Ghé quán cốn sủi “xếp hàng đợi” tại Sa Pa, ngày bán vèo vèo hết 300 bát
Bát cốn sủi nóng hổi, lại thêm hương thơm nồng, cái ấm nóng từ đủ thứ gia vị hoà quyện nhanh chóng ngấm vào từng giác quan của thực khách.
Cốn sủi (hay còn gọi phở khan) là món ăn xuất xứ từ người Hoa nhưng rất nổi tiếng tại Lào Cai. Không khó để bạn tìm thấy món ăn này tại thành phố Lào Cai nhưng khi đặt chân đến Sa Pa thì lại chỉ có một quán ăn duy nhất trên đường Điện Biên Phủ có cốn sủi “chuẩn vị”. Đó là lí do, món ăn này trở nên độc đáo, thu hút với du khách Sa Pa dù đôi khi họ phải chờ cả tiếng mới đến lượt thưởng thức.
Một bát cốn sủi gồm rất nhiều nguyên liệu khác nhau: sợi phở, thịt xá xíu thái chỉ, trứng gà, sợi mì giòn, rau húng, hành lá cùng nước sốt sền sệt… Anh Nguyễn Đức Kiên – chủ quán cốn sủi duy nhất tại Sa Pa chia sẻ: “Tôi mất gần nửa năm để theo học người thầy người Hoa – chủ quán cốn sủi ông Hà ở Lào Cai. Hầu hết các thành phần trong món ăn tôi đều phải tự tay thực hiện và thời gian chuẩn bị lên đến 10 -12 tiếng/ngày”.
Anh Kiên mở quán cốn sủi tại Sa Pa đã hơn 3 năm nay. Mùa lễ, tết, ngày cao điểm, cửa hàng anh bán được 500 – 600 bát cốn sủi, còn bình thường dao động từ 200 – 250 bát/ngày. “Có khi khách vẫn còn chờ nhưng mình không thể phục vụ được nữa vì món ăn này mất thời gian chuẩn bị rất lâu. Hết nguyên liệu thì đành phải xin lỗi và hẹn khách quay lại vào ngày mai”, anh Kiên nói.
Sợi phở dùng trong món cốn sủi là phở lá được anh Kiên đặt mua rồi mang về tự cắt bằng tay. Theo anh loại phở lá này mới đủ độ dai, khi được ngâm trong nước sốt thì thấm gia vị hơn. Người ăn hoàn toàn có thể cảm nhận được sự khác biệt của sợi phở trong món cốn sủi so với phở bò thông thường.
Nước sốt là khâu mất thời gian chuẩn bị nhất. Mỗi nồi nước sốt được ninh trong 10 -12 tiếng với 12 loại gia vị khác nhau. Trong thời gian đó, anh phải thường xuyên canh để nồi nước sốt trong, thơm, đạt được độ sệt như ý.
Món thịt xá xíu được ướp gia vị trong 45 phút. Màu đỏ của thịt là màu của gấc tươi nên đượm màu và thơm. Sau đó thịt được om trên chảo 1 tiếng cho chín đều, thấm gia vị; rồi chiên lại với dầu ăn cho thật giòn. Riêng công đoạn làm thịt xá xíu đã mất 3 giờ đồng hồ.
Video đang HOT
Thịt xá xíu để nguội rồi được thái sợi.
Bát cốn sủi trở nên đặc biệt, lạ miệng, khác với phở hay bánh canh thông thường còn là nhờ vào món mì giòn giòn, thơm thơm. Những sợi mì này được gọi là mì giòn.
Mì giòn được anh Kiên tự làm hàng ngày từ bột mì, đường, bột canh sau đó cán mỏng, kéo thành sợi dài. Những sợi mì được chiên qua dầu nóng cho ràng ruộm, giòn tan, ăn vừa giống bim bim. Mỗi mẻ mì giòn được làm trong 1 đến 1,5 tiếng mới hoàn thành.
Khi ăn cốn sủi, thực khách thường thêm một chút nước cốt chanh, một ít lạc thơm giòn. Bát cuốn sủi nóng hổi, lại thêm hương thơm nồng, cái ấm nóng từ đủ thứ gia vị hoà quyện nhanh chóng ngấm vào từng giác quan. Món này thường được ăn vào buổi sáng, cực kỳ thích hợp với khí hậu se lạnh vào sáng sớm của Sa Pa mù sương.
Những ngày mưa se lạnh không gì thú vị bằng cùng nhau "xì xụp" bên tô Udon
Hủ tiếu, phở bò quen thuộc rồi! Bây giờ đến mùa mưa, chúng mình cùng thử ăn Udon nhé!
Là món ăn truyền thống được hầu hết người dân ở xứ sở Mặt Trời mọc ưa chuộng và được du nhập vào Việt Nam trong khoảng thời gian gần đây, Udon vẫn chưa bao giờ hết hot với giới trẻ hai miền, đặc biệt vào mùa mưa ẩm ướt và có khi se lạnh như thế này.
Phía sau một... tô Udon
Mỳ Udon là một loại mỳ bản to, sợi dày (dày nhất trong các loại mỳ của Nhật). Sợi mì có đường kính thông thường khoảng 1 cm, cỡ bằng một cây đũa. Mỳ Udon được chế biến từ bột mì và nở ra khi được nấu lên. Mỳ thường được ăn nóng chung với nước dùng đậm đà, nóng hôi hổi - loại nước súp được chế biến bằng nước tương, mirin (một loại rượu dùng để nêm gia vị của người Nhật) và dashi (nước được chiết ra từ quá trình hầm thịt, cá, rau củ, tảo bẹ,...).
Vào những lúc trời se se lạnh, hay mưa lất phất, một tô Kake Udon truyền thống nóng hầm hập sẽ làm người bạn ấm lên ngay tức thì. Chỉ với một lần thử thôi, ngay cả những thực khách khó tính nhất cũng phải "đổ cái rầm" trước cái dai dai của sợi mì Udon cùng vị ngon đậm đà nhưng cũng vừa "tới" của muỗng nước dùng tỏa khói nhè nhẹ.
"Măm măm" mệt nghỉ những người anh em trong đại gia đình Udon
Điều đặc biệt ở món ăn này là, mặc dù cách chế biến chỉ có một nhưng mỗi vùng miền ở Nhật Bản đều có thể tạo nên một biến thể khác của Kake Udon - Udon truyền thống. Đó là lý do vì sao khi đến Việt Nam, Udon có nhiều "phiên bản" như vậy đấy! Cùng nhà Hoa điểm sơ qua những người "anh em" trong đại gia đình Udon nhé!
Kitsune Udon
Người anh em đầu tiên của Kake Udon chính là Kitsune Udon. Đây là một loại mỳ Udon có thể ăn được theo hai kiểu nóng, lạnh và được dùng chung với tàu hủ. Có lẽ teen nào am hiểu tiếng Nhật hẳn sẽ biết Kitsune ở đây nghĩa là Cáo. Do ở Nhật, người ta thường quan niệm rằng: "Cáo thích ăn đậu hủ" nên cái tên Kitsune Udon ra đời là vì lý do đấy!
Tempura Udon
Một người anh em khác trong họ Udon là Tempura Udon. Cũng như Kitsune Udon, Tempura Udon có thể dùng được theo cả hai cách lạnh và nóng. Khi đến những quán mỳ có phục vụ Tempura Udon, bạn sẽ thấy có một bình nước súp nhỏ đi kèm với tô mì Udon khô - được rắc thêm chút hành, củ cải bào mỏng, ớt và để thêm một miếng Tempura chiên giòn siêu bự lên trên bề mặt tô mỳ. Lúc dùng, bạn chỉ cần cầm bình, chan nước dùng lên trên, nặn thêm chút chanh là tha hồ đánh chén nhé!
Tsukimi Udon
"Tsukimi" có nghĩa là Mặt Trăng. Do đó, trong tô mỳ Udon này luôn phải được ăn kèm với một "Mặt Trăng thu nhỏ". Và "Mặt Trăng thu nhỏ" ấy chính là lòng đỏ trứng gà chính giữa mỗi tô Tsukimi Udon đấy!
Địa chỉ "oanh tạc" Udon ngon mê ly, giá rẻ thần sầu:
Dành cho "mem" Sài Gòn:
1. Miya Sushi & BBQ,150/26 Nguyễn Trãi, quận 1, TP.HCM.
2. Kukai Udon, 145 Chấn Hưng, phường 6, quận Tân Bình, TP.HCM.
3. Thần Rồng Mì Nhật, 245 Trần Hưng Đạo, phường 10, quận 5, TP.HCM.
Dành cho "mem" Hà Nội:
1. UNI BBQ, 93 Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội.
2. Mizuchi Restaurant, 24 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
3. Kei - Korean Food & Coffee Style, 38A Cao Bá Quát, quận Ba Đình, Hà Nội.
Những địa chỉ ẩm thực Việt đắt khách tại nhiều quốc gia Không chỉ ghi điểm với thực khách trong nước, loạt địa chỉ ẩm thực của Việt Nam trên khắp thế giới còn được bạn bè quốc tế yêu thích. Thường xuyên xuất hiện trên những thước phim truyền hình nổi tiếng, Emời là quán phở Việt nằm tại trung tâm quận Mapo, Seoul (Hàn Quốc). Quán ăn gây ấn tượng bởi đồ dùng...