niên trong vùng để nhờ họ truyền dạy. Sau các buổi dạy ngoại khóa, nhà trường mạnh dạn tổ chức hội thi múa xoang, đánh chiêng để các em học sinh thi thố kèm theo là các phần thưởng khích lệ.
Với người Tây Nguyên, điệu xoang, tiếng cồng chiêng được xem là “đặc sản” tinh thần không thể thiếu trong các lễ hội mừng chiến thắng, lúa mới, đâm trâu hay bỏ mả. Múa xoang là điệu múa của đám đông, thể hiện tính đoàn kết trong từng bước nhảy. Lúc múa, mọi người được kết nối với nhau bằng ngón tay út, đi chân trần và di chuyển nhịp nhàng, đồng điệu kết hợp tay chân nhún đung đưa. Thường điệu xoang được đẩy lên cao trào khi đã chếnh choáng men rượu cần bên ánh lửa bập bùng.
“Múa xoang không khó nhưng để múa đúng, múa đẹp là việc không hề đơn giản. Dịp này, tôi mời 3 nghệ nhân tham gia chấm thi nhằm chỉ ra cho các đội thi mặt được và chưa được để các em học hỏi thêm. Do trường còn khó khăn về kinh phí nên các hoạt động như thế này chủ yếu là tạo sân chơi, không gian giao lưu học hỏi với nhau. Không chỉ học sinh mà các thầy cô và thanh niên trên địa bàn đều tham gia” – thầy Hoàn cho biết.
Em Ksor H’Đương (lớp 9 – dân tộc Jrai) chia sẻ: “Ở trường, em rất thích những giờ ngoại khóa vì được học, tìm hiểu thêm nét văn hóa của dân tộc mình. Trước đây em rụt rè, nhưng giờ biết nhảy múa rồi nên rất tự tin, hào hứng tham gia các lễ hội. Em và các bạn ngoài tập ở trường, chúng em còn về học thêm từ ông bà ở nhà”.
Đưa vào trường… để lưu giữ bản sắc
Điệu xoang “đặc sản” của người dân Tây Nguyên.
Ông Ksor Jú – Chủ tịch UBND xã Chư Mố – cho biết: Bà con bây giờ khác xưa nhiều lắm, việc trồng bông dệt vải nay đã hiếm. Trước đây, nhà nào cũng có một bộ chiêng nay cũng bị mất trộm, người ta bán gần hết.
Mặt khác, các lễ hội cũng giảm so với trước nên không gian để thể hiện ngày một ít. Cho tới nay, việc lưu giữ bản sắc truyền thống là ý thức mỗi gia đình, để dạy bài bản thì vẫn chưa làm được.
Trước thực trạng này, thầy Hoàn và các đồng nghiệp càng thêm quyết tâm đưa tiếng cồng, điệu xoang nhân rộng trong trường học. “Tôi nghĩ đưa văn hóa bản địa vào trường học là một cách dạy hiệu quả, sẽ thiệt thòi cho các em nếu không biết về truyền thống dân tộc mình. Thế hệ trẻ không học thì việc bảo tồn văn hóa bản địa khó thực hiện” – thầy Hoàn tâm huyết chia sẻ.
Hiện trước mỗi giờ sinh hoạt 15 phút hay các buổi ngoại khóa, nhà trường đều tổ chức tập luyện nhảy xoang, đánh cồng chiêng cho các em.
Trước nguy cơ dần mai một, không chỉ trên địa bàn huyện Ia Pa mà nhiều trường học ở các huyện như Mang Yang, Đắk Đoa, Đức Cơ… đã mở các buổi học ngoại khóa đánh cồng chiêng, góp phần không nhỏ vào việc truyền dạy cho thế hệ trẻ, nâng cao ý thức giữ gìn, phát huy văn hóa dân tộc.
Theo GD&TĐ