Gấp rút chuẩn bị cho công cuộc đổi mới của ngành giáo dục
Cuối năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới, bao gồm chương trình tổng thể và chương trình cho 27 môn học. Theo lộ trình, chương trình mới sẽ được áp dụng từ năm học 2020-2021, bắt đầu với học sinh lớp một.
Giáo dục phổ thông sẽ chuyển từ truyền thụ kiến thức sang hình thành phẩm chất, năng lực cho người học. (Ảnh minh họa: PV/Vietnam)
Như vậy, ngành giáo dục và đào tạo sẽ có một năm 2019 ‘bận rộn’ để hoàn tất các khâu chuẩn bị cho chương trình mới.
Bài 1: Những điểm rất mới của giáo dục phổ thông sau năm 2019
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình cho biết, chương trình giáo dục phổ thông mới kế thừa những mặt tích cực của chương trình cũ nhưng được bổ sung rất nhiều điểm mới từ mục tiêu giáo dục đến cơ cấu hệ thống, các môn học, thời lượng học…
Thay đổi định hướng giáo dục
Theo các chuyên gia, chương trình giáo dục phổ thông hiện hành được xây dựng theo định hướng nội dung, nặng về truyền thụ kiến thức, chưa chú trọng giúp học sinh vận dụng kiến thức học được vào thực tiễn. Theo mô hình này, kiến thức vừa là “chất liệu”, “đầu vào” vừa là “kết quả”, “đầu ra” của quá trình giáo dục. Vì vậy, học sinh phải học và ghi nhớ rất nhiều nhưng khả năng vận dụng vào đời sống rất hạn chế.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho hay, chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng theo định hướng hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực người học. Giáo dục không phải để truyền thụ kiến thức mà nhằm giúp học sinh có năng lực hoàn thành các công việc, giải quyết các vấn đề trong học tập và đời sống nhờ vận dụng hiệu quả và sáng tạo những kiến thức đã học. Những phẩm chất, năng lực này được xác định cụ thể. Đây cũng là lần đầu tiên ngành giáo dục đưa ra được mô hình “sản phẩm” tương lai của mình, với các tiêu chí rõ ràng.
Lần đầu tiên chương trình giáo dục phổ thông có một tổng chủ biên tổng thể. Người được giao trọng trách này là giáo sư Nguyễn Minh Thuyết. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam )
Cụ thể, theo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, giáo dục sẽ hình thành và phát triển cho học sinh 5 phẩm chất chủ yếu với 10 năng lực cốt lõi. Các phẩm chất chủ yếu gồm: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm.
Năng lực cốt lõi gồm ba năng lực chung và 7 năng lực chuyên môn. Các năng lực chung là tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo. Những năng lực này sẽ được tất cả các môn học và hoạt động giáo dục góp phần hình thành, phát triển.
Các năng lực chuyên môn gồm năng lực ngôn ngữ, năng lực tính toán, năng lực tìm hiểu tự nhiên và xã hội, năng lực công nghệ, năng lực tin học, năng lực thẩm mỹ, năng lực thể chất. Các năng lực chuyên môn này được hình thành, phát triển chủ yếu thông qua một số môn học và hoạt động giáo dục nhất định.
Các năng lực, phẩm chất này đều được cụ thể hóa bằng những biểu hiện cụ thể mà học sinh cần đạt được ở từng cấp học.
Các yêu cầu cần đạt về phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi là căn cứ để xây dựng chương trình môn học và hoạt động giáo dục, biên soạn sách giáo khoa và tài liệu hướng dẫn dạy học, đánh giá kết quả giáo dục học sinh và chất lượng giáo dục phổ thông.
Để đảm bảo tính hệ thống, xuyên suốt của mục tiêu này, cách xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông lần này cũng được thực hiện theo cách hoàn toàn mới: lần đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng chương trình giáo dục tổng thể, có một tổng chủ biên chung cho toàn chương trình, sau đó mới xây dựng đến chương trình cho từng môn, ở từng cấp, từng lớp học.
Phương pháp giảng dạy sẽ được thay đổi, với vai trò chủ động thuộc về học sinh. (Ảnh: PV/Vietnam )
Video đang HOT
Loại bỏ yếu tố hàn lâm
Với định hướng mục tiêu mới, giáo dục phổ thông sẽ thay đổi toàn diện, từ cơ cấu hệ thống đến nội dung, phương pháp giáo dục. Điều này được thể hiện nhất quán ở cơ cấu hệ thống, nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả trong chương trình giáo dục phổ thông mới.
Về cơ cấu hệ thống, giáo dục phổ thông sẽ được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn giáo dục cơ bản dừng ở lớp 9 thay vì đến lớp 12 như hiện nay. Ba năm trung học phổ thông chuyển thành giai đoạn định hướng nghề nghiệp với nhiều đổi mới so với chương trình hiện tại.
Theo đó, bậc học này chỉ còn 5 môn học bắt buộc thay (hiện nay số môn bắt buộc là 13) và có thêm các môn tự chọn. Các môn học bắt buộc gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh. Những môn tự chọn nhằm giúp học sinh định hướng nghề nghiệp, với ba nhóm: khoa học xã hội gồm môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật; khoa học tự nhiên gồm môn Vật lý, Hóa học, Sinh học; công nghệ và nghệ thuật gồm môn Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật.
Về nội dung, chương trình giáo dục được kết nối trên một tổng thể chung nên sẽ không còn hiện tượng trùng lặp, chồng chéo. Với mục tiêu giáo dục phải ứng dụng được vào thực tế nên các nội dung hàn lâm chưa cần thiết sẽ bị loại bỏ, những môn học mới xuất hiện như Hoạt động trải nghiệm ở cả ba cấp học, môn tin học và công nghệ ở tiểu học, môn âm nhạc và mỹ thuật ở trung học phổ thông…
Nội dung giáo dục mang tính mở, linh hoạt với các chương trình giáo dục tự chọn, giáo dục tích hợp, chương trình giáo dục của địa phương. Thậm chí nhà trường, giáo viên và cả học sinh đều có thể chủ động lựa chọn tư liệu học tập phù hợp. Thay vì chỉ có một bộ sách giáo khoa duy nhất như hiện nay, chương trình mới cho phép các tổ chức, cá nhân tham gia viết để có nhiều sách giáo khoa để học sinh, giáo viên lựa chọn.
Phương pháp giáo dục sẽ không còn lối dạy truyền thụ kiến thức một chiều, thầy giảng trò nghe, thầy đọc trò chép như truyền thống. Theo chương trình mới, giáo viên chỉ là người khơi gợi, hướng dẫn để học sinh tự khám phá ra ý nghĩa bài học. Giáo viên phải tổ chức, động viên học sinh hoạt động, trao đổi nhóm, nói lên ý nghĩ của mình. Giáo dục chú trọng thực hành, vận dụng kiến thức để giải quyết vấn đề trong học tập và đời sống. Thông qua các phương pháp, hình thức tổ chức giáo dục phát huy tính chủ động và tiềm năng của mỗi học sinh.
Việc đánh giá cũng không cào bằng với các tiêu chí chung như hiện nay mà hướng tới cá nhân hóa theo năng lực của từng học sinh.
Với rất nhiều những thay đổi, Chương trình giáo dục phổ thông mới được kỳ vọng sẽ khắc phục được hạn chế của giáo dục hiện hành là quá tải, nặng nề và sẽ đáp ứng được yêu cầu về đào tạo con người Việt Nam tự chủ, năng động, sáng tạo, hội nhập…/.
Theo vietnamplus
Những điều thú vị có thể bạn chưa biết về giáo dục tại một số quốc gia (P2)
Hãy cùng tham khảo bài viết để khám phá những bất ngờ thú vị về trải nghiệm của học sinh khắp nơi trên thế giới.
Trong thời đại ngày nay, tầm quan trọng của ngành giáo dục đối với mỗi quốc gia càng được nhận thức rõ ràng hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên, trải nghiệm đến trường của học sinh các quốc gia trên thế giới không phải lúc nào cũng giống nhau. Có những trải nghiệm tưởng chừng như vô cùng kỳ lạ với chúng ta lại là những điều hết sức bình thường tại một quốc gia khác.
Học sinh Hàn Quốc có thể ở trường tới 16 giờ/ngày
Tại Hàn Quốc, một ngày học tập tại trường thường kéo dài từ 8h sáng tới 16h (4 giờ chiều). Đây là khoảng thời gian khá dài so với nhiều quốc gia khác. Đặc biệt hơn, nhiều học sinh xứ sở kim chi còn tham gia các lớp học vào buổi tối (từ 6h chiều tới 9h tối) để luyện tập tăng cường.
Một số ngôi trường tại Nhật Bản áp dụng đồng phục unisex
Một xu hướng gần đây với phong cách đồng phục tại các trường học ở Nhật Bản là unisex (trung tính, thích hợp với cả nam sinh và nữ sinh). Trong tương lai, chính phủ Nhật Bản định hướng mở rộng loại đồng phục này trên nhiều ngôi trường hơn.
Những ngôi trường lênh đênh trên sông nước ở Bangladesh
Khoảng 70% diện tích đất đai của Bangladesh chỉ cao trên mực nước biển chưa tới 1m. Do đó, rất nhiều học sinh phải học tập trên những lớp học trên thuyền khi trường học của các em bị ngập lụt. Những ngôi trường "nổi" này thường sử dụng năng lượng từ những tấm pin mặt trời.
Học sinh tại Hà Lan bắt đầu đi học vào ngày sinh nhật 4 tuổi
Tại Hà Lan, học sinh bắt đầu đi học vào ngày sinh nhật 4 tuổi. Ý nghĩa của quy định này nhằm đảm bảo các em có cùng mức độ phát triển về trí tuệ với các bạn cùng lớp khi bắt đầu đi học.
Học sinh tại một số quốc gia châu Đại dương có thể... đi chân đất khi ở trường
Tại một số quốc gia như Australia hoặc New Zealand, học sinh được cho phép không mang giày khi đang ở trường. Theo quy định, các em phải mang giày khi tới và rời trường, nhưng không cần thiết phải đi chúng trong thời gian trên lớp. Tất nhiên, quy định này có thể thay đổi linh động tùy thuộc vào điều kiện thời tiết.
Ngôi trường tại Scotland nơi đồng phục cho nam sinh bao gồm váy truyền thống
Trên toàn thế giới, hình ảnh các nữ sinh mặc váy đồng phục đã trở nên vô cùng phổ biến. Tuy nhiên, tại ngôi trường James Gillespie, những chiếc váy truyền thống của người Scotland (kilt) đã trở thành đồng phục cho các nam sinh. Điều thú vị là các học sinh nam cũng cảm thấy vô cùng thích thú với ý tưởng này.
Tại Tokyo, học sinh có thể được yêu cầu mang trang phục bảo vệ đầu khi đi bộ tới trường
Tại rất nhiều nơi trên thế giới, học sinh đi bộ tới trường là việc thường thấy. Tại Tokyo (Nhật Bản), sau khi chịu ảnh hưởng bởi sóng thần và động đất, chính quyền nơi đây đã yêu cầu học sinh mang trang phục bảo vệ đầu khi đi tới trường và về nhà.
1001 cách tới trường của học sinh Ấn Độ
Phương tiện tới trường của học sinh trên thế giới cũng rất... muôn hình vạn trạng. Học sinh tại Ấn Độ tới trường bằng đủ các phương tiện như xe ngựa, xe bò, rickshaw, xe đạp, phương tiện công cộng, xe bus trường học cũng như rất nhiều cách thức khác.
Ngôi trường có hình dạng chú mèo khổng lồ tại Đức
Tại Đức, có một ngôi trường có hình dạng một chú mèo trắng khổng lồ. Tại trường mẫu giáo Wolfartsweier này, các em nhỏ sẽ đi qua cổng vào là... miệng chú mèo, học tập và vui chơi tại... bụng chú và cuối cùng, ra về qua đằng... chiếc đuôi.
Tại Nga, ngày khai giảng là một ngày hội lớn
Ngày khai giảng hàng năm được gọi là Ngày Tri thức tại Nga và là một sự kiện trọng đại. Ngày khai giảng thường được tổ chức vào ngày 1/9 cho dù có trùng với dịp cuối tuần hoặc một ngày lễ nào khác. Các sảnh đường nơi tổ chức buổi lễ sẽ tràn ngập âm nhạc, thơ ca và những bài phát biểu đầy cảm hứng. Các cô bé sẽ mang theo những dải ruy băng. Học sinh sẽ tặng hoa cho các thầy cô giáo. Những vận động viên đoạt giải trong các kỳ thi Olympic thế giới của Nga cũng thường tới tham dự lễ khai giảng tại các nhà trường.
Học sinh mầm non ở một số quốc gia được học tập hoàn toàn ở ngoài trời
Những trường mẫu giáo nằm trong những cánh rừng cho phép các em nhỏ được học tập trong môi trường gần gũi với thiên nhiên. Những trường học như thế này có ở nhiều nơi trên thế giới như Anh, Mỹ, Cộng hòa Czech.
Học sinh tại Bắc Cực phải đi trực thăng tới trường
Trực thăng sẽ đón các em học sinh tại Bắc Cực tới trường. Các em sẽ ở lại trường trong khoảng 9 tháng trước khi lại được trực thăng chở về nhà.
Ngôi trường không có điểm số, thi cử, bài về nhà tại Mỹ
Rất nhiều học sinh ở nhiều nơi trên thế giới đã quen với áp lực thi cử, kiểm tra, điểm số và bài về nhà. Tuy nhiên, Brooklyn Free School tại Mỹ có lẽ là ngôi trường mơ ước với mọi học sinh khi không có tất cả những điều trên. Các lớp học cũng được thiết kế theo phương châm tự chọn, không bắt buộc. Học sinh còn được tham gia vào ban lãnh đao của nhà trường. Tiếng nói của các em được tôn trọng ngang bằng với của các thầy cô. Bạn đừng lầm tưởng đây chỉ là một trường mẫu giáo hay học cho... vui, vì cũng có những học sinh trong độ tuổi 18 tham gia học tập tại trường.
Ngôi trường không có lớp học tại Đan Mạch
restad Gymnasium là ngôi trường không có lớp học tại Đan Mạch. Thay vào đó, học sinh có thể học tập tại các khu vực dành cho cá nhân, nhóm và các khu vực hội thảo. Nhà trường cũng có những lớp học thực tế ảo nơi học sinh được giảng dạy hoàn toàn bởi máy tính và ipad.
Minh Hương
Theo Bright Side
Thưởng Tết giáo viên hàng chục triệu đồng: "Dao hai lưỡi"? Việc giáo viên ở TPHCM có thể nhận tiền thưởng Tết lên đến hàng chục triệu đồng khiến một số người đặt câu hỏi: Tiền từ đâu? Theo một nhà quản lý, việc "tiết kiệm" từ nguồn đầu tư ngân sách để chia là "con dao hai lưỡi". Chia hàng chục triệu đồng: Tiền từ đâu? Các năm qua, nhiều trường học ở...