Giá 5 triệu đồng/tổ yến: Đưa chim yến vào luật vì quản lý lộn xộn
Xuất hiện lẻ tẻ từ năm 2004 ở một số tỉnh Nam Bộ, đến nay, nghề nuôi chim yến đã phát triển mạnh ở một số địa phương và ngày càng có dấu hiệu mở rộng nhờ hiệu quả kinh tế cao.
Nhưng những bất cập trong vấn đề quy hoạch, quản lý vùng nuôi cho thấy, quy định về nghề nuôi chim yến cần sớm được ban hành.
Tiềm năng lớn
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, nghề nuôi chim yến đã phát triển khá mạnh và với nhiều loại hình và quy mô khác nhau. Theo báo cáo sơ bộ của các tỉnh, hiện nay cả nước có 42/63 tỉnh có nuôi chim yến với tổng số 8.304 nhà yến. Nhiều nhất là tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, tiếp đến là Đông Nam Bộ, Duyên hải miền Trung.
Một số nhà yến cũng đã xuất hiện tại Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, đồng bằng sông Hồng. Trong đó, tỉnh Khánh Hòa với điều kiện tự nhiên thuận lợi, là tỉnh có ngành nghề yến sào phát triển từ lâu đời.
Nghề nuôi chim yến đang phát triển ở nhiều địa phương (ảnh chụp tại Nha Trang, Khánh Hòa). Ảnh: T.L
Những doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực này như Công ty Yến sào Khánh Hòa, Công ty Yến Quân… đã áp dụng công nghệ cao vào các khâu ấp trứng, nuôi nhân tạo, di đàn, xây nhà yến, dẫn dụ, khai thác tổ yến với quy mô lớn. Hiệp hội yến sào và chi hội nhà yến đã được hình thành và phát triển về tổ chức vũng như số lượng thành viên.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Trọng – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cũng thừa nhận một thực tế, thời gian qua, nghề nuôi chim yến chỉ phát triển mang tính tự phát là chủ yếu. Nuôi chim yến chưa xây dựng kế hoạch sản xuất theo ngành hàng, chưa xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, chưa có giá trị xuất khẩu cao vì chủ yếu xuất thô.
“Do không nghiên cứu đầy đủ về khí hậu, thời tiết, vùng sinh thái và tập tính của loại chim yến nên dẫn đến tình trạng xây nhà xong nhưng chim yến không về làm tổ, hoặc ở những vùng có khí hậu mùa đông lạnh, nhiệt độ thấp làm chim yến chết. Mặc dù nuôi chim yến đã phát triển trở thành một nghề kinh tế có mức tăng trưởng cao ở nhiều địa phương nhưng đối tượng nuôi này chưa được điều chỉnh trong chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020.
Video đang HOT
Do vậy, việc quản lý an toàn dịch bệnh, an toàn cho người còn chưa được đảm bảo, chưa có quy định về điều kiện chuồng trại phù hợp với tập tính. Việc quản lý, kiểm soát số lượng chim yến gây nuôi và sản lượng sản phẩm còn chưa chặt chẽ, hiện mới được thực hiện trên một số cơ sở đăng ký, khai báo cơ sở/nhà nuôi chim yến và ước đạt sản lượng tổ yến thu được” – ông Trọng nêu thực tế.
Đó là chưa kể, việc mua, bán, thương mại sản phẩm tổ yến còn chưa có thị trường ổn định, nhiều khi bị ép giá, kiểm soát dịch bệnh đối với chim yến còn nhiều bất cập. Vấn đề dịch bệnh chưa được nghiên cứu, kiểm soát nên cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn sinh học, dịch bệnh cho động vật và sức khỏe con người.
Sớm ban hành quy định quản lý chim yến
Từ thực tế trên, Cục Chăn nuôi đề nghị UBND các tỉnh báo cáo thống kê, khảo sát hiện trạng các nhà nuôi chim yến và đề xuất vùng quy hoạch nuôi chim yến trên địa bàn, cần tiến hành giám sát chặt các hộ dân xây dựng nhà ở, phải làm theo đúng thiết kế, mục đích sử dụng và khi xây dựng phải tuân thủ đúng các quy định pháp luật về xây dựng và môi trường. Giám sát chặt những trường hợp nhà dân đăng ký xây dựng với mục đích làm nhà ở, sau đó chuyển sang nuôi chim yến sai với thiết kế và mục đích sử dụng đã đăng ký ban đầu.
Ông Trọng cho biết, thời gian tới, Bộ NNPTNT sẽ xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn Luật Chăn nuôi, trong đó có nội dung hướng dẫn quản lý nuôi chim yến.
Theo đó, chủ cơ sở nuôi chim yến thực hiện việc đăng ký doanh nghiệp tại cấp có thẩm quyền, quy định vị trí xây dựng mới nha yến: Phù hợp đặc điểm sinh trưởng, phát triển của chim yến và phù hợp với chiến lước phát triển kinh tế – xã hội của địa phương; quy định về cường độ âm thanh và khoảng thời gian phát âm thanh dẫn dụ chim yến; quy định về vệ sinh và quản lý dịch bệnh của cơ sở nuôi chim yến về trang phục bảo hộ cho người làm việc và khách thăm quan, về vệ sinh trước và sau khi ra khỏi cơ sở nuôi chim yến, cách khử trùng, chất khử trùng. Công khai quy hoạch vùng nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh, thành phố gắn với các cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản đáp ứng nhu cầu thị trường, đảm bảo an toàn sinh học, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.
“Để nâng cao giá trị của nghề nuôi chim yến, hạn chế xuất khẩu thô như hiện nay, cần phát triển thị trường gắn với đổi mới khoa học công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm từ tổ yến, nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu, nhằm nâng cao sức cạnh tranh đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu; phát triển sản xuất theo chuỗi sản phẩm, gắn kết các khâu từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm, trong đó các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữ vai trò định hướng đặt hàng, tiêu chuẩn nguyên liệu, hỗ trợ sản xuất, nhằm phát huy thế mạnh liên kết làm tiền đề thúc đẩy tốc độ phát triển nhanh và hiệu quả ngành nghề nuôi chim yến” – ông Trọng nói.
Theo Danviet
Đắk Nông: Đánh bạc với loài chim tiền tỷ, xây nhà cao mới chịu ở
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông ngày càng xuất hiện nhiều hộ gia đình không ngần ngại đầu tư tiền tỷ xây dựng nhà nuôi yến... Tuy nhiên, qua những người trong cuộc cho thấy, nuôi yến cũng giống như tham gia "canh bạc" với chim trời mà phần thắng thua phụ thuộc nhiều vào yếu tố may, rủi.
Trên thị trường, 1 kg tổ chim yến có giá từ 25-30 triệu đồng. Vì vậy, việc xây nhà nuôi chim yến đang được nhiều người xem là nghề "hái ra tiền".
Thời gian qua, trên toàn tỉnh, từ thành thị cho đến nông thôn xuất hiện hàng chục ngôi nhà nuôi chim yến. Bên cạnh những hộ gia đình tận dụng tầng 2, tầng 3 của ngôi nhà để nuôi yến thì cũng có những gia đình bỏ tiền tỷ để xây dựng những căn nhà 2 đến 3 tầng chuyên biệt để nuôi yến.
Nghề nuôi chim yến chứa đựng rủi ro khá cao.
Nở rộ phong trào nuôi chim yến
Gia đình chị Nguyễn Thị Tuyến, ở xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong nhiều năm qua chỉ quen sản xuất cà phê, hồ tiêu. Thời gian gần đây, thấy nhiều người ở địa phương xây nhà nuôi chim yến nên gia đình chị đã thuê một số người nuôi chim yến lâu năm ở tỉnh Phú Yên lên khảo sát. Sau khi nhóm người nuôi yến ở tỉnh Phú Yên bật loa có tiếng chim yến kêu thì có mấy cặp bay về.
Những người này khẳng định khu vực này có thể đầu tư xây nhà nuôi yến. Được sự tư vấn, chị Tuyến cùng gia đình đã nâng cấp ngôi nhà 2 tầng mà gia đình mình đang ở lên thành 4 tầng. Trong đó, 2 tầng trên cùng gia đình chị Tuyến thiết kế dành riêng cho việc nuôi chim yến.
Chị Tuyến chia sẻ: "Đầu tiên, gia đình tôi bỏ ra hơn 200 triệu để xây dựng thêm tầng 3 và tầng 4 với diện tích rộng khoảng 300 m2. Sau đó, phần thiết kế bên trong như giá gỗ, hệ thống loa "dụ" chim, vòi phun nước tạo độ ẩm... có giá 1,2 triệu đồng/m2. Tính chung, gia đình tôi đã đầu tư khoảng 600 triệu đồng để xây nhà dụ chim yến về".
Tương tự, ông Nguyễn Duy Lương, ở xã Đắk R'moan, thị xã Gia Nghĩa cũng đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để nuôi yến. Ông Lương cho biết: "Thấy nhiều người nuôi yến thành công nên gia đình tôi cũng dành một ít vốn để xây dựng khoảng 200 m2 nhà nuôi chim yến. Tính tất cả chi phí đầu tư như xây dựng, chi phí chuyển giao công nghệ, tiền mua thiết bị âm thanh, chất dẫn dụ... đã tiêu tốn của gia đình tôi gần 500 triệu đồng".
Qua tìm hiểu cho thấy, không riêng gì gia đình chị Tuyến, ông Lương, hiện nay trên toàn tỉnh Đắk Nông đã có hàng trăm hộ dân đầu tư tiền của vào việc xây nhà nuôi yến.
"Được ăn cả, ngã về không"
Người xây nhà nuôi chim yến chỉ tốn tiền đầu tư ban đầu, còn lại mọi chi phí khác như: giống, thức ăn... đều không phải mua, hoàn toàn nhờ "lộc trời ban". Những gia đình nuôi yến thành công mỗi năm có thể thu về hàng chục kg tổ yến, doanh thu hàng trăm triệu đồng cho đến tiền tỷ là điều hết sức bình thường. Không thể phủ nhận sức hấp dẫn của việc nuôi chim yến, thế nhưng, không phải cứ bỏ tiền xây nhà nuôi chim yến là thành công. Nghề xây nhà nuôi chim yến có độ rủi ro khá cao...
Ông Nguyễn Duy Lương, ở xã Đắk R'moan thừa nhận, đến thời điểm này gia đình ông đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng để xây dựng nhà nuôi chim yến nhưng chưa thể khẳng định đến bao giờ mới có thể thu hồi được nguồn vốn đầu tư ban đầu.
Theo ông Lương, hơn 1 năm nay, cả ngày lẫn đêm lúc nào gia đình cũng phát âm thanh mời gọi chim yến về ở. Thế nhưng, đến thời điểm này, nhà nuôi yến của gia đình ông mới chỉ có khoảng 60 cặp yến vào sinh sống, tổ yến thu về cũng chưa đủ dùng trong gia đình. Gia đình ông Lương hi vọng vài năm tới, sẽ có nhiều chim yến đến đây sinh sống và làm tổ mới tính đến chuyện thu hồi vốn.
Ông Lương phân trần: "Để chim yến về ở đòi hỏi nhiều yếu tố khác nhau. Ngoài việc nắm chắc kỹ thuật nuôi chim yến thì người nuôi cũng cần thêm yếu tố may mắn, chứ không cũng rất dễ mất trắng vì nhà nuôi yến không thể sử dụng vào việc khác".
Nhiều hộ gia đình từ phố thị đến nông thôn cải tạo nhà cửa đang sinh sống để nuôi chim yến
Ông Trần Văn Cường, ở thôn Châu Thành, xã Đắk Ru (Đắk R'lấp) được xem là hộ gia đình đầu tiên trên địa bàn tỉnh Đắk Nông thành công với nghề nuôi chim yến cho biết, mỗi năm ông thu về khoảng 40 kg tổ yến với trị giá gần 1 tỷ đồng.
Theo ông Cường, nghề nuôi chim yến đòi hỏi người nuôi phải nắm vững kỹ thuật, có hiểu biết nhất định về các đặc điểm sinh học của chim yến. Trong quá trình nuôi yến, người nuôi tiếp tục chỉnh sửa cho nhà yến hoàn thiện, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của loại chim này. Mặt khác, để dẫn dụ được chim yến, trước hết phải xem nơi mình ở có nằm trên đường yến bay ngang qua hay vùng kiếm ăn của chúng hay không, rồi mới đầu tư xây nhà nuôi.
Khi xây nhà nuôi chim yến, người xây phải tính toán chiều cao nhất định để không vướng khoảng không cho chim bay lượn; gỗ sử dụng cho chim đậu phải phù hợp với yếu tố sinh học của chim. Trong quá trình chăn nuôi, ngoài các yếu tố như thiết kế nhà nuôi, kỹ thuật tạo mùi... thì yếu tố quan trọng nhất để dẫn dụ được yến là kỹ thuật âm thanh. Vì vậy, những người mới bắt đầu nuôi cần phải tìm hiểu kỹ và thuê những người có kỹ thuật, kinh nghiệm hướng dẫn thì cơ hội thành công sẽ cao hơn.
Qua thực tế cho thấy, nhiều người nuôi chim yến ở Đắk Nông mặc dù không hiểu rõ bản chất, quy luật sinh sống của đàn yến nhưng vẫn thuê người ở các tỉnh Khánh Hòa, Vũng Tàu, Ninh Thuận... chuyển giao công nghệ xây nhà nuôi yến. Do quá kỳ vọng vào lợi nhuận đem lại, nhiều hộ dân không có đủ vốn đã đi vay mượn hàng trăm triệu đồng để xây dựng nhà nuôi chim yến.
Những người có kinh nghiệm nuôi yến cho biết, ít nhất phải sau 2 năm từ khi bắt đầu đưa nhà yến vào hoạt động thì người nuôi mới bắt đầu có thu hoạch. Vì thế, những người nào trước khi nuôi chim yến cần tính toán kỹ đến vấn đề tài chính. Bởi đây là nghề mà thành công gần như phụ thuộc vào việc yến có tập trung về làm tổ hay không. Nếu may mắn, thuận lợi, chim yến về làm tổ nhiều thì hiệu quả kinh tế rất cao. Ngược lại nghề này nếu thất bại sẽ khiến cho người nuôi lâm vào phá sản, nợ nần.
Theo Phan Tuấn (Báo Đắk Nông)
Nuôi chim tiền tỷ trong khu dân cư, người giàu có, dân bị "tra tấn" Hiện nay, nghề nuôi chim yến phát triển ồ ạt tại huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Điều đáng nói, việc tự phát nuôi yến trong khu dân cư đang "tra tấn" người dân bởi tiếng ồn dẫn dụ chim yến. Bà T.T.L, người dân khu phố 4, thị trấn Cần Giuộc, bức xúc: "Những ngày qua, gia đình tôi mất ăn, mất...