Gấu Bắc cực đối mặt tổn thương nặng do bàn chân dính tảng băng lớn
Gấu Bắc cực đang phải chịu những vết thương khủng khiếp trên bàn chân do tình trạng băng thay đổi ở khu vực này.
Hình ảnh tảng băng lớn bám chặt vào chân gấu Bắc cực (Ảnh: WU).
Trong một nghiên cứu mới đây, các nhà khoa học đến từ Đại học Washington phát hiện có ít nhất 2 con gấu Bắc cực đối mặt tình trạng thương tổn hiếm gặp.
Chúng bị những tảng băng to, bám chặt vào chân. Bên dưới lớp băng, lòng bàn chân của những con gấu bị cắt sâu, và chảy máu.
“Tôi chưa từng thấy điều đó trước đây. Chúng không thể chạy, thậm chí đi lại cũng khó khăn”, Kristin Laidre, nhà sinh thái học biển, cho biết.
Video đang HOT
Theo nhóm nghiên cứu, những quả cầu băng này có thể hình thành do tuyết nhão dính vào các gờ của miếng đệm chân. Chúng có tác dụng tạo độ bám để gấu Bắc cực di chuyển trên bề mặt trơn trượt.
Ban đầu, băng tuyết chỉ tích tụ trên miếng đệm chân, nhưng sau đó, chúng đóng thành lớp băng cứng, dần hình thành nên các khối băng có đường kính lên tới 30 cm.
Điều nguy hiểm là những khối băng này không chỉ bị kẹt ở chân gấu. Chúng gắn chặt vào da, khiến lớp da của gấu bị rách toạc khi chúng di chuyển. “Khi sờ vào bàn chân gấu, bạn sẽ thấy rõ rằng chúng đang chịu đau đớn khủng khiếp”, Kristin Laidre cho biết.
Nghiên cứu chỉ ra, những con gấu bị ảnh hưởng bởi quá trình “đóng băng bàn chân” chủ yếu là những con đực trưởng thành, có xu hướng di chuyển quãng đường dài hơn và nặng hơn nhiều so với con cái hoặc con non.
Trong một khảo sát với 61 cá thể thuộc quần thể gấu Bắc cực đến từ lưu vực Kane Basin, các nhà nghiên cứu phát hiện 31 con gặp tình trạng như trên.
Nguyên nhân tiềm ẩn đằng sau hiện tượng này vẫn đang được làm rõ. Tuy nhiên theo các chuyên gia, sự tích tụ băng ở chân gấu có thể là hệ quả của tình trạng nhiệt độ tăng cao, đang diễn ra ở Bắc Cực.
Theo đó, những đợt tăng nhiệt tại đây hình thành lớp tuyết nhão, bám vào chân gấu khi chúng di chuyển. Lớp này tiếp tục được bao bọc bởi một lớp băng cứng hơn, do chu kỳ đóng băng và tan rã của băng ở Bắc cực bị đảo lộn.
Biến đổi khí hậu cũng dẫn đến lượng mưa thường xuyên hơn ở Bắc Cực, tạo điều kiện thuận lợi để hình thành lớp băng nhão, do tuyết trộn lẫn vào đất, biến thành bùn.
Bên cạnh gấu Bắc cực, quần thể chó kéo xe trượt tuyết tại đây cũng gặp tình trạng tương tự. Những thợ săn ở Bắc cực cho biết họ phải thường xuyên cắt tỉa lông tại giữa các miếng đệm chân của chó để ngăn ngừa sự tích tụ băng, có thể khiến chúng chịu thương tổn lâu dài.
Bắc Cực gần như không còn băng chỉ trong 10 năm tới
Một nghiên cứu chỉ ra rằng Bắc Cực có thể sẽ phải trải qua những ngày hè gần như không có băng trong thập kỷ tới do khí thải từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch.
Theo trang The Guardian (Anh), các nhà khoa học cho biết kịch bản này sẽ biến đổi môi trường sống của gấu Bắc Cực, hải cẩu và hải mã từ "Bắc Cực trắng" thành "Bắc Cực xanh" trong những tháng mùa hè. Theo ước tính của các nhà khoa học, hiện tượng "không còn băng" xảy khi lượng băng chỉ dưới 1 triệu km2 mà trong trường hợp đó, Bắc Cực sẽ chủ yếu là nước.
Phát hiện mới được công bố trên Tạp chí Nature Reviews Earth & Environment. Nghiên cứu cho thấy ngày không có băng đầu tiên ở Bắc Cực có thể xảy ra sớm hơn 10 năm so với những dự đoán trước đây.
Nhóm nghiên cứu dự báo Bắc Cực sẽ trải qua tháng 9 không có băng liên tục từ năm 2035 đến năm 2067. Năm chính xác phụ thuộc vào tốc độ thế giới giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Vào cuối thế kỷ này, Bắc Cực có khả năng trải qua tình trạng không có băng trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 1 theo kịch bản phát thải cao, và từ tháng 8 đến tháng 10 theo kịch bản phát thải thấp.
Bà Alexandra Jahn - Phó giáo sư khoa học khí quyển và đại dương tại Đại học Colorado Boulder và là tác giả chính của nghiên cứu - cho biết: "Điều này sẽ biến Bắc Cực thành một môi trường hoàn toàn khác, từ Bắc Cực trắng xóa vào mùa hè đến Bắc Cực xanh. Vì vậy, ngay cả khi điều kiện không có băng là không thể tránh khỏi, con người vẫn cần giữ lượng khí thải ở mức thấp nhất có thể để tránh tình trạng không có băng kéo dài".
Tuy nhiên, bà cho rằng vẫn có khả năng khắc phục vấn đề này. Không giống như dải băng ở Greenland phải mất hàng nghìn năm mới hình thành, ngay cả khi toàn bộ băng ở biển Bắc Cực tan chảy, nếu sau đó con người có thể tìm ra cách đưa CO2 ra khỏi khí quyển trong tương lai để đảo ngược tình trạng nóng lên, băng biển sẽ xuất hiện trở lại trong vòng một thập kỷ.
Nếu kịch bản không băng xảy ra, không chỉ động vật hoang dã ở Bắc Cực sẽ phải chịu thiệt hại khi môi trường sống thay đổi, người dân sống ven biển cũng sẽ gặp khó khăn. Băng biển làm giảm tác động của sóng biển lên bờ biển, nghĩa là nếu băng tan, sóng sẽ mạnh hơn, lớn hơn và gây xói mòn nghiêm trọng hơn.
Cảnh báo cúm H5N1 lan rộng ngoài tự nhiên sau cái chết của gấu Bắc cực Virus cúm H5N1 đang lan rộng và ước tính đã giết chết hàng triệu con chim và hàng ngàn thú có vú ngoài tự nhiên trong đợt bùng phát bắt đầu vào năm 2021. Một con gấu Bắc cực đã chết vì cúm gia cầm khi loại virus H5N1 có khả năng lây nhiễm cao đang lan rộng khắp các vùng xa xôi...