Gặp nam sinh từng đỗ 4 trường chuyên tại Hà Nội: Sau 1 năm thành tích vẫn giữ vững nhờ bí kíp này
Tuy không dành quá nhiều thời gian để học tập nhưng Việt Anh vẫn đạt được thành tích đáng nể nhờ áp dụng những phương pháp thông minh, khoa học.
Kỳ thi tuyển sinh THPT là dấu mốc đáng nhớ, có ý nghĩa đặc biệt đối với cuộc đời mỗi học sinh. Đây là dịp để các em thể hiện năng lực bản thân, nỗ lực chinh phục mục tiêu đã đặt ra. Tuy nhiên, dù thành hay bại thì đó cũng chỉ là chặng đường nhỏ trong hành trình dài đang bước tiếp, vì thế các em luôn cần giữ lạc quan, tự tin, dũng cảm đối mặt với khó khăn.
Năm 2021, em Lê Việt Anh từng nổi tiếng vì trúng tuyển vào 4 ngôi trường chuyên danh giá tại Hà Nội. Mọi người ưu ái gọi Việt Anh với biệt danh “con nhà người ta” bởi em có thành tích quá xuất sắc. Sau khi biết điểm thi, Việt Anh quyết định theo học tại trường THPT Chuyên Sư Phạm và hiện tại em đang là học sinh lớp 11.
Một năm đã trôi qua, Việt Anh vẫn giữ vững phong độ học tập. Nam sinh này đã có những chia sẻ về bí kíp học tập của mình.
Một số thành tích nổi bật mà nam sinh Lê Việt Anh đạt được:
- Trúng tuyển trong kỳ thi THPT: chuyên Anh trường THPT chuyên Ngoại Ngữ, chuyên Anh trường THPT chuyên Sư Phạm, chuyên Văn trường THPT Chu Văn An, chuyên Văn trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn, hệ chất lượng cao trường THPT Chu Văn An.
- Thủ khoa kì thi thử nghiệm tuyển sinh THPT Chuyên Ngoại Ngữ năm 2020.
- 07 học kì đạt học bổng của trường THCS Ngô Sĩ Liên.
- Đạt trung bình môn cả năm cao nhất khối trong 4 năm THCS.
- IELTS Reading 8.5, Listening 8.5, Writing 7.0.
- Đại sứ tập sự ULIS 2022, đại sứ truyền thông Dash for Impact, Global Citizens Summer Camp (AIESEC).
- Diễn giả workshop Petrichor, Unboxing Day 2021.
- Giám khảo cuộc thi Sankofa, GreenMe, Forenede.
…
Chân dung nam sinh Lê Việt Anh.
- Được biết trong kỳ thi vào THPT, em đã xuất sắc trúng tuyển vào 4 ngôi trường chuyên, vậy cảm xúc của em khi đó như thế nào?
Trong suốt 10 ngày sau khi kết thúc bài thi cuối cùng, em rất lo lắng vì dù làm bài tương đối tốt nhưng vẫn chưa thực sự xuất sắc so với các bạn khác, trong khi đó nguyện vọng em đặt ra đều là những trường top đầu.
Ngay khi nhận kết quả đầu tiên là đỗ vào trường THPT chuyên Ngoại Ngữ và trường THPT chuyên Sư Phạm, em đã vô cùng sung sướng và hạnh phúc vì nỗ lực của bản thân đã được đền đáp xứng đáng. Sau đó, em càng bất ngờ khi nhận được thông báo đỗ vào chuyên Văn của trường THPT Chu Văn An và trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn dù trước đó không hề tham gia các lớp ôn thi chuyên.
Việc trúng tuyển vào 4 ngôi trường chuyên khiến em vỡ òa trong hạnh phúc nhưng cũng thoáng chút lo lắng bởi chặng đường chinh phục học vấn phía trước còn dài và gian nan. Em phải cố gắng nhiều hơn nữa để thực hiện ước mơ của mình.
- Đến thời điểm hiện tại, kết quả học tập của em còn giữ ổn định? Có quãng thời gian nào em “ngủ quên trên chiến thắng” không?
Video đang HOT
Đến thời điểm hiện tại, kết quả học tập của em vẫn giữ ổn định như trước. Em luôn tự nhủ với bản thân rằng không được “ngủ quên trên chiến thắng” vì mỗi điều đạt được trên con đường học tập chỉ là cột mốc đánh dấu hành trình tiến bộ, chứ không thể coi là “chiến thắng”.
Mỗi người có một năng lực và tốc độ phát triển riêng, thành công của người này có thể đến muộn hơn người kia do nhiều yếu tố. Tri thức là vô hạn, hạnh phúc và thành công là kết quả của quá trình tích lũy và hoàn thiện không ngừng về nhiều mặt. Vậy nên em luôn nhận thức được bản thân cần phải học tập và trau dồi nhiều hơn nữa.
- Đâu là những phương pháp học tập hiệu quả mà em đã áp dụng?
Đối với em, phương pháp học tập hiệu quả nhất là tự lập ra lộ trình phù hợp nhất với bản thân và không ngừng đặt câu hỏi cho những vấn đề mình chưa hiểu kỹ.
Ngoài tham gia các lớp học, mỗi người có một định hướng riêng, năng lực riêng. Do đó, em đã lập ra cho mình một bản kế hoạch cụ thể gồm: Nội dung học, nguồn học, mục tiêu học tập, những sự chuẩn bị khác nếu có, cách phân bổ thời gian,… Bên cạnh đó, khi có khúc mắc về bất kỳ điều gì, em sẽ hỏi thầy cô và bạn bè. Bởi nếu không hỏi thì em sẽ bị bỏ lại phía sau.
Không chỉ tiếp thu kiến thức trên lớp, em luôn tìm tòi các video trên YouTube để học thêm những điều thú vị, mở rộng vốn hiểu biết một cách trực quan, sinh động.
Dưới đây là checklist của Việt Anh trước mỗi kỳ kiểm tra:
- Giữ gìn sức khỏe, đi ngủ đúng giờ, không thức khuya để đảm bảo tâm thế tỉnh táo, nhạy bén nhất trong phòng thi.
- Hạn chế nhồi nhét những dạng bài quá khả năng. Thay vào đó, chúng ta nên rà soát và ôn tập lại những dạng bài trong khả năng mà có thể mình đã quên.
- Hệ thống kiến thức theo chủ đề để dễ dàng ôn tập, tránh việc ôn tập tràn lan, không có định hướng rõ ràng.
- Chuẩn bị thật kĩ đồ dùng (các loại bút, thước, tẩy, nước uống, đồng hồ và phiếu báo dự thi).
- Giữ tinh thần tự tin, không nên quá áp lực, lo lắng vì những cảm xúc tiêu cực sẽ ảnh hưởng xấu tới kết quả bài làm. Chúng ta nên giữ tâm thế thoải mái nhất khi bước vào phòng thi, phát huy sự cẩn thận đối với những câu hỏi quen thuộc và sự nhạy bén đối với những câu hỏi “lạ”.
- Tính toán và cân đối thời gian làm bài một cách hợp lí, tránh việc thiếu thời gian, không kịp hoàn thành bài thi.
- Kiểm tra lại bài thật cẩn thận và kỹ càng, làm đến đâu chắc đến đó, kể cả đối với những câu hỏi cơ bản nhất.
- Không nên quá áp lực trước tỉ lệ chọi.
- Khi ở nhà luyện đề, chúng ta nên tách biệt bản thân hoàn toàn khỏi sách vở để làm quen với việc huy động lại kiến thức một cách chủ động, tránh tình trạng kiến thức bị “đóng băng” khi vào phòng thi.
- Đối với các đề bài quen thuộc, chúng ta không nên vội vàng làm ngay mà phải suy nghĩ kỹ vì rất có thể giữa đề bài mình biết và đề thi có những điểm khác biệt nhỏ khiến mình bị trừ điểm một cách đáng tiếc.
- Tô đúng mã đề, không bỏ sót câu hỏi, kiểm tra kỹ họ tên và số báo danh trên tờ phiếu trả lời.
- Luôn tham khảo đề thi, điểm chuẩn các năm trước và đặt mục tiêu về điểm số phù hợp. Đồng thời ôn tập lại tất cả những dạng bài, mảng kiến thức trong khả năng để có thể đạt điểm tối đa với những câu hỏi trong tầm với.
- Theo sát những mốc thời gian tuyển sinh (Tra cứu SBD, phòng thi, ngày thi, giờ thi, ngày công bố điểm, thời hạn phúc khảo,…).
- Đạt được thành tựu đáng tự hào như trên, chắc hẳn em dành nhiều thời gian học tập mỗi ngày?
Em thường dành khoảng 2 giờ/ngày để làm bài tập về nhà. Em không học thêm nhiều, vì vậy lượng bài tập phải giải quyết không quá lớn. Theo em, tự học mới là điều trên hết, là yếu tố quyết định sự thành công. Vì thế, em thường dành nhiều thời gian để đọc tài liệu, tự luyện tập các dạng đề và học qua các video trên YouTube.
Trong hè vừa rồi, em có học thêm tiếng Trung và đã học hết trình độ HSK 3. Em mong muốn trong thời gian tới sẽ có thời gian tiếp tục học tiếng Trung.
GIA ĐÌNH LÀ ĐIỂM TỰA VỮNG CHẮC ĐỂ CHẮP CÁNH NHỮNG ƯỚC MƠ
- Trong hành trình chinh phục học thuật, đâu là giai đoạn em cảm thấy áp lực, mệt mỏi và cách giải quyết của em như thế nào?
Có lẽ quãng thời gian em đối mặt với áp lực, mệt mỏi nhiều nhất là trong quá trình ôn thi vào lớp 10. Mỗi khi thấy bạn bè đạt điểm cao hơn trong những bài kiểm tra có tính phân hóa cao, em cảm thấy choáng ngợp trước khối lượng kiến thức lớn mà em sẽ phải học để theo kịp. Mỗi lần trả điểm thi thử, em cũng rất hồi hộp và lo lắng không biết với mức điểm đó, mình có thể vào được ngôi trường mong muốn không.
Em nghĩ, đó đều là những áp lực mà ai cũng phải trải qua. Vì vậy, em đã cố gắng luôn lạc quan và tiếp tục cố gắng. Lời khuyên của em dành cho các bạn là mình không nên vì lần vấp ngã nào đó mà buồn chán quá lâu, vì trước mắt vẫn còn cả chặng đường cần sự kiên trì.
- Trước những khó khăn như vậy, đâu là người đã luôn bên cạnh động viên để giúp em có thể vượt qua?
Đối với em, điều may mắn lớn nhất là em được sống trong một gia đình ngập tràn tình yêu thương. Bố mẹ em không gây áp lực về điểm số, về đỗ trường nào mà luôn để em tự quyết định những mục tiêu, đích đến của mình. Gia đình chính là điểm tựa vững chắc giúp em chắp cánh những ước mơ.
Thật ra, người tạo ra áp lực lại là chính bản thân em bởi em thường bị “peer pressure” (áp lực đồng trang lứa) nhưng đó cũng là một nguồn động lực rất lớn để em cố gắng mỗi ngày.
Mục tiêu xuyên suốt ban đầu của em là đỗ hệ công lập của THPT Chu Văn An – ngôi trường có điểm chuẩn luôn ở mức cao nhất Hà Nội. Vì thế, em luôn cố gắng vượt qua giới hạn của mình để đạt mức điểm cao nhất trong khả năng. Em sống trong môi trường khá khép kín nên không có nhiều cơ hội giao lưu nhưng em may mắn kết bạn được với nhiều anh chị đã đỗ chuyên để hỏi kinh nghiệm và chiến thuật.
Các anh chị ấy chia sẻ rất tận tình về tài liệu học, phương pháp học, định hướng,… Khi vào cấp 3, em vẫn tiếp tục hỏi các anh chị “bí kíp” vì em cảm thấy “mentor” (người cố vấn) tuyệt vời nhất là những người đã thành công trên con đường mà em chuẩn bị bước đến.
Việt Anh chia sẻ bố mẹ em đều là người tâm lý, không bao giờ khiến em rơi vào áp lực.
- Ngoài học tập, em có tham gia hoạt động ngoại khóa không để trau dồi những kỹ năng mềm?
Trong năm vừa qua, em tham gia khá nhiều hoạt động ngoại khóa với các vai trò, vị trí khác nhau. Những hoạt động này giúp em khám phá bản thân, hiểu hơn những điểm mạnh, điểm yếu để có thể lựa chọn nghề nghiệp một cách đúng đắn.
Đối với em, kỷ niệm đáng nhớ nhất là những buổi luyện tập cho Workshop Petrichor (năm 2021). Khi ấy, em mới vào dự án và còn bỡ ngỡ với mọi hoạt động. Trong những buổi sơ duyệt, tổng duyệt, em rất lo lắng khi đảm nhận vị trí “Diễn giả phòng Định hướng Chuyên” bởi đây là lần đầu tiên em là người trình bày chính ở một sự kiện.
Nhưng nhờ sự chỉ dẫn, góp ý chân thành, thẳng thắn từ các anh chị, em đã tự tin hơn nhiều và quyết tâm thay đổi bản thân để nhanh chóng thích nghi với vai trò mới. Và lần “debut” đó khá thành công với lượng tương tác lớn từ các em học sinh. Sự kiện là nền tảng nâng bước em trong suốt hành trình làm việc tại dự án, giúp em tự tin, an tâm cố gắng mỗi khi gặp những thử thách mới.
- Trong tương lai, em có những dự định gì cho bản thân?
Em dự định học ngành Kinh tế. Để chạm tới ước mơ, em đang không ngừng trau dồi kiến thức về Ngoại ngữ, Toán, Ngữ văn cũng như các kỹ năng mềm.
- Đâu là câu nói truyền động lực để em nỗ lực phấn đấu mỗi ngày?
Life is like riding a bicycle. To keep your balance, you must keep moving (Tạm dịch là: Cuộc sống giống như việc đi xe đạp. Để giữ thăng bằng, bạn phải liên tục chuyển động).
Trường chuyên đầu tiên ở Hà Nội công bố cấu trúc đề thi vào lớp 10 năm 2023
Trường THPT Chuyên ngoại ngữ (Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội) vừa công bố cấu trúc đề thi vào lớp 10 năm 2023 gồm 3 môn.
Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội đã ban hành cấu trúc đề thi tuyển sinh vào lớp 10 của trường THPT chuyên Ngoại ngữ năm 2023. Đến thời điểm này, đây là trường chuyên đầu tiên ở Hà Nội công bố cấu trúc đề thi tuyển sinh.
Việc công bố cấu trúc đề thi đã được nhà trường thực hiện đều đặn hằng năm để thí sinh, phụ huynh có thời gian ôn tập.
Theo đó, kỳ thi vào lớp 10 Trường Trung học phổ thông chuyên Ngoại ngữ năm học 2023-2024 gồm 3 bài đánh giá: đánh giá năng lực Ngoại ngữ; đánh giá năng lực Toán và Khoa học Tự nhiên; đánh giá năng lực Văn và Khoa học Xã hội.
Bài đánh giá năng lực Ngoại ngữ (thí sinh lựa chọn tiếng Anh hoặc các ngoại ngữ khác) gồm 60 câu hỏi trắc nghiệm và 1 câu hỏi tự luận. Đánh giá năng lực Toán và Khoa học Tự nhiên có 35 câu hỏi trắc nghiệm. Đánh giá năng lực Văn và Khoa học Xã hội gồm với 20 câu hỏi trắc nghiệm và 2 câu hỏi tự luận.
Không khác biệt so với năm 2022, cấu trúc đề thi trong năm 2023 gồm ba môn thi được chấm theo thang điểm 10:
Năm nay, cấu trúc đề thi gồm ba môn. Môn thi 1 (đánh giá năng lực ngoại ngữ) có hai phần, làm trong 90 phút, gồm 60 câu hỏi trắc nghiệm và một câu hỏi tự luận. Môn thi 1 có thể là tiếng Anh hoặc ngoại ngữ khác.
Môn thi 2 (đánh giá năng lực Toán và Khoa học Tự nhiên) có 35 câu hỏi trắc nghiệm, thời gian làm bài là 55 phút.
Môn thi 3 (đánh giá năng lực Văn và Khoa học Xã hội) gồm hai phần, với 20 câu hỏi trắc nghiệm và hai câu hỏi tự luận, làm trong 55 phút. Các môn thi được chấm theo thang điểm 10.
Cấu trúc đề thi này sẽ là căn cứ để Hội đồng tuyển sinh và Ban đề thi xây dựng đề tuyển sinh vào lớp 10 THPT Chuyên Ngoại ngữ từ năm tới.
Cấu trúc đề thi vào lớp 10 chuyên THPT Chuyên ngoại ngữ.
Năm 2022, điểm chuẩn vào 7 lớp chuyên của THPT chuyên Ngoại ngữ dao động từ 24 đến 32,35; cao nhất là hệ chuyên có học bổng tiếng Pháp 32,35 điểm.
Cụ thể kỳ tuyển sinh lớp 10 năm 2022, tỷ lệ chọi vào lớp 10 của trường THPT chuyên Ngoại ngữ dao động 1/7,8- 1/15,2, trong đó lớp chuyên tiếng Pháp cao nhất.
Xét theo từng lớp chuyên, tiếng Anh áp đảo với 2.012 thí sinh đăng ký. Dù vậy, với chỉ tiêu hệ chuyên 195, tỷ lệ chọi của lớp Anh là 1/10,3 - không cao nhất trong các lớp chuyên.
Trong khi đó, lớp tiếng Pháp nhận được 379 hồ sơ nhưng chỉ tuyển 25 học sinh. Do đó, tỷ lệ chọi lên tới 1/15,2, tức trong 15 học sinh, chỉ một em được chọn.
Tiếng Hàn và Trung cũng là hai lớp có tỷ lệ chọi trên 10, các lớp tiếng Đức, Nhật, Nga dao động 9,8-7,8.
Năm 2021, mức cạnh tranh vào trường THPT chuyên Ngoại ngữ thấp hơn, dao động 1/8,2-1/13,9, trong đó lớp chuyên tiếng Nga cao nhất.
Dự kiến năm nay, trường Chuyên Ngoại ngữ tuyển 500 học sinh tại 7 lớp, trong đó chỉ tiêu dành cho hệ chuyên có học bổng là 36, hệ chuyên là 344 và hệ không chuyên 120. Tiếng Anh là lớp duy nhất tuyển sinh hệ không chuyên, cũng là lớp có tổng chỉ tiêu cao nhất - 315.
Tiếng Nga tuyển ít nhất, chỉ 15 học sinh, Tiếng Pháp và tiếng Hàn cùng có chỉ tiêu 25, các lớp còn lại 40.
Người bạn đồng hành cùng sĩ tử thi vào 10 Nhóm học sinh các trường THPT chuyên tại Hà Nội đã xây dựng dự án cộng đồng chia sẻ kinh nghiệm và thông tin ôn thi lớp 10 cho học sinh THCS. Thành viên dự án High School Help Kit (áo hồng) tư vấn cho học sinh lớp 9 kinh nghiệm ôn thi trường chuyên. Ngày 23/10, dự án High School Help Kit...