Gấu trúc ‘cơm nắm tam giác’ gây sốt ở Trung Quốc
Đám đông đang đổ xô đến Cơ sở Nhân giống và Nghiên cứu Gấu trúc Thành Đô chỉ để được nhìn thấy, dù chỉ thoáng qua, Hoa Hoa – ‘công chúa gấu trúc’ của Trung Quốc.
Gấu trúc Hua Hua được ví như “ cơm nắm tam giác”. Ảnh: Weibo.
Theo mô tả của Today, gấu trúc 4 tuổi có tên He Hua (hay còn gọi là Hua Hua/Hoa Hoa) đã đánh cắp trái tim của hàng nghìn du khách ghé thăm Cơ sở Nhân giống và Nghiên cứu Gấu trúc Thành Đô (Tứ Xuyên).
People’s Daily từng đưa tin rằng du khách phải xếp hàng 3 tiếng đồng hồ để được nhìn thoáng qua cô gấu trúc trông hệt như “nắm cơm tam giác”. Cả nghìn người thậm chí xếp hàng sẵn ở cổng trước khi cơ sở mở cửa lúc 7h30 vì muốn mình sớm được gặp Hua Hua, theo Đài truyền hình Tứ Xuyên.
Hua Hua cũng “phủ sóng” khắp các nền tảng trực tuyến, thu về 14,7 tỷ lượt xem trên Weibo kể từ khi con gấu trúc ra mắt công chúng năm 2020. Chủ đề “gấu trúc khổng lồ He Hua” liên tục nhận được từ 1-3 triệu lượt xem mỗi ngày trong tháng 4 năm nay.
Sức hút của Hua Hua nằm ở thân hình “ onigiri” (chỉ món cơm nắm của người Nhật – PV). Vì chậm phát triển nên Hua Hua hoàn toàn khác biệt so với đồng loại – nhỏ, yếu và phản ứng chậm hơn. “Khi chạy, Hua Hua trông giống như cục cơm nắm khổng lồ biết di chuyển”, tờ People’s Daily báo viết.
Video đang HOT
Vòng tròn mắt đặc biệt có hình dáng giống như giọt nước đảo ngược cũng khiến Hua Hua nổi bật giữa đám đông.
Người hâm mộ “đỉnh lưu” Hua Hua đã kéo đến thăm cô gấu vào năm ngoái. Ảnh: thepaper.
Không chỉ sở hữu ngoại hình dễ thương, gấu trúc Hua Hua còn thu hút người hâm mộ bằng tính cách thoải mái, nhẹ nhàng. Bằng chứng là khi bị chú gấu khác giật thanh tre, Hua Hua không tỏ ra bối rối, ngược lại chỉ chậm rãi lột vỏ một thanh tre khác. Hua Hua thậm chí khôn ngoan hơn ở những lần “cướp giật” kế tiếp khi chọn đưa thanh tre đã lột cho bạn mình.
Video ghi lại cảnh tượng này đã lan truyền chóng mặt vào tháng 11/2023, nhận được 14.700 lượt thích tính đến hôm 19/4/2024. Nhưng trước đó, Hua Hua đã cho mọi người thấy nét tính cách khác – cố gắng bảo vệ thức ăn của mình, lém lỉnh đưa cho chú gấu kia vỏ tre thay vì cây tre đã lột sẵn.
Hua Hua là thành viên nhí trong gia đình gấu trúc nổi tiếng, có mẹ là Cheng Gong, ba là Mei Lan, anh cả Gong Zai và chị song sinh He Ye.
Các nhà khoa học Trung Quốc khám phá bí mật di truyền của gấu trúc nâu
Các nhà khoa học Trung Quốc cho biết họ đã phát hiện ra đột biến gien đằng sau loài gấu trúc màu nâu - trắng, một biến thể quý hiếm của loài động vật được coi là bảo vật quốc gia của nước này.
Qizai (Thất Tử) được tìm thấy trong tự nhiên khi còn nhỏ, là chú gấu trúc nâu duy nhất trên thế giới sống trong điều kiện nuôi nhốt. Ảnh: Weibo/CCTV
Tính đến thời điểm hiện tại, chỉ có bảy con gấu trúc nâu từng được xác định ở Trung Quốc. Con gấu trúc đầu tiên là gấu trúc cái được đặt tên là Dandan, được tìm thấy ở tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc vào năm 1985.
Kể từ đó, các nhà khoa học đã luôn suy đoán tại sao lại có sự biến đổi màu sắc như vậy, vì thông thường gấu trúc đều chỉ có hai màu trắng và đen. Một số người tin rằng đột biến di truyền có thể làm giảm sắc tố lông, nhưng cho đến nay vẫn chưa có bằng chứng nào chứng minh lý thuyết này.
Ngày 4/3 vừa qua, một nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm động vật học của Viện khoa học Trung Quốc (CAS) chia sẻ đã xác định được một đột biến gien lặn di truyền và đó có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng giảm sắc tố.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích lông, kiểu di truyền của gia đình Dandan và một con gấu trúc đực 14 tuổi được tìm thấy trong tự nhiên khi còn nhỏ tên là Qizai và hiện là gấu trúc nâu duy nhất sống trong điều kiện nuôi nhốt.
Họ đã so sánh bộ gien của chúng với bộ gien của khoảng 200 con gấu trúc đen trắng và phát hiện ra rằng cả Qizai và Dandan đều có hai bản sao đột biến gien Bace2, được di truyền từ bố và mẹ, và đây rất có thể là cơ sở di truyền cho ra biến thể màu nâu và trắng ở gấu trúc.
Các tác giả của nghiên cứu viết rằng công trình này không chỉ cung cấp cái nhìn sâu sắc về lý do tại sao những con gấu trúc này tồn tại, mà còn là tiền đề để hướng dẫn nhân giống khoa học những con gấu trúc nâu quý hiếm.
Hầu hết gấu trúc ở Trung Quốc đều đến từ tỉnh Tứ Xuyên. Và trong một thời gian dài, người ta tin rằng chúng chỉ có bộ lông với hai màu đen trắng tách biệt. Tuy nhiên, cho đến nay, tất cả gấu trúc nâu được tìm thấy lại đều ở dãy núi Tần Lĩnh, tỉnh Thiểm Tây.
Theo các nhà khoa học, những con gấu trúc màu nâu như Qizai có hộp sọ nhỏ hơn so với những con gấu trúc đen trắng. Ảnh: Trung tâm động vật học của Viện khoa học Trung Quốc
Hu Yibo, đồng tác giả của nghiên cứu và là nhà di truyền học tại Viện Động vật học, nói rằng gấu trúc Tần Lĩnh có thể đã bị tách ra khỏi gấu trúc Tứ Xuyên khoảng 300.000 năm trước. Ngoài ra, những con gấu trúc cực kỳ hiếm này cũng có hộp sọ nhỏ hơn so với những con gấu trúc đen trắng.
Cha mẹ và đàn con của Qizai đều có màu đen trắng, sở hữu một bản sao của gien đột biến và một bản sao của gien không bị đột biến. Dựa trên kiểu di truyền này, các nhà khoa học kết luận rằng gấu trúc sẽ thừa hưởng bộ lông màu nâu - trắng nếu chúng nhận được bản sao gien đột biến từ cả bố và mẹ.
Sau khi thử nghiệm gấu trúc từ cả Tứ Xuyên và Thiểm Tây, các nhà nghiên cứu phát hiện ra tất cả gấu trúc đen trắng có một bản sao gien đột biến đều được tìm thấy ở khu vực núi Tần Lĩnh, Thiểm Tây, củng cố thêm nhận định rằng gấu trúc nâu chỉ xuất hiện ở khu vực này.
Cả Qizai và Dandan (đã qua đời năm 2000) đều có biểu hiện sinh trưởng và sinh sản bình thường. Tuy nhiên, đột biến Bace2 có liên quan đến bệnh Alzheimer ở người, vì vậy có khả năng đột biến này còn có những tác động khác chưa được biết đến.
Kỳ lạ, gọi là gấu trúc nhưng di truyền không liên quan đến loài gấu trúc lớn Gấu trúc đỏ là một loài động vật có vú có nguồn gốc từ đông Himalaya và Tây Nam Trung Quốc. Đáng chú ý, loài vật này về mặt di truyền lại không liên quan đến gấu trúc. Gấu trúc đỏ, hay còn được gọi là cáo lửa (Firefox) hay Tiểu gấu trúc (Lesser Panda), có danh pháp khoa học là Ailurus fulgens,...