Gary Neville đề nghị phạt MU, Man City 100 triệu euro
Cựu hậu vệ Gary Neville cho rằng các đội bóng phải bị trừng phạt khi đột ngột tuyên bố rời Super League.
“Tôi hy vọng Perez phạt tiền, thậm chí rất nhiều tiền với những đội bóng đó (các CLB tuyên bố rời Super League – PV). Ông ấy có thể ra mức phạt 100 triệu euro. Tôi hy vọng chuyện đó diễn ra. Và tôi cũng hy vọng họ sẽ tàn sát lẫn nhau”, Neville phát biểu trên Sky Sports .
Tối 18/4, Super League tuyên bố thành lập với 12 CLB là MU, Man City, Chelsea, Arsenal, Liverpool, Tottenham, Real, Barca, Atletico, Juventus, Inter Milan và AC Milan. Nhưng chỉ sau 48 giờ, giải đấu đứng trước nguy cơ sụp đổ.
Chelsea là CLB đầu tiên rút lui khỏi Super League. Sau đó, phần còn lại của Premier League thông báo rời Super League. Inter, Atletico và Milan đã xác nhận từ bỏ cuộc chơi. Đội tiếp theo nhiều khả năng là Juventus.
Neville liên tục công kích MU trong 2 ngày qua. Ảnh: Getty.
Trong bản thông báo chia tay, MU cho biết đã lắng nghe ý kiến từ cổ động viên, Chính phủ Anh và những bên liên quan.
“Tôi đã đọc điều này 3 đến 4 lần. Đây có lẽ là thứ tồi tệ nhất tôi từng được đọc”, Neville mỉa mai thông báo của MU trên trang cá nhân.
Trước đó, Neville là cái tên đầu tiên phản đối khi MU gia nhập Super League. “Tôi không phản đối chuyện hiện đại hóa bóng đá, nhưng việc đề xuất thành lập giải đấu này trong tình hình dịch bệnh là bê bối. MU và những CLB có thể đã đăng ký tham gia European Super League nên cảm thấy xấu hổ”, Neville chỉ trích.
“Những CLB góp mặt trong dự án đó phải bị trừ điểm ở mùa này. Đó hoàn toàn là trò đùa và đáng bị nguyền rủa. Tôi là CĐV 40 năm của MU. Thật sự ghê tởm cho MU và Liverpool”, cựu hậu vệ MU bức xúc.
Super League là giải đấu được sinh ra để chống Champions League. Theo kế hoạch, giải đấu gồm 15 CLB cố định và 5 đội bóng khách mời. 20 CLB chia thành 2 bảng đấu, chơi theo thể thức hiện tại của Champions League.
Chủ tịch Real Florentino Perez được bầu làm chủ tịch Super League. Trong 2 ngày qua, chỉ Perez lên tiếng phát biểu để đáp trả lời chỉ trích.
Video đang HOT
Vì sao Super League chết yểu?
Trong lần đầu tiên đẩy cán cân tiền bạc vượt lên trên giá trị thể thao, những câu lạc bộ với tham vọng cải cách bóng đá đã nhận thất bại toàn diện.
Khơi mào từ Chelsea, Man City nổ súng và chuỗi domino đổ liên hoàn từ MU, Liverpool tới Arsenal, Tottenham. Trong một đêm, Big 6 của Premier League đều rút khỏi dự án tham vọng mang tên Super League, trực tiếp khiến kế hoạch trị giá 6 tỷ USD sụp đổ.
Bất chấp tương lai sặc mùi tiền bạc, song Super League vẫn chết yểu từ trong trứng nước tại xứ sở sương mù, kéo theo cái chết chung sau đó. Điều gì đã diễn ra với kế hoạch được Florentino Perez mô tả là "cứu bóng đá"?
Super League chết chìm sau đúng 48 tiếng. Ảnh: Getty.
Giá trị của bóng đá tại Anh
Trước khi trả lời câu hỏi vì sao Super League chết yểu, chúng ta hãy thử đi tìm lý do vì sao CĐV bản địa ở Anh căm ghét giải đấu này đến vậy?
Những CĐV Liverpool treo băng tang cho đội bóng con cưng, thậm chí đốt áo ngay bên ngoài sân Anfield. CĐV Chelsea cản xe của CLB khiến trận đấu với Brighton phải lùi giờ thi đấu. CĐV MU, Arsenal hay Tottenham cũng thực hiện những hành vi với cường độ dữ dội tương tự.
Các huyền thoại, cựu danh thủ của 6 CLB Anh được thi đấu tại Super League cũng đưa ra những tuyên bố với mức độ gay gắt chưa từng thấy. Sir Alex Ferguson nghỉ hưu từ lâu cũng đã lên tiếng. Eric Cantona, David Beckham, Gary Neville, Kenny Dalglish... đều có chung quan điểm.
Những CĐV Anh căm ghét Super League vì giải đấu này hủy hoại Premier League. Ảnh: Getty.
Thậm chí, Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng lên tiếng về việc Super League "hủy hoại nền bóng đá". Với người Anh, bóng đá là môn thể thao truyền thống, hình ảnh biểu tượng cho danh dự, và đặc biệt có tính cục bộ địa phương rất mạnh.
Với CĐV Anh, mỗi trận đấu tại Premier League cuối tuần có giá trị lớn về tinh thần. Mỗi trận đấu trên sân khách là trải nghiệm về hành trình di chuyển để theo dõi và cổ vũ đội bóng con cưng của CĐV bản địa.
Các trận đấu vào lễ Giáng sinh và đầu năm mới là thói quen diễn ra hơn nửa thế kỷ với những CĐV tại đây. Họ đi theo dõi bóng đá với gia đình, bạn bè và có khoảng thời gian đáng nhớ. Tất cả trở thành nét văn hóa đặc trưng của Anh.
Nếu Super League thành lập, những trận đấu tại giải vô địch quốc gia (VĐQG) coi như mất đi ít nhất 50% giá trị. Các CLB thuộc nhóm Big Six chẳng cần nỗ lực nhiều cũng có thể dự một giải đấu cho họ 300 triệu euro tiền thưởng/mùa. Thậm chí, họ có thể bị cấm tham dự Premier League như tuyên bố của chủ tịch FIFA và UEFA. Những trải nghiệm thú vị của CĐV với bóng đá quốc nội sẽ gần như biến mất.
Phần lớn CLB tại Anh (trừ Man City) đều xuất phát từ tầng lớp lao động. Truyền thống của MU là từ công nhân đường sắt, Liverpool là thợ thuyền. Thật khó để những CĐV bản địa lớn lên với niềm tự hào đó chấp nhận đội bóng con cưng rũ bỏ tất cả để theo đuổi giải đấu với giá trị lớn nhất là tiền, thay vì thể thao.
Một lý do khác khiến Super League bị phản đối là Premier League. Với người Anh, Premier League là niềm tự hào, thậm chí hình ảnh của quốc gia. Nếu Super League thành lập với các khoản tiền thưởng kếch xù cùng gói bản quyền trình hình lên tới 3,5 tỷ USD, vị thế của Premier League sẽ bị hạ thấp.
Cựu HLV Arsenal, Arsene Wenger, tin vào luận điểm này. Năm 2018, nhà cầm quân người Pháp nhấn mạnh việc các CLB lớn tổ chức một giải đấu riêng chỉ còn là vấn đề thời gian, và tất cả làm vậy vì muốn "chống lại Premier League".
Sau khi 6 CLB Anh rút khỏi Super League, ông Wenger nhấn mạnh: "Tôi không bất ngờ về tuổi đời ngắn ngủi của Super League. Tôi chưa từng tin nó sẽ trở thành hiện thực từ ngày đầu tiên. Super League bỏ qua các nguyên tắc cơ bản về giá trị thể thao, làm vậy là giết chết các giải đấu quốc nội. Người hâm mộ sẽ không bao giờ chấp nhận điều đó".
Không chỉ người hâm mộ, chính quyền Anh cũng từ chối công nhận Super League. Ngay từ thời điểm công bố, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã hứa chính phủ "sẽ làm mọi thứ" để ngăn cản nhóm Big Six tham dự Super League.
Thủ tướng Anh Boris Johnson phản đối Super League. Ảnh: Getty.
"Super League sẽ gây tổn hại lớn tới bóng đá, và chúng tôi ủng hộ chính quyền hành động. Các CLB phải hỏi ý kiến CĐV và cộng đồng bóng đá trước khi đưa ra bất kỳ kế hoạch nào", ông Johnson nhấn mạnh.
Nếu chấp nhận Super League, nhóm Big Six sẽ tự đưa mình vào thế đối đầu CĐV ruột và chính quyền Anh. Không cần là người quá thông minh và am hiểu bóng đá để hiểu việc này quá rủi ro và mạo hiểm, dù ở chiều ngược lại họ sẽ nhận được nhiều tiền.
Việc Man City, Chelsea, MU, Liverpool, Arsenal và Tottenham đồng loạt rút khỏi Super League trong một đêm vì vậy là điều dễ hiểu.
Tương lai nào chờ đón Big Six?
Giấc mơ Super League sụp đổ khiến các CLB hàng đầu của Anh trở lại mặt đất. Họ sẽ không tự động có 300 triệu euro/mùa và sẽ phải cố gắng bình thường hóa mối quan hệ với CĐV, các đội bóng còn lại tại Premier League, những quan chức hàng đầu và cải thiện hình ảnh.
Jamie Carragher, huyền thoại của Liverpool, nhấn mạnh trên Sky Sports rằng các ông chủ của "The Kop" không còn tương lai tại CLB sau biến cố Super League.
Hình ảnh của nhóm Big Six hoen ố trong mắt chính các CĐV Anh sau Super League. Ảnh: Getty.
"Điều này sẽ không bao giờ bị lãng quên", Carragher nhấn mạnh. Ông chủ John Henry của Liverpool cách đây 2 năm vẫn còn là người hùng của "The Kop" sau chiến tích vô địch Champions League, nhưng giờ hóa kẻ thù của các CĐV chỉ vì Super League.
MU sẽ chia tay Phó chủ tịch Ed Woodward cuối mùa này, nhưng đội ngũ lãnh đạo sẽ phải tìm cách để lấy lại lòng tin từ cầu thủ. Báo chí Anh nhấn mạnh cầu thủ MU đã "hoang moang" và "bối rối" khi thấy đội bóng mình đang đầu quân dự Super League, trực tiếp khiến bản thân có thể không được tham dự EURO và World Cup.
Phản ứng từ dư luận với nhóm CLB này có thể xem là kinh hoàng và cần nhiều công sức xoa dịu. Cây bút Sam Pilger của Forbes viết như sau: "Super League sẽ được nhớ tới bởi sự hèn nhát đáng kinh ngạc. Không ông chủ nào của nhóm Big Six có đủ gan đứng trước CĐV hoặc thậm chí ống kính camera để bảo vệ dự án này. Những thằng hèn".
MU, Man City, Chelsea, Arsenal, Liverpool là những CLB đưa ra tuyên bố rút lui công khai khỏi Super League. Chỉ Arsenal gửi lời xin lỗi tới CĐV. Tottenham bày tỏ "sự tiếc nuối". MU đưa ra thông báo với 52 chữ, con số với Liverpool là 47. Man City thậm chí viết thông báo với vỏn vẹn 25 chữ. Tất cả đều không có chữ xin lỗi.
Sky Sports nhấn mạnh ảnh hưởng của cuộc nổi dậy lần nào là không thể đo đếm và không thể bỏ qua cho nhóm Big Six. Thủ tướng Boris Johnson là không (hoặc chưa?) đưa ra tuyên nào cho nhóm ly khai này.
Dẫu vậy, dù phản ứng của chính phủ Anh ra sao, rõ ràng nhóm Big Six cũng tự làm hình ảnh của mình hoen ố khi tham gia vào Super League. Đó thậm chí là canh bạc thua trắng của nhóm các CLB vốn luôn được đánh giá cao về tư duy trong không chỉ chuyên môn mà còn cả kinh tế.
MU, Liverpool, Chelsea, Arsenal, Tottenham và Man City có thể sẽ vĩnh viễn không thể lấy lại hình ảnh cũ đối với nước Anh sau biến cố khó tin mang tên Super League.
Bruno và Shaw làm thủ lĩnh lật đổ kế hoạch Super League của MU Theo nguồn tin của nhà báo Romano, Bruno và Luke Shaw đã có tiếng nói nhất định tại MU để phản đối Super League. Trước sức ép quá lớn từ dư luận trong và ngoài sân cỏ, rạng sáng 21/4, Manchester United cùng Man City, Liverpool, Arsenal, Chelsea và Tottenham đồng loạt rút khỏi Super League Theo nhà báo Fabrizio Romano, Bruno Fernandes...