Giá dầu giảm mạnh sau khi Mỹ công bố mức xuất kho dự trữ ‘chưa từng có tiền lệ’
Giá dầu đã giảm mạnh ngày 31/3 sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố quyết định xuất kho một khối lượng dầu kỷ lục tới khoảng 1 triệu thùng dầu/ngày từ Kho Dự trữ dầu mỏ chiến lược (SPR) trong 180 ngày nhằm hạ nhiệt giá nhiên liệu.
Các bể chứa dầu tại một cơ sở dự trữ ở Cushing, bang Oklahoma, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Cụ thể, trên Sàn giao dịch hàng hóa New Yorrk, giá dầu WTI giao tháng Năm đã giảm 7,54 USD, tương đương 7% xuống 100,28 USD/thùng, trong khi giá dầu thô Brent Biển Bắc giao tháng Năm cũng giảm 5,54 USD, tương đương 4,9% xuống 107,91 USD/thùng trên Sàn giao dịch ICE London.
Trước đó, chính quyền Tổng thống Joe Biden thông báo sẽ xuất từ Kho Dự trữ Dầu mỏ chiến lược 1 triệu thùng/ngày trong vòng 6 tháng tới. Thông báo của Nhà Trắng nhấn mạnh đây là mức “chưa từng có tiền lệ” bởi thế giới chưa từng xuất lượng dầu dự trữ lên tới 1 triệu thùng/ngày trong thời gian lâu như vậy.
Cùng ngày, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC ) quyết định tăng nhẹ sản lượng dầu thô trong tháng Năm, bất chấp giá dầu thô gia tăng.
Thông báo sau cuộc họp cấp bộ trưởng lần thứ 27 của các nước thành viên OPEC và Phi OPEC cho biết OPEC sẽ nâng sản lượng lên 432.000 thùng/ngày kể từ tháng Năm, cao hơn một chút so với mức 400.000 thùng/ngày mà khối này thông báo những tháng trước. OPEC cũng nhất trí sẽ nhóm họp lần tới vào ngày 5/5.
Căng thẳng Nga - Ukraine làm trầm trọng thêm vấn đề giá nhiên liệu tại Mỹ
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, cuộc khủng hoảng giữa Nga và Ukraine được cho là sẽ gia tăng thêm sức ép đối với chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden hiện nay liên quan giá nhiên liệu tăng cao.
Các phương tiện xếp hàng chờ đổ xăng tại một trạm xăng ở Arlington, Virginia, Mỹ. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN
Trong một phát biểu gần đây, bản thân Tổng thống Biden cũng đã đề cập đến giá năng lượng và thừa nhận tiềm ẩn những tác động tiêu cực trong vấn đề này.
Việc tăng giá xăng dầu hơn nữa có thể chất thêm "chi phí chính trị" cho đảng Dân chủ trong nỗ lực duy trì thế đa số tại cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tới. Bất ổn xung quanh thị trường dầu mỏ của Nga - nhà sản xuất dầu lớn thứ ba thế giới - đã đẩy giá nhiên liệu này tăng cao, dao động ở mức khoảng 92 USD/thùng trong ngày 17/2. Giới chuyên gia cho rằng giá dầu có thể còn tiếp tục tăng hơn nữa và tác động đến giá khí đốt. Theo chuyên gia Claudio Galimberti thuộc công ty nghiên cứu năng lượng Rystad Energy, giá dầu có thể lên mức 100 USD/thùng trong vài ngày tới.
Trong khi đó, chuyên gia Giovanni Staunovo, một nhà phân tích hàng hóa quản lý tài sản tại UBS, cho rằng cuộc khủng hoảng Ukraine xảy ra trong bối cảnh một loạt các yếu tố khác đã làm gián đoạn thị trường. Ông lưu ý lượng dầu và khí đốt dự trữ trên toàn cầu vốn đang ở mức thấp, đầu tư vào các dự án dầu khí mới đã sụt giảm trong vài năm qua và công suất dự phòng trong lĩnh vực dầu khí là hạn chế. Do đó, theo chuyên gia này, thị trường dầu mỏ và khí đốt tự nhiên sẽ rất nhạy cảm với bất kỳ sự gián đoạn nào.
Trong một bài phát biểu ngày 15/2, Tổng thống Biden thừa nhận rằng các lệnh trừng phạt áp đặt đối với Nga liên quan vấn đề Ukraine có nguy cơ làm tăng giá khí đốt. Giới chức Mỹ và châu Âu tuy tỏ ra quyết tâm áp đặt trừng phạt Moskva, nhưng cũng thừa nhận rằng hai bên chưa thống nhất về các lệnh trừng phạt cụ thể ảnh hưởng đến lĩnh vực khí đốt.
Các tập đoàn năng lượng gặp 'bão' chỉ trích khi thu lợi nhuận lớn Giá năng lượng tăng vọt đã mang đến những khoản lợi nhuận khổng lồ cho các công ty khai thác dầu mỏ trên toàn cầu ở thời điểm mà người tiêu dùng tại nhiều nước đang phải trả các hóa đơn tiền điện cao hơn. Các bể chứa dầu tại Carson, bang California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN Trong tuần qua, các tập đoàn ExxonMobil...