Gia đình lập trang Facebook chính thức về Đại tướng
Chiều nay 8.10, trên trang facebook cá nhân của mình, anh Võ Hoài Nam (cháu nội Đại tướng Võ Nguyên Giáp) vừa thông báo rằng gia đình đã lập trang Facebook chính thức về Đại tướng.
Chia sẻ của anh Võ Hoài Nam: “Các bạn thân mến, các bạn vui lòng chia sẻ trang FB này; thông tin chính thức từ phía gia đình về Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ được cập nhật qua đây. Trân trọng”.
Ngay lập tức, tính đến 18 giờ cùng ngày trang Facebook này đã có tổng cộng hơn 8.300 lượt likes. Hiện tại trên trang Facebook này vừa đăng tiểu sử và sắc lệnh thụ cấp Đại tướng do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 20.1.1948.
Giao diện trang Facebook chính thức đăng tải thông tin về Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Ảnh chụp màn hình
Trên trang của mình, anh Võ Hoài Nam cũng chia sẻ kỷ niệm về ông nội khi thấy một đoàn học sinh tiểu học vào viếng ông của mình.
Đó là câu chuyện xảy ra khi anh Nam học lớp 4 và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến dự lễ khai giảng năm học tại ngôi trường của cháu nội mình.
Anh Nam viết: “Chiều nay thấy một đoàn các em học sinh quàng khăn đỏ ngay ngắn bước vào viếng ông, mình lại nhớ hồi trước ngày đầu tiên đi học ở Việt Nam (lớp 4) ông cũng qua trường vào lễ khai giảng. Lúc đó các bạn cứ bảo ra bắt tay ông và quây lại bên ông, mình chỉ cười trừ đứng xa xa và quan sát.
Thật ra cũng muốn chạy ra lắm nhưng sợ các bạn biết nên cứ im ỉm đứng một góc. Về đến nhà cuối cùng được ông mang cho chính cái khăn đỏ các thầy cô quàng cho ông trong lễ và ông cháu đã “diện” ngay hôm sau đó mặc dù chưa phải Đội viên nên lại phải cởi ra mang về…”.
Quyết định sắc phong Đại tướng do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký cho tướng Giáp – Ảnh: Facebook Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Anh Nam kể tiếp: “Hồi đó mình đi nước ngoài về (đến giữa lớp 2 về nhảy lên lớp 4 ngồi) học vô cùng dốt vì nửa chữ tiếng Việt cũng còn bập bẹ, đọc 1 trang Doremon mất 5 phút và kỷ lục có ngày đi học được 4 điểm 1. Chính thức sau đó 3 tháng miệt mài phấn đấu mới được vớt vát cho vào Đội và được quàng khăn.
Cũng nhờ chiếc khăn đầu tiên đó của ông mà mình có động lực để phấn đấu thực sự. Vì “Ngoan” như lời thầy cô nhận xét thôi thì cũng chưa đủ mà phải đúng như ông dạy, phải “có Trí và có Chí”: Trí tuệ, tri thức trong việc học hành và Ý chí phấn đấu để vươn lên trên mọi hoàn cảnh. Con sẽ không bao giờ dừng lại, sẽ luôn phấn đấu hết mình ông ạ!”.
Video đang HOT
Theo TNO
Tư duy quân sự thiên tài của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong kháng chiến chống Pháp
Đại tướng Võ Nguyên Giáp không qua một trường lớp quân sự chính quy nào, ông học tập và trưởng thành trong thực tế là chính. Ông không xử trí chiến thuật quân sự bằng những "giải pháp quân sự cố định của học đường", mà luôn xuất phát từ thực tế chiến trường để giải quyết mọi tình huống ngoài dự kiến và lật ngược thế cờ.
Đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung
Mùa đông năm 1947, quân Pháp mở cuộc tấn công lớn lên Việt Bắc với mục tiêu lùng bắt cơ quan đầu não kháng chiến, tiêu diệt lực lượng chủ lực của Việt Minh để kết thúc chiến tranh. Địch chia quân 2 cánh hòng tạo ra 2 gọng kìm vây lấy quân ta. Không chỉ trong giai đoạn này mà kể cả từ khi cuộc kháng chiến chống Pháp bắt đầu nổ ra, so sánh mọi mặt, quân ta luôn ở thế yếu hơn địch, cả về quân số và vũ khí trang bị, cuộc kháng chiến đang ở trong giai đoạn phòng ngự và ta đang tìm cách để chuyển hóa sang giai đoạn cầm cự.
Trong binh pháp, lúc này quân Pháp đang ở thế "Chủ", và ta ở bên "Khách" nhưng "Chủ" và "Khách" ở đây không mang ý nghĩa thông thường. Pháp mở chiến dịch Việt Bắc là "chủ động" nhằm tìm diệt quân chủ lực của ta, nếu chiến dịch này thành công họ sẽ là bên giành quyền "chủ động" trên chiến trường, đưa ta vào thế "bị động", đẩy cuộc kháng chiến của ta lún sâu vào thế trận phòng ngự.
Vấn đề quan trọng nhất trong thời điểm này là phải có phương án tác chiến thích hợp để đập tan được cuộc tấn công của địch, mà vẫn bảo toàn được lực lượng của ta để kháng chiến lâu dài. Nếu thắng lợi trong chiến dịch này, ta có thể thoát khỏi thế trận phòng ngự, giành quyền chủ động tấn công nhất định trên chiến trường, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc chiến tranh chuyển hóa sang giai đoạn cầm cự, buộc Pháp phải bỏ chiến lược "đánh nhanh, thắng nhanh".
Trong đợt toàn quốc kháng chiến năm 1946, có lúc ta tổ chức đánh lớn, dàn quân ra đánh với địch như ở Hà Đông, nhưng không hiệu quả do trang bị của ta thô sơ, bất lợi khi giao chiến theo hình thức chiến tranh quy ước với địch. Nhận thức được vấn đề đó, Đại tướng hiểu rằng tránh đối đầu trực tiếp trên quy mô lớn với địch là thượng sách nhưng như vậy ta phải làm thế nào để bảo vệ đầu não kháng chiến, đập tan cuộc hành quân trên quy mô lớn của địch?
Trong tình thế hiểm nghèo đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được nghe báo cáo có 1 đại đội bị lạc đơn vị đã nương tựa vào nhân dân Hà Bắc, vừa chiến đấu vừa phát triển lực lượng trong lòng địch. Câu chuyện đã lóe lên trong đầu vị tướng thiên tài một câu trả lời mà bấy lâu ông đang tìm kiếm. Ta sẽ phân tán lực lượng ra, kẻ địch sẽ không thể tìm thấy thứ chúng muốn tìm là chủ lực ta, ngược lại, chúng sẽ bị ta đánh ở khắp nới và sẽ bị nhấn chìm trong núi rừng Việt Bắc.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp được tôn vinh là thiên tài quân sự thế giới
Ngay sau đó, Đại tướng liền trình kế hoạch tổ chức lực lượng theo phương châm "Đại đội độc lập - Tiểu đoàn tập trung" lên Trung ương Đảng và Bác Hồ. Trong cuộc họp ngày 14/10/1947, Trung ương và Bác đã nhất trí thông qua kế hoạch, cho tổ chức quân đội ta thành những đại đội độc lập đi vào hoạt động trong vùng địch tạm chiếm để biến hậu phương địch thành tiền phương của ta.
Đây có thể được coi là sự vận dụng cực kỳ sáng tạo một mưu kế kinh điển trong Binh pháp Tôn Tử là "Phản khách vi chủ" của Đại tướng ở tầm chiến lược, biến quân địch từ thế chủ động "tìm diệt" trở thành bị động, gặp phải sự tấn công trên khắp cả chiến trường. Còn ta, từ kẻ bị săn lùng trở thành người chủ động "tìm diệt" quân địch, khiến cho chúng không đạt được mục đích tiêu diệt chủ lực ta mà còn bị tiêu hao sinh lực lớn.
Nhờ công thức "đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung", quân ta tiếp tục giữ vững thế chủ động trong chiến dịch Việt Bắc và trên cả miền Bắc đẩy quân Pháp vào thế bị động, căng mỏng binh lực ra đối phó. Sau thất bại ở Việt Bắc, quân Pháp ngày càng phải lo lắng nhiều đến việc giữ gìn vùng chiếm đóng vì các đại đội chủ lực của ta đã đi vào hoạt động thúc đẩy phong trào đấu tranh của du kích và nhân dân lên một bước mới, không cho chúng rảnh tay tập trung quân càn quét.
Do quyết định sáng suốt của Đại tướng Tổng tư lệnh, chiến dịch Việt Bắc của địch đã thất bại thảm hại. Pháp không những không diệt được đầu não kháng chiến của ta mà còn bị tổn thất hết sức nặng nề, buộc phải bỏ chiến lược đánh nhanh, thắng nhanh chuyển sang đánh lâu dài với ta, cuộc kháng chiến thuận lợi chuyển sang giai đoạn cầm cự, hai bên giằng co quyết liệt trên chiến trường.
Hủy Cao Bằng, chọn Đông Khê để "đánh điểm, diệt viện"
Đầu năm 1950, cuộc kháng chiến đã phát triển đến một giai đoạn mới, lực lượng chủ lực của ta đã lớn mạnh, đã tổ chức thành các trung đoàn và đại đoàn chủ lực đầu tiên là 308. Lúc này, tương quan lực lượng giữa 2 bên đã tương đối quân bình, ta đã có thể mở được những hoạt động tác chiến tầm cỡ chiến dịch. Cuộc kháng chiến đặt ra yêu cầu mới là ta phải giành thế chủ động trên chiến trường, chuyển sang giai đoạn tổng phản công, đẩy địch vào thế bị động phòng ngự.
Bản đồ khu vực tác chiến trong chiến dịch biên giới
Năm 1949 cuộc cách mạng dân tộc dân chủ ở Trung Quốc thành công, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời. Chiến dịch Biên Giới 1950 mở ra với mục đích khai thông biên giới Việt - Trung để nối liền vùng giải phóng của ta với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa nhằm tranh thủ sự giúp đỡ của các nước Xã hội Chủ nghĩa cho cuộc kháng chiến của ta. Vì ý nghĩa đó, đây là một chiến dịch quan trọng phải đảm bảo chắc thắng.
Khoảng đầu tháng 6/1950, giặc Pháp bắt đầu củng cố và tăng cường cả về binh lực, hỏa lực và công sự trên toàn phòng tuyến Đường số 4. Bộ chỉ huy chiến dịch, đứng đầu là Đại tướng đã xác định phương châm tác chiến là đánh điểm - diệt viện, lấy tiêu diệt sinh lực địch ngoài công sự là chủ yếu. Nhưng đâu là "điểm đột phá" để khơi mào, tạo điều kiện để đánh viện binh địch?
Ban đầu, phía ta chủ trương đánh cứ điểm Cao Bằng. Từ đầu kháng chiến tới nay, quân ta chủ trương rút lực lượng khỏi các thành phố lớn, lấy nông thôn vây thành thị. Lần này, nếu đánh chiếm được một vị trí như Cao Bằng sẽ là một bước chuyển về chất, tạo nên một uy thế vang dội. Nhiều đơn vị đã được cử đi điều nghiên địa hình thị xã và chuẩn bị phương án tác chiến. Bản thân Đại tướng cũng trực tiếp đi nắm tình hình địch và nghiên cứu thực địa.
Trong hồi ký "Đường tới Điện Biên Phủ", Đại tướng Tổng tư lệnh viết: "Lây thi xa Cao Bằng lam điêm đôt pha đê mơ đâu chiên dich co phai là sư lưa chon đung không? Cao Băng la môt vi tri năm sâu trong hâu phương ở phia băc. Ở đây, địch co 2 tiêu đoan. Nêu đanh thăng, ta se giai phong đươc môt thi xa quan trong ở biên giơi, anh hương chinh tri se rât lơn. Nhưng bô đôi ta chưa hê đanh môt vi tri 2 tiêu đoan Âu-Phi. Cao Bằng như tôi đa biêt, năm giưa hai con sông, va co ngôi thanh cô rât vưng chăc".
Qua chuyến thị sát, Đại tướng nhận thấy, địa hình Cao Bằng dễ thủ mà khó công, ba mặt có sông bao quanh, mặt sau hiểm trở. Bản thân pháo đài Cao Bằng được xây hết sức kiên cố vững chắc, địa hình tiến đánh hết sức khó khăn. Kể cả ta tập trung binh lực tối đa cũng không dễ công hạ mà còn đứng trước nguy cơ bị tổn thất rất lớn. Đại tướng nhận định: "Đanh Cao Bằng se thưc sư la môt trân công kiên lơn ma chung ta con chưa co kinh nghiêm". Vì vậy, ông đã quyết đoán hủy bỏ phương án đánh Cao Bằng.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thị sát thị xã Cao Bằng vừa được giải phóng (1950)
Ông khẳng định: "Trong tư tương cua tôi tư trươc, điêm đôt pha trên chiên trương nay phai la Đông Khê. Ở đây đich đong 1 tiêu đoan, nằm trong kha năng tiêu diêt cua bô đôi ta. Mât Đông Khê, Cao Băng se trơ nên hoan toan cô lâp. Đich nhât đinh phai chiêm lai Đông Khê. Bộ đôi ta se co điêu kiên tiêu diêt bô binh đich trên đia hinh rưng nui". Phương án điều chỉnh, bỏ Cao Bằng, đánh Đông Khê của Đại tướng đã được Hồ Chủ tịch đã được thông qua..
Quyết định của Đại tướng là vô cùng sáng suốt, Ông đã chọn đúng khu vực tác chiến thuận lợi cho ta và bất lợi cho địch. Đó là khu vực Cao Bằng - Thất Khê nơi các cụm cứ điểm phòng ngự của địch chạy dọc đường số 4 là Cao Bằng, Đông Khê, Thất Khê. Đây là khu vực phòng ngự sơ hở cửa địch, song lại gần hậu phương kháng chiến của ta, có nhiều đường nối liền với Trung Quốc, tiện việc chỉ đạo và huy động nhân lực, vật lực.
Chủ lực ta có đủ khả năng công hạ được cứ điểm Đông Khê, quân Pháp ở Cao Bằng bị bao vây, cô lập tất phải bỏ thành chạy về Đông Khê, hợp với quân cứu viện ở Thất Khê và Lạng Sơn lên đoạt lại bằng được cứ điểm này. Khi đó, quân ta có thể ung dung, "chủ" động đưa các vị "khách" này vào thế trận phục kích diệt viện, lúc đó ta không những lấy được Đông Khê, Thất Khê mà còn cả Cao Bằng, thậm chí nếu biết chớp thời cơ thì có thể giải phóng toàn bộ dải biên giới.
Còn nếu quyết định chọn Cao Bằng, có thể ta vẫn hạ được thị xã này nhưng sẽ phải trả giá rất đắt. Vượt qua được thế trận phòng thủ vững chắc của 2 tiểu đoàn Âu-Phi thì quân ta cũng không còn đủ sức đánh chiếm các cứ điểm khác, không có khả năng khuếch trương chiến quả, cuối cùng cũng bị cô lập trong vòng vây của quân địch. Như vậy, ta đã từ thế chủ động tiến công trở thành phòng ngự bị động, tức là đang từ "Chủ" chuyển thành "Khách".
Chiến dịch Biên giới của ta có nét giống trận công hạ thành Nam An của Gia Cát Khổng Minh trong Tam Quốc Diễn Nghĩa. Thành Nam An kiên cố, dễ thủ khó công, nếu Khổng Minh dốc toàn lực để đánh thành thì chưa chắc đã hạ được mà còn bị quân tiếp viện ở 2 quận An Định và Thiên Thủy tiến đánh. Vì vậy, ông quyết định không tấn công mà dùng kế nhử quân tiếp viện ở 2 nơi đến để phục kích diệt viện, cuối cùng cũng hạ được thành Nam An và cả 2 quận Thiên Thủy và An Định mà không hao tổn bao nhiêu quân sĩ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng - Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp và Phó thủ tướng
Phạm Văn Đồng sau phiên họp tổng kết chiến dịch Biên giới 1950
Sự so sánh nào cũng có điều khập khiễng. Tuy tình huống của 2 trận đánh này khác nhau, các biện pháp xử lý cụ thể cũng có sự khác biệt nhưng tư tưởng chỉ đạo tương tự như nhau là không đánh điểm phòng ngự kiên cố mà tập trung đánh chỗ yếu, diệt quân tiếp viện, phá thế ỷ dốc khiến cho địch trong căn cứ lớn buộc phải bỏ chạy, chiếm được thành mà không hao quân tổn tướng. Có thể nói, đây chính là sự đồng điệu của những tư duy quân sự thiên tài.
Thực tế chiến sự sau đó đã diễn ra hoàn toàn theo suy tính của Đại tướng. Ngày 16/9/1950, chiến dịch Biên Giới chính thức bắt đầu với trận tấn công đồn Đông Khê. Sau khi Đông Khê thất thủ, cứ điểm mạnh Cao Bằng bị cô lập và uy hiếp khiến quân Pháp buộc phải bỏ Cao Bằng chạy về Đông Khê, đồng thời cũng cử một binh đoàn từ Thất Khê lên tái chiếm cứ điểm này và rơi vào thế trận "diệt viện" của quân ta bố trí dọc đường số 4. Một cánh quân khác của Pháp lên ứng cứu cho địch đi từ phía Lạng Sơn cũng rơi vào tình cảnh tương tự.
Kết thúc toàn chiến dịch, quân ta có khoảng vài trăm bộ đội bị hy sinh. Phía Pháp, ngoài số bị tiêu diệt gồm 2 binh đoàn Âu-Phi và vài tiểu đoạn độc lập, số tù binh lên tới 8.000 quân, đông chưa từng có kể từ khi bắt đầu cuộc kháng chiến. Quân ta còn thu được hàng ngàn tấn chiến lợi phẩm, đủ trang bị cho các sư đoàn chủ lực mới được thành lập. Thậm chí, số đạn pháo thu được sau chiến dịch còn dùng để cung cấp cho chiến trường Triều Tiên và cả chiến dịch Điện Biên Phủ sau này.
Nhưng quan trọng hơn cả, là tuyến biên giới Việt - Trung được khai thông, phá thế bao vây căn cứ địa Việt Bắc với các nước bè bạn trên thế giới. Thắng lợi của Chiến dịch Biên Giới mở ra một bước ngoặt chuyển cuộc kháng chiến của ta từ hình thái chiến tranh du kích tiến lên chiến tranh chính quy, kết hợp chiến tranh chính quy với chiến tranh du kích ở trình độ cao hơn. Đồng thời, nó cũng là nguyên nhân trực tiếp giúp cuộc kháng chiến của ta chuyển hóa sang giai đoạn Tổng phản công.
Thành quả này có được, công lao lớn nhất là do tư duy quân sự sắc sảo, linh hoạt và thiên bẩm của vị Đại tướng chưa một ngày học qua trường lớp võ bị nào!
Nguyễn Ngọc
Tổng hợp
Theo ANTD
Các hãng thông tấn lớn trên TG viết về Tướng Giáp Các tờ báo lớn trên thế giới đều đồng loạt đưa tin về sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thiên tài quân sự kiệt xuất của dân tộc Việt Nam. Ngày 4/10, đại tướng Võ Nguyên Giáp, người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam, vị chỉ huy quân sự kiệt xuất của đất nước đã qua đời...