GDPT mới “đẻ” nhiều tổ hợp, gợi ý của Tổng chủ biên không khả thi
Việc cho học sinh tự lựa chọn môn học thì trường sẽ khó đáp ứng, theo nhiều hiệu trưởng cần cho học sinh lựa môn học theo định hướng của nhà trường.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được bắt đầu triển khai vào lớp 10 năm học 2022 – 2023. Áp dụng cuốn chiếu cho những năm học tiếp theo ở lớp 11 và 12.
Theo đó, nội dung bậc trung học phổ thông có nhiều các môn tự chọn đang nhận được sự quan tâm lớn. Bởi nhiều băn khoăn rằng, đối với môn tự chọn sẽ không tránh khỏi tình huống quá ít hoặc quá nhiều học sinh lựa chọn 1 môn nào đó chưa kể có thêm một số môn học mới như Âm nhạc, Mỹ thuật nhưng cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên chưa có.
Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, lãnh đạo nhiều trường trung học phổ thông cho rằng, thời điểm này cơ sở vật chất, nhân lực giáo viên theo những yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới thì chưa có, nếu giao toàn quyền lựa chọn môn học cho học sinh thì đa số các trường khó có thể đáp ứng.
Để giải quyết việc quá ít học sinh lựa chọn 1 môn học dẫn đến không đủ mở lớp thì có phương án cho rằng có thể phối hợp với các trường khác để mở lớp có môn phù hợp như gợi ý của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết – Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới: “Việc cho phép học sinh theo học một số môn ở các trường chuyên nghiệp và những trường khác trên địa bàn có môn học phù hợp cũng là một biện pháp để giải quyết tình trạng số học sinh đăng ký học một số môn học quá ít, không đủ điều kiện tổ chức lớp”.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết – Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 (ảnh: Tạp chí giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo)
Tuy nhiên theo thầy Lê Trung Hiệp – Hiệu trưởng trường trung học phổ thông Thường Tín, huyện Thường Tín, Hà Nội phương án này là không khả thi bởi khoảng cách địa lý giữa các trường là quá xa nên sẽ không có đủ thời gian cho việc di chuyển của học sinh.
Chưa kể khi học xong môn này các em còn tiết học tiếp theo, tranh thủ về trường kịp giờ sẽ không đảm bảo an toàn toàn khi tham gia giao thông. Một phương án khác có thể sắp xếp tiết học đó cho các em vào giờ cuối buổi để tránh việc các em di chuyển nhiều, nhưng giữa các trường sắp xếp thời khóa biểu cho tiết học trùng nhau là rất khó.
Theo thầy Hiệp để giải quyết những khó khăn cho các trường, trước mắt đối với các môn gọi là lựa chọn nhưng vẫn phải dựa trên tinh thần bắt buộc.
“Khi mà học sinh cứ “lao” vào chọn cùng môn sẽ dẫn đến tiết dạy của giáo viên môn đó quá tải, những môn không có học sinh lựa thì giáo viên không có việc. Nếu để cho học sinh tự lựa chọn thì gần như các trường khó có thể đáp ứng được về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên hiện có”, thầy Hiệp nhận định.
Cùng quan điểm này, Hiệu trưởng của một trường trung học phổ thông huyện Chương Mỹ cho biết, để học sinh tự lựa chọn môn học là thực sự khó.
Theo vị này: “Nên căn cứ vào số lượng giáo viên để nhà trường xây dựng tổ hợp, sau đó định hướng cho các em đăng ký, nhưng phải theo ý của nhà trường là chính. Phương án này có thể sẽ trở thành hướng đi của các cơ sở giáo dục nhằm gỡ khó trong việc điều hành”.
Cùng tâm tư này thầy Khuất Cao Bắc- Hiệu trưởng trường trung học phổ thông Phúc Thọ, huyện Phúc Thọ, Hà Nội cho biết đây là khó khăn rất lớn của các nhà trường nếu cơ sở vật chất như trường quốc tế thì các em thoải mái lựa chọn.
Để khắc phục vấn đề trước mắt là tư vấn cho các em lựa chọn đúng năng lực không a dua theo xu hướng hoặc theo bạn bè.
Video đang HOT
“Tất nhiên là quyền lựa chọn của các em vẫn là tối cao, buộc nhà trường phải tìm cách đáp ứng nguyện vọng của các em”, thầy Bắc chia sẻ.
Theo thầy Bắc để giải quyết tình trạng thiếu thừa giáo viên, trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã có dự kiến sẵn, nếu môn học nào mà học sinh không lựa chọn nhiều thì có thể chuyển sang dạy những môn chung, như môn Trải nghiệm hướng nghiệp, Giáo dục địa phương.
2 môn này thì chưa có đào tạo giáo viên bài bản chính quy, nhà trường sẽ bồi dưỡng giáo viên những môn không có học sinh lựa chọn chuyển sang dạy 2 môn này.
Đối với môn Âm nhạc, Mỹ thuật các trường trung học phổ thông ở Hà Nội thì có lợi thế vì có thể hợp đồng với các trường đại học, cao đẳng có đào tạo, các trung tâm văn hóa nghệ thuật. Tuy nhiên đối với vùng miền núi là khó thực hiện.
Chương trình mới 'đẻ' hơn 80 tổ hợp môn, các trường ở Hải Phòng chuẩn bị ra sao?
Các trường ở Hải Phòng tổ chức dạy học môn tự chọn trên cơ sở điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và định hướng giáo dục của mỗi nhà trường.
Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 sẽ được triển khai đối học sinh lớp 10 trong năm học 2022 - 2023 và áp dụng cuốn chiếu cho những năm học tiếp theo của lớp 11 và lớp 12.
Nội dung giáo dục cấp trung học phổ thông gồm 7 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc (Ngữ Văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng và an ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương).
Hai môn học tự chọn gồm: Tiếng dân tộc thiểu số và Ngoại ngữ 2.
Ngoài ra, học sinh phải chọn 5 môn trong 3 tổ hợp: Nhóm môn Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Nhóm môn Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hoá học, Sinh học); Nhóm môn Công nghệ và nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật).
Chương trình Giáo dục phổ thông mới thực hiện mục tiêu: "Phân luồng mạnh sau trung học cơ sở, Trung học phổ thông phải tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn sau phổ thông có chất lượng".
Nội dung giáo dục được xây dựng theo hướng tích hợp ở các cấp học dưới và phân hoá theo định hướng nghề nghiệp ở cấp học trên để tạo thuận lợi cho việc tổ chức hoạt động dạy học gắn với thực tiễn, qua đó phát triển năng lực học sinh.
Đến thời điểm hiện tại, các trường trung học phổ thông chỉ còn 5 tháng để hoàn thiện các công tác chuẩn bị cho việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 10 đặt ra nhiều vấn đề về tổ chức dạy học tự chọn và định hướng cho học sinh như thế nào (Ảnh: Phạm Linh)
Quá trình chuẩn bị, có nhiều câu hỏi được đặt ra như: Các trường trung học phổ thông tổ chức dạy học môn tự chọn như thế nào để vừa đáp ứng nguyện vọng của học sinh vừa phù hợp với đội ngũ nhân lực hiện có; Làm sao để học sinh có định hướng đúng về môn mà mình lựa chọn,...
Tổ chức dạy học môn tự chọn dựa vào điều kiện của mỗi nhà trường
Theo ghi nhận của phóng viên Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam tại một số trường trung học phổ thông ở Hải Phòng, các nhà trường đã có phương án tổ chức dạy học môn tự chọn phù hợp với định hướng giáo dục, điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ nhân lực hiện có.
Theo thầy Phạm Huy Bình - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trần Nguyên Hãn (quận Lê Chân, Hải Phòng), chuẩn bị đón chương trình Giáo dục phổ thông mới, nhà trường tập trung nghiên cứu kỹ chương trình tổng thể, chương trình bộ môn để lựa chọn, sắp xếp phù hợp với cấu trúc chương trình tổng thể của nhà trường trong giai đoạn 2022 - 2025.
Trong đó, đảm bảo các nguyên tắc về mục tiêu, yêu cầu phẩm chất, năng lực của chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Đồng thời, đảm bảo mục tiêu của nhà trường gồm: Tuyên ngôn sứ mệnh, giá trị cốt lõi và các cam kết đầu ra.
Về việc tổ chức dạy học tự chọn, nhà trường xây dựng trên cơ sở thời lượng, đội ngũ, cơ sở vật chất và tài chính hiện tại trường có thể đáp ứng được.
Đảm bảo độ kế thừa các nội dung đã và đang tạo giá trị, nét riêng của nhà trường. Đảm bảo yêu cầu có thời điểm giao nhau giữa việc thực hiện chương trình cũ và mới và có sự điều chỉnh cho phù hợp với kế hoạch năm học.
Theo đó, Trường Trung học phổ thông Trần Nguyên Hãn dự kiến phân phối chương trình theo từng học kỳ của 11 lớp được chia thành 6 khối tổ hợp.
Nhóm Khoa học tự nhiên có 3 sự lựa chọn: Môn bắt buộc, Lý, Hóa, Sinh, Sử, Tin, chuyên đề môn Toán, Lý, Hóa (2 lớp); Môn bắt buộc, Lý, Hóa, Sinh, Địa, Tin, chuyên đề môn Toán, Hóa, Sinh (2 lớp); Môn bắt buộc, Lý, Hóa, Sinh, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Công nghệ, chuyên đề Toán, Lý, Anh (2 lớp).
Nhóm Khoa học xã hội có 2 sự lựa chọn: Môn bắt buộc gồm Sử, Địa, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lý, Tin, chuyên đề môn Văn, Sử, Địa (2 lớp); Môn bắt buộc gồm Sử, Địa, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Hóa, Tin, chuyên đề Toán, Văn, Anh (3 lớp)
Về việc chuẩn bị cơ sở vật chất, lựa chọn Sách giáo khoa lớp 10, nhà trường đã chỉ đạo các tổ chuyên môn rà soát cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đề xuất sửa chữa, mua sắm, bảo dưỡng để đáp ứng yêu cầu của chương trình mới.
Bên cạnh đó, nhà trường nâng cấp phòng thí nghiệm Hóa học, Sinh học; đầu tư phòng học, thiết bị phục vụ cho việc học STEM.
Trường Trung học phổ thông Trần Nguyên Hãn tổ chức dạy học tổ hợp đảm bảo các nguyên tắc về mục tiêu, yêu cầu phẩm chất, năng lực của chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đồng thời đảm bảo mục tiêu giáo dục của nhà trường (Ảnh: Phạm Linh)
Ghi nhận thêm tại Trường Trung học phổ thông An Dương (huyện An Dương, Hải Phòng), bên cạnh 5 môn bắt buộc và 3 môn phân ban theo nhóm Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội, nhà trường lựa chọn các môn tự chọn thuộc nhóm Công nghệ và nghệ thuật dựa theo điều kiện đội ngũ giáo viên hiện có.
Lãnh đạo nhà trường cho biết: "Đối với nhóm môn Công nghệ và nghệ thuật, tuỳ theo điều kiện của mỗi nhà trường để lựa chọn.
Ví dụ như trường hợp có học sinh đăng ký môn nghệ thuật mà nhà trường thuê được giáo viên thì mới có điều kiện tổ chức dạy còn nếu không sẽ chọn môn có sẵn giáo viên như môn Tin, công nghệ".
Còn tại Trường Trung học phổ thông Lê Hồng Phong (quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng), theo dự kiến, tránh trường hợp học sinh lựa chọn theo ý thích chứ không có định hướng đúng, ngay từ đầu vào nhà trường sẽ có phiếu đăng ký đưa ra 2 lựa chọn cho học sinh.
Hai phương án trên được lựa chọn dựa trên cơ sở điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và định hướng giáo dục của nhà trường.
Định hướng để học sinh chọn đúng phân ban
Bên cạnh việc xây dựng kế hoạch dạy học tự chọn, các trường ở Hải Phòng chú trọng việc tuyên truyền, hướng dẫn để học sinh, phụ huynh có lựa chọn phân ban tương đồng với lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai.
Trường Trung học phổ thông Lê Hồng Phong dự kiến đưa môn Âm Nhạc vào nhà trường (Ảnh: NTCC)
Thầy Đinh Hồng Tiệp, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lê Hồng Phong cho biết: "Việc phân ban đối với lớp 10 theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 gắn liền với hướng nghiệp theo đó nhà trường có vai trò định hướng cho học sinh, phụ huynh.
Nhà trường sẽ tổ chức buổi phân tích hướng nghiệp để phụ huynh, học sinh hiểu rõ ràng nếu định hướng theo ngành nghề nào sẽ lựa chọn phân ban tương ứng.
Việc đưa ra 2 phương án để học sinh, phụ huynh lựa chọn sẽ căn cứ vào cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và định hướng phát triển của mỗi nhà trường.
Ví dụ, theo dự kiến, Trường Trung học phổ thông Lê Hồng Phong định hướng sẽ đưa môn Âm Nhạc vào nhà trường.
Theo đó, bên cạnh 5 môn chính và tổ hợp bắt buộc thuộc nhóm tự nhiên (Lý, Hoá, Sinh) hoặc xã hội (Sử, Địa, Giáo dục Kinh tế và pháp luật) học sinh của trường sẽ học thêm môn Âm Nhạc.
Đối với môn Tin học, nhà trường sẽ tích hợp vào hoạt động giáo dục Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.
Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp là môn mở giúp học sinh tìm hiểu môi trường giáo dục, xã hội, hướng phát triển xã hội và lựa chọn nghề nghiệp.
Theo đó, giáo viên môn Tin học, giáo viên môn Công nghệ (nhà trường dự kiến bỏ môn Công Nghệ) sẽ đồng hành cùng giáo viên chủ nhiệm dạy môn trên.
Nhà trường đang có ý tưởng thành lập các ban nhạc và hợp đồng với một thầy dạy Âm Nhạc để tạo nền tảng cho chương trình mới".
Giáo viên chán ngán vì module 5 bắt "nhai lại" những điều cũ kĩ Giáo viên dạy học hàng chục năm vẫn phải bồi dưỡng những nội dung cũ kĩ liên quan đến tâm lí học sinh khiến nhiều người chán ngán. Thời điểm này, ngành giáo dục nhiều địa phương trên cả nước đang tiến hành cho giáo viên bồi dưỡng thường xuyên module 5 và 9 Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Giáo viên...