Giá hồ tiêu giảm thảm hại, 25 nước đến Việt Nam bàn kế vực dậy
Giá hồ tiêu xuất khẩu liên tục giảm, lao dốc không phanh trong 4 năm qua, từ 10 USD/kg năm 2015 xuống còn khoảng 2 USD/kg hiện nay.
Giá hồ tiêu giảm tới mức báo động không chỉ là câu chuyện của riêng ngành tiêu Việt Nam mà còn ở các nước khác trên thế giới.
Tại Lễ Khai mạc Hội nghị Hồ tiêu Quốc tế lần thứ 47 sáng 12/11 tại TP.Vũng Tàu, Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC) đã đưa ra cảnh báo về tình hình sản xuất và kinh doanh hồ tiêu trên thế giới đang đối mặt với việc giá hồ tiêu liên tục sụt giảm trong 4 năm qua, từ 10 USD/kg năm 2015 xuống chỉ còn 2 USD/kg năm 2019.
Trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu, thời tiết biến động bất thường và tình trạng sâu bệnh phá hoại cây trồng chưa kiểm soát được, nếu ngành không có những biện pháp khắc phục thì tình hình này sẽ còn trầm trọng hơn.
Khách quốc tế tham quan gian hàng của doanh nghiệp Việt Nam tại Hội nghị Hồ tiêu Quốc tế 2019. Ảnh: Ngọc Minh.
Hội nghị Hồ tiêu Quốc tế lần thứ 47 thu hút hơn 400 đại biểu trong và ngoài nước tham dự trong 3 ngày, từ 12-14/11. Bên cạnh các hoạt động giao thương, xúc tiến thương mại, triển lãm gian hàng, hội nghị các nhà xuất – nhập khẩu, hội nghị về kỹ thuật…
Các đại biểu đến từ 25 quốc gia trên thế giới là thành viên của IPC và các đối tác liên quan trong ngành hồ tiêu và gia vị thế giới đã tập trung thảo luận những vấn đề nâng cao chất lượng sản xuất, chế biến và thương mại hồ tiêu, giúp vực giá lên.
“Thị hiếu người tiêu dùng ngày càng hướng tới những sản phẩm có chất lượng cao và đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, trong khi chi phí sản xuất tăng cao, giá cả diễn biến khó lường. Những yếu tố trên đã và đang gây bất ổn đến sản xuất, kinh doanh của ngành hồ tiêu toàn cầu, trong đó có Việt Nam, nước đang có sản lượng sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu nhiều nhất thế giới, đã và sẽ còn tiếp tục bị tác động mạnh nhất”, đại diện IPC đánh giá.
Ông Phạm Văn Lý (Bình Phước) được Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế trao giải Nông dân sản xuất hồ tiêu giỏi nhất. Ảnh: Ngọc Minh.
Hiện sản lượng hồ tiêu xuất khẩu hàng năm của Việt Nam là gần 250 ngàn tấn, chiếm 42% sản lượng hồ tiêu toàn cầu. Hiện hồ tiêu được trồng chủ yếu tại các tỉnh Bình Phước, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Quảng Trị và Phú Quốc, tạo sinh kế cho gần 20.000 nông hộ tại khu vực Tây Nguyên và miền Nam Việt Nam.
Tuy nhiên, từ năm 2015, giá tiêu trong nước liên tục giảm từ khoảng 200 ngàn đồng/kg xuống còn khoảng 40 ngàn đồng/kg, khiến nông dân và doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Theo thông tin cập nhật mới nhất, giá tiêu hôm nay 12/11 tại Tây Nguyên chỉ đạt 40.000 đồng/kg.
Video đang HOT
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Việt Nam Lê Quốc Doanh (trái) trao đổi với các doanh nghiệp nước ngoài bên lề Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế 2019. Ảnh: Ngọc Minh.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Việt Nam Lê Quốc Doanh cho biết, giá tiêu liên tục giảm trong vài năm gần đây là do nguồn cung vượt cầu.
“Quy hoạch của ngành chỉ sản xuất 50.000 ha, trong khi diện tích thực tế gấp 3 lần quy hoạch lên đến 150.000 ha. Bên cạnh đó tình hình biến đổi khí hậu, dịch bệnh diễn biến thất thường cũng góp phần làm tình hình xấu đi. Giải pháp hiện nay là các doanh nghiệp nên liên kết với nông dân để nâng cao chất lượng hạt tiêu lên và tăng cường chế biến sâu, chế biến sạch, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường nhằm thâm nhập sâu vào chuỗi cung ứng hạt tiêu toàn cầu”, ông Doanh nói.
Trang trại trồng tiêu của Công ty OLam ở huyện Chư Pưh, Gia Lai. Hiện OLam đang liên kết với 300 hộ nông dân Việt Nam sản xuất tiêu sạch.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết, từ năm 2015, ngành cũng đã có những dự án hợp tác công tư PPP với các tổ chức trong và ngoài nước phát triển sản xuất và kinh doanh hồ tiêu theo chuỗi, với các dự án sản xuất hồ tiêu bền vững, đào tạo cho hơn 74.000 nông dân sản xuất lấy các chứng chỉ quốc tế, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm hồ tiêu xuất khẩu.
Giá tiêu hôm nay tại Tây Nguyên giảm chỉ còn 40.000 đồng/kg, khiến bà con nông dân gặp nhiều khó khăn. Ảnh minh họa: I.T
“Bên cạnh đó, các bạn cũng cần chú ý đến nguồn nước đang sử dụng để chế biến tiêu, đang có tình trạng ô nhiễm, và tăng cường truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Việt Nam đang có lợi thế là năng suất cao, tới 3 tấn tiêu/ha, trong khi các nước khác chỉ khoảng 1 tấn/ha. Nếu cây tiêu Việt Nam truy xuất nguồn gốc tốt sẽ giúp nâng giá trị hạt tiêu lên”, ông Krishna Kumar Menon đến từ Tập đoàn Griffith Foods (Mỹ) góp ý.
Theo Danviet
Diện tích hồ tiêu tăng "nóng" 400%, giá lao dốc, tỉ phú cũng lâm nợ
Chỉ từ năm 2001 đến nay, diện tích hồ tiêu Việt Nam tăng đến 400%, chiếm đến 40% về sản lượng hồ tiêu thế giới. Theo đánh giá của ngành chức năng, việc giá hồ tiêu tụt dốc không phanh trong thời gian qua chính là do cung vượt quá cầu. Dự báo giá tiêu vẫn còn tiếp tục giảm trong thời gian tới.
Vị trí số 1 nhiều bất ổn
Ngày 23/8, tại Đắk Nông, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) đã tổ chức Hội nghị phát triển hồ tiêu bền vững đáp ứng yêu cầu Hiệp định thương mại tự do. 300 đại biểu tham dự hội nghị đã đi sâu vào việc phân tích đánh giá thực trạng, dự báo thị trường hồ tiêu. Nhằm tìm ra nguyên nhân tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, tín dụng, thị trường cũng như cơ hội và đề xuất các giải pháp căn cơ thúc đẩy phát triển ngành hồ tiêu Việt Nam.
Cùng với việc giảm giá, tình trạng tiêu chết hàng loạt ở Tây Nguyên đang khiến hàng ngàn nông dân lâm vào cảnh nợ nần.
Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, từ năm 2001 đến nay, Việt Nam luôn giữ vị thế số 1 thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu. Báo cáo này cho thấy, chỉ trong vòng 17 năm từ năm 2001-2018, hồ tiêu Việt Nam đã tăng từ 35,3 ngàn ha lên đến 149,8 ngàn ha, tăng hơn 400%, chiếm 40% sản lượng và gần 60% về thị trường xuất khẩu hồ tiêu thế giới.
Hiện hồ tiêu Việt Nam đã được xuất khẩu đến 105 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu năm 2001 của Việt Nam đạt 90 triệu USD thì đến năm 2018 con số này đã lên đến 758,8 triệu USD, tăng hơn 700%.
Tuy nhiên, sau khi giá trị kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam đạt kỷ lục vào năm 2016 với 1,422 tỷ USD, thì ba năm gần đây (2017-2019) giá hồ tiêu trên thế giới sụt giảm liên tục. Nguyên nhân của tình trạng này là do nguồn cung tăng từ 8-10% trong khi nhu cầu tiêu thụ chỉ tăng 2%.
Các đại biểu tham dự hội nghị tham quan vườn tiêu sản xuất theo hướng hữu cơ.
Tại Việt Nam, có những thời điểm giá hồ tiêu lên đến 250.000 đồng/kg nhưng hiện nay đã giảm xuống chỉ còn khoảng 45.000 - 46.000 đồng/kg. Tình trạng này đã khiến cho những hộ trồng tiêu trong nước đã gặp rất nhiều khó khăn do bị lỗ, mất khả năng trả nợ các khoản tín dụng đã vay để đầu tư hồ tiêu.
Theo ông Đinh Xuân Thu, đại diện Hiệp hội Hồ tiêu Đắk Song (Đắk Nông), thực tế hiện nay tại Đắk Song, nơi có diện tích hồ tiêu lớn nhất Đắk Nông, hàng ngày có hàng chục người đến tòa án để giải quyết nợ nần do cây tiêu gây ra. Tình trạng tiêu chết hàng loạt, giá cả lao dốc đã khiến không chỉ nông dân mà ngay những đại gia tiêu lớn nhất Việt Nam cũng lâm vào cảnh khốn cùng, nhà cửa phải cầm cố ở ngân hàng.
Theo Bộ NNPTNT, mặc dù ở vị trí số 1 nhưng việc sản xuất hồ tiêu tại Việt Nam còn nhiều bất ổn, chưa bền vững. Diện tích hồ tiêu tăng quá nhanh ngay cả ở những vùng không phù hợp, thâm canh quá cao trong thời điểm giá tốt.
Bên cạnh đó, tình trạng dịch bệnh trên cây hồ tiêu vẫn chưa có biện pháp phòng trừ hiệu quả nhất là bệnh chết nhanh, chết chậm; công tác giống còn hạn chế, trong đó có việc nghiên cứu, chọn tạo giống mới, sản xuất giống hồ tiêu sạch bệnh, công tác bình tuyển và công nhận cây đầu dòng và vườn cây đầu dòng chưa được các tỉnh quan tâm thực hiện; sản xuất GAP, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm chưa toàn diện. Việc tổ chức sản xuất, sơ chế và chế biến sâu hồ tiêu còn nhiều hạn chế, chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế của ngành hồ tiêu.
Hồ tiêu Việt Nam hiện hầu hết chỉ xuất khẩu thô, chưa được chế biến sâu.
Đại điện Hiệp hội hồi tiêu Quốc tế cũng cho biết, hồ tiêu Việt Nam có điểm yếu là tồn dư về thuốc bảo vệ thực vật, sự can thiệp của chính phủ chưa đúng mức, chưa có chiến lược cho một ngành gia vị đơn lẻ, thiếu tính bền vững, thiếu minh bạch về dữ liệu, không tạo được giá trị gia tăng...
Vị đại diện này cho hay, nếu Ấn Độ nhập khẩu về để chế biến sâu, thì Việt Nam có năm nhập khẩu đến hơn 35.000 tấn nhưng chỉ mang về để tái xuất sang thị trường châu Âu. Các điểm yếu trên khiến hồ tiêu Việt Nam đứng trước nguy cơ mất thị trường tại châu Âu.
Bộ NNPTNT dự báo, năm 2019 sẽ là năm rất khó khăn với sản xuất và tiêu thụ nông sản trong đó có ngành hồ tiêu. Dự báo, sản lượng hồ tiêu toàn cầu trong thời gian tới vẫn trong xu hướng tăng nên giá cả vẫn có khả năng sẽ tiếp tục đi xuống.
Nâng cao nhận thức trước khi muốn phát triển bền vững
Ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) cho rằng, muốn phát triển hồ tiêu bền vững thì trước mắt cần nâng cao chất lượng hồ tiêu Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Vườn tiêu hữu cơ của ông Đinh Xuân Thu (Đắk Song, Đắk Nông) mang lại giá trị kinh tế cao.
Tiếp đó, cần nâng cao nhận thức cho người dân đồng thời có chính sách tập huấn, trang bị kiến thức cho người dân. "Khi người dân chưa nâng cao được nhận thức thì chưa thể nói đến việc phát triển hồ tiêu bền vững"- ông Bính nhấn mạnh.
Ông Đinh Xuân Thu cho rằng, việc giảm diện tích hồ tiêu không phải là giải pháp tốt nhất. Theo ông Thu cần khuyến khích nông dân sản xuất theo hướng bền vững. Bên cạnh đó cần có chính sách hỗ trợ cho nông dân. Phía ngân hàng cần có chính sách khoanh, giãn nợ cho người trồng tiêu.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh cho rằng, đứng trước thực trạng cây hồ tiêu hiện nay, Việt Nam cần cố gắng ổn định diện tích hồ tiêu khoảng 100.000ha. Đối với những vườn hồ tiêu bị bệnh chết, không phù hợp cần phải kiên quyết chuyển đổi sang cây trồng khác.
Trong việc canh tác cần tăng cường đẩy mạnh sử dụng phân hữu cơ để giảm bớt nguy cơ mắc bệnh chết nhanh, chết chậm xảy ra trên cây hồ tiêu.
Hiện, nông dân Tây Nguyên đang tổ chức việc trồng xen mang lại nhiều kết quả tốt. Tuy nhiên, nông dân cần phải lựa chọn phương pháp canh tác phù hợp để mang lại hiệu quả tốt nhất.
Các địa phương cần nâng cao vai trò của mình trong việc xây dựng việc phát triển theo chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, cần phải quan tâm đến việc chế biến sâu sản phẩm hồ tiêu.
Đối với Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật cần tiếp tục phổ biến các quy trình sản xuất hồ tiêu cho địa phương, tiếp tục nghiên cứu các giải pháp phòng trừ sâu bệnh; giám sát chặt chẽ tình trạng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật để đảm bảo đáp ứng được yêu cầu của thị trường thế giới.
Thứ trưởng cũng đề nghị các Bộ, ngành liên quan phối hợp với Bộ NNPTNT nghiên cứu, xây dựng đề án nhằm nâng cao giá trị cho ngành hàng hồ tiêu; các ngân hàng có nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ cho nông dân...
Theo Danviet
CropLife: Đã có đủ các công cụ để đối phó với sâu keo mùa thu Theo Tổ chức CropLife, nếu không có những biện pháp phòng trị kịp thời, loài sâu keo mùa thu sẽ khiến sản lượng ngô hàng năm giảm tới 21 - 53%. Để đảm bảo phòng trừ hiệu quả loài sâu này, một phương pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) cần được áp dụng. Sâu keo mùa thu tàn phá nhiều diện...