Giá dầu thô của Algeria tăng gần 3 USD/thùng trong tháng 3
Theo báo cáo tháng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC), giá dầu thô của Algeria ( Sahara Blend) đã tăng gần 3 USD trong tháng 3 vừa qua ở mức 65,76 USD/thùng, chủ yếu nhờ tăng cầu trên thị trường quốc tế.
Mức giá dầu thô trung bình hàng tháng trên thị trường thế giới nói chung đã tăng từ 62,38 USD/thùng vào tháng 2 lên 65,76 USD/thùng vào tháng 3, tăng 3,38 USD/thùng ( 5,4%).
Sahara Blend của Algeria là loại dầu thô đắt thứ ba sau dầu Girassol của Angola (66,04 USD/thùng) và dầu Zafiro của Ghi-nê Xích đạo (65,99 USD/thùng).
Giá dầu thô Algeria được thiết lập tùy theo giá dầu tham khảo Brent biển Bắc được niêm yết trên thị trường London với một khoản tiền bổ sung nhờ chất lượng vật lý – hóa học được các nhà lọc dầu đánh giá cao.
Việc tăng giá dầu Sahara Blend diễn ra trong bối cảnh giá dầu trên thị trường thế giới tiến triển tích cực trong tháng ba. Giá trung bình trong giỏ giá dầu OPEC đã tăng 3,51 USD ( 5,7%) so với tháng 2/2021, ở mức 64,56 USD/thùng. Đây là mức giá cao nhất kể từ tháng 1/2020.
Mặt khác, báo cáo của OPEC cũng cho thấy sản xuất dầu của Algeria trong tháng ba đã đạt 870.000 thùng/ngày, giảm 8.000 thùng so với sản lượng bình quân của tháng 2 (878.000 thùng/ngày).
Về phần mình, các nước thành viên OPEC đã sản xuất 25,042 triệu thùng dầu/ngày vào tháng 3 trong khi tháng 2 là 24,842 triệu thùng/ngày.
Diễn biến COVID-19 tới 6h sáng 19/3: Thế giới vượt 122 triệu ca mắc; Châu Âu siết biện pháp hạn chế
Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 517.000 ca bệnh COVID-19 và trên 9.690 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã vượt 122 triệu ca, trong đó trên 2,7 triệu ca tử vong.
Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Brazil (80.389 ca), Mỹ (trên 57.200 ca) và Ấn Độ (39.643 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Brazil (2.363 ca), Mỹ (1.515 ca) và Mexico (789 ca).
Trong báo cáo cập nhật về tuần lễ kết thúc vào ngày 14/3 vừa qua, WHO cho biết thế giới đã ghi nhận trên 3 triệu ca nhiễm mới, tăng 10% so với tuần trước đó, đảo ngược xu hướng giảm dần kể từ tháng 2/2021.
Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Brasilia, Brazil, ngày 11/3/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Báo cáo nhấn mạnh châu Mỹ và châu Âu tiếp tục chiếm hơn 80% số ca nhiễm mới và ca tử vong mới trong giai đoạn này. Brazil, Mỹ và Pháp là những nước chịu ảnh hưởng mạnh nhất của dịch bệnh. Bên cạnh đó, ngày càng có thêm nhiều nước ghi nhận các ca nhiễm các biến thể của virus SARS-CoV-2 phát hiện đầu tiên tại Anh và Nam Phi. Cho đến nay, biến thể của virus SARS-CoV-2 phát hiện tại Anh đã lây lan ra 118 nước, trong khi biến thể tại Nam Phi đã lan sang 64 quốc gia.
Trong khi đó, số ca tử vong do COVID-19 có xu hướng giảm, theo đó cập nhật hằng tuần của WHO cho thấy gần 60.000 người tử vong tuần trước, con số ít nhất kể từ tháng 11/2020.
Trong bối cảnh số ca mắc mới không ngừng gia tăng, ngày 18/3, Liên hợp quốc (LHQ) cảnh báo dịch COVID-19 nhiều khả năng sẽ phát triển thành căn bệnh xuất hiện theo mùa, tuy nhiên khuyến cáo việc nới lỏng các biện pháp liên quan đến dịch bệnh không nên chỉ căn cứ vào các yếu tố thời tiết.
Một nhóm chuyên gia gồm 16 thành viên do Tổ chức Khí tượng thế giới thành lập với nhiệm vụ tìm hiểu khả năng các yếu tố khí tượng và chất lượng không khí ảnh hưởng đến sự lây lan của COVID-19. Trong báo cáo đầu tiên, nhóm này cho biết đã phát hiện một số dấu hiệu bệnh này có thể phát triển thành một căn bệnh xuất hiện theo mùa.
Báo cáo chỉ ra rằng hiện tượng lây nhiễm qua đường hô hấp thường có tính chất theo mùa, đặc biệt là vào giai đoạn cao điểm dịch cúm mùa Thu-Đông ở các miền khí hậu ôn đới. Nghiên cứu nhấn mạnh nếu kéo dài nhiều năm, COVID-19 sẽ là căn bệnh hoành hành mạnh theo mùa. Các mô hình nghiên cứu dự báo tình trạng lây lan virus SARS-CoV-2 gây COVID-19 sẽ bùng phát theo mùa qua thời gian.
Châu Âu
Video đang HOT
Pháp tái phong tỏa một phần lãnh thổ từ đêm 19/3
Cảnh vắng vẻ ở thủ đô Paris, Pháp khi lệnh hạn chế được ban hành nhằm ngăn dịch COVID-19 lây lan, ngày 19/2/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Thủ tướng nước này Jean Castex tối 18/3 thông báo sẽ đưa 16 tỉnh của Pháp vào diện phong tỏa toàn bộ lần thứ 3, bắt đầu từ nửa đêm 19/3 và kéo dài ít nhất 4 tuần.
Phát biểu họp báo, Thủ tướng Castex nhấn mạnh cần phải siết chặt các biện pháp giãn cách xã hội để chặn đà lây lan nhanh chóng của virus và các biến thể của virus SARS-CoV-2 vốn đang khiến số ca nhiễm mới không ngừng tăng lên, đẩy nhiều bệnh viện bắt đầu rơi vào tình trạng quá tải. Cũng theo ông Castex, lệnh phong tỏa cuối tuần đang được áp dụng tại một số địa phương không đủ để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Thủ tướng Castex cảnh báo nếu tình hình dịch bệnh không cải thiện, chính phủ sễ mở rộng phạm vi phong tỏa sang các tỉnh còn lại.
Ngoài việc phong tỏa 16 tỉnh, chính phủ Pháp cũng quyết định vẫn duy trì giờ giới nghiêm nhưng lùi đến 19h hàng ngày, muộn hơn một giờ so với quy định trước đó, vì châu Âu sắp chuyển sang giờ mùa hè.
Đức ghi nhận số ca mắc mới tăng mạnh
Một trung tâm xét nghiệm COVID-19 ở Berlin, Đức, ngày 12/3/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Ngày 18/3, Đức thông báo có thêm 17.504 ca mắc COVID-19, mức cao nhất kể từ ngày 22/1. Hiện tổng số ca mắc COVID-19 trên cả nước đã lên tới 2.612.268 ca.
Số liệu của Viện Robert Koch (RKI) cũng cho thấy số ca tử vong do COVID-19 trong cùng ngày tăng thêm 227 ca lên 74.132 ca. Trong 7 ngày qua, số ca mắc mới/100.000 người đã tăng lên 90 ca.
Đức đang đối mặt với làn sóng dịch thứ ba sau khi nới lỏng các biện pháp hạn chế chống dịch trong những tuần gần đây. RKI dự đoán số ca mắc mới sẽ tăng mạnh trong những tuần tới.
Hiện nhiều người Đức tỏ ra bất bình về tốc độ triển khai chương trình tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tại nước này. Chương trình tiêm chủng tiếp tục gặp trở ngại khi nhà chức trách quyết định tạm dừng tiêm vaccine của AstraZeneca (Anh) trong thời gian đợi đánh giá thêm về tác dụng phụ.
Một loạt quốc gia Đông Âu siết chặt các biện pháp hạn chế
Ngày 18/3, Chánh Văn phòng Thủ tướng Hungary - ông Gergely Gulyas, cho biết làn sóng dịch COVID-19 thứ ba ở Hungary sẽ đạt đỉnh vào cuối tháng và nước này hiện chưa tính đến việc nới lỏng các biện pháp phong tỏa.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Budapest, Hungary, ngày 4/3/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Gulyas nêu rõ: "Căn cứ số ca mắc COVID-19, hiện không phải là lúc nới lỏng các hạn chế". Ông cũng cho biết kế hoạch từng bước mở cửa lại nền kinh tế nước này sẽ được tiến hành dựa trên quy mô chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19. Tổng thống Viktor Orban muốn nhanh chóng tiêm chủng cho nhiều người nhất có thể để tái khởi động hoạt động kinh tế. Cũng theo quan chức trên, hiện Chính phủ Hungary chưa có kế hoạch áp đặt thêm các hạn chế phòng dịch.
Cùng ngày, Hungary ghi nhận thêm 207 ca tử vong do COVID-19, mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này. Số ca nhập viện cũng tăng ở mức cao nhất từ đầu dịch, với 10.386 ca, làm gia tăng sức ép lên hệ thống y tế.
Bộ Y tế Bulgaria ngày 18/3 cho biết nước này sẽ đóng cửa tất cả trường học, nhà hàng và trung tâm thương mại cho đến ít nhất là cuối tháng này.
Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Y tế Bulgaria Kostadin Angelov nêu rõ số ca mắc và nhập viện do COVID-19 đang có xu hướng tăng mạnh, buộc chính phủ nước này phải áp đặt các hạn chế trên toàn quốc trong 10 ngày, bắt đầu từ ngày 22/3. Trước đó, Chính phủ Bulgaria đã lệnh đóng cửa các nhà trẻ, rạp hát, rạp chiếu phim và phòng tập gym, đồng thời cấm tổ chức các sự kiện tập trung đông người.
Trong tuần qua, số ca mắc mới COVID-19 ở Bulgaria đã tăng 40%. Riêng ngày 18/3, quốc gia vùng Balkan này ghi nhận hơn 4.200 ca mắc mới và 7.804 trường hợp nhập viện, trong đó 609 trường hợp nằm phòng điều trị tích cực.
Tình hình dịch bệnh nóng lên ở Bulgaria đang đặt ra không ít quan ngại trong bối cảnh nước này dự kiến tiến hành bầu cử vào ngày 4/4 tới. Bộ trưởng Y tế Angelov cho biết chính phủ nước này sẽ thực hiện tất cả biện pháp phòng dịch cần thiết để đảm bảo bầu cử diễn ra an toàn. Đến nay, Bulgaria có tổng cộng 291.769 ca mắc COVID-19 và 11.715 ca tử vong.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Lviv, Ukraine ngày 18/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Từ ngày 20/3, thủ đô Kiev của Ukraine sẽ bước vào một đợt phong tỏa kéo dài 3 tuần nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan. Theo Thị trưởng Kiev, Vitali Klitschko, trong giai đoạn phong tỏa, các nhà hát và trung tâm mua sắm sẽ phải đóng cửa, các sự kiện thi đấu thể thao được phép diễn ra nhưng không có khán giả, các quán cà phê và nhà hàng chỉ được bán mang về. Ngoài ra, tất cả trường học ở Kiev chuyển sang học trực tuyến và các công sở bố trí cho nhân viên làm việc tại nhà.
Châu Á
Nhật Bản dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp ở Tokyo và 3 tỉnh lân cận
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 khi di chuyển trên đường phố ở Tokyo, Nhật Bản ngày 5/3/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 18/3, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp vì dịch COVID-19 ở thủ đô Tokyo cùng 3 tỉnh lân cận gồm Chiba, Kanagawa và Saitama.
Quyết định trên - có hiệu lực từ ngày 21/3, được đưa ra trong bối cảnh tình hình dịch bệnh ở Nhật Bản đã cải thiện đáng kể nhờ các biện pháp quyết liệt của chính phủ, trong đó có việc ban bố tình trạng khẩn cấp ở 11 tỉnh, thành từ tháng 1/2021 và cấm nhập cảnh tất cả người nước ngoài không cư trú ngoại trừ một số trường hợp ngoại lệ.
Các số liệu thống kê gần đây cho thấy số ca mắc mới COVID-19 ở Nhật Bản đã giảm mạnh xuống còn khoảng 1.500 ca/ngày, từ mức trên 7.800 ca ghi nhận ngày 8/1, trong khi số ca tử vong cũng giảm từ mức đỉnh 121 ca vào đầu tháng này xuống dưới 50 ca/ngày. Hệ thống y tế ở Tokyo và 3 tỉnh lân cận đã cải thiện đáng kể khi tỷ lệ sử dụng giường bệnh cho bệnh nhân COVID-19 giảm xuống dưới 50%, đáp ứng tiêu chí để dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp của chính phủ.
Hàn Quốc điều tra trường hợp thứ hai bị đông máu
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca tại Seoul, Hàn Quốc ngày 26/2/2021. Ảnh: Yonhap/TTXVN
Nhà chức trách Hàn Quốc đang nhanh chóng tìm hiểu nguyên nhân cũng như điều tra tiền sử dịch tễ của trường hợp mới nhất bị đông máu sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca (Anh).
Ông Park Young-joon, người đứng đầu nhóm hỗ trợ điều tra phản ứng bất lợi của vaccine ở Hàn Quốc, cho biết đây là trường hợp thứ 2 được báo cáo về hiện tượng "hình thành huyết khối" (xuất hiện cục máu đông) sau khi tiêm vaccine của AstraZeneca. Ông cho biết một ngày sau khi tiêm vaccine, nam thanh niên này xuất hiện các triệu chứng như nhức đầu và ớn lạnh vào ngày 11/3, và kéo dài sang ngày 14-15/3. Sau đó, người này đã tới điều trị tại một cơ sở y tế, tại đây các bác sĩ đã phát hiện chứng huyết khối.
Các cơ quan có thẩm quyền đang nhanh chóng tìm hiểu nguyên nhân cũng như điều tra tiền sử dịch tễ xem liệu người này có bệnh lý nền có thể gây ra hiện tượng đông máu hay không. Hiện sức khỏe của nam thanh niên đang ở trong tình trạng ổn định và vẫn đang điều trị tại bệnh viện.
Ngày 18/3, số ca mắc mới COVID-19 ở Hàn Quốc duy trì ở mức hơn 400 ca trong ngày thứ hai liên tiếp khi số trường hợp không thể truy vết tiếp tục gia tăng, làm dấy lên quan ngại về nguy cơ bùng lên một đợt lây lan mạnh.
Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), với 445 ca mắc mới COVID-19 ghi nhận trong ngày 18/3, trong đó có 427 ca lây nhiễm cộng đồng, tổng số ca mắc ở nước này hiện là 97.294 ca.
Số ca mắc mới tại Ấn Độ tăng mạnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Mumbai, Ấn Độ. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 18/3, Bộ Y tế Ấn Độ cho hay nước này đã ghi nhận 35.871 ca mắc mới, mức cao nhất trong vòng 3 tháng qua, trong đó bang Maharashtra bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi chiếm tới 65%.
Với số ca mắc mới trên, Ấn Độ cho tới nay đã ghi nhận 11.474.302 ca mắc, đứng thứ ba thế giới sau Mỹ và Brazil. Nước này cũng ghi nhận thêm 172 ca tử vong, nâng tổng số người không qua khỏi do mắc bệnh COVID-19 là 159.216 ca.
Trung Quốc ghi nhận ca mắc trong cộng đồng đầu tiên kể từ tháng 2
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc, ngày 13/1/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Trung Quốc ngày 18/3 đã ghi nhận ca mắc COVID-19 trong cộng đồng đầu tiên kể từ trung tuần tháng 2 vừa qua.
Theo giới chức y tế, bệnh nhân là nhân viên lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại bệnh viện ở thành phố Tây An (Xi'an) thuộc tỉnh Thiểm Tây (Shaanxi), Tây Bắc Trung Quốc. Đây là trường hợp mắc COVID-19 trong cộng đồng đầu tiên ở Trung Quốc kể từ ngày 14/2.
Đến nay, Trung Quốc đại lục phát hiện tổng cộng 90.072 ca mắc COVID-19, trong đó có 4.636 ca tử vong. Hiện nước này đang thúc đẩy kế hoạch tiêm chủng cho người dân với 4 loại vaccine sản xuất trong nước đã được phê duyệt.
Châu Mỹ: Mỹ chi 10 tỷ USD cho xét nghiệm tại các trường học
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Los Angeles, California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Chính phủ Mỹ sẽ chi 10 tỷ USD cho việc xét nghiệm COVID-19 tại các trường nhằm khuyến khích mở lại các lớp học trực tiếp.
Khoản ngân sách được chính quyền của Tổng thống Joe Biden công bố ngày 17/3 này là một phần trong gói cứu trợ mới đây. Phát biểu cùng ngày, quyền Bộ trưởng Y tế và dịch vụ dân sinh Norris Cochran cho rằng xét nghiệm đóng vai trò cấp thiết để cứu người và khôi phục các hoạt động kinh tế. Chính quyền liên bang cho biết sẽ giải ngân khoản tiền này vào đầu tháng 4 tới.
Kể từ khi lên nắm quyền, chính quyền mới của Mỹ luôn khuyến khích các trường mở lại và Tổng thống Biden đã cam kết sẽ hỗ trợ để mở lại các trường tiểu học, trung học cơ sở trong 100 ngày đầu tiên tại nhiệm. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) cũng kêu gọi các trường mở lại nhưng đảm bảo an toàn và thận trọng. Những nghiên cứu cho tới nay đều cho thấy trường học không phải các ổ dịch lây nhiễm nếu việc đeo khẩu trang được tuân thủ chặt chẽ.
Tuy nhiên, hiện các trường tại Mỹ vẫn khá dè dặt chưa nối lại hoạt động bởi cả giáo viên và phụ huynh học sinh đều lo ngại dịch diễn biến phức tạp. Khoản ngân sách liên bang dành cho các chương trình xét nghiệm rộng rãi tại trường học này hứa hẹn sẽ giúp giáo viên và gia đình học sinh yên tâm hơn khi cho học sinh trở lại trường.
Châu Phi: Biến thể mới đã xuất hiện tại 17 quốc gia
Học sinh đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 trong lớp học tại Johannesburg, Nam Phi ngày 15/2/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Thông báo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Châu Phi (CDC Châu Phi) ngày 18/3 cho biết đến nay đã có 17 quốc gia ở lục địa này ghi nhận sự xuất hiện của biến thể lần đầu được phát hiện ở Nam Phi.
Theo CDC Châu Phi, 3 quốc gia châu Phi mới nhất xác nhận sự hiện diện của biến thể này là Eswatini, Malawi và Namibia. Trước đó, 14 quốc gia châu Phi khác đã báo cáo sự hiện diện của biến thể mới là Nam Phi, Angola, Cameroon, Botswana, Comoros, CHDC Congo, Gambia, Ghana, Kenya, Mauritius, Mozambique, Rwanda, Zambia và Zimbabwe.
Theo số liệu mới nhất từ CDC Châu Phi, tính đến sáng 19/3, châu Phi đã ghi nhận tổng cộng trên 4,1 triệu ca mắc COVID-19 khiến trên 109.000 người tử vong. Nam Phi vẫn là nước ghi nhận số ca mắc cũng như tử vong cao nhất châu lục, tiếp theo là Maroc và Tunisia. Xét theo khu vực, phía Nam châu Phi là nơi có số ca mắc và tử vong cao nhất, tiếp theo là khu vực Bắc Phi.
Indonesia sẽ không để bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ Trước cảnh báo của Mỹ về việc Trung Quốc tìm cách thiết lập cơ sở hậu cần quân sự tại khoảng 10 quốc gia, trong đó có Indonesia, ngày 4/9, Indonesia khẳng định sẽ không để bất cứ nước nào sử dụng làm căn cứ quân sự. Trong cuộc họp báo trực tuyến hôm nay (4/9), Ngoại trưởng Indonesia - bà Retno Marsudi...