Gia đình là nền tảng học Tiếng Việt
Dạy tiếng Việt cho kiều bào có trách nhiệm của Nhà nước, nhưng trách nhiệm chính là bố mẹ trong gia đình và mỗi người Việt ở nước ngoài.
Kết nối cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài thông qua tiếng nói, chữ viết của cha ông… – Ảnh: vietnamplus.vn.
Đỗ Văn Tuyến, sinh viên 21 tuổi của Đại học Hoàng gia Udon Thani, Thái Lan, đang học tiếng Việt để trong tương lai sẽ giúp đỡ bố mẹ kinh doanh nông sản. Udon Thani, một trung tâm sản xuất hàng hóa nông sản ở vùng Đông Bắc của Thái Lan. Anh hy vọng có thể cùng cha mẹ mở rộng việc kinh doanh và giao dịch được với khách hàng người Việt ở Udon Thani, vươn ra toàn vùng Isan, thậm chí tới thủ đô Vientiane của Lào.
Hàng ngàn kiều bào khác cũng mong muốn nói thành thạo tiếng Việt. Nhiều người tin rằng đầu tư nước ngoài đang và sẽ tiếp tục đổ vào thị trường Việt Nam và việc biết tiếng Việt không chỉ bổ ích về mặt ngôn ngữ mà còn giúp họ có được công việc hấp dẫn với thu nhập cao trong tương lai. Theo thống kê sơ bộ của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, hiện nay, ở Mỹ có khoảng 200 trung tâm/cơ sở dạy tiếng Việt, Thái Lan có 39 lớp, Campuchia có 33 điểm trường/lớp dạy còn ở Lào có 13 trường/ trung tâm dạy tiếng Việt. Ngoài ra, ở Pháp, Đức, Cộng hòa Czech, Nga cũng tổ chức được hàng chục trung tâm dạy tiếng Việt.
Nhu cầu học tiếng Việt tiếp tục tăng trong cộng đồng người Việt Nam trên thế giới. Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã triển khai 3 đề án cấp nhà nước, cấp cho cộng đồng người Việt ở nước ngoài khoảng 70.000 bộ sách giáo khoa về tiếng Việt, bao gồm 2 tập “Quê Việt” dành cho người lớn và “Tiếng Việt vui” dành cho trẻ em. Ủy ban này cũng phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức các khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài.
Sử dụng song ngữ Lào – Việt trong quá trình giảng dạy kiến thức phổ thông sẽ mang lại kết quả tích cực trong phát triển tiếng Việt tại Lào. Thế nhưng, Bộ sách giáo khoa tiếng Việt dành cho người Lào do Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng dù đã bước sang năm thứ 3 chương trình thử nghiệm nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu học tiếng Việt ngày càng lớn của khoảng 100.000 người Việt Nam đang sinh sống tại Lào. Theo ông Dương Văn Phong, giáo viên dạy tiếng Việt, Trường Chính trị – Hành chính thủ đô Vientiane, giáo viên chịu áp lực lớn về phương pháp truyền đạt.
Chương trình dạy thử nghiệm tiếng Việt tại Lào, như ông Phong nói, đã không cho kết quả như mong đợi bởi hạn chế về nguồn lực tài chính và con người. Hơn 30 cán bộ được cử đi, phần lớn là giáo viên ngôn ngữ, không được đào tạo chính quy về tiếng Việt. Các đợt tập huấn không đáp ứng yêu cầu thực tế của công tác giảng dạy. Ông Phong cho đó là nguyên nhân dẫn đến “số trường dạy tiếng Việt tại Lào đạt chất lượng đếm chưa hết đầu ngón tay”.
Đối với cộng đồng gần 4,5 triệu người Việt Nam đang sinh sống ở 109 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, tiếng Việt có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc gắn kết cộng đồng, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc cũng như duy trì mối liên hệ gắn bó với quê hương đất nước, nhất là trong gia đình khi mà thế hệ thứ 3, thứ 4 được sinh ra và lớn lên ở nước ngoài.
Video đang HOT
Vẫn còn những hạn chế nhất định, song một thực tế cần thừa nhận rằng những nỗ lực của các tổ chức trong nước, các hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài đã góp phần không nhỏ vào nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước sở tại, góp phần tích cực vào việc bảo tồn ngôn ngữ mẹ đẻ cũng như duy trì, phát huy bản sắc dân tộc trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Công tác dạy tiếng Việt cho người Việt ở nước ngoài tiếp tục được Chính phủ Việt Nam triển khai trong năm nay. Ông Đặng Minh Khôi, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, mới đây đã có buổi làm việc với Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài. Ông mong muốn Hội, với khả năng kết nối của mình, sẽ tiếp tục đồng hành cùng Ủy ban trong công tác dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là thế hệ thứ 2, thứ 3.
Ông Khôi, người đứng đầu Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài kể từ tháng 12.2019, chỉ rõ một thực tế, những cặp vợ chồng đa quốc tịch chỉ nói tiếng nước sở tại. Nhiều người còn có cảm giác tiếng nước ngoài hay hơn tiếng Việt, nên nói tiếng nước ngoài gần như trở thành mốt, thể hiện trình độ và đẳng cấp của người nói.
Thậm chí, phổ biến tình trạng các cặp vợ chồng trẻ người Việt ra nước ngoài học tập, nhưng con cái họ nói tiếng Việt không sõi. Hệ quả này, theo ông Khôi là do chính một bộ phận người Việt ở nước ngoài không quan tâm đến nói tiếng Việt. Trong khi đó, tiếng Việt là truyền thống, là văn hóa được ông bà, cha mẹ truyền lại cho con cháu.
Ông nói tiếp: “Dạy tiếng Việt cho thế hệ kiều bào thứ 2, thứ 3 có phần trách nhiệm của Nhà nước, nhưng trách nhiệm chính là bố mẹ trong gia đình, của mỗi người Việt Nam ở nước ngoài. Trong tình hình hiện nay, nếu chỉ dựa vào sách giáo khoa, chỉ dựa vào giáo viên truyền đạt trực tiếp, sẽ không đạt được hiệu quả cao, cần đẩy mạnh công tác dạy trực tuyến, đồng thời tìm những người dạy tiếng Việt giỏi và tổ chức tuyên truyền dạy tiếng Việt”.
Ông Nguyễn Phú Bình, Chủ tịch Hội Liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài, cho rằng, để công tác dạy và học tiếng Việt mang lại hiệu quả cao hơn, cần thay đổi tư duy, xác định bản chất dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài. Giáo trình dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài cần được chuẩn hóa, nội dung phải sinh động, gần gũi với cuộc sống và gắn với yếu tố văn hóa dân tộc.
Ông cho biết, thời gian tới, Hội tiếp tục triển khai Đề án tổng thể “Nâng cao hiệu quả dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài”, hoàn thành các chương trình và xuất bản các tài liệu dạy và học tiếng Việt trực tiếp và trực tuyến.
Theo nhipcaudautu
Nuôi dưỡng tình yêu tiếng Việt ở xứ sở "mùa tuyết tan"
Trường tiếng Việt Lạc Long Quân là nơi các thế hệ thầy cô giáo người Việt nỗ lực truyền dạy tình yêu tiếng Việt cho con em kiều bào tại Ba Lan.
Tại Ba Lan hiện nay có khoảng 30.000 người Việt Nam sinh sống nên nhu cầu về việc duy trì dạy và học tiếng Việt là rất lớn. Ngay ở thủ đô Vác-sa-va, có một ngôi trường dạy tiếng Việt cho đến nay đã thành lập được 20 năm. Trường tiếng Việt Lạc Long Quân là nơi các thế hệ thầy cô giáo người Việt nỗ lực truyền dạy tình yêu tiếng Việt cho con em kiều bào tại đây.
Các thầy cô dạy tiếng Việt của trường Lạc Long Quân trong Lễ bế mạc khoá Tập huấn giảng dạy tiếng Việt do Uỷ ban NVNONN, Bộ Ngoại giao tổ chức
Đều đặn, vào mỗi chiều thứ 7 hàng tuần trường tiếng Việt Lạc Long Quân tại thủ đô Vác-sa-va lại vô cùng rộn rã với các lớp học tiếng Việt. Trường có khoảng 150 học sinh tham gia với khoảng 20 giáo viên. Chương trình học tiếng Việt tại trường Lạc Long Quân chia làm 5 cấp độ học từ A đến E. Ở mỗi trình độ các em lại được trang bị thêm các kĩ năng về nghe nói đọc viết tiếng Việt và các kiến thức về văn hoá Việt. Là một luật sư hiện đang sinh sống và làm việc tại Ba Lan, vào mỗi cuối tuần được tham gia giảng dạy tiếng Việt tại trường luôn là niềm vui không thể thiếu của cô giáo Phạm Thị Lan Anh.
Lễ khai giảng năm học 2019 -2020 của trường Tiếng Việt Lạc Long Quân
Cô tâm sự: "Hiệu quả quan trọng nhất là giữ gìn tiếng Việt cho cộng đồng người Việt ở Ba Lan nói chung. Trường cũng là nơi để người Việt có cơ hội tìm hiểu về tiếng Việt. Đối với các em học sinh trong trường, kể cả sau lớp A các em đã bắt đầu chịu khó nói tiếng Việt hơn. Tại môi trường mà các em sinh sống đến trường có thể nói tiếng Anh và tiếng Ba Lan thì việc suy nghĩ một chút bằng tiếng Việt, nói tiếng Việt đã là niềm vui cho gia đình và các cô giáo rồi. Và lên trình độ B các em biết giao tiếp những câu đơn giản, hội thoại đơn giản. Trình độ C bắt đầu viết thư cho ông bà. Trình độ D, E có những buổi giao tiếp, thảo luận. Trường tồn tại được đến hôm nay là bởi các bậc phụ huynh thấy được hiệu quả của trường".
Các thầy cô giáo chụp ảnh cùng các em trong lễ khai giảng
Vì chương trình học chỉ diễn ra 1 lần mỗi tuần nên các thầy cô giáo luôn trăn trở làm thế nào để chương trình luôn hấp dẫn và lôi cuốn, giúp các em đến lớp đều đặn. Từ năm thứ 15, tổng hợp từ nhiều nguồn tài liệu, các thầy cô giáo tại trường Lạc Long Quân đã tự biên soạn một giáo trình riêng để phù hợp với việc học tiếng Việt tại Ba Lan.
Trại hè "Vui cùng tiếng Việt" được tổ chức mùa hè 2019
Thầy giáo Mai Hải Lâm, hiệu phó trường tiếng Việt Lạc Long Quân bày tỏ: "Về phía nhà trường chúng tôi luôn cố gắng luôn nâng cao chất lượng dạy học, hàng năm chúng tôi đều tham gia những khoá tập huấn về dạy tiếng Việt do Bộ Ngoại giao tổ chức. Chúng tôi soạn thảo những bộ sách theo tinh thần kết hợp sách giáo khoa từ Việt Nam, sách tiếng Việt vui, sách Quê Việt cộng những phương pháp dạy tiếng Anh và Ngoại ngữ tạo ra những cuốn sách phù hợp hơn với cộng đồng các em người Việt Nam ở Ba Lan".
Hoạt động giải trí ngoài trời tại trại hè "Vui cùng tiếng Việt"
Đặc biệt tại trường tiếng Việt Lạc Long Quân, các thầy cô luôn cố gắng đa dạng hoá chương trình bằng các hoạt động ngoại khoá chứ không chỉ dừng lại ở việc dạy và học trên lớp hàng tuần. Vào các dịp lễ Tết đặc biệt như Tết thiếu nhi 1/6, Rằm Trung thu, Tết nguyên đán trường đều tổ chức các chương trình giao lưu đặc biệt. Trường còn duy trì CLB đọc sách tiếng Việt để giúp các em nuôi dưỡng tình yêu với tiếng Việt. Ban giám hiệu nhà trường cũng thường tổ chức những buổi hội chợ sách cũ để các em cùng nhau trao đổi sách vở.
Những hoạt động ngoại khoá bổ ích
Kể từ năm 2006 đến nay, mỗi năm vào dịp hè trường tiếng Việt Lạc Long Quân tổ chức trại hè mang tên "Vui cùng tiếng Việt". Các em học sinh được ra ngoài thành phố vừa vui chơi giải trí kết hợp các hoạt động giao lưu tìm hiểu về văn hoá Việt Nam.
Hoạt động ngoại khoá giúp các em tìm hiểu về biển đảo Việt Nam
Thầy giáo Mai Hải Lâm, hiệu phó trường chia sẻ thêm: "Qua các phong trào trường tổ chức các em học sinh có dịp giao lưu, nói chuyện và có những hoạt động phong phú hơn ngoài việc các em đến trường. thực ra trẻ con khi đến trường học tiếng Việt, bản thân các em không phải thực sự thích thú lắm, do nhu cầu của ông bà, bố mẹ các em cũng nghe lời các em cố gắng đến trường. Việc dạy và học phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Thứ nhất đội ngũ giáo viên chúng tôi luôn cố gắng tạo sự ham muốn. Thứ hai chúng tôi cũng luôn động viên bố mẹ, vì bố mẹ là những người rất quan trọng quyết định việc các em học tại đây".
Lớp học tại trại hè "Vui cùng tiếng Việt" 2019
Gặp gỡ các thầy cô giáo trong khoá tập huấn về giảng dạy tiếng Việt do Uỷ ban người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức mới càng cảm nhận được lòng hăng say yêu nghề của các thầy cô. Dù hiện nay mỗi người có một cuộc sống và công việc riêng tại Ba Lan, nhưng như theo lời của thầy giáo Mai hải Lâm, cứ chiều thứ 7 hàng tuần, được đến lớp và nuôi dưỡng tình yêu với tiếng nói quê hương luôn là niềm hạnh phúc của mỗi thầy cô.
Theo thoidai
Bế giảng lớp đào tạo tiếng Việt cho 77 học viên Campuchia Chiều 29-8, tại Bà Rịa-Vũng Tàu, Trường Trung cấp Biên phòng 2 tổ chức bế giảng cho 77 học viên đào tạo tiếng Việt khóa 15-Quân đội Hoàng gia Campuchia, năm học 2018-2019. Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Đức Ý, Phó hiệu trưởng Nhà trường trao chứng nhận tốt nghiệp cho học viên. Ảnh: Mạnh Cường Trong quá trình học tập, các học...