Gia đình lớn của trẻ mồ côi
Làng Trẻ em SOS Gò Vấp (TPHCM) là ngôi làng có quy mô lớn nhất trong các làng trẻ em SOS tại Việt Nam. Nơi đây hiện có 20 ngôi nhà khang trang, kiến trúc theo kiểu nhà ở biệt lập, có khả năng nuôi dưỡng khoảng 180 – 200 trẻ.
Có dịp đến nơi này, chúng ta sẽ chứng kiến những điều kỳ diệu mang lại hạnh phúc và nụ cười cho biết bao trẻ mồ côi, không nơi nương tựa.
Tọa lạc trong khuôn viên rộng 4ha, với cảnh quan, cây trồng, kiến trúc hạ tầng đẹp, không gian này thực sự là nơi yên bình giữa phố xá ồn ào, tấp nập. Buổi sáng ngày cuối tuần, từng ngôi nhà im ắng, thanh tịnh trong khuôn viên xanh nằm sát con đường Quang Trung (thuộc phường 12, quận Gò Vấp), tạo cảm giác ấm êm, hạnh phúc.
Đưa chúng tôi tham quan các ngôi nhà gia đình, anh Trần Hoàng Tuấn, Giám đốc Làng SOS, chỉ tay về hướng các vườn cây cảnh xanh sạch đẹp bao quanh, nói: “Mỗi ngôi nhà đều có sân vườn như thế này. Các gia đình sẽ tự chăm sóc cho khu vườn nhà mình. Mỗi nhà là một gia đình riêng, có mẹ và các con chung sống, quan tâm, lo lắng, chăm sóc nhau như anh em ruột thịt”.
Bước vào thăm ngôi nhà của mẹ con chị Huỳnh Thị Ngọc Re, chứng kiến cảnh các con thay nhau phụ mẹ quét dọn nhà cửa, lặt rau, làm cơm, ai cũng xúc động vì không khí ấm cúng, đậm chất gia đình chẳng khác gì các gia đình khác bên ngoài.
Chị Re cười vui và kể về đời mình. Năm 1993, từ Bến Tre lên TPHCM và tình nguyện vào làm việc ở Làng SOS, đến nay đã nuôi được 29 cháu. Các con của chị đều ngoan, hiếu học, biết thương yêu nhau và hiểu được thân phận mình. Hiện tại, chị đang sống với 12 đứa con, trong đó, 8 cháu đang học phổ thông, 4 cháu đại học. Các con chị xuất thân từ mọi miền đất nước, quê quán đủ nơi: Đắk Lắk, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Trà Vinh, Vĩnh Long…
Video đang HOT
Giám đốc Làng Trần Hoàng Tuấn (bìa trái) và mẹ con chị Huỳnh Thị Ngọc Re trong ngôi nhà yêu thương của mình. Ảnh: KIỀU PHAN
Chị luôn dạy con một điều: “Con muốn tồn tại phải cố gắng”. Phương châm sống đơn giản vậy thôi, mà đứa nào cũng thuộc làu để thực hiện mỗi ngày. Các cháu Trương Vy Minh, Đường Thị Quỳnh Lâm (cùng là sinh viên Đại học Công nghệ TPHCM), Huỳnh Phương Anh (sinh viên Đại học Ngoại ngữ – Tin học TPHCM) quấn quít bên mẹ Re nở nụ cười vui, như để nghiệm lại lời dạy của mẹ là phải gắng học để tốt nghiệp ra trường, tự lo cuộc sống và không quên mái ấm này đã cưu mang, nuôi mình lớn lên.
Cháu Quỳnh Lâm bùi ngùi: “Năm nay con 23 tuổi, hết năm nay con sẽ tốt nghiệp. Đã 15 năm rồi con được sống cùng mẹ trong ngôi nhà này. Cũng chừng ấy thời gian con chưa về lại quê hương Đắk Lắk, vì cũng chẳng còn ai để mà về! Con mong ước tốt nghiệp xong ngành công nghiệp thực phẩm sẽ tìm được việc làm, ở đâu cũng được, để đền đáp công ơn nuôi dưỡng của các mẹ và những ân nhân của làng”.
Hạnh phúc được sẻ chia
Tính từ năm 1990 đến nay, Làng Trẻ em SOS Gò Vấp đã nuôi dưỡng hơn 600 trẻ. Trong số đó, có hơn 250 cháu đã trưởng thành, hòa nhập cuộc sống. Hàng trăm cháu đã lập gia đình riêng và có cuộc sống ổn định. Hiện tại làng đang chăm sóc và quản lý 252 cháu. Tất cả các cháu, theo độ tuổi, đều được đi học mẫu giáo, phổ thông, đại học, cao đẳng và nghề. Nhiều cháu đã tốt nghiệp các trường nghề, hiện đã đi làm, hưởng chế độ bán tự lập. Làng cũng có 4 cháu học xong thạc sĩ.
Lưu xá thanh niên SOS Gò Vấp cách Làng Trẻ em SOS Gò Vấp khoảng 1.000m. Lưu xá thanh niên được xây dựng với diện tích 600m2, khả năng nuôi dưỡng 50 thanh niên. Lưu xá thanh niên là nơi tiếp nhận thanh niên nam 14 tuổi trở lên từ Làng Trẻ em SOS Gò Vấp chuyển tới. Tại đây, các thanh niên này tiếp tục học tập, rèn luyện để sau này trở thành trụ cột trong gia đình.
Anh Trần Hoàng Tuấn, Giám đốc Làng, chia sẻ: “Các làng SOS hoạt động theo 4 nguyên tắc phổ quát trên toàn thế giới, gồm: trẻ em – cha mẹ – gia đình – cộng đồng. Trong các dự án làng trẻ em SOS, nhân tố chính là các “bà mẹ SOS” – là những phụ nữ từ 25 đến 40 tuổi, không có ý định lấy chồng, không có con riêng, cũng không nặng gánh gia đình, tình nguyện đảm nhận thiên chức làm mẹ, nuôi dưỡng những trẻ mồ côi (có hoàn cảnh đặc biệt) như những đứa con riêng của mình theo đúng nghĩa xã hội học. Mỗi “bà mẹ” làm chủ một “ngôi nhà gia đình”, có toàn quyền quyết định trong việc nuôi dưỡng từ 8 đến 10 “đứa con” (từ sơ sinh đến 18 tuổi) như những người mẹ khác trong xã hội”.
Cũng theo anh Tuấn, các gia đình sống trong làng được Tổ chức SOS cấp chi phí ăn ở, sinh hoạt. TPHCM cũng hỗ trợ một phần kinh phí trong việc chăm sóc các cháu, để bảo đảm chăm sóc nuôi dưỡng, chi phí ăn ở, học tập, sách vở… của mỗi cháu khoảng 5 triệu đồng/tháng. Hàng tháng, các mẹ được làng SOS cấp kinh phí ăn ở, sinh hoạt cho cả gia đình.
Bếp lửa mỗi nhà trong làng đều được thắp lên mỗi ngày để lo bữa ăn chung cho mẹ và các con. Những đứa trẻ trước đây mồ côi, không gia đình, giờ đã tìm lại mái ấm khi được sống trong làng. Không người thân, máu mủ nhưng duyên phận cuộc đời đã đưa đẩy những phận người đến cùng nhau, để rồi họ may mắn tìm được hạnh phúc và nụ cười trong gia đình lớn với bao yêu thương, chan chứa ân tình.
KHÁNH DUNG
Theo sggp
14 học sinh tiểu học Indonesia bị đuổi học vì nhiễm HIV
Trước sức ép của phụ huynh khác, ban giám hiệu trường tiểu học công lập ở Indonesia phải đuổi nhiều học sinh.
Bảy nam sinh và bảy nữ sinh ở độ tuổi 7-10, là trẻ mồ côi, bị nhiễm HIV, buộc phải chuyển đến trường khác sau khi trường tiểu học công lập Purwotomo ở Surakarta (Indonesia), đuổi các em, UCA News ngày 14/2 đưa tin.
Đây là kết quả của việc nhiều phụ huynh phát hiện ra những em này nhiễm HIV. Họ đã biểu tình, đe dọa ban giám hiệu sẽ cho con chuyển trường nếu những đứa trẻ nhiễm HIV không bị đuổi.
"Chúng tôi không có sự lựa chọn. Chúng tôi chấp nhận học sinh vì mọi người đều có quyền giáo dục cho đến khi làn sóng phản đối ập đến", hiệu trưởng nhà trường Karawi nói.
Ảnh: Houston Defender
Puger Mulyono, người đứng đầu Surakarta Lentera Foundation - tổ chức phi chính phủ bảo vệ và chăm sóc cho trẻ mồ côi bị nhiễm HIV, cho biết không thể làm gì để ngăn chặn quyết định đuổi học này.
Một cuộc họp giữa trường, tổ chức và phụ huynh được tổ chức nhằm cố gắng đạt được một số thỏa hiệp nhưng thất bại vì nhiều phụ huynh quyết tâm cho con rời khỏi trường nếu quyết định đuổi học với 14 học sinh kia không được thực hiện.
"Phụ huynh không thể chấp nhận những đứa trẻ đáng thương bởi họ sợ con họ có thể nhiễm virus", ông Mulyono nói và cho biết sau cuộc họp diễn ra hôm 14/2 giữa các bên liên quan ở địa phương bao gồm cả cơ quan quản lý giáo dục, ban giám hiệu các trường khác và cơ quan y tế, bảo vệ trẻ em, 14 học sinh đã được nhập học trường lân cận.
Theo số liệu mới nhất từ UNAIDS Indonesia, có 48.000 ca nhiễm HIV mới và 38.000 ca tử vong liên quan đến AIDS trong năm 2016. Trong số ca nhiễm mới, có tới 3.200 ca là trẻ em bị lây theo đường từ mẹ sang con.
Dương Tâm
Theo VNE
Nghệ An: Hàng nghìn người đội nắng lên chùa dự lễ khai bút đầu năm Nắng nóng, đường dốc cao không ngăn được bước chân của hàng nghìn người ngược núi lên chùa Đại Tuệ (xã Nam Anh, huyện Nam Đàn, Nghệ An) dự lễ khai bút đầu năm. Hoạt động "lấy trí tuệ làm sự nghiệp" của người dân xứ Nghệ được tôn vinh trong hoạt động tổ chức hàng năm tại ngôi chùa này. Lễ hội...