Giá bán ổ SSD tiếp tục giảm mạnh
Giá ổ SSD đã giảm mạnh xuống còn 1/3 so với năm 2010, và các nhà nghiên cứu cho biết giá của SSD đã giảm xuống dưới mức 1 USD cho mỗi GB từ tháng 8.
Trước đó, vào tháng 4/2012, giá của các dòng SSD giá rẻ đã cán mức 1 USD/GB. Sau khi giảm 20% trong Q2/2012, giá SSD tiếp tục giảm 10% trong nửa cuối năm nay.
Chuyên gia phân tích Ryan Chien của IHS cho biết, giá của SSD hiện tại chỉ còn khoảng 0,8-0,9 USD cho mỗi GB dữ liệu, hoặc thậm chí còn thấp khi có khuyến mãi. Nguyên nhân cho việc này là do nguồn cung bộ nhớ flash NAND đang quá nhiều, tuy nhiên các hoạt động sản xuất đang bắt đầu phù hợp với nhu cầu và giá cả cũng bắt đầu ổn định dần.
Năm ngoái, giá ổ SSD đã giảm 23% theo dữ liệu từ Dynamite Data. Theo Dynamite Data cho biết, cuộc điều tra của hãng được thực hiện dựa trên giá bán của ổ đĩa và mức giảm giá của khoảng hơn 600 ổ SSD trong 3 năm qua. Trong tháng 8, trên blog của công ty cho biết ổ SSD cuối cùng đã phá vỡ ngưỡng 1 USD/GB và cho rằng đó chỉ là một chuyện bình thường. Được biết, giá SSD bình quân đạt 3 USD/GB trong năm 2010 và năng lực lưu trữ hiếm khi ở trên mức 128 GB.
Báo cáo từ nhà sản xuất bộ nhớ lưu trữ DRAMeXchange cho biết các mức tương tự. Trong tháng 11 vừa qua, DRAMeXchange cho biết giá SSD đã giảm 24% so với đầu năm 2012. Đồng thời, giá ổ đĩa cứng vẫn còn thổi phồng, cao hơn khoảng 27% so với trước khi lũ lụt lớn tấn công Thái Lan hồi tháng 3/2011″.
Nhà phân tích Jessica Chang của DRAMeXchange cho biết: “Giá ổ cứng truyền thống vẫn còn cao nhưng giá SSD lại liên tục suy giảm. Dẫu vậy thì giá/GB của ổ SSD dung lượng lớn (300-600 GB) lại đang đắt hơn khoảng 9 lần so với ổ đĩa cứng 500 GB sử dụng trên các laptop”.
Kết quả phân tích cũng chỉ ra rằng, ổ SSD ngày nay đáng tin cậy hơn, độ bền cao hơn và thực hiện công việc tốt hơn (trong một số trường hợp gấp 2-3 lần) so với năm 2009.
Ngoài ra cũng không thể không kể đến các loại SSD mới. Ví dụ ổ đĩa lai kết hợp bộ nhớ đện flash NAND với ổ đĩa cứng truyền thống, điều này đang được một số ultrabook thế hệ thứ 2 lựa chọn để có thể mang đến hiệu suất làm việc cao trong khi năng lực lưu trữ lại lớn
Về vị trí đứng đầu trong thị trường SSD, Intel và Samsung tiếp tục chia sẻ 2 vị trí đứng đầu và đứng thứ hai tương ứng. Theo sau là các hãng OCZ, Micron và Kingston. Trong khi đó, nếu xét về thị trường SSD được sử dụng trong các máy tính cá nhân, laptop thì vị trí đầu bảng thuộc về Samsung, tiếp theo sau là Toshiba, Intel, Micron và Sandisk.
Theo Chien: “Samsung trước đây không phải là một hãng sản xuất ổ SSD hàng đầu, tuy nhiên mọi thứ đã thay đổi kể từ khi hãng ra dòng 830 SSD với sự kết hợp của các hiệu suất làm việc lẫn giá bán. Còn với ổ SSD của Intel, chúng hoạt động có mức độ tin cậy cao nhưng lại không nhanh. Các sản phẩm của OCZ thì luôn phải vật lộn với độ tin cậy”.
Theo NLĐ/PCWorld
Samsung 840 Pro: hiệu năng cao nhưng giá đắt
Hiện nay bạn đã có thể tìm mua các ổ SSD dung lượng 128 GB với mức giá khoảng 100 USD và 256 GB với giá 200 USD. Các loại SSD này mặc dù cũng cho hiệu năng khá cao nhưng nếu mức tài chính dư dả, bạn có thể lựa chọn các model cao cấp hơn nữa mà điển hình là Samsung 840 Pro. Có giá bán 150 USD cho dung lượng 128 GB và 269 USD cho dung lượng 256 GB, Samsung 840 Pro là một trong các ổ SSD cho hiệu năng cao, tiêu thụ điện ít, thiết kế mỏng.
Thiết kế
Ổ đĩa mới của Samsung có kích thước chuẩn 2,5 inch được thiết kế khá đẹp và sang trọng với khung kim loại màu xám, nổi bật ở chính giữa là logo Samsung màu trắng và một hình vuông màu cam phía dưới. Các cạnh được tạo vát tạo cảm giác mềm mại khi cầm trên tay. Với chiều dày chỉ 7mm, ổ đĩa Samsung 840 Pro Series hoàn toàn có thể lắp đặt tốt cho các loại máy tính xách tay siêu di động có các khoang chứa ổ SSD mỏng.
Bộ điều khiển và bộ nhớ Flash
Video đang HOT
Trong khi hầu hết các ổ SSD hiện nay sử dụng bộ điều khiển của bên thứ ba như SandForce SF-2281 thì ổ đĩa 840 Pro Series của Samsung lại sử dụng bộ điều khiển MDX của chính Samsung, trong đó bộ điều khiển này bao gồm 3 lõi ARM Cortex R4 chạy ở tần số 300 MHz với bộ nhớ cache 512MB và có khả năng mã hoá AES 256-bit toàn bộ ổ đĩa mà không làm ảnh hưởng đến hiệu suất.
Samsung 840 Pro Series còn sử dụng bộ nhớ flash NAND 2.0 mới dựa trên công nghệ 21 nm có tốc độ nhanh hơn so với bộ nhớ flash 27nm được hãng sử dụng trên 830 Series của năm ngoái.
Do việc sử dụng bộ điều khiển MDX và bộ nhớ flash NAND 2.0 mới nên Samsung tuyên bố 840 Pro Series có thể cung cấp tốc độ đọc ngẫu nhiên lên đến 100.000 IOPS (Input/Output Operations per Second - hoạt động vào/ra mỗi giây) và tốc độ ghi ngẫu nhiên lên đến 90.000 IOPS.
Phần mềm
Đi kèm ổ đĩa Samsung còn trang bị cả tiện ích Magician 3.2 và phần mềm Samsung Data Migration. Trong đó tiện ích Magician 3.2 được trang bị một số tính năng hữu ích bao gồm một công cụ benchmark, cập nhật firmware và một công cụ để xóa dữ liệu triệt để và an toàn. Trong khi phần mềm Samsung Data Migration mang đến cho người dùng một cách đơn giản để chuyển dữ liệu từ ổ cứng cũ sang ổ 840 Pro Series mới. Tuy nhiên bạn cũng có rất nhiều lựa chọn thay thế với các phần mềm miễn phí cung cấp chức năng tương tự, bao gồm cả Macrium Reflect Free.
Các đối thủ cạnh tranh
Để có thể đánh giá khả năng làm việc cũng như hiệu suất của Samsung SSD 840 Pro Series một cách khách quan, cần phải thực hiện một loạt các bài kiểm tra và so sánh kết quả với những đối thủ cạnh tranh gồm OCZ Vertex 4 dung lượng 256 GB (giá 236 USD), ổ đĩa sử dụng bộ điều khiển Indilinx Everest 2 có tốc độ 400 MHz và ổ SSD Intel SSD 335 (giá 200 USD) sử dụng bộ điều khiển SanForce SF-2281. Bên cạnh đó còn sử dụng cả một ổ đĩa cứng truyền thống (HDD) là ổ đĩa Hitachi dung lượng 500 GB tốc độ 7200 vòng/phút.
CrystalDiskMark
Để có thể kiểm tra được khả năng làm việc tối đa của ổ đĩa Samsung 840 Pro Series trong điều kiện lý tưởng, chúng ta sẽ thực hiện bài kiểm tra ổ đĩa bằng phần mềm CrystalDiskMark 3.0.2. Trong đó thử nghiệm kiểm tra tốc độ truy xuất ngẫu nhiên 512K và 4K bằng tập tin dung lượng 1GB
Với việc di chuyển các các khối dữ liệu liên tục, ổ đĩa Samsung 840 Pro Series đạt tốc độ đọc và ghi ngẫu nhiên là 490,6 MBps và 462,7 MBps tương ứng, vượt qua OCZ Vertex 4 (388,7 MBps/435,2 MBps), ổ đĩa Intel SSD 335 mặc dù có tốc độ đọc ngẫu nhiên tương đương (490,6 MBps) nhưng tốc độ ghi ngẫu nhiên chỉ đạt 325,9 Mbps.
Ổ đĩa Samsung 840 Pro Series tiếp tục đứng đầu khi kiểm tra tốc độ đọc và ghi ngẫu nhiên với các khối dữ liệu 512K khi đạt tốc độ đọc là 30,1 MBps và tốc độ ghi là 418,5 MBps.
Với các khối dữ liệu 4K, Samsung 840 Pro Series cung cấp tốc độ đọc hợp lý với 27,8 MBps và OCZ Vertex 4 xếp ở vị trí thứ hai (26 Mbps). Tuy nhiên, ổ đĩa của Samsung lại có tốc độ ghi chỉ đạt 51,2 Mbps so với 62,2 MBps trên Vertex 4.
Mặc dù vậy, giống như tất cả các ổ SSD mới hiện nay, ổ đĩa Samsung 840 Pro Series sử dụng công nghệ NCQ (Native Command Queuing) giúp tăng tốc độ đáng kể khi làm việc với các khối dữ liệu 4K, với tốc độ đọc và ghi đạt 370,7 Mbps và 362,8 Mbps tương ứng. Kết quả này bỏ xa OCZ Vertex 4 (316,6 MBps/298,3 MBps) và Intel SSD 335 (214,8 Mbps/276,2 Mbps).
IOPS (Input/Output Operations per Second - hoạt động vào/ra mỗi giây)
IOPS (Input/Output Operations Per) là một thước đo hiệu suất phổ biến do đó hầu hết các nhà sản xuất ổ đĩa đều "quảng cáo" tốc độ đọc và ghi ngẫu nhiên tối đa IOPS, tuy nhiên độ trễ thấp cũng là một thông số rất quan trọng của ổ đĩa.
Để kiểm tra tốc độ đọc và ghi ngẫu nhiên IOPS cũng như độ trễ đọc và độ trễ ghi của ổ đĩa, sử dụng chương trình IOMeter với cấu hình phần mềm thử nghiệm để đo tốc độ đọc và ghi ngẫu nhiên các khối dữ liệu 4K.
So với các đối thủ, Samsung 840 Pro Series tỏ ra vượt trội với tốc độ đọc ngẫu nhiên là 79.010 IOPS và ghi ngẫu nhiên là 35.700 IOPS với thời gian trễ chỉ là 0,04 và 0,89 mili giây tương ứng. Trong khi đó các đối thủ như Vertex 4 chỉ đạt tốc độ đọc và ghi ngẫu nhiên là 64.350 iOPS và 29.361 IOPS, ổ SSD của Intel xếp cuối cùng với tốc độ đọc và ghi ngẫu nhiên là 25.299 IOPS và 16.719 IOPS.
Trong bài kiểm tra tốc độ đọc và ghi tuần tự IOPS Sed, trong khi các ổ đĩa của Intel và OCZ thực hiện tương đối tốt thì ổ đĩa Samsung 840 Pro Series vẫn tỏ ra vượt trội hơn khá nhiều với tốc độ đọc và ghi tuần tự đạt 76,219 IOPS và 78,308 IOPS tương ứng.
Tất cả ba ổ đĩa trên đều có độ trễ đọc tương tự như sau, nhưng với độ trễ ghi thì ổ đĩa Intel SSD 335 chậm hơn khá nhiều so với cả ổ đĩa OCZ và ổ đĩa của Samsung.
Thử nghiệm sao chép tập tin
Để kiểm tra tốc độ làm việc của ổ đĩa thực tế so với các đối thủ cạnh tranh, tiến hành sao chép lần đầu một tập tin với dung lượng 3,1 GB, sau đó sao chép hàng loạt tập tin khác nhau cùng một lúc với tổng dung lượng lên đến 4,97 GB. Trong đó thời gian tối đa để sao chép 4,97 GB dữ liệu các loại là 25 giây và thời gian tối đa để chuyển một tập tin 3,1 GB chỉ là 15 giây. Như vậy so với ổ SSD của Intel và OCZ thì ổ đĩa của Samsung có tốc độ cao hơn từ 20% đến 30%.
Thử nghiệm nén và giải nén
Một trong những chức năng mà người dùng máy tính thường xuyên phải sử dụng là tính năng nén và giải nén dữ liệu. Lúc đó ổ đĩa sẽ phải làm hai nhiệm vụ cùng một lúc gồm đọc và ghi rất nhiều dữ liệu liệu khác nhau. Để xác định khả năng xử lý nhiệm vụ này của Samsung 840 Pro Series, tiến hành thử nghiệm nén và giải nén gói tập tin multimedia với tổng dung lượng 4,97 GB.
Kết quả cho thấy thời gian nén của cả ba phiên bản ổ SSD của Samsung, OCZ và Intel là gần như nhau. Nhưng thời gian giải nén file ZIP của ổ đĩa Samsung 840 Pro Series nhỉnh hơn một chút với 4 đến 5 giây.
Thử nghiệm mở từng ứng dụng
Để kiểm tra khả năng xử lý nhanh của ổ đĩa Samsung 840 Pro Series, tiến hành thử nghiệm chạy các ứng dụng điển hình như mở file PDF 500 trang bằng chương trình Adobe Reader, mở file Excel 2010 với dung lượng 6,5MB, kích hoạt trình duyệt Firefox 17, kích hoạt Photoshop CS6 và mở tập tin ảnh TIF dung lượng 400MB và mở ứng dụng Word 2010. Tất cả các thao tác đều thực hiện độc lập và tuần tự không phải mở tất cả các chương trình cùng một lúc.
Giống như với các bài kiểm tra tổng hợp và sao chép tập tin, Samsung 840 Pro Series vẫn tỏ ra nhanh hơn đáng kể so với các đối thủ cạnh tranh với thời gian khởi động trung bình là 2,8 giây trên tất cả các chương trình, trong khi OCZ Vertex 4 và Intel SSD 335 có thời gian trung bình là 3,6 giây và 3,7 giây tương ứng. Sự khác biệt rõ rệt nhất là bài thử nghiệm mở tập tin ảnh TIF dung lượng 400MB bằng Photoshop, Samsung 840 Pro Series hoàn hành chỉ trong 6,9 giây, so với 11 giây và 10,7 giây trên các ổ đĩa OCZ và Intel. Ổ đĩa Hitachi mặc dù có tốc độ 7200 vòng/phút nhưng vẫn phải cần đến 24,7 giây để hoàn thành nhiệm vụ.
Khả năng xử lý đa nhiệm
Để kiểm tra khả năng xử lý đa nhiệm của Samsung 840 Pro Series, thực hiện bài kiểm tra khi kích hoạt một ứng dụng trong khi ổ đĩa vẫn đang thực hiện nhiệm vụ nén tập tin dung lượng lớn chạy ở chế độ nền.
Samsung 840 Pro Series tỏ ra vượt trội so với các ổ đĩa SSD của OCZ và Intel với thời gian mở trung bình chỉ là 4,5 giây so với thời gian là 5,9 giây và 6,2 giây tương ứng.
Ấn tượng nhất là khả năng kích hoạt chương trình đồ hoạ chuyên dụng Photoshop, Samsung 840 Pro Series cần 12,2 giây, trong khi Vertex 4 và Intel SSD 335 cần 18,7 giây và 19 giây tương ứng.
Tiêu thụ điện năng và tuổi thọ pin
Theo Samsung cho biết ổ SSD 840 Pro Series có mức tiêu thụ điện năng chỉ 0,068 watt khi hoạt động và 0,042 watt khi ở chế độ đứng yên (idle). Như vậy phiên bản này có mức tiêu thụ điện năng thấp hơn nhiều hơn so với thế hệ SSD trước là SSD 830 Series với mức tiêu thụ điện năng khi làm việc là 0,24 watt và khi ở chế độ đứng yên (idle) là 0,14 watt. Với mức tiêu thụ điện năng thấp nên Samsung tuyên bố người dùng sẽ có thời lượng pin dài hơn đáng kể hơn so với các ổ SSD khác khi sử dụng trên laptop.
Tuy nhiên trong bài kiểm tra thực tế khi lắp đặt ổ đĩa Samsung 840 Pro Series cho chiếc laptop ThinkPad X230 với pin 6 cell và lướt web liên tục, thời lượng pin của máy kéo dài 8 giờ 32 phút so với 6 giờ 56 phút với ổ đĩa cứng mặc định của máy, nhưng chỉ lâu hơn 14 phút so với người tiền nhiệm.
Dung lượng và giá
Samsung 840 Pro Series có sẵn với các mức dung lượng lưu trữ gồm 64 GB, 128 GB, 256 GB và tối đa là 512 GB với các mức giá tương ứng gồm 100 USD, 150 USD, 270 USD và 600 USD.
Kết luận
Có thể nói Samsung 840 Pro Series là một trong những ổ SSD nhanh nhất hiện nay, cung cấp tốc độ cao hơn đáng kể trong hầu hết các bài thử nghiệm thực tế so với các đối thủ cạnh tranh. Đối với người dùng các loại laptop siêu di động và ultrabook thì với chiều dày chỉ 7mm của ổ đĩa đây sẽ là một sự lựa chọn hấp dẫn, trong khi mức tiêu thụ điện năng khá thấp còn góp phần kéo dài thời lượng pin cho máy. Dù vậy Samsung 840 Pro Series có mức giá khá đắt, nhưng nếu bạn vẫn muốn hệ thống của mình được trang bị ổ SSD tốt nhất thì Samsung 840 Pro Series sẽ là một trong những sự lựa chọn tốt hiện nay.
Ưu điểm
- Tốt độ nhanh
- Tiêu thụ ít điện năng
- Siêu mỏng với chiều dày chỉ 7mm
Nhược điểm
- Giá cao so với các đối thủ cạnh tranh
Theo Genk
Cách tăng tuổi thọ và hiệu suất cho SSD Để đảm bảo ổ SSD luôn "khỏe mạnh" và hoạt động ổn định, bạn đừng bao giờ thực hiện thao tác Disk Defragment. Để có được một cỗ máy tốc độ, ngoài việc nâng cấp RAM, CPU, đồ họa rời, hiện tại, người dùng máy tính thường chọn giải pháp nâng cấp lên ổ cứng thể rắn SSD. Tuy vậy, việc sử dụng...