Gặp tác dụng phụ của thuốc điều trị HIV có nên bỏ thuốc?
Những tiến bộ trong điều trị đã biến nhiễm HIV thành bệnh mạn tính, với thuốc điều trị ngày càng hiệu quả và ít tác dụng phụ.
Điều đó có nghĩa là các tác dụng phụ cũng có thể dễ kiểm soát được hơn.
TS. Paul Volberding, Đại học California ở San Francisco cho biết, nếu như trước đây (những năm 1990), chế độ điều trị HIV bao gồm nhiều viên thuốc và có nhiều tác dụng phụ hơn, thì ngày nay điều trị HIV thường chỉ cần uống một viên thuốc mỗi ngày. Kỳ vọng là những người bị HIV sẽ có ít hoặc không có tác dụng phụ nào từ quá trình điều trị.
Các tác dụng phụ như buồn nôn và mệt mỏi sẽ nhanh chóng biến mất khi cơ thể bạn thích nghi với thuốc điều trị HIV.
Thuốc trị HIV có thể gây ra những tác dụng phụ nào?
Khi bắt đầu điều trị HIV, bạn có thể gặp phải các tác dụng phụ nhẹ, có thể kéo dài vài tuần và sau đó sẽ hết khi cơ thể thích nghi với thuốc. Bạn có thể kiểm soát các tác dụng phụ ngắn hạn này bằng một vài bước tự chăm sóc tại nhà:
Mệt mỏi : Cố gắng sắp xếp thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn và giảm bớt các bài tập luyện gắng sức.
Buồn nôn: Ăn các bữa ăn nhỏ hơn và hạn chế đồ ăn cay. Cố gắng tránh ở gần những nơi có mùi thức ăn nặng mùi.Hãy bỏ qua các sản phẩm dưỡng thể có mùi thơm và chỉ mặc quần áo làm từ sợi tự nhiên, mềm mại như cotton và vải lanh.
Tiêu chảy : Uống nhiều nước và các loại đồ uống lành mạnh khác như nước ép trái cây hoặc nước dùng để thay thế lượng chất lỏng đã mất. Cố gắng cắt giảm các món ăn cay và tập trung vào các món ăn nhẹ.
Video đang HOT
Các tác dụng phụ tạm thời khác của việc điều trị HIV có thể bao gồm đau đầu, sốt, đau cơ và chóng mặt.
Khi gặp tác dụng phụ của thuốc điều trị HIV, người bệnh không được bỏ thuốc. Các tác dụng phụ này có khi chỉ là tạm thời, nhưng hậu quả của việc không dùng thuốc điều trị HIV sẽ nguy hiểm hơn rất nhiều.
Hãy trao đổi với bác sĩ xem có an toàn khi dùng thuốc giảm đau không kê đơn, để giảm các tác dụng phụ nhỏ này hay không.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng đôi khi các tác dụng phụ có vẻ nhẹ – như phát ban, sốt hoặc buồn nôn – có thể là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng hơn. Do đó, khi bắt đầu dùng thuốc điều trị HIV mới, hãy nhớ hỏi bác sĩ xem bạn nên đợi bao lâu để bất kỳ tác dụng phụ nào trong số này thuyên giảm, trước khi tìm kiếm sự chăm sóc y tế.
Ngoài ra, hãy lưu ý rằng bất kỳ phản ứng dị ứng nào với thuốc như: Sưng ở mặt hoặc quanh mắt, môi hoặc lưỡi… đều có thể đe dọa tính mạng và cần được chăm sóc khẩn cấp.
Hiện các nhà nghiên cứu vẫn đang nỗ lực tìm hiểu các tác dụng phụ lâu dài của việc điều trị HIV và phân biệt chúng với những thay đổi về thể chất có thể do chính loại virus này gây ra.
Lợi ích khi người nhiễm HIV tuân thủ điều trị
Đối với những người nhiễm HIV, việc tuân thủ điều trị có nghĩa là:
Bắt đầu điều trị HIV càng sớm càng tốt, ngay khi phát hiện.
Uống thuốc điều trị HIV hàng ngày và đúng theo chỉ định (còn gọi là tuân thủ dùng thuốc)
Tái khám và lĩnh thuốc đúng hẹn…
Tuân thủ điều trị là yếu tố quan trọng để duy trì sức khỏe khi mắc HIV. Uống thuốc điều trị HIV hàng ngày giúp ngăn ngừa HIV nhân lên, làm giảm nguy cơ HIV đột biến, tạo ra HIV kháng thuốc (vì việc bỏ thuốc điều trị HIV khiến HIV nhân lên, làm tăng nguy cơ kháng thuốc và thất bại trong điều trị HIV).
Việc tuân thủ kém chế độ điều trị HIV cũng cho phép HIV phá hủy hệ thống miễn dịch. Khi hệ thống miễn dịch bị tổn thương sẽ khiến cơ thể khó chống lại nhiễm trùng và một số bệnh ung thư…
Bảo đảm thuốc ARV điều trị bền vững cho bệnh nhân HIV
Thời gian qua, tình trạng thiếu thuốc điều trị ARV khiến cho người nhiễm HIV rất lo ngại bị gián đoạn điều trị.
Tại một số địa phương đã có bệnh nhân HIV nhóm (điều trị ổn định) thay vì được nhận đủ thuốc ARV sử dụng trong ba tháng thì chỉ được nhận thuốc dùng một tháng, thậm chí hai tuần.
Theo số liệu thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), tính đến thời điểm hiện tại cả nước phát hiện gần 250.000 người nhiễm HIV. Trong năm 2023, phát hiện 13.445 trường hợp HIV dương tính mới, 1.623 trường hợp tử vong. Số người nhiễm HIV biết tình trạng bệnh là 234.220 trường hợp. Về điều trị thuốc kháng HIV (ARV), hiện có 534 cơ sở y tế điều trị HIV trên toàn quốc trong đó có 513 cơ sở sử dụng thuốc do bảo hiểm y tế chi trả. Số người bệnh HIV đang điều trị bằng thuốc ARV tiếp tục tăng.
Thăm khám cho bệnh nhân HIV.
Trong số bệnh nhân đang điều trị ARV có 82% được làm xét nghiệm tải lượng HIV nhằm theo dõi hiệu quả điều trị ARV. 98,3% người bệnh điều trị ARV có tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế (dưới 1000 bản sao/mL máu). Kết quả này vượt chỉ tiêu 95% trong Chiến lược quốc gia hướng đến kết thúc AIDS vào năm 2030.
Điều trị thuốc ARV cho người nhiễm HIV cần liên tục, suốt đời và người bệnh HIV cần tuân thủ điều trị tốt. Hiệu quả điều trị thuốc ARV không chỉ làm cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người nhiễm HIV mà còn làm giảm nhiễm HIV mới, giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Người bệnh HIV điều trị thuốc ARV có tải lượng HIV dưới 200 bản sao/ml thì sẽ không làm lây truyền HIV quan quan hệ tình dục. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi đường lây truyền HIV chủ yếu hiện nay tại Việt Nam là qua quan hệ tình dục. Phụ nữ mang thai nhiễm HIV có tải lượng HIV dưới 50 bản sao/ml vào lúc chuyển dạ thì tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con giảm từ 45% xuống còn dưới 0,5%. Điều này góp phần quan trọng vào việc kết thúc bệnh dịch AIDS vào năm 2030.
Khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới năm 2023 cho rằng, khi tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế thì người nhiễm HIV gần như không làm lây truyền HIV qua quan hệ tình dục. Điều này cho thấy, việc mở rộng và duy trì điều trị ARV bảo đảm chất lượng, hiệu quả sẽ góp phần quan trọng trong việc giảm nguy cơ nhiễm HIV mới trong cộng đồng. Tuy nhiên, do khó khăn trong quá trình tự mua sắm thuốc điều trị HIV nên thời gian gần đây, một số tỉnh, thành phố lo lắng nguy cơ có thể bị gián đoạn thiếu thuốc bảo hiểm y tế. Việc này khiến nhiều bệnh nhân nhiễm HIV lo lắng bị gián đoạn thuốc sẽ nguy cơ tiến triển tình trạng bệnh.
Tìm thuốc bằng nhiều giải pháp
Trong bối cảnh mua sắm thuốc ARV điều trị cho người nhiễm HIV gặp một số khó khăn, thì việc Tổ chức Y tế thế giới, Chính phủ Australia hỗ trợ thuốc Acriptega - một loại thuốc ARV phác đồ bậc 1 ưu tiên là rất cần thiết cho công tác điều trị người bệnh HIV tại Việt Nam hiện nay.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, thời gian qua, công tác mua sắm thuốc ARV điều trị người nhiễm HIV tại Việt Nam gặp một số khó khăn. Do đó, đây là món quà rất thiết thực, là tình cảm quý báu của Tổ chức Y tế thế giới và Chính phủ Australia mang đến cho những bệnh nhân điều trị HIV tại Việt Nam.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết thêm, hiện Bộ Y tế đang quyết liệt thúc đẩy việc mua sắm thuốc ARV từ nguồn BHYT và vừa hoàn thành việc đàm phán giá thuốc ARV đợt 1. Dự kiến từ tháng 6 đến tháng 8-2024 sẽ có 14,5 triệu viên thuốc được cung cấp để điều trị cho người bệnh HIV. Số thuốc còn lại sẽ được đấu thầu tập trung cấp quốc gia, để kịp thời nối tiếp bảo đảm người nhiễm HIV đang điều trị không bị gián đoạn thuốc.
Cấp thuốc điều trị cho người nhiễm HIV .
Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS, công tác điều trị thuốc ARV cho người nhiễm HIV được triển khai tại Việt Nam đến nay đã hơn 20 năm. Trong những năm gần đây, trung bình mỗi năm có trên 10.000 người nhiễm HIV được đưa vào điều trị thuốc ARV. Từ năm 2019, Việt Nam bắt đầu chuyển giao chi phí thuốc ARV và các dịch vụ điều trị ARV do bảo hiểm y tế chi trả. Từ năm 2020, Việt Nam đã thực hiện phác đồ ARV tối ưu theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.
Thuốc Acriptega là thuốc viên kết hợp phác đồ tối ưu điều trị nhiễm HIV. Hiện nay, có khoảng 85% người bệnh đang sử dụng phác đồ tối ưu này, bao gồm cả điều trị cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV.
Phác đồ này cũng đã được bảo hiểm y tế chi trả. Điều trị thuốc ARV cho người nhiễm HIV cần liên tục, suốt đời và người bệnh HIV cần tuân thủ điều trị tốt.
Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục chiến lược mở rộng điều trị ARV trong ngày, điều trị ARV nhanh cho tất cả các trường hợp nhiễm HIV được phát hiện; đồng thời tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình mua sắm thuốc ARV, nhằm duy trì cung ứng thuốc, bảo đảm điều trị bền vững cho bệnh nhân HIV/AIDS.
Nhiều người trẻ nhiễm HIV bỏ thuốc điều trị, quan hệ tình dục không an toàn Một số người trẻ nhiễm HIV nhưng bỏ thuốc điều trị, quan hệ tình dục không có biện pháp bảo vệ, đây là điều vô cùng nguy hiểm. Ngày 19.12, thạc sĩ, bác sĩ CK.II Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm - thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) đã đưa ra cảnh báo trẻ vị thành niên, người trẻ tuổi bị...