Gia đình “tứ đại đồng đường” ở Hà Tĩnh sắp có 2 tiến sỹ
Một gia đình “thường thường bậc trung” ở xã Tân Lâm Hương (Thạch Hà, Hà Tĩnh) đã nuôi 4 người con ăn học thành đạt, trong đó 1 người là tiến sỹ chuyên ngành kinh tế học, 1 người chuẩn bị bảo vệ luận án tiến sỹ chuyên ngành xây dựng.
Anh Lê Trung Hiếu (bên trái) – Tiến sỹ chuyên ngành kinh tế học, anh Lê Tự Quang Trung (bên phải) chuẩn bị bảo vệ luận án tiến sỹ chuyên ngành xây dựng.
“Dự kiến cuối năm nay, con sẽ bảo vệ luận án tiến sỹ và trở về nước vào đầu năm tới”. Cuộc điện thoại từ thành phố Saint Petersburg (Cộng hòa Liên bang Nga) xa xôi khiến vợ chồng ông Lê Tự Sâm (thôn Văn Minh, xã Tân Lâm Hương) không khỏi bồi hồi, xúc động. Chủ nhân cuộc gọi là anh Lê Tự Quang Trung (SN 1990), con trai út của ông bà.
Ông Lê Tự Sâm và bà Nguyễn Thị Tâm (thôn Văn Minh, xã Tân Lâm Hương) xúc động xem lại hình ảnh các con thuở còn thơ bé.
Nói về “mối lương duyên” của người con thứ tư với quê hương Xô viết, ông Sâm nhớ lại: “Năm 2008, với 27 điểm khối A, Trung trở thành á khoa trường Đại học Thủy lợi Hà Nội. Kết thúc học kỳ đầu tiên với điểm số xuất sắc, Trung là 1 trong 3 sinh viên nhận học bổng theo hiệp định được ký kết giữa hai Chính phủ (Việt Nam chu cấp sinh hoạt phí hằng tháng, nước Nga miễn tiền học phí và tiền ăn ở) và sang Nga vào năm 2009. Kết thúc 1 năm học tiếng, cháu theo học tại Trường Đại học Bách khoa Saint Petersburg”.
Đại gia đình ông Lê Tự Sâm trong một lần sum họp.
Năm 2016, anh Lê Tự Quang Trung tốt nghiệp thạc sỹ. Đến đầu năm 2017, anh trở về Việt Nam, lập gia đình với chị Lê Thị Thu Hằng (là bạn học của anh thời ở Trường Đại học Bách khoa Saint Petersburg) rồi tiếp tục quay lại nước Nga để học lên tiến sỹ.
Dự kiến, sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sỹ chuyên ngành xây dựng và trở về quê hương, anh Trung sẽ theo đuổi ước mơ đứng trên bục giảng.
Video đang HOT
Trước anh Trung, người con thứ 3 của ông bà là anh Lê Trung Hiếu (SN 1986) đã trở thành niềm tự hào của quê hương và dòng họ khi vinh dự nhận học vị tiến sỹ vào năm 2017.
Tiến sĩ Lê Trung Hiếu và vợ – Thạc sỹ Nguyễn Thị Lưu Luyến trong lần trở về thăm quê nhà vào đầu năm 2020.
26 điểm đậu vào khối B, anh Lê Trung Hiếu trở thành Thủ khoa trường Đại học Lâm nghiệp (thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) năm 2004.
Anh chia sẻ: “Sau khi hoàn thành học kỳ 1 với điểm số trung bình 8,6 và nhận được học bổng, mình dành 4 tháng theo học tiếng Nga tại Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Hơn 1 năm học tiếng tại Nga, mình dành trọn nghiệp học tại Học viện Kỹ thuật Lâm nghiệp Saint Petersburg”.
Tháng 3/2017, khi vừa tròn 31 tuổi, anh Lê Trung Hiếu chính thức nhận học vị tiến sỹ chuyên ngành kinh tế học. Sau khi trở về Việt Nam vào tháng 5/2017, anh nộp hồ sơ vào Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng và đến tháng 8/2017, chính thức trở thành giảng viên của trường.
Ông Lê Tự Sâm giới thiệu với phóng viên về “những tài sản vô giá của gia đình”.
Ngoài 2 con trai đã thành danh với học vị tiến sỹ, 2 người con đầu của ông Lê Tự Sâm cũng rất thành công trên con đường lập nghiệp. Anh Lê Tự Đức (con trai đầu) tốt nghiệp Đại học Lâm nghiệp, hiện là chủ doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn huyện Thạch Hà. Chị Lê Thị Hiền là cựu sinh viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, hiện đang công tác tại Viettel Hà Tĩnh.
Với ông Sâm, nền tảng giáo dục tốt chính là chìa khóa thành công trong tương lai. Chính vì vậy, mặc dù điều kiện kinh tế của gia đình không dư giả gì, ông là lái xe của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, bà làm nông nghiệp, song ông bà luôn vận động, khuyến khích, tạo mọi điều kiện tốt nhất để các con được theo đuổi quyết tâm của mình.
4 thế hệ chung sống dưới một mái nhà, gia đình ông Sâm luôn đầy ắp tiếng cười.
Vợ chồng ông Lê Tự Sâm hiện sống cùng bố mẹ (cụ ông Lê Tự Quế đã 98 tuổi, cụ bà Nguyễn Thị Hường 96 tuổi) và gia đình người con trai đầu. 4 thế hệ sống trong một mái nhà luôn yên ấm, hạnh phúc, trở thành tấm gương về gia đình văn hóa của huyện Thạch Hà.
"Xây dựng tình bạn đẹp" trong trường học ở Hà Tĩnh
"Xây dựng tình bạn đẹp - Nói không với bạo lực học đường" đã góp phần giáo dục ý thức, đạo đức, lối sống cho học sinh Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (Lộc Hà, Hà Tĩnh).
Mỗi khi mùa mưa đến, cả gia đình em Nguyễn Thị Lệ (học sinh Lớp 11A11) lại sống trong nỗi thấp thỏm, lo âu. Bố mẹ Lệ đều bị khuyết tật bẩm sinh, người "mắt không thấy", người "tai không nghe" nên ước mơ giản đơn về một ngôi nhà tránh mưa tránh nắng mãi chỉ là mơ ước.
Em Nguyễn Thị Lệ (người ở giữa) tranh thủ ôn lại kiến thức với các bạn cùng lớp trong giờ giải lao.
Đến cuối năm 2018, với sự kêu gọi, vận động tích cực của Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi, Trường THCS Thụ Hậu (nơi em trai Lệ đang theo học) và các tổ chức đoàn thể, gia đình Lệ đã có ngôi nhà mới kiên cố.
Em Nguyễn Thị Trang (Lớp trưởng lớp 11A11) chia sẻ: "Để san sẻ những vất vả, nhọc nhằn mà Lệ phải gánh vác, các bạn trong lớp thường xuyên lui tới thăm hỏi, trò chuyện cùng bố mẹ của bạn; chủ động dọn dẹp, chăm sóc vườn tược, làm việc nhà; hướng dẫn em trai của Lệ học hành... Chúng em tin những tình cảm đó của các bạn sẽ giúp Lệ và người thân ấm lòng, vượt qua khó khăn".
Còn đối với lớp 10A5, các bạn lại gắn kết, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ thông qua các buổi sinh hoạt của CLB "Sách và những người bạn". Mỗi tuần một buổi, các thành viên CLB lại giới thiệu một cuốn sách hoặc một bài viết cảm nhận sau khi đọc một tác phẩm hay.
Lớp 10A5 gắn kết tình bạn và hỗ trợ nhau học tập qua các buổi sinh hoạt ngoại khóa.
"Ngoài mục đích tạo sân chơi cho các bạn yêu sách, trong những buổi sinh hoạt như thế, chúng em còn được ôn lại bài, đồng thời hỗ trợ nhau học tập, bạn khá kèm bạn yếu... Qua đó, bạn bè hiểu nhau hơn" - em Hoàng Thị Mai Thơ (lớp 10A5) - Chủ nhiệm CLB cho biết.
Nhờ thường xuyên vun đắp cho những tình bạn đẹp, tình trạng bạo lực học đường tại Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi hầu như không xảy ra.
Là người trực tiếp quản lý học sinh và hoạt động phong trào của nhà trường, thầy Lương Hữu Lợi - Bí thư Đoàn trường nắm bắt khá sát sao tâm lý của học trò. Thầy Lợi chia sẻ: "Ban cán sự lớp, cán bộ các chi đoàn đóng vai trò như "cột ăng-ten" bắt sóng, nếu phát hiện những xích mích, mâu thuẫn là phải báo cáo ngay để thầy cô kịp thời can thiệp, hòa giải. Đó cũng là cách chúng tôi phát huy ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân trong xây dựng trường học không bạo lực; trang bị kỹ năng xử lý tình huống khi gặp bạo lực học đường cho học sinh".
Với nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng, Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi đã nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.
Thầy Phạm Duy Diễn - Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi cho biết: "Chương trình "Xây dựng tình bạn đẹp - Nói không với bạo lực học đường" đã được Đoàn trường duy trì trong nhiều năm học qua và đã phát huy hiệu quả thiết thực.
Không chỉ tạo được môi trường học đường lành mạnh, các em học sinh còn có điều kiện giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau trong học tập và cuộc sống. Qua đó góp phần quan trọng thực hiện thành công mục tiêu dạy tốt, học tốt và hướng đến xây dựng nhân cách, giá trị đạo đức bền vững cho giáo viên, học sinh".
Sau thời gian kêu gọi, đại diện nhà trường trao điện thoại hỗ trợ cho em Nguyễn Thị Thảo lớp 10A8 phục vụ học online trong đợt nghỉ tránh dịch Covid-19 (ảnh chụp tháng 4/2020).
Thầy Diễn cũng thông tin thêm, năm 2019, nhà trường đã huy động được 72 triệu đồng hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó. Trong đợt nghỉ học tránh dịch Covid-19, nhiều học sinh đã được tặng điện thoại thông minh để phục vụ học online. Thời gian tới, nhà trường tiếp tục kêu gọi cán bộ, giáo viên, học sinh cũ đóng góp cho quỹ "Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Nguyễn Văn Trỗi"...
Với ý nghĩa nhân văn sâu sắc, chương trình "Xây dựng tình bạn đẹp - Nói không với bạo lực học đường" đã tạo được sức lan tỏa lớn, khơi gợi lên tinh thần đoàn kết, tính tự giác cùng nhau phấn đấu, tiến bộ của mỗi học sinh.
Trẻ em Cẩm Xuyên học bơi để phòng tránh đuối nước Phòng chống tai nạn đuối nước, Huyện đoàn Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) phối hợp với các địa phương, trường học tổ chức dạy bơi miễn phí cho học sinh trong những ngày hè. Huyện đoàn Cẩm Xuyên vừa phối hợp Đoàn thị trấn Cẩm Xuyên và Liên đội Trường THCS thị trấn Cẩm Xuyên tổ chức khai giảng, ra mắt CLB bơi hè...